Châu Phu Nhơn
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Châu phu nhơn nguyên là chánh thất của Tri phủ Lý Chất Phu ở Ba Đông, và là mẹ của Lý Vân Nham, một nhơn sĩ có danh trong vùng ấy. Tánh bà vốn hiền lành, biết chút ít văn nghĩa, nhưng rất sùng tín, thường hay đem việc nhân quả nói cho bạn bè thân thuộc nghe.

Năm Ất Tỵ thời Quang Chữ nhà Thanh, bà phát nguyện ăn chay trường, tuy chưa được hiểu về Phật pháp, song mỗi ngày đều tụng kinh Cứu Khổ. Con cái trong nhà đem lòng hiếu dưỡng theo đời, khuyên ép phu nhơn dùng mặn, nhưng bà giữ chí chẳng nghe theo. Lại có vài phái ngoại đạo khuyến dụ bà vào đạo của họ, phu nhơn cũng thẳng thắn cự tuyệt.

Vào khoảng tháng 5 thời Dân Quốc thứ 11, cư sĩ Trầm Ấm Châu và Lý Vân Nham vâng lời Định Từ lão cư sĩ thành lập hội niệm Phật tại vùng ấy, thỉnh chư tăng đến diễn giảng về kinh giáo. Phu nhơn nghe nói vui vẻ tham dự vào và chánh thức xin quy y Tam Bảo. Không bao lâu bà nhiễm bịnh, song mỗi ngày vẫn cố gắng niệm Phật không dám trễ sót. Đến lúc khí lực lần suy yếu, khó ra tiếng niệm thành câu, phu nhơn vẫn cố gắng động môi sẽ niệm thầm. Tình trạng như thế kéo dài suốt hai tháng, câu niệm chưa từng gián đoạn.

Ngày mùng bốn tháng 7, phu nhơn bỗng gọi các con đến nói: "Mẹ thấy một vị tăng sĩ tướng mạo đoan nghiêm, cầm tràng phan đứng lặng yên trước mặt!". Hôm sau vào lúc hừng sáng, bà lại bảo gia nhơn rằng: "Ngày nay ta sẽ quy Tây, tất cả nên cố gắng làm lành niệm Phật!". Vân Nham biết mẹ sắp vãng sanh, vội đi thỉnh cư sĩ Ấm Châu và vài bạn đồng tu đến. Khi các liên hữu vừa tới trước cửa, liền nghe trong nhà có tiếng than khóc. Ấm Châu vội bước vào bảo: "Tất cả nên im lặng đừng khóc, và đồng chấp tay niệm Phật!". Sau khi các liên hữu và người nhà xưng hồng danh được một lúc, phu nhơn bỗng mở mắt, ra tiếng niệm Phật theo.

Được hơn mười câu, bà nín lặng an lành mà thoát hóa.

Ba hôm sau khi chôn cất xong, đêm ấy Lý Chất Phu vừa nhắm mắt mơ màng, bỗng thấy phu nhơn thân tướng sáng rỡ hiện đứng trước mặt, bảo: "Tôi đã được về cõi an vui, khuyên ông chớ lo buồn nghĩ ngợi. Điều cần thiết là nên khuyến khích Vân Nham và các con cháu trong nhà hãy cố gắng niệm Phật. Lại nên bảo mấy đứa dâu thể theo hạnh của tôi, đồng quy y Tam Bảo, niệm Phật tu hành. Đó là lời dặn tối yếu!".

Lời bình:

Trong Cổ Học Tinh Hoa có sự tích người tìm dê, vì nhiều lối rẽ nên lạc mất dê. Đây cũng là cái bịnh chung của hàng trí thức xưa nay, bởi hiểu biết rộng nên tu tập nhiều môn, rồi năng lực không theo kịp với ý muốn, kết cuộc chẳng thành tựu được môn nào cả! Châu phu nhơn tuy văn nghĩa chỉ biết thô sơ, song nhờ bà có lòng sùng tín trước sau như một, không bị con cái ép nài, ngoại đạo cám dỗ, dù đau yếu cũng chẳng rời câu Phật hiệu, nên cuối cùng được kết quả vãng sanh. Cho nên giữa đời có điểm nghịch thường: "Người khôn sáng nhiều khi ám muội, kẻ tối dốt lại hóa thông minh", là điều trên đây vậy.