Home > Khai Thị Niệm Phật
Mô Phạm Của Người Niệm Phật
Cư Sĩ Huỳnh Lão | Sa Môn Thích Viên Giáo, Việt Dịch


Ngài Quảng Khâm Hoà thượng năm chín mươi lăm tuổi, ngày mười ba tháng hai, năm Dân quốc thứ bảy mươi lăm, ở tại chùa Diệu Thông thuộc xã Lục Qui, huyện Cao Hùng, ngồi an lành hoá sanh về nước Phật; Ngài cũng là bậc đức cao vọng trọng của giới Phật giáo, trú trì “Thừa Thiên thiền tự” xã Phổ Thành, huyện Đài Bắc. Ngài là một bậc cao tăng lúc bấy giờ được mọi người sùng ngưỡng, khắp nơi tôn kính, tự động thân cận cúng dường. Ngài lúc hai mươi tuổi xuất gia ở chùa “Thừa Thiên thiền tự” thuộc thành Tấn Giang, châu Phúc Kiến Tuyền, nhân vì không biết chữ, chẳng thể tụng kinh nói pháp, trước tiên ở chùa làm công việc tính cách lao động, nhiều năm sau được điều phái làm “Thầy hương đăng”, tức là quản lý việc đốt nhan, rót dầu của đại điện và các công tác dọn dẹp đại điện, từ đây ban ngày công tác, tối lại tu “Thiền tịnh độ” (ngồi yên tĩnh thầm niệm Phật) ở trước Phật, về sau vào trong núi sâu tiếp tục tu trì, lúc vào núi gạo và lương thực mang đi hết rồi, đành phải hái lấy rau quả gần đó để đỡ đói, khổ tu mười hai năm, được thấy tánh (khai ngộ) mới xuống núi. Tháng sáu, năm Dân quốc thứ ba mươi sáu, ngài đến Đài Bắc để hoằng pháp, nhân vì chỉ ăn trái cây, được mọi người gọi là “Sư trái cây”. Ngài không giảng kinh lại không giải biện việc học, Ngài chuyên niệm Phật để nhiếp chúng, dùng đại ý Phật Pháp đơn giản để khai thị cho tín chúng, thường khuyên mọi người niệm Phật nhiều; được sự ái mộ, tôn kính, tự động gần gũi của tín chúng rộng lớn, ngay cả những người học đầy đủ kinh luận cao xa cũng khẩu phục tâm phục. Dòng người không dứt, cơ hồ hoạt động không ngày nghỉ, đến với chùa Thừa Thiên Thiền, thuộc xã Thổ thành, huyện Đài Bắc, chính là mô phạm của người niệm Phật chúng ta! Ngài tu “thiền tịnh độ” được chứng ngộ, chúng ta chẳng thể sao? Có thể! có thể thực hành (chịu làm) thì có thể được, song xem thử mọi người có phát được tâm chăng? Chịu tinh tấn hay không mà thôi!

Hoà thượng Quảng Khâm dạy dẫn người học rằng:

“Lúc bình thường đối với bất kỳ việc gì, đều cần phải “tâm rộng rãi”. Chẳng sai, tâm đã được rộng rãi rồi, tâm sẽ tùy thuận, nhún nhường, điều phục, mềm mỏng hòa nhã, tĩnh lặng, chẳng động; tâm chẳng động thì ý có thể thông, chẳng cố chấp, chẳng phân biệt, chẳng so đo, chẳng cưỡng cầu, lượng như biển có thể dung chứa, thuận với duyên nghịch, qua đi như mây nước, chẳng lưu lại dấu vết, sáng như gương, yên lặng tâm. Vì “tâm rộng rãi” phàm việc gì cũng nhìn rõ, buông rời, chẳng bị phiền não trói buộc”.

Có một bài văn nói về Hòa thượng Quảng Khâm lúc chín mươi lăm tuổi, bắt đầu một tuần trước khi vãng sanh, sớm tối mỗi ngày đều tự mình phát ra niệm Phật to tiếng, khiến hết thảy mỗi lời niệm đều khẩn thiết hô to lên A DI ĐÀ PHẬT. Mọi người đều luân lưu niệm to tiếng với Ngài, niệm đến khi tiếng khàn, ngực đau, khí lực khó chống đỡ; có đệ tử sợ Ngài gần cả tháng không ăn thể lực khó để duy trì, nên mới thưa với Ngài rằng: “Sư phụ! Chúng con niệm thầy nghe thôi cũng được!”. Hòa thượng trừng to mắt, dứt khoát nói rằng: “Các người niệm là việc của các người, các người sinh tử các người lo!”. Nói rồi, lại to tiếng khẩn thiết tự mình niệm Phật. Từ lời tự thuật ở trên có thể biết, một câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT thật có công đức bất khả tư nghì! Nếu chẳng vậy, thì một vị Hòa thượng là người đã chứng ngộ được đạo Thánh, trước lúc lâm chung còn to tiếng niệm Phật cả ngày đêm, nhờ vào sức tu trì tự thân của Ngài thì có thể ra khỏi ba cõi rồi, sao lại trước lúc lâm chung sớm tối lớn tiếng niệm Phật!