Cát Phu Nhơn
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Cát phu nhơn nguyên là vợ của Thái sử Trịnh Ngoạn ở Trường Sa. Quan Thái sử nghiên cứu nội điển tinh tường, thông hiểu rất sâu về Phật pháp.

Đến tuổi trung niên, phu nhơn thường hay đau yếu. Trịnh Thái sử để cho bà ở riêng một gian lầu, lo việc tu trì. Tại nơi đây, phu nhơn hằng chuyên niệm Phật, quanh năm chân không bước ra khỏi cửa, mọi việc có hai đứa thị tỳ giúp đỡ. Hành trì lâu ngày, ban đêm tuy bà tĩnh tọa trong bóng tối, song vẫn thường thấy một vùng ánh sáng chẳng rõ từ đâu phát ra. Tuy không hỏi việc bên ngoài, nhưng mọi sự phu nhơn đều biết trước. Đôi khi rảnh rỗi, quan Thái sử giảng luận về Phật lý cho nghe, bà đều lãnh ngộ sâu sắc hơn người thường.

Mùa xuân năm Kỷ Mùi thời Dân Quốc, phu nhơn dự biết ngày giờ lâm chung, nói với Trịnh Thái sử rằng: "Tôi xin tạm biệt vãng sanh về Cực Lạc, sau khi đắc pháp nhãn rồi, sẽ nương thuyền đại nguyện trở lại hóa độ cõi Ta Bà". Đúng thời đã định bà ngồi mãn phần, hương lạ bay thơm đầy thất.

Lời bình:

Chúng sanh do bị trần duyên che lấp nên lạc mất nguồn chân tâm trong lặng sáng suốt của mình, khi dứt trần niệm, ánh sáng của tự tâm sẽ phát sanh. Và khi tâm thanh tịnh, trí huệ thần thông cũng từ nơi đó mà hiển hiện. Cát phu nhơn thấy bạch quang, biết trước mọi việc, hiểu sâu Phật lý, đều do bà thức ngộ cảnh trần như huyễn, rũ sạch muôn duyên, một lòng niệm Phật, tâm được thanh tịnh, nên những diệu dụng sẵn có mới phát hiện ra vậy.