Tôn Giả Kiều Trần Như (Kaundinya Kondanna)
Đại Lão Hòa Thượng Thích Tinh Vân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


(Vị đệ tử xuất gia và chứng quả A la hán đầu tiên của đức Phật, là thành viên đầu tiên của giáo đoàn, có pháp lạp cao nhất)

Tên của tôn giả, gọi cho đầy đủ là A Nhã Kiều Trần Như (Ajnata Kaundinya Anna Kondanna). Tôn giả vốn là một đạo sĩ Bà la môn trẻ tuổi và cực kì thông minh ở thành Ca Tì La Vệ vào lúc thái tử Tất Tạt Đa (Siddhartha Siddhattha) đản sinh. Thuở ấy, vua Tịnh Phạn đã mời sa môn Kiều Trần Như và đông đảo các vị sa môn học rộng tài cao khác vào triều dự lễ đặt tên cho thái tử. Trong buổi lễ này, sau khi quan sát tướng mạo đặc biệt của thái tử, Kiều Trần Như quả quyết rằng, sau này thái tử sẽ hoàn toàn thoát tục và đắc quả đại chánh giác. Bởi vậy, về sau, khi nghe tin thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ hoàng cung vào rừng xuất gia học đạo, ông đã dẫn theo bốn đạo sĩ thân thiết (con của các vị đạo sĩ khác) tên là Bạt Đề (Bhardrika Bhaddiya), Bà Sư Ba (Vaspa Vappa), Ma Ha Nam (Mahanama) và A Thuyết Thị (Asvajit Assaji), cùng đi tìm thái tử để tu học. Khi đức Cồ Đàm (Gautama Gotama tức thái tử Tất Đạt Đa) tìm đến đạo tràng của đạo sư Uất Đầu Lam Phất (Udraka Ramaputra Uddaka Ramaputta), ở vùng phụ cận phía Nam kinh thành Vương Xá, của vương quốc Ma Kiệt Đà để xin học đạo, Ngài đã gặp sa môn Kiều Trần Như nơi đây (1). Hai vị sa môn đần dần kính mến nhau về thông minh tài trí và đức hạnh thanh cao, mà trở thành tri kỉ của nhau. Không những sa môn Kiều Trần Như đã coi sa môn Cồ Đàm là một người bạn tri kỉ, mà còn hơn nữa, là một bậc thầy; vi sa môn Cồ Đàm đã tỏ ra là bậc có trí tuệ siêu việt, trong khắp đạo tràng không ai sánh kịp, cả đến thầy của họ là đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất cũng bái phục.

Sa môn Cồ Đàm đã đạt được thành quả cao tột tại đạo tràng này, ngang với đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất, nhưng Ngài vẫn không thấy thỏa mãn, vì vẫn chưa giải thoát được lưới sinh tử. Cho nên, Ngài đã khéo léo xin từ giã nơi đây để tự mình nổ lực tìm lấy con đường giải thoát giác ngộ cho chính mình.

Ngài tìm đến núi Tượng Đầu (Dugsiri), rừng Già Da (Gaya), ở bờ Tây sông Ni Liên (Nairanjana Neranjara), thuộc thôn Ưu Lâu Tần Loa (Uruvilva Uruvela), và chọn nơi đây làm chỗ tu tập. Một thời gian sau, sa môn Kiều Trần Như cũng từ giã đạo tràng của đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất, dẫn theo bốn người bạn, cùng đi tìm đức Cồ Đàm. Họ đi lần đến rừng Già Da, và gặp lại Ngài. Vì vẫn kính mến và tin tưởng vào khả năng giác ngộ của Ngài, họ đã xin ở lại đây để được tu học dưới sự hướng dẫn của Ngài. Ngài cho biết là Ngài đang thực tập các phương pháp khổ hạnh để điều phục thân xác, cả năm người đều vui vẻ quyết tâm tu tập theo. 

