Dư Phu Nhơn
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Dư phu nhơn, nguyên là con của Dư Thích Trung, vợ của cư sĩ Thích Ngạc Lâu, ở huyện Hiệp Phì tỉnh An Huy. Thích Trung từng thuyên chuyển làm quan tại các vùng Hoành Châu, Tứ Châu, Trí Châu. Mẹ của phu nhơn là Khánh thị, cảm mộng thấy vị lão ni trao cho một hạt châu mà sanh ra bà, nên phu nhơn được song thân đặt tên là Huệ Châu.

Từ thuở bé Huệ Châu đã có tánh linh mẫn, học thông kinh sử, sự hiểu biết sâu rộng hơn người. Năm 10 tuổi gặp một cơn bịnh nguy ngặt, cô mộng thấy vị lão ni dùng tay xoa vuốt, bịnh liền thuyên giảm rồi an lành. Sau khi được cha mẹ gả về nhà họ Lý, năm 23 tuổi, Huệ Châu vương bịnh nặng, lại mộng thấy vị lão ni trước cứu chữa và dạy bảo phải trì tụng kinh Kim Cang. Lúc bình phục, phu nhơn phát nguyện ngoài sự trì niệm hằng ngày, còn xin tả một trăm quyển Kim Cang Bát Nhã.

Một đêm đang lúc tả kinh, hoa đèn bỗng phát nổ tan ra thành những tia vầng như mây ráng đỏ, làm sáng rực cả nhà, hồi lâu mới tắt. Từ đó mỗi khi cầm bút tả kinh, nơi móng cái tay mặt của Huệ Châu liền hiện ra ánh sáng tròn như khuôn gương, soi thấy mặt mình cùng mọi vật chung quanh. Lúc buông bút, quang minh đó mới ẩn mất. Trong vài mươi năm đều có cảnh tượng ấy, nên phu nhơn tin Phật càng sâu. Năm 30 tuổi, Huệ Châu theo chồng trong cuộc thuyên quan đến tỉnh Hồ Bắc, thường ưa tới chùa lễ Phật và hỏi đạo nơi hai bậc tôn túc là các ngài: Nguyệt Hà, Tâm Tịnh. Hơn 40 tuổi, bà trường trai niệm Phật, quy y với Đế Nhàn đại sư, được pháp danh là Trí Đức. Mấy năm sau gia đình lại di chuyển về Tô Châu. Nơi đây, phu nhơn mở một gian tịnh thất thờ Phật rất trang nghiêm, hằng ngày tu Tịnh Độ sám lễ kinh Địa Tạng.

Năm Dân Quốc thứ 17, lúc được 52 tuổi, phu nhơn cảm bịnh nhẹ, rồi giữ câu hồng danh chánh niệm mà vãng sanh. Sau khi tắt hơi, đảnh đầu bà nóng rực hơn hai ngày mới tan. Sanh bình, phu nhơn từng cắt thịt bắp vế hai lần hòa với thuốc để trị bịnh cho cha và chồng. Lúc nhập liệm, thi thể của bà rất nhẹ nhàng, tay chân mềm dịu. Cuộc an táng hoàn tất vào chiều tối đêm trung thu nơi miền sơn cương thanh tú. Lúc ấy trên trời gương nga vằng vặc, chiếu soi một vùng rừng núi cao rộng bao la. Trăng cùng núi sáng lặng êm đềm, như thầm chứng minh cho một chân linh đã được siêu thoát, một nguồn đạo vô kim cổ, tuyệt nhị nguyên, không thể dùng sự tìm cầu hỏi han mà hiểu biết được! Bởi dù có hỏi thì: "Hỏi trăng, trăng chẳng trả lời. Hỏi hoa, hoa vẫn mỉm cười làm ngơ. Hỏi sông, sông lặng như tờ. Hỏi non, non cứ trơ trơ với mình!", như lời một vị thiền sư đã nói.