50 năm thuyết giáo, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cả vạn pháp môn. Trong đó, duy có pháp môn Tây phương Tịnh Độ, Đức Bổn Sư giảng dạy rất nhiều lần hơn cả và cặn kẽ hơn cả. Cứ đây mà xét, đủ thấy rằng pháp môn này rất thích hợp và rất lợi ích cho người nhứt. Dưới đây tôi sẽ tuần tự giới thiệu các Kinh dạy về pháp môn này mà tôi đã được đọc, đồng thời lược chép vài đoạn văn thiết yếu trong ấy, hầu giúp thêm tài liệu nghiên cứu và khải tín cho các bạn đồng tu. Ngoài ra, tôi tin rằng còn rất nhiều Kinh giảng về pháp môn này mà tôi chưa được đọc tới, mong nó sẽ được bổ túc ở các bậc đa văn.
1.- ĐẠI A DI ĐÀ KINH
Nguyên đồng một bổn văn Phạn, dịch thành năm bổn văn Hán :
A - Vô Lượng Bình Đẳng Thanh Tịnh Giác Kinh
B - Vô Lượng Thọ Kinh
C - A Di Đà Kinh
D - Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh
E - Bửu Tích Kinh Vô Lượng Thọ Như Lai Hội
Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở tại thành Vương Xá, núi Linh Thứu, vì Di Lặc Bồ Tát và A Nan Đà Tôn giả mà nói về nhơn hạnh bổn nguyện và quả địa của Đức A Di Đà Phật, Giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc. (Từ Pháp Tạng Tỳ kheo phát 48 điều đại nguyện, vô số kiếp tu nhơn v.v... cho đến thành Phật nơi Cực Lạc).
2.- QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH
Đức Thích Ca ở tại Vương Xá thành, núi Kỳ Xà Quật, vì Hoàng thái hậu Vi Đề Hi mà giảng về cõi Cực Lạc và Đức Phật A Di Đà. Đồng thời dạy rành mười sáu phép điều quán. (Từ pháp quán mặt trời lặn nhẫn đến cửu phẩm vãng sanh. Trong đây tả cảnh Cực Lạc cùng thân hình Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí rất rõ).
3.- PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH
Đức Bổn Sư ở Tinh xá Kỳ Hoàn nước Xá Vệ, kêu ông Xá Lợi Phất mà nói về Đức Phật A Di Đà và tả cảnh trang nghiêm thanh tịnh của Cực Lạc thế giới cùng hết lời khuyên mọi người nên tín hướng niệm Phật cầu vãng sanh. Có cả chư Phật lục phương đồng lên tiếng chứng minh và khuyên chúng sanh tín hướng.
(Ba bộ Kinh trên đây giảng nói về Tây phương Tịnh Độ rành rẽ và đầy đủ nhứt, muốn rõ xin xem nguyên bổn).
4.- CỔ ÂM THANH VƯƠNG KINH
Đức Phật Thích Ca giảng tại Chiêm Ba Đại Thành. Trong ấy nói nếu hàng tại gia hay xuất gia thọ trì danh hiệu của Phật A Di Đà, đến khi mạng chung, Phật A Di Đà và Thánh chúng tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc thế giới v.v...
5.- A DI ĐÀ PHẬT KỆ KINH
Trong đây toàn văn kệ, Đức Bổn Sư thuật và khen Đức A Di Đà.
6.- HOA NGHIÊM KINH NHẬP PHÁP GIỚI PHẨM
Giải Thoát Trưởng giả bảo Thiện Tài Bồ Tát : “Ta nếu muốn thấy Đức Vô Lượng Thọ Như Lai (A Di Đà Phật) ở An Lạc thế giới (Cực Lạc) tùy ý liền thấy v.v...
