Home > Khai Thị Niệm Phật > Kinh-Quan-Vo-Luong-Tho-Phat-Duc-The-Ton-Co-Noi-Den-Tinh-Nghiep-Tam-Phuoc
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật Đức Thế Tôn Có Nói Đến Tịnh Nghiệp Tam Phước
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Trong kinh Quán vô lượng thọ Phật đức Thế Tôn có nói đến Tịnh nghiệp