Sau một thời gian dài tu khổ hạnh một cách triệt để, cả 6 người đều kiệt sức , mà trí tuệ vẫn không phát triển thêm, trái lại còn mòn mỏi đi. Một hôm đức Cồ Đàm tuần tự kiểm điểm lại sự tu tập trong thời gian qua, và bỗng nhiên bừng tỉnh. Ngài thấy rõ, con đường khổ hạnh là con đường sai lầm. Hưởng thụ dục lạc là một cực đoan, mà hành hạ thể các cũng là một cực đoan; cả hai đều sai lầm, đều không giúp ích được gì cho sự phát triển trí tuệ. Ngài bèn quyết định từ bỏ phép tu khổ hạnh triệt để như bấy lâu nay, trở lại ăn uống bình thường để phục hồi sức khỏe, và bắt đầu theo đuổi con đường thiền tập - mà Ngài xét thấy, đó mới là con đường chính đáng nhất cho rằng đưa đến đạo quả giác ngộ.

Sa môn Kiều Trần Như thấy đức Cồ Đàm ăn uống bình thường trở lại, bỏ việc tu khổ hạnh và chỉ chuyên tu thiền định, thì nói với bốn người bạn của mình rằng:

Sa môn Cồ Đàm đã nửa chừng bỏ dở công phu tu hành. Ông ta bây giờ chỉ lo bổ dưỡng xác thân và sống những ngày nhàn hạ. Ông ta không còn là kẻ đáng chúng ta trông cậy nữa. Chúng ta hãy bỏ ông ta và tìm đến nơi khác tu hành theo con đường riêng của chúng ta.

Thế rồi sa môn Kiều Trần Như dẫn bốn người bạn tu, rời bỏ khu rừng núi Già Da ra đi. Họ đi sang vường Nai (Lộc Uyển, Mrgadava Migadava), gần thành Ba La Nại (Varanasi Baranasi), nước Ca Thi (Kasi), để cùng tu học với nhau. Nửa năm sau, bỗng một hôm họ trông thấy đức Cồ Đàm tìm đến với họ. Khi thấy bóng dáng Ngài còn đang thấp thoáng ở ngoài xa, họ đã bảo nhau là sẽ không ra đón tiếp và cũng không cần phải đứng dậy khi Ngài vào tới nơi. Họ nói:

Sa môn Cồ Đàm hồi đó đang tu khổ hạnh với chúng ta thì bỏ cuộc nửa chừng. Ông ta đã ăn uống và vào ra thôn xóm giao thiệp với người làng, làm cho chúng ta hết sức thất vọng. Vậy hôm nay ông ấy đến đây, chúng ta cũng không nên đón tiếp nồng hậu làm gì.

Nhưng kì lạ làm sao, sự tình đã không xảy ra đúng như họ dự tính! Khi đức Cồ Đàm vừa bước vào tới chỗ của họ thì không ai bảo ai, tất cả năm người đều mừng vui đứng dậy. Chính sa môn Kiều Trần Như tiến tới trước, đỡ lấy chiếc bình bát trên tay Ngài; các vị khác, người thì lấy nước rửa chân cho Ngài, người thì lấy ghế mời Ngài ngồi, người thì lấy quạt để quạt hầu, người thì cuống quít không biết phải làm gì.

Sau khi rửa mặt, tay, chân, và ngồi xuống ghế, đức Cồ Đàm nhìn khắp lượt năm người bạn đồng tu một cách thân thiết, rồi nói:

- Này quí vị! Tôi đã tìm ra đạo giải thoát, và tôi sẽ chỉ dạy lại cho quí vị.

Nghe thế, năm người đều nửa tin nửa ngờ. Sa môn Kiều Trần Như lên tiếng:

Sa môn Cồ Đàm! Trước kia, trong khi đang cùng tu với chúng tôi, hiền hữu đã bỏ cuộc nửa đường. Hiền hữu đã ăn cơm, uống sữa, vào ra thôn xóm giao tiếp với người làng, thì làm sao hiền hữu có thể tìm được đạo giải thoát, và làm sao hiền hữu có thể chỉ dạy cho chúng tôi đạo giải thoát?

Sa môn Kiều Trần Như! Hiền hữu đã quen biết tôi từ gần sáu năm nay; trong thời gian ấy tôi đã từng nói dối hiền hữu một lần nào chưa?

Sa môn Cồ Đàm nói đúng! Trong thời gian qua, tôi chưa một lần nào nghe hiền hữu nói điều không phù hợp với sự thật.