7.- HOA NGHIÊM KINH HẠNH NGUYỆN PHẨM
Đức Phổ Hiền khuyến tấn Thiện Tài Bồ Tát và đại chúng Bồ Tát tu mười nguyện lớn. Đến lúc mạng chung, thân căn hư rã, quyến thuộc tiền của đều lìa tan, chỉ có nguyện lớn này theo mãi không rời, sẽ đưa người vãng sanh Cực Lạc thế giới. Đến Cực Lạc liền thấy Đức Phật A Di Đà, cùng thấy Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Di Lặc các vị đại Bồ Tát. Tự thấy mình sanh trong hoa sen, được Phật A Di Đà thọ ký. Khi đã được thọ ký, có sức trí huệ, tùy cơ của chúng sanh trong vô lượng thế giới ở mười phương mà giáo hóa lợi ích v.v... Nhẫn đến có thể vào trong biển đại khổ phiền não cứu vớt chúng sanh làm cho ra khỏi và đều được sanh về Cực Lạc thế giới của Đức Phật A Di Đà v.v...
8.- DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
Trong phẩm Dược Vương, Đức Phật Thích Ca nói : “Người nghe Kinh điển này đúng như chỗ Kinh dạy mà tu hành, sau khi mạng chung liền được sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Sanh trong hoa sen trên tòa báu, ở chung với chúng đại Bồ Tát, liền được Bồ Tát thần thông vô sanh pháp nhẫn. Được pháp nhẫn này rồi, nhãn căn thanh tịnh thấy được trăm vạn hai ngàn ức na-do-tha hằng sa chư Phật Như Lai v.v...”.
9.- THỦ LĂNG NGHIÊM KINH
Đại Thế Chí Bồ Tát bạch Phật Thích Ca : Tôi nhớ hằng hà sa kiếp xưa, có Phật Vô Lượng Quang ra đời... rồi đến Phật Vô Biên Quang ra đời. 12 Đức Phật ra đời trong một kiếp. Đức Phật thứ 12 hiệu Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy tôi pháp niệm Phật Tam muội : “Ví như hai người, một thời chuyên nhớ, còn người kia thời chuyên quên, hai người như thế, hoặc gặp nhau cũng thành không gặp, hoặc thấy nhau cũng như không thấy. Hai người ấy mà nhớ nhau cho sâu chặt, thời đời đời không xa rời nhau, đồng như hình với bóng. Chư Phật thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con... Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền và đương lai tất định thấy Phật, cách Phật không xa. Chẳng cần phương tiện, tự động tâm trí khai thông. Như người ướp dầu thơm, nơi thân có mùi thơm, đây gọi là hương quang trang nghiêm. Nhơn địa của tôi do tâm niệm Phật, nhập vô sanh nhẫn. Nay tôi ở thế giới Ta Bà này nhiếp người niệm Phật về Cực Lạc Tịnh Độ...”
10.- BỬU TÍCH KINH
Đức Bổn Sư nói với Phụ vương (Tịnh Phạn Vương) : “Tất cả chúng sanh đều là Phật. Phụ vương nên niệm Tây phương thế giới A Di Đà Phật thường siêng tinh tấn sẽ được thành Phật”. Vương hỏi : “Thế nào tất cả chúng sanh là Phật ?”. Đức Bổn Sư giảng : “Tất cả quyết vô sanh, không động lay, không thủ xả, không tướng mạo, không tự tánh. Nên an trụ tâm mình trong Phật pháp này chớ tin nơi khác”. Bấy giờ Phụ vương cùng bảy vạn người dòng Thích, nghe Phật giảng, tin hiểu vui mừng ngộ vô sanh nhẫn. Đức Phật mỉm cười mà nói kệ rằng :
Họ Thích có trí quyết định
Thế nên ở nơi Phật pháp
Quyết định tin, tâm an trụ
Sau khi bỏ thân người đây
Được sanh về nước An lạc (Cực Lạc)
Gần gũi Phật A Di Đà
Chứng vô úy thành Bồ-đề.
