Home > Linh Cảm Ứng > Thien-Nhu-Dai-Su
Thiên Như Đại Sư
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Thiên Như thiền sư, họ Đàm, tự Duy Tắc, người ở Vĩnh Tân. Sau khi xuất gia, ngài đi tham học các nơi, cuối cùng lãnh thọ tâm ấn và nối dõi pháp tịch cho Trung Phong Minh Bản thiền sư.

Niên hiệu Chí Chánh năm đầu đời nhà Nguyên, thiền sư chủ trì chùa Sư Tử Lâm nơi thành Tô Châu. Các bậc tể quan trưởng giả trong thời ấy, phần nhiều đều đến học đạo với ngài. Vua thường xuống chiếu vời hỏi, ngài đều lấy duyên cớ bịnh cáo từ. Thiền sư đã mật khế thiền cơ, lại nối dõi theo tông chỉ của Tổ Thiên Thai và Vĩnh Minh, kiêm hoằng dương giáo pháp Tịnh Độ. Ngài có viết ra quyển Tịnh Độ Hoặc Vấn, phá tan các điều nghi, khuyên người niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nay xin được trích ra những đoạn răn nhắc có phần thiết yếu như sau:

 Hỏi:  Phương tu viên quán, niệm duy tâm, dường như là hành môn của bậc thượng căn. Còn mười nguyện trong kinh Hoa Nghiêm, mười tâm trong kinh Bảo Tích, cũng là công dụng của bậc đại trí. Trên đường tu, nếu căn cơ cùng giáo pháp không hợp, e cho công hạnh khó thành. Nay tôi xét lại căn tánh mình, chỉ nên chuyên trì danh hiệu, thêm lễ Phật sám hối mà thôi. Chẳng hay tôn ý như thế nào?

 Đáp:  Tốt lắm! Ông biết tự lượng đó.! Lời ông nói hợp với thuyết Chuyên tu vô gián của Tổ Thiện Đạo. Vô gián tu là: Thân chuyên lễ Phật A Di Đà, không lễ tạp. Miệng chuyên xưng danh hiệu Phật A Di Đà, không xưng tạp. Ý chuyên tưởng Phật A Di Đà, không tưởng tạp.

Có người trì danh lại kiêm quán tưởng hoặc chuyên trì danh hay chuyên quán tưởng. Trong hai điều trên, muốn dễ thấy Phật, phần nhiều pháp Trì danh là hơn. Cách xưng danh, cần phải buộc tâm đừng cho tán loạn, mỗi niệm nối nhau duyên theo hiệu Phật, từng câu từng chữ rõ ràng. Lại xưng danh hiệu Phật, chớ quản ít nhiều, duy một tâm một ý, chí thành niệm niệm nối nhau. Như thế, mỗi câu mới diệt được tội nặng trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Nếu chẳng vậy, trong mỗi câu sức diệt tội sanh phước rất kém ít, và nghiệp chướng khó mau tiêu trừ.

 Hỏi:  Người xuất gia còn phải lo việc cất chùa độ chúng, làm nhiều Phật sự. Như thế làm sao nhứt tâm để niệm Phật?

 Đáp:  Trừ bậc Bồ Tát nương theo bi nguyện tái lai để hoằng hóa, còn hạng phàm phu tăng, điều chánh yếu là phải gắng tu hành lo giải quyết vấn đề luân hồi sanh tử. Ngoài ra các việc khác đều thuộc phần thứ yếu. Nếu chẳng thế, ngày kia nghiệp khổ luân hồi đến, độ mình chưa được, còn nói độ ai? Vả lại, việc đời như mộng, dâu bể đổi thay. Biết bao chùa cảnh triều vua trước. Mà đến nay còn thấy nữa đâu? Dù cho tạo lắm chùa chiền, rộng làm Phật sự, chỉ e phải kết thân với bậc sang giàu thế lực, rồi khởi lòng đắm lợi tranh danh, chạy theo quyền vị. Những tưởng rằng mình đã nhiều việc tốt, song đâu biết đó là trái với gốc đạo, phạm đến điều răn dạy của Tổ sư. Cổ đức bảo: " Công nghiệp hữu vi, sanh nhiều tội lỗi, thiên đường chưa tạo, địa ngục trước thành, khó liễu tử sanh, đều thành gốc khổ. Dưới lớp ca sa thân người dễ mất, trong vòng thiết hỏa, phải chịu lửa gươm !. Tổ sư đã đinh ninh dạy bảo như thế, dù kẻ lòng gang dạ sắt, nếu biết xét nghĩ, nghe rồi cũng phải rơi lệ. Cho nên, nếu chẳng lấy sự giải thoát làm chánh yếu, ngày sau hối hận cũng không kịp !

 Hỏi:  Kinh nói: Một đời tạo ác, khi lâm chung dùng mười niệm xưng danh hiệu Phật, cũng được đới nghiệp vãng sanh”. Thế thì bây giờ, tôi cứ buông thả theo duyên đời, đợi lúc sắp chết sẽ niệm Phật, có được chăng ?

 Đáp:  Lầm thay ! Khổ thay ! Lời này đã làm hại chính mình, lại gây hại cho hàng tăng, tục, nam, nữ trong đời nữa! Kinh văn nói vẫn không sai, nhưng trong ấy còn có mật ý sâu xa mà duy bậc trí huệ mới hiểu thấu suốt. Phải biết kẻ phàm phu nghịch ác khi lâm chung niệm Phật được, là do kiếp trước đã có căn lành, nên khiến cho gặp bậc thiện tri thức chỉ bảo, mới được sự may mắn trong muôn một ấy thôi. Luận Quần Nghi nói: “Có mười hạng người khi lâm chung không niệm Phật được:

1. Khó gặp bạn lành, nên không người khuyên niệm.

2. Đau bịnh, nghiệp chướng làm khổ thân tâm, nên không an ổn rỗi rảnh để niệm Phật.

3. Trúng phong cứng họng, nói không ra tiếng.

4. Cuồng loạn mất sự sáng suốt.

5. Thình lình gặp tai nạn nước, lửa.

6. Bỗng bị ác thú vồ ăn thịt.

7. Bị bạn ác phá hoại lòng tin.

8. Hôn mê mà chết.

9. Thoạt chết giữa quân trận.

10. Từ nơi chỗ cao té xuống.

Những việc trên đây trong đời thường có, bất luận tăng hay tục. Đó là do túc nghiệp hoặc hiện nghiệp chiêu cảm, bỗng nhiên xảy ra, không kịp trốn tránh. Nếu chẳng may gặp một trong mười việc trên đây, thì lúc thiếu duyên lành hay bất cập đó, làm sao mà niệm Phật? Chừng đó dù cho có Đức Phật sống cũng không cứu nổi, phải tùy nghiệp chịu khổ đọa trong cảnh bát nạn tam đồ. Bấy giờ muốn nghe danh niệm Phật. Cũng không dễ gì được!

Nếu không bị những ác duyên trên, thọ bịnh sơ sài mà qua đời, e cho khi lâm chung thân tứ đại ly tán, chịu sự đau đớn vô hạn, dường như con cua rớt vào lửa, hay con đồi mồi sống bị đắp nước sôi gỡ vảy. Trong lúc thống khổ bức bách, bối rối kinh hoàng ấy, đâu có rỗi rảnh để niệm Phật?

Ví như không bị đau bịnh mà mãn phần, lại e duyên đời chưa dứt, niệm tục khó quên, tham sống sợ chết, tâm tình rối loạn không yên. Thêm vào đó, việc nhà chưa phân minh, chuyện sau chưa sắp đặt, vợ con khóc than kêu gọi, trăm mối lo sợ đau buồn, như thế làm sao niệm Phật được?

Lại ví như trước khi chưa chết, chẳng may vương chút bịnh khổ nơi thân, đã rên rỉ đau đớn, chạy thuốc tìm thầy, lo việc khẩn cầu cúng tế, tạp niệm rối ren, làm sao niệm Phật được?

Giả sử trước khi chưa đau bịnh mãn phần, thì bị sự khổ suy già lụm cụm, nhiều mối áo não buồn lo, e cho an bài những việc trên cái thân suy lão còn chưa xong, vị tất an lòng để niệm Phật?

Lại giả sử trước khi chưa già, còn đang trẻ trung khỏe mạnh, hoặc như tâm cao vọng chưa tiêu dứt, việc thế tục buộc ràng, rong ruổi đông tây, suy vầy tính khác, nghiệp thức mênh mang, cũng không niệm Phật được!

Cho giả sử kẻ được an nhàn mạnh khỏe, có chí tu hành, nếu không nhìn thấu cảnh đời là huyễn mộng, thân tuy được yên, nhưng tâm còn bấn loạn. Trong cảnh nhìn chưa thấu, nắm chưa chắc, đạp chưa vững, không thể buông bỏ muôn duyên ấy, khi gặp việc đến chẳng thể tự chủ, theo cảnh mà đảo điên, cũng không thể niệm Phật được!

Ông thử xét lại, đừng nói chi lúc sắp chết hay già bịnh, ngay trong khi còn trẻ trung khỏe mạnh, được no ấm nhàn nhã có chí tu hành, nếu chưa sáng suốt dứt khoát, bị một việc đeo đẳng nơi lòng, còn không niệm Phật được thay, huống chi là đợi đến lâm chung ? Lại còn bảo cứ buông thả theo duyên đời, ông thật là người mê nói việc si, chỗ dụng tâm còn rất lạc lầm nông nỗi!

Cho nên ông phải xét nghĩ kiếp người mong manh ngắn ngủi, như lửa nháng thân đá, như chớp giựt lưng trời, mới còn đó đã mất đi, có chi là trường cửu? Phải nhận định cho chắc, rồi thừa lúc chưa già chưa bịnh, gác qua thế sự, rủ sạch thân tâm, được một ngày quang âm, lo một ngày niệm Phật, được một khắc rỗi rảnh, tu một khắc công phu. Như thế đến lúc lâm chung mọi việc an bài, trời Tây cũng sẵn mở lối đường quang đãng! Bằng chẳng thế đến khi duyên nghiệp đối đầu, chừng ấy ăn năn đã muộn! Nên suy nghĩ kỹ!

Hỏi:  Lời ngu giả đã tu thành lỗi lầm, dù có dong xe bốn ngựa cũng không thể vớt lại kịp ! Nghe qua mấy điều đại sư chỉ dạy, ai lại chẳng lạnh lòng ! Hiềm vì nỗi lòng người tuy dễ tinh tấn song cũng dễ thối lui, khi nghe lời khuyên nhắc thì dõng mãnh siêng năng, lúc gặp việc chi chướng ngại, lại giải đãi ngã theo hướng khác. Phần đông đều bảo: kết quả của sự niệm Phật có lẽ đợi sau khi chết rồi, còn hiện tại chỉ thấy nhọc nhằn mà không lợi ích chi thiết thật cả. Phải chăng đó cũng là duyên cớ thích đáng, trong sự thối tâm biếng trễ của người tu?

Đáp:  Chỗ thấy của ông chưa được rộng. Trong kinh nói: Người nào chí tâm thọ trì danh hiệu Phật, hiện đời sẽ được mười điều thắng lợi:

1. Ngày đêm thường được tất cả chư Thiên, Đại lực thần tướng và hằng sa quyến thuộc ẩn hình ủng hộ.

2. Thường được hai mươi lăm vị đại Bồ Tát như Đức Quán Thế Âm và tất cả Bồ Tát theo ủng hộ bên mình.

3. Hằng được chư Phật ngày đêm hộ niệm. Đức A Di Đà thường phóng ánh sáng nhiếp thọ người ấy.

4. Tất cả ác quỉ như Dọa xoa, La sát đều không thể làm hại. Tất cả rồng độc, rắn độc và thuốc độc đều không thể xâm phạm.

5. Không bị những tại nạn như: nước trôi, lửa cháy, giặc oán, đao tên, gông xiềng, tù ngục, hoạnh tử.

6. Những nghiệp ác về trước lần lượt tiêu diệt. Những oan mạng bị đương nhơn giết, nhờ công đức niệm Phật, đều được giải thoát, không còn theo báo phục.

7. Đêm nằm nghỉ yên ổn, hoặc mơ thấy điềm lành, hay thấy sắc thân thắng diệu của Phật A Di Đà.

8. Tâm thường an vui, nhan sắc sáng nhuận, khí lực đầy đủ, việc làm có kết quả tốt đẹp.

9. Thường được mọi người kính trọng giúp đỡ, hoặc hoan hỷ lễ bái cũng như kính Phật.

10. Khi lâm chung tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện ra, được thấy Phật A Di Đà và các Thánh chúng tay bưng đài vàng tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc, cùng tận kiếp vị lai hưởng thọ sự vui nhiệm mầu.

Mười điều lợi ích như trên, chính do kim khẩu của Như Lai nói ra, mà kinh văn đã ghi chép lại. Niệm Phật đã có lợi ích trong hiện tại và tương lai như vậy, thì đó chính là pháp khẩn yếu trong môn thế và xuất thế gian. Cho nên người tu chỉ gắng tinh tấn, đừng mang tâm niệm hoài nghi.

Đại sư ngoài việc hoằng pháp lợi sanh, còn tự tu hành rất tinh tấn. Ngài nhập diệt vào năm Hồng Võ ngươn niên đời nhà Minh. Khi tịch điềm lành hiện ra rất nhiều, thọ được 71 tuổi.