- Vậy, sa môn Kiều Trần Như, quí vị hãy nghe đây! Tôi đã tìm ra được Đạo Lớn rồi, và tôi sẽ chỉ dạy cho quí vị. Quí vị là những sa môn đầu tiên trên thế gian được nghe giáo pháp mầu nhiệm mà tôi đã thực chứng. Quí vị hãy đem hết trí năng thanh tịnh mà nghiêm túc lắng nghe.

Lời nói của Ngài thật có uy lực lớn, khiến cho cả năm người đều trở nên thành khẩn. Họ sửa thế ngồi nghiêm chỉnh, và hướng về Ngài chờ đợi. Sa môn Kiều Trần Như kính cẩn bạch:

- Xin sa môn Cồ Đàm đem lòng xót thương mà chỉ dạy cho chúng tôi.

Đức Thế Tôn từ ái dạy:

- Này quí vị sa môn! Có hai thái cực mà người tu hành nên tránh: một bên là đắm vào sự hưởng lạc nhục thể, và một bên là hành hạ thân xác quá đáng cho đến tiều tụy. Cả hai con đường cực đoan đó đều phá hủy thân tâm. Tôi tránh cả hai thái cực kia, và đã tìm ra con đường trung đạo, có thể đem đến trí tuệ, an lạc, giải thoát; đó là “con đường của tám sự hành trì chân chính” (Bát chánh đạo): thấy biết chân chính, suy nghĩ chân chính, nói năng chân chính, chuyên cần chân chính, niệm tưởng chân chính và thiền định chân chính. Này quí vị, tôi đã tìm ra và thực hiện con đường của tám sự hành trì chân chính đó, và đã đạt được trí tuệ, an lạc, giải thoát ...

Đức Thế Tôn tiếp tục giảng về CON ĐƯỜNG BÁT CHÁNH, rồi khai thị về BỐN SỰ THẬT mầu nhiệm. Sa môn Kiều Trần Như chăm chú nghe, và bỗng cảm thấy tâm mình bừng sáng. Ông thấy rõ ngay tức khắc con đường giải thoát thật sự mà lâu nay ông từng tìm kiếm. Nét mặt ông sáng rỡ chưa từng có, khiến cho đức Thế Tôn chỉ ngay vào ông, nói trong niềm hoan hỉ:

Sa môn Kiều Trần Như! Hiền hữu đã thấy rõ! Hiền hữu đã thấy rõ!

Lập tức, sa môn Kiều Trần Như quì xuống thành khẩn bạch:

Sa môn Cồ Đàm! Xin Thầy nhận cho Kiều Trần Như làm đệ tử của Thầy. Con tin tưởng rằng, dưới sự chỉ dạy của Thầy, con sẽ đạt thành sở nguyện.

Bốn vị sa môn kia thấy người anh cả của họ làm vậy, cũng lập tức quì xuống theo, và cùng xin được làm đệ tử của đức Thế Tôn.

Bấy giờ, cả năm vị sa môn nhóm Kiều Trần Như đều tôn đức Cồ Đàm làm Thầy, gọi Ngài là Phật, và gọi giáo pháp do Ngài chỉ dạy là Đạo Phật. Họ từ bỏ lối tu khổ hạnh cũ, cùng tinh cần tu tập theo sự hướng dẫn của Phật. Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, nhờ quyết tâm và tinh chuyên tu học, cả năm vị, đầu tiên là Kiều Trần Như, rồi tiếp đến là bốn vị kia, lần lượt đều chứng thánh quả A la hán, Đức Phật rất hoan hỉ, liền dạy:

- Này quí thầy! Từ hôm nay, chúng ta đã có một đoàn thể xứng đáng được gọi là Tăng già. Rồi đây quí thầy cũng sẽ phải cùng với tôi đem hạt giống giác ngộ đi gieo rắc khắp mọi nơi.

