Home > Khai Thị Phật Học > Ngay-Thu-Nam-Giai-Thich-So-Luoc-Ve-Giao-Nghia-Luc-Tuc-Cua-Tong-Thien-Thai
Ngày Thứ Năm: Giải Thích Sơ Lược Về Giáo Nghĩa Lục Tức Của Tông Thiên Thai,
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Pháp môn Tịnh Ðộ thích hợp khắp ba căn, thâu nhiếp lợi căn lẫn độn căn, khế lý, khế cơ, chí viên, chí đốn, đúng là pháp môn lợi lạc chúng sanh duy nhất vô thượng. Nhưng con người hiện tại, có kẻ tự cao, tự đại bảo: “Chúng sanh tức là Phật thì ta chính là Phật, sao lại phải niệm Phật?”, kẻ thì lại cho rằng: “Ta đã là phàm phu khổ não, làm sao có thể liễu thoát sanh tử, chỉ cầu kiếp sau chẳng mất thân người mà thôi!” Hai hạng người này đều vì chẳng hiểu rõ nhân quả mà thành ra như thế ấy. Bởi vậy, hôm nay tôi vẫn giảng về nhân quả.

Phải biết “chúng sanh tức là Phật” [chỉ cho] cái nhân chân thật là Phật tánh sẵn có đủ. Nếu chẳng tu hạnh Niệm Phật mầu nhiệm, Phật tánh chẳng do đâu hiển hiện được thì làm sao đạt được thật quả “giải thoát sanh tử, thành tựu Phật đạo” đây? Ví như gương báu đóng bụi, quang minh chẳng hiện, chứ thật ra chẳng mất! Nếu chịu ra sức lau chùi, mài giũa thì gương sẽ tự có thể chiếu trời soi đất. Nếu nói: “Ta là phàm phu khổ não, chẳng thể vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, cho đến thành Phật” thì lại chính là lời lẽ của kẻ nghiệp chướng sâu nặng, tự cam chịu đọa lạc. Vả nữa, người đời nay có kẻ đánh cờ, xoa mạt chược đến nỗi mệt quá rồi chết, chẳng biết là bao nhiêu! Nếu họ có thể vận dụng sự khổ nhọc ấy vào chuyện tu hành niệm Phật thì lo gì chẳng vãng sanh Tây Phương, chứng lên đến Phật quả ư? Bởi lẽ, Phật vốn chỉ là một chúng sanh tu trì, chứng đắc Phật quả mà thôi.

Thiên Thai Trí Giả Ðại Sư đời Tùy soạn cuốn Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ, đã lập ra giáo nghĩa Lục Tức Phật để đối trị căn bệnh lớn “cam chịu đọa lạc” và bệnh “tự tôn, tự đại sai lầm”. Lục Tức Phật là: một là Lý Tức Phật, hai là Danh Tự Tức Phật, ba là Quán Hạnh Tức Phật, bốn là Tương Tự Tức Phật, năm là Phần Chứng Tức Phật, sáu là Cứu Cánh Tức Phật. “Lục”: Minh thị thứ lớp sâu cạn, “Tức”: Chỉ rõ ngay nơi Thể chính là Phật. Ví như trẻ sơ sanh hình thể chẳng khác gì cha mẹ, nhưng sức lực, khả năng khác biệt rất xa. Bởi thế, chẳng thể bảo đứa bé con ấy chẳng phải là người, nhưng cũng chẳng thể sai nó gánh vác chuyện của người đã trưởng thành được. Nếu biết rõ “tuy sáu mà thường tức” thì sẽ chẳng sanh lui sụt. Nếu hiểu “tuy tức mà thường sáu” sẽ chẳng sanh lòng tăng thượng mạn. Từ đó, nỗ lực tu trì, sẽ từ phàm phu mà viên chứng Phật quả, do Lý Tức Phật mà thành Cứu Cánh Tức Phật vậy.

1. Lý Tức Phật là hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh. Tuy trái phản Chánh Giác, xuôi theo trần lao, luân hồi trong Tam Ðồ, Lục Ðạo, nhưng công đức của Phật Tánh vẫn tự đầy đủ, cho nên gọi là Lý Tức Phật, coi Lý Thể của tâm chính là Phật vậy. Vô Cơ Tử[42] làm bài tụng rằng:

Ðộng, tịnh lý toàn thị

Hành, tàng sự tận phi,

Minh minh tùy vật khứ,

Yểu yểu bất tri quy.

(Ðộng, tịnh toàn là lý,

Hành, tàng chẳng trúng gì,

Tối tăm theo đuổi vật,

Mờ mịt chẳng biết về)

Do hết thảy chúng sanh chưa nghe Phật pháp, chẳng biết tu trì, nhưng nhất niệm tâm thể vẫn hoàn toàn giống như Phật. Vì thế mới bảo là: “Ðộng, tịnh toàn là lý”. Do mê lầm tự tâm, tạo các sự nghiệp nên mới bảo “Hành, tàng chẳng trúng gì” (Hành là hoạt động, tàng là ở yên), vì mọi việc làm đều chẳng tương ứng Phật Tánh. Suốt ngày, suốt năm, tối tăm, mờ mịt ruổi theo vật dục (lòng ham muốn vật chất) phiền não, vọng tưởng, từ sống đến chết chẳng hề biết hồi quang phản chiếu (xoay trở lại xét soi cái tâm), nên bảo là: “Tối tăm theo đuổi vật, mờ mịt chẳng biết về”.

2. Danh Tự Tức Phật là hoặc do từ thiện tri thức, hoặc từ kinh điển mà biết rằng tâm vốn sẵn đủ Phật Tánh tịch chiếu viên dung, bất sanh, bất diệt. Thông suốt hiểu rõ nơi danh tự, biết hết thảy pháp đều là Phật pháp, hết thảy chúng sanh đều có thể thành Phật. Ðó gọi là “nghe danh tự Phật tánh liền hiểu rõ, thấu suốt Phật pháp”. Kệ tụng rằng

Phương thính vô sanh khúc,

Thỉ văn bất tử ca,

Kim tri đương thể thị

Phiên hận tự tha đà.

(Vừa nghe khúc vô sanh,

Mới nghe bài bất tử,

Liền biết ngay đương thể,

Tiếc đã trót lần khân)

[Ý nói]: Từ trước đến nay chỉ biết sanh tử luân hồi không lúc nào kết thúc; nay biết Phật Tánh chân thường, bất sanh, bất diệt, đã biết đương thể (ngay nơi bản thể) chính là cái nhân chân chánh để thành Phật liền gấp gáp tu trì, còn hận từ trước đến nay mình bỏ uổng quang âm (thời gian) đến nỗi chưa thể thật sự chứng đắc!

3. Quán Hạnh Tức Phật là nương theo Giáo tu Quán, tức là địa vị Ngoại Phàm[43] Ngũ Phẩm trong Viên Giáo. Ngũ Phẩm là:

a. Tùy Hỷ Phẩm: Nghe pháp Thật Tướng, tin hiểu, tùy hỷ.

b. Ðộc Tụng Phẩm: Đọc tụng kinh Pháp Hoa và các kinh điển Ðại Thừa để hỗ trợ quán hạnh và sự hiểu biết.

c. Giảng Thuyết Phẩm: Tự nói những điều mình tự chứng hiểu (nội giải) để chỉ dạy, dắt dẫn làm lợi cho người khác.

c. Kiêm Hành Lục Ðộ Phẩm: Kiêm tu Lục Ðộ để giúp cho quán tâm.

e. Chánh Hành Lục Ðộ Phẩm: Lấy việc hành Lục Ðộ làm hạnh chánh yếu, tự mình hành, dạy người khác hành, Lý Sự đầy đủ. Quán Hạnh càng thêm thù thắng. Kệ tụng rằng:

Niệm niệm chiếu thường lý

Tâm tâm tức huyễn trần

Biến quán chư pháp tánh

Vô giả diệc vô chân.

(Niệm niệm chiếu thường lý,

Tâm tâm bặt huyễn trần

Quán khắp các pháp tánh,

Không giả cũng không chân)

Ðã viên ngộ (ngộ trọn vẹn) Phật tánh, nương theo Giáo tu Quán, đối trị phiền não tập khí nên bảo là: “Niệm niệm chiếu thường lý, tâm tâm bặt huyễn trần”. Hiểu rõ một sắc, một hương không thứ gì chẳng phải là Trung Ðạo; hết thảy các pháp không pháp nào chẳng phải là Phật pháp, hết thảy chúng sanh đều sẽ thành Phật, cho nên nói: “Quán khắp các pháp tánh, không giả cũng không chân”.

4. Tương Tự Tức Phật là tương tự giải phát (gần giống như đã giải ngộ, phát khởi), tức là địa vị Nội Phàm thuộc Thập Tín trong Viên Giáo. Sơ Tín đoạn Kiến Hoặc, Thất Tín đoạn Tư Hoặc; Bát, Cửu, Thập, Tín đoạn Trần Sa Hoặc. Kệ tụng rằng:

Tứ Trụ tuy tiên thoát,

Lục trần vị tận không

Nhãn trung do hữu ế

Không lý kiến hoa hồng.

(Trước đã thoát Tứ Trụ,

Nhưng sáu trần chửa không,

Mắt vẫn còn màng mộng

Thấy hoa đốm trên không)

Tứ Trụ là:

a. Kiến Nhất Thiết Trụ Ðịa chính là Kiến Hoặc trong Tam Giới.

b. Dục Ái Trụ Ðịa chính là Tư Hoặc trong Dục Giới.

c. Sắc Ái Trụ Ðịa tức là Tư Hoặc trong Sắc Giới.

d. Hữu Ái Trụ Ðịa tức là Tư Hoặc trong Vô Sắc Giới.

Sơ Tín đoạn Kiến Hoặc, Thất Tín đoạn Tư Hoặc nên bảo là: “Trước đã thoát Tứ Trụ”. Nhưng do tập khí sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp chưa hết, nên bảo là: “Nhưng sáu trần chửa không”. Ở đây chỉ luận về địa vị Thất Tín, chứ Bát, Cửu, Thập Tín đã phá được Trần Sa Hoặc nên tập khí đã hoàn toàn rỗng không. Tập khí là những dư âm của các Chánh Hoặc (các phiền não chánh yếu). Giống như cái mâm đựng thịt dù đã rửa sạch, vẫn còn có mùi hôi; bình đựng rượu tuy đã súc kỹ vẫn còn có mùi rượu. “Mắt vẫn còn màng mộng, thấy hoa đốm trên không” là: Vì chưa phá Vô Minh nên chưa thể thấy được bản thể của Chân Không Pháp Giới.

5. Phần Chứng Tức Phật là ở [giai đoạn] Thập Tín hậu tâm[44], phá một phần Vô Minh, chứng một phần Tam Ðức, liền bước vào Sơ Trụ, chứng Pháp Thân, là Pháp Thân Đại Sĩ. Từ Sơ Trụ đến Đẳng Giác, tổng cộng là bốn mươi mốt địa vị, mỗi địa vị đều phá được một phần vô minh, chứng một phần Tam Đức, nên gọi là Phần Chứng Tức Phật. Do vô minh chia làm bốn mươi hai phẩm, Sơ Trụ phá một phần, cho đến Thập Trụ phá được mười phần. Trải qua [các địa vị] Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Ðịa cho đến Ðẳng Giác [lần lượt] phá được bốn mươi mốt phần. Bậc Sơ Trụ có thể hiện thân làm Phật trong thế giới không có Phật, lại còn tùy loại hiện thân độ thoát chúng sanh. Thần thông đạo lực của bậc này chẳng thể nghĩ bàn, huống hồ là càng lên mỗi địa vị trên càng thù thắng hơn nữa, nhất là địa vị thứ bốn mươi mốt là Ðẳng Giác Bồ Tát ư? Kệ tụng rằng:

Hoát nhĩ tâm khai ngộ

Trạm nhiên nhất thiết thông

Cùng nguyên do vị tận

Thường kiến nguyệt mông lung.

(Ðột nhiên tâm khai ngộ,

Lặng trong hết thảy thông,

Vẫn chưa thông tận gốc

Trăng thường thấy mông lung)

“Ðột nhiên tâm khai ngộ, lặng trong hết thảy thông” là nói về cảnh tượng phá được vô minh đôi phần, chứng ngộ đôi phần. “Vẫn chưa thông tận gốc, trăng thường thấy mông lung” ý nói còn có mây vô minh [che lấp] nên chưa thể thấy thấu tột ánh sáng của vần trăng thiên chân trong tự tánh.

6. Cứu Cánh Tức Phật là từ Ðẳng Giác lại phá một phần Vô Minh nên [thấu đạt] tột cùng Chân Tánh, hết sạch Hoặc, phước huệ viên mãn, chứng ngộ triệt để Chân Như Phật Tánh sẵn có ngay trong tâm mình, đạt địa vị Diệu Giác, thành đạo Vô Thượng Bồ Ðề. Kệ tụng rằng:

Tùng lai chân thị vọng

Kim nhật vọng giai chân

Ðản phục bản thời tánh

Cánh vô nhất pháp tân.

(Từ trước, chân là vọng

Hôm nay, vọng đều chân,

Chỉ khôi phục bản tánh

Có pháp nào mới đâu?)

“Từ trước chân là vọng” là trước khi ngộ thì cũng chỉ từ “Ngũ Uẩn đều là không” này mà lầm sanh chấp trước [khiến cho] Sắc Pháp, Tâm Pháp nương theo nhau thành lập, khổ ách theo đó sanh ra. Sau khi đã ngộ rồi, tuy vẫn chỉ là Ngũ Uẩn này, nhưng toàn thể đều là một Chân Như, trọn chẳng có tướng Sắc, Tâm, Ngũ Uẩn để được. Vì thế, bảo là: “Từ trước chân là vọng. Hôm nay, vọng đều chân”. Nhưng cái Chân được chứng ấy nào phải là điều gì mới đạt được, chẳng qua là phục hồi lại Chân Như Phật Tánh sẵn có đó thôi, vì thế bảo: “Chỉ khôi phục bản tánh, có pháp nào mới đâu?”

Lại nữa, chúng sanh còn mê thì thấy Phật, Bồ Tát và hết thảy chúng sanh đều là chúng sanh, cho nên hủy báng Phật pháp, sát hại chúng sanh, chẳng biết là tội lỗi; trái lại còn coi đó là vui. Ðức Phật đã triệt ngộ cái tâm “tâm, Phật, chúng sanh cả ba không sai biệt”, thấy hết thảy chúng sanh hoàn toàn là Phật. Vì thế đều vì kẻ oán, người thân thuyết pháp khiến cho họ được độ thoát; dẫu là kẻ cực kỳ ác nghịch không tin, tâm [Phật] cũng không hề có một niệm buông bỏ vì Phật thấy thấu suốt kẻ đó chính là một vị Phật chưa thành vậy.

Sáng hôm nay, ông Hoàng Hàm Chi bảo tôi rằng: Pháp Sư Viên Anh nói đạo tràng sắp viên mãn; ngày hoàn mãn sẽ cử hành phóng sanh. Ðến ngày Mười Sáu sẽ nói về Tam Quy, Ngũ Giới, xin tôi vì đại chúng giảng đại ý của sự phóng sanh và thọ Tam Quy, Ngũ Giới ngõ hầu mọi người cùng phát tâm lợi người, lợi vật. Bởi thế, chẳng thể không tuyên nói. Pháp hội này nhằm để hộ quốc tức tai. Nếu suy xét đến tận cùng nguyên do phát khởi tai nạn thì phần nhiều là vì sát sanh mà ra. Vì thế, muốn ngưng dứt sát nghiệp, phải bắt đầu từ việc kiêng giết chóc, ăn chay, bảo vệ, tiếc thương sanh mạng loài vật và chuộc mạng loài vật. Mọi người ai nấy phải nên phát tâm bảo vệ, thương tiếc sanh mạng loài vật. “Muốn biết binh đao trong cõi thế, lò mổ xin nghe tiếng nửa đêm”. Hãy giữ hai câu ấy làm lời răn nhắc, tận lực kiêng dè.

Ý nghĩa của việc phóng sanh là khiến cho mọi người phát tâm bảo vệ mạng sống của chúng sanh. Chính mình phóng sanh, đương nhiên sẽ chẳng sát sanh nữa. Dẫu chính mình chẳng phóng sanh, trông thấy người khác phóng sanh, lẽ nào còn nỡ sát sanh? Nếu ai nấy bảo vệ, thương tiếc sanh mạng, chẳng tàn hại nữa sẽ tiêu được sát kiếp, chuyển được vận nước. Nhưng người đời vẫn có kẻ một mặt bỏ tiền phóng sanh, một mặt vẫn sát sanh, ăn thịt như thường. Như vậy, dù có chút công đức phóng sanh, làm sao địch nổi tội lỗi sát sanh lớn lao! Hiện thời, hội này dự định trong ngày viên mãn sẽ cử hành phóng sanh, xin các vị phát tâm thí tiền giúp cho, tự lợi, lợi vật, công đức chẳng thể nghĩ bàn. Còn như [tiền] cúng dường của đệ tử quy y lần này, Ấn Quang quyết định dùng hết vào việc cứu trợ tai nạn, trọn chẳng lấy dùng một đồng nào! Bởi lẽ, tôi là một ông Tăng trơ trọi, đã không có chùa miếu, lại cũng chẳng có đồ đệ, trừ thức ăn, quần áo ra, để dành tiền làm gì? Mai kia mạng chung, sau khi hỏa thiêu, đem tro rải xuống biển cả, chẳng cần phải tạo tháp và làm bất cứ [hình thức] kỷ niệm nào!

Ngay cả việc quy y đây, tôi vốn chẳng thuận từ đầu, nhưng bởi pháp sư Viên Anh và cư sĩ Khuất Văn Lục thiết tha khuyên bảo, viện lẽ những người phát tâm cầu pháp ân cần, vì thỏa mãn ý nguyện của họ, vì tình chẳng thể khước từ, nên đành chấp thuận. Tôi vốn xem nhẹ tiền bạc, chẳng giống những người khác, mỗi tên đệ tử phải xuất tiền “hương kính”[45] bao nhiêu đó mới chấp thuận cho quy y. Tôi thì không tiền cũng quy y được, chỉ cần người ấy có tâm thành kính tu trì mà thôi. Bởi lẽ, chẳng thể coi chuyện quy y như chuyện mua bán, cần phải ra giá bao nhiêu đó mới mua được hàng hóa đáng giá chừng đó! Có như vậy thì mới là tín đồ chân thật quy y Phật pháp, mới có thể đạt đại lợi ích liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Ngày Thứ Năm: Giải Thích Sơ Lược Về Giáo Nghĩa Lục Tức Của Tông Thiên Thai,

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
2.    Ấn Quang Đại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai Ở Thượng Hải, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
3.    Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Thiện Tương Khuyến | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
7.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên Tập 1, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
8.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
9.    Diệu Liên Đại Sư Khai Thị Tập 1, Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Linh Nham Tùng Thư, Việt Dịch
10.    Diệu Liên Đại Sư Khai Thị Tập 2, Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Linh Nham Tùng Thư, Việt Dịch
11.    Khai Thị 1, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
12.    Khai Thị 2, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
13.    Khai Thị 3, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
14.    Khai Thị 4, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
15.    Khai Thị 5, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
16.    Khai Thị 6, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
17.    Quy Tắc Trợ Niệm Lâm Chung Và Pháp Ngữ Khai Thị, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam