Home > Linh Cảm Ứng
Vương, Trương, Trần
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Vương thị người ở Thọ Kiều, thôn Đông, huyện Cần. Khi mới sanh ra, cô đã không chịu ăn thịt cá. Quy y Tam Bảo từ thuở bé, cô được thầy cho pháp danh là Tịnh Long. Lúc về nhà chồng, Vương thị mới bắt đầu tín hướng pháp môn Tịnh Độ, chuyên cần niệm Phật. Người chồng tánh thô bạo thường mạ nhục, cô chỉ biết làm thinh nhẫn chịu mà thôi.

Hơn 60 tuổi, Vương thị tu hành càng thêm tinh tấn. Một đêm bị người hàng xóm lén đốt nhà, bà hay được dập tắt kịp. Sau nhân đến dự Phật hội chùa Bảo Lâm, một vị t ăng Hỏi:

"Nếu lúc ấy nhà bị cháy, bà sẽ làm sao?" .

Vương thị Đáp:

"Thân này đáng nhàm chán, giả sử lâm vào hoàn cảnh như thế, tôi sẽ nương theo nhân duyên đó mà vãng sanh!" .

Hơn một năm sau, người hàng xóm lại lén phóng hỏa, lần này lửa bốc cháy nhà dữ dội. Vương thị không trốn tránh, chỉ điềm nhiên gõ mõ niệm Phật, tiếng nghe rành rẽ rõ ràng. Những người ở cách sông, ban sơ thấy khói lửa bao phủ nhà bà. Bỗng đâu giữa ánh lửa hồng, một đạo kim quang tỏa rộng bay lên xông thẳng đến mây xanh. Trong đó phưởng phất có hình bóng Vương thị đang ngồi kiết già.

Khi lửa tắt tro nguội, người nhà tìm thấy di cốt của bà còn ngồi ngay thẳng trên mặt đất.

*Lại ở ấp Hạ của huyện Cần có Trương thị, cùng với Vương thị đồng sư, pháp danh là Tịnh Âm. Lòng tín hướng niệm Phật và cảnh ngộ bất đắc ý với chồng của bà cũng tương tự như Vương thị. Tuy bị trăm điều biếm nhẻ, bà vẫn không lui sụt đạo tâm. Sau Trương thị bị chứng phong co rút, nằm trên giường bịnh vài năm, song niệm Phật không xen hở. Khi lâm chung, bà chấp tay chánh niệm mà vãng sanh, mùi hương lạ bay đầy nhà.

*Và ở Định Kiều thuộc huyện Cần có Trần thị, cũng đồng sư với Vương thị, pháp danh là Tịnh Thoại. Bà là người chơn chất thật thà, đối với sự niệm Phật cầu sanh không cò n chút nghi ngờ. Bà thường bảo: "Tôi quyết định được sanh về Cực Lạc!". Lúc lâm chung bà ngồi ngay thẳng, mỉm cười niệm Phật mà vãng sanh.

Lời bình:

Vương thị và Trương thị túc nghiệp rất nặng, nên từ khi sống đến lúc chết, trải qua nhiều nỗi tủi đau gian khổ. Tuy nhiên, nhờ lòng tín nguyện bền chắc, nên kết cuộc đều được thoại ứng lúc lâm chung. Thế nên biết nghiệp nhân kiếp trước, không làm lụy được thắng quả trong đời này. Đến như Trần thị, túc chướng nhẹ nhàng, dễ thành đạo nghiệp, sức nhẫn so lại không bền chắc bằng hai bạn kia. Song ý chí quyết cầu sanh như kẻ một đi không quay trở lại, cũng chẳng vì nhiều lối rẽ mà lạc mê đường , khiến cho người nhìn trông gương mà tinh thần sanh phấn khởi. Đây có thể gọi là "một nhà ba kiệt khách" vậy.