Vậy là, nơi vườn Lộc Uyển lúc bấy giờ, sa môn Kiều Trần Như cùng vơí bốn bạn hữu đã trở thành năm vị đệ tử tì kheo đầu tiên của đức Phật. Họ cũng là năm thành viên đầu tiên của giáo đoàn đức Phật. Riêng tôn giả Kiều Trần Như lại còn là vị đệ tử đã chứng thánh quả A la hán đầu tiên của Phật, và trở thành vị đệ tử lớn nhất của Ngài lúc bấy giờ. Từ đây, ngôi Tam Bảo đã được xuất hiện ở thế gian, với đức Thích Ca Cồ Đàm (Sakya Gotama) là Phật Bảo, giáo pháp do Ngài vừa giảng dạy là Pháp Bảo, và năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như là Tăng Bảo.

Vườn Lộc Uyển lúc đó được coi là đạo tràng hành hóa đầu tiên của đức Phật, và Ngài đã mặc nhiên giao trách nhiệm trông coi đạo tràng cho tôn giả Kiều Trần Như.(Cơ sở vật chất của đạo tràng này vào lúc đó chưa có gì, Phật và chư tăng vẫn trú tại các gốc cây rừng hoặc dưới những túp lều mái lá như những năm tháng trước đó).

Sau năm vị trên, cũng chính tại đạo tràng này, đức Phật đã thu nhận chàng thanh niên Da Xá (Yasa) cùng 54 người bạn của chàng được xuất gia làm tì kheo. Tôn giả Kiều Trần Như lại được Phật giao nhiệm vụ chỉ dạy cho họ về nếp sống căn bản đầu tiên của đời sống xuất gia, và hướng dẫn họ tu học theo giáo pháp của Phật.

Cũng tại đạo tràng này, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp độ người xuất gia, đức Phật đã cho phép, ở những nơi và vào những lúc không có sự hiện diện của Ngài, các vị tì kheo được đại diện cho Ngài để thọ lễ xuất gia của những người cư sĩ phát tâm sống đời phạm hạnh. Thừa tôn ý của Phật, tôn giả Kiều Trần Như đã trình lên Ngài một đề nghị đơn giản về nghi lễ xuất gia như sau:

- Bạch Thế Tôn! Theo con thì trước tiên cho đương sự cạo sạch râu tóc. Sau đó họ được mặc áo ca sa bày vai bên phải, rồi quì xuống chắp tay trước mặt vị tì kheo truyền giới đại diện cho Phật. Kế tiếp, đương sự đọc lời phát nguyện: “Con về nương tựa Phật; con về nương tựa Pháp; con về nương tựa Tăng”. Đương sự đọc ba lần như vậy xong là trở thành một vị tì kheo.

Phật dạy:

- Kiều Trần Như! Nghi thức thầy đề nghị hợp lí lắm. Vậy tôi xác định với quí thầy: một người quì dưới chân một vị tì kheo, đọc ba lần lời phát nguyện quay về nương tựa Tam Bảo, thì được trở thành một vì tì kheo.

Tôn giả Kiều Trần Như đã hoàn toàn được đức Phật tin tưởng về mọi mặt: trí tuệ, đức độ cũng như khả năng lãnh đạo và giáo hoá. Cho nên, sau đó, không lâu, đức Phật đã một mình rời vườn Lộc Uyển để đi Ma Kiệt Đà, giao trách nhiệm trông coi đạo tràng Lộc Uyển cho tôn giả gánh vác. Trên đường đi, Ngài đã thu nhận ba mươi thanh niên làm đệ tử xuất gia, và bảo họ tìm về ngay vườn Lộc Uyển gặp tôn giả để được xuống tóc và hướng dẫn tu học.

Gần bốn tháng sau, đức Phật tới thành Vương Xá thủ đô nước Ma Kiệt Đà. Cùng đi với Ngài có cả ngàn vị tì kheo vốn là ba anh em đạo sĩ Bà la môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvilva Kasyapa Uruvela Kassapa), thờ thần lửa, cùng đồ chúng của họ mà Ngài hóa đã hóa độ trên đường đi. Phật và chúng tăng tạm trú trong một khu rừng cách kinh thành Vương Xá không xa lắm về phương Nam. Tăng đoàn bây giờ đã phát triển đến một số lượng đáng kể, nhất là sau khi hai đạo sĩ Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã dẫn theo hai trăm năm mươi đệ tử đến xin Phật cho xuất gia; cho nên tôn giả Kiều Trần Như, từ vườn Lộc Uyển đã về đây phụ tá đức Phật trong việc điều hành tăng đoàn. Ngoài Kiều Trần Như, bây giờ đức Thế Tôn còn có thêm ba vị đệ tử lớn khác nữa là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Xá Lợi Phất, và Mục Kiền Liên.

Tại Vương Xá, quốc vương của nước Ma Kiệt Đà là Tần Bà Sa La (Bimbisara), sau khi được nghe pháp, đã phát nguyện qui y làm đệ tử tại gia của Phật. Để đền đáp công ơn hóa độ này, đức vua đã dâng cúng Phật khu rừng tre ở ngoại ô kinh thành về hướng Bắc để xây cất tu viện, làm cơ sở tu học và hành đạo cho Phật và giáo đoàn. Chính tôn giả Kiều Trần Như và các vị đệ tử lớn khác của Phật đã bàn bạc, hoạch định việc xây cất tu viện, đồng thời giúp Phật tổ chức, hướng dẫn tu học và điều hành mọi việc trong tu viện. Tu viện được đặt tên là Trúc Lâm (Venuvana Veluvana). Đó là cơ sở đạo tràng rộng lớn và có qui củ đầu tiên của giáo đoàn.

Từ đây, đạo Phật ngày càng phát triển rộng rãi khắp nơi, từ Ma Kiệt Đà đến các vương quốc Ca Thi, Kiều Tát La (Kosala), Bạt Kì (Vrji Vajji), Thích Ca (Sakya) v.v... cho nên, đức Phật đã không ở yên một nơi nhất định nào, mà Ngài phải đi mọi nơi để hành hóa. Bởi vậy, Ngài đã cử tôn giả Kiều Trần Như chính thức làm tu viện trưởng và tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp làm giám viện tu viện Trúc Lâm. Hai vị có hoàn toàn trách nhiệm lãnh đạo và hướng dẫn đại chúng tu học tại tu viện. Đức Phật cũng ban ý chỉ cho tất cả tăng chúng đang hành đạo trong vương quốc Ma Kiệt Đà hãy y chỉ vào hai vị tôn giả ấy.

Cuộc đời về sau này của tôn giả Kiều Trần Như, không thấy có tài liệu nào nói tới; chỉ biết là tôn giả đã nhập niết bàn trước Phật rất lâu. (2) 

Tôn giả đã được Phật công nhận là vị đệ tử lớn có pháp lạp cao nhất của Ngài.


CHÚ THÍCH:

(1) Có tài liệu nói rằng, tôn giả Kiều Trần Như vốn là anh ruột của thân mẫu tôn giả Phú Lâu Na (một trong mười vị đệ tử lớn của Phật). Sau khi thái tử Tất Đạt Da từ bỏ hoàng cung đi xuất gia tìm đạo giải thoát, vua Tịnh Phạn đã phái tôn giả cùng với bốn bạn hữu, tìm đến rừng Khổ Hạnh (Tapovana) để cùng bầu bạn với thái tử trong lúc tu hành.

(2) Trong chương nói về tôn giả A Nan ở trên, hòa thượng Tinh Vân viết rằng, khi đức Phật được 53 tuổi, các vị đệ tử lớn của Phật đã họp tại tu viện Trúc Lâm (thành Vương Xá) để thảo luận và chọn một vị tì kheo làm thị giả thường xuyên cho đức Phật. Trong buổi họp này, tôn giả Kiều Trần Như là người đầu tiên đứng lên xin nhận lãnh trách nhiệm ấy, nhưng Phật không chấp nhận, vi tôn giả đã già, sợ không kham nổi cực nhọc, nhưng theo sách Đường Xưa Mây Trắng của thiền sư Nhất Hạnh, cuộc họp của các vị đệ tử lớn của Phật (để chọn vị thị giả thường xuyên cho đức Phật, lúc đó 55 tuổi) đã diễn ra tại giảng đường Lộc Mẫu (Mrgaramatr Migaramata) của tu viện Đông Viên (Puvarama Pubbarama), gần tu viện Kì Viên, thành Xá Vệ. Trong buổi họp này đã không có mặt tôn giả Kiều Trần Như.