11.- BỬU TÍCH KINH
Phật Thích Ca bảo Di Lặc Bồ Tát phát tâm mười điều, được vãng sanh Cực Lạc :
1) Ở nơi chúng sanh có tâm đại bi, không bức não.
2) Ở nơi chúng sanh có tâm đại từ, không tổn hại.
3) Có tâm thủ hộ Phật pháp, không tiếc thân mạng.
4) Có tâm thắng nhẫn, không chấp trước đối với tất cả pháp.
5) Có tâm ý nhạo thanh tịnh, không tham lợi dưỡng cung kính tôn trọng.
6) Có tâm luôn cầu Phật trí không lúc nào quên.
7) Có tâm tôn kính chúng sanh không hề khinh rẻ.
8) Có tâm quyết định nơi Bồ-đề phần, không mê theo thế luận.
9) Vun trồng thiện căn với tâm thanh tịnh không tạp nhiễm.
10) Khởi tâm niệm Phật xa lìa các tướng.
Trên đây gọi là Bồ Tát phát tâm mười điều. Do tâm này sẽ được vãng sanh. Nếu trong mười tâm ấy, bất luận thành tựu một tâm nào, mà ưa thích vãng sanh Cực Lạc thế giới của Phật A Di Đà, thời quyết định được sanh.
12.- BÁT CHU TAM MUỘI KINH
Đức Phật Thích Ca bảo Bát Đà Hoa Bồ Tát : Nếu Sa môn hay bạch y nghe Tây phương A Di Đà Phật, rồi thường niệm được nhứt tâm trong một ngày đêm hay đến bảy ngày đêm. Sau bảy ngày thấy A Di Đà Phật. Ví như chỗ thấy trong chiêm bao, không biết là đêm hay ngày, không phân là trong hay ngoài, không phải vì tối mà chẳng thấy, không phải vì nhà vách ngăn che mà chẳng thấy... bèn thấy Đức A Di Đà Phật, nghe Phật ấy nói Kinh, đều thọ trì được cả, rồi ở trong chánh định đều có thể vì người thuyết pháp đủ cả.
13.- QUÁN PHẬT TAM MUỘI KINH
Văn Thù Bồ Tát tự thuật túc nhơn được niệm Phật Tam muội, sẽ sanh Tịnh Độ. Đức Thích Ca thọ ký rằng : Ông sẽ vãng sanh Cực Lạc thế giới.
14.- ĐẠI TẬP KINH PHẨM HIỀN HỘ
Đức Phật Thích Ca nói với Pháp Hội : Người cầu Vô thượng Bồ-đề nên tu niệm Phật thiền Tam muội... Rồi Phật nói kệ :
Nếu người xưng niệm Phật A Di Đà
Gọi đó là vô thượng thâm diệu thiền
Lúc chí tâm tưởng tượng được thấy Phật
Chính là đắc pháp bất sanh bất diệt.
15.- THẬP TRỤ ĐOẠN KIẾT KINH
Bấy giờ trong pháp hội có bốn ức chúng, tự biết rằng chết đây sanh kia, dây dưa không dứt, chính ái dục là nguồn của sanh tử, nên muốn sanh về cõi không ái dục. Đức Phật Thích Ca bảo : “Cách đây về phương Tây có Phật hiệu Vô Lượng Thọ, cõi ấy thanh tịnh không có dâm, nộ, si; liên hoa sanh không do bào thai của cha mẹ, các ông nên cầu sanh”.
16.- NHƯ LAI BẤT TƯ NGHỊ CẢNH GIỚI KINH
Bồ Tát biết rõ tất cả pháp đều là duy tâm, đặng tùy thuận nhẫn, hoặc nhập sơ địa. Mạng chung liền sanh về trong Cực Lạc Tịnh Độ, hay Diệu Hỷ thế giới v.v...
17.- TÙY NGUYỆN VÃNG SANH KINH
Vô lượng cõi Phật, sao lại chỉ chuyên cầu sanh Cực Lạc thế giới ? – Một là vì nhơn thù thắng, do thập niệm làm nhơn. Hai là vì duyên thù thắng, do 48 điều nguyện phổ độ chúng sanh.
18.- XƯNG DƯƠNG CHƯ PHẬT CÔNG ĐỨC KINH
Nếu ai được nghe danh của Vô Lượng Thọ Như Lai (A Di Đà Phật) nhứt tâm tin ưa. Lúc người này mạng chung, đức A Di Đà Phật và chư Thánh hiện ra trước mặt, ma chướng không làm hoại loạn được tâm chánh giác của người này... Nếu ai thọ trì tụng niệm Kinh này, sẽ được phước vô lượng, khỏi hẳn tam đồ, sau khi mạng chung, vãng sanh cõi của Đức Phật ấy.
19.- ĐẠI VÂN KINH
Đức Bổn Sư dạy : “Này thiện nam tử, về hướng Tây của thế giới Ta Bà này có một cõi gọi là An Lạc. Giáo chủ là Phật Vô Lượng Thọ, hiện nay thường vì chúng sanh mà tuyên giảng chánh pháp. Đức Phật ấy đương bảo một vị Bồ Tát rằng : đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở Ta Bà thế giới đương nói Kinh Đại Vân cho những chúng sanh bạc phước độn căn. Ông nên qua đó chí tâm nghe pháp. Điềm lành hiện ra đây chính là vì vị Bồ Tát ấy sắp đến đây. Thiện nam tử này! Ông xem các vị Bồ Tát ở cõi An Lạc thân cao năm vạn sáu ngàn do tuần”.
- Bạch Đức Thế Tôn! Vị Bồ Tát sắp đến đây danh hiệu là chi ? Đến đây để làm gì, phải chăng là muốn độ chúng sanh mà đến ? Xin đức Thế Tôn nói cho đại chúng được rõ.
- Này thiện nam tử! Vị Bồ Tát ấy đến đây là vì muốn nghe việc thọ ký của Tịnh Quang, và muốn cúng dường chánh định ấy. ngài hiệu là Vô Biên Quang (tức Đại Thế Chí Bồ Tát), đủ trí phương tiện, có thể giáo hóa, dẫn đạo chúng sanh một cách khéo giỏi.
20.- LĂNG GIÀ KINH
Đức Phật phán : Này Đại Huệ! Ông nên biết sau khi ta diệt độ, có vị danh đức Tỳ kheo ở xứ Nam Thiên Trúc, hiệu là Long Thọ. Tỳ kheo ấy dẹp được sự tranh chấp của các tông về Hữu với Vô, để nêu cao pháp vô thượng Đại thừa của ta. Vị ấy chứng bậc sơ Hoan Hỷ địa và vãng sanh nước An Lạc.
21.- ĐẠI BI KINH
Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, xứ Bắc Thiên Trúc có Tỳ kheo hiệu Kỳ Bà Già, tu tập vô lượng thiện căn tối thắng, mạng chung sanh về thế giới của Phật Vô Lượng Thọ cách đây trăm ngàn ức cõi về hướng Tây. Sau đây, ông sẽ thành Phật hiệu là Vô Cấu Quang Như Lai.
22.- HOA NGHIÊM KINH, NHẬP PHÁP GIỚI PHẨM
Đức Vân Tỳ kheo nói với Thiện Tài Bồ Tát rằng : “Ngài chứng được niệm Phật Tam muội, và đây là lời của ngài thuật lại công dụng của niệm Phật Tam muội mà ngài đã được : Ta được môn “ức niệm nhứt thiết chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến”. Trong chánh định thường hiện cõi và cung điện trang nghiêm thanh tịnh của tất cả chư Phật. Có thể làm cho chúng sanh thấy Phật rồi được thanh tịnh. Làm cho chúng sanh chứng nhập trong mười trí lực của Như Lai. Thấy vô lượng Đức Phật và được nghe pháp. Bình đẳng thấy tất cả thế giới. Thấy thần thông tự tại của chư Phật. Thấy công việc làm của chư Phật trong tất cả thời gian. Thấy mình luôn gần bên Phật không xa rời. Thấy Phật cao đẹp hơn tất cả. Muốn thấy Đức Phật nào, thời liền được thấy. Khắp thấy chư Phật tuần tự hiện trong tất cả cảnh giới. Chư Phật nhập Niết-bàn đều thấy cả. Trong một niệm thấy rõ sự xuất hành của tất cả chư Phật. Trong mỗi thân Phật đều lớn đầy cả hư không pháp giới. Vô lượng chư Phật ra đời đều đến hầu hạ. Trong nhứt tâm, thấy rõ cả chư Phật thành chánh giác hiện ra đời thuyết pháp độ sanh. Hiện cảnh tượng nghiệp thiện ác của chúng sanh đã gây tạo cho chúng thấy để họ tự giác ngộ. Thấy Phật ngự trên tòa sen báu rộng lớn nở xòe trùm pháp giới. Thấy vô lượng thân của Như Lai trang nghiêm.
23.- QUANG MINH GIÁC PHẨM
Đức Văn Thù Bồ Tát ở trước Phật nói kệ rằng :
Khi đi đứng lúc nằm ngồi
Thường niệm công đức của Phật
Ngày đêm chớ để tạm quên
Phải nên siêng tu như vậy...
24.- HIỀN THỦ PHẨM
Thấy người lâm chung khuyên niệm Phật
Lại chỉ tượng Phật bảo chiêm ngưỡng
Khiến người sanh lòng kính tin Phật
Nên đặng thành quang minh Như Lai...
25.- THẬP ĐỊA PHẨM
Từ bậc ban đầu đến bậc rốt sau, mỗi địa đều nói rằng tất cả chỗ làm của Bồ Tát đều không rời niệm Phật.
26.- TỌA THIỀN TAM MUỘI KINH
Bồ Tát tọa thiền không niệm tất cả, chỉ niệm một Đức Phật bèn chứng được Tam muội.
27.- VĂN THÙ BÁT NHÃ KINH
Đức Thích Ca Mâu Ni Phật bảo ngài Văn Thù Bồ Tát : Muốn chóng thành quả Vô thượng Bồ-đề, phải tu nhứt hạnh Tam muội. Người muốn nhập nhứt hạnh Tam muội phải ở chỗ vắng vẻ rảnh rang, nhiếp tâm chánh niệm để tâm nơi một Đức Phật rồi chuyên xưng danh hiệu, nên ngồi ngay thẳng hướng về phía Đức Phật ấy (Niệm A Di Đà Phật thời xoay mặt về hướng Tây). Nếu có thể chuyên niệm một Đức Phật nối luôn, bèn ở trong chánh niệm thấy được chư Phật trong mười phương ba thuở. Công đức niệm một Đức Phật cùng công đức niệm vô lượng Đức Phật bằng nhau. Nếu được nhứt hạnh Tam muội, thời được trí huệ biện tài, tất cả pháp môn đều thấu rõ. Ngày đêm, tuyên giảng không trệ, không tuyệt. Sức đa văn biện tài của A Nan trăm nghìn phần vẫn không bằng một phần của người được nhứt hạnh Tam muội này...
28.- ĐẠI TẬP KINH
Mạt thế, ức ức người tu hành không có một người được giải thoát; chỉ nương pháp môn niệm Phật mà ra khỏi luân hồi.
Kinh lại nói : Nếu người chuyên niệm Phật, hoặc ngồi mà niệm, hoặc đi mà niệm, ròng rặt trong 49 ngày, thời hiện đời được thấy Phật, liền được vãng sanh...
Trích lục ngày 1 tháng Giêng
Phật lịch 2501 (1957)
Hân Tịnh
HẾT
Trích từ: Thiền Tịnh Quyết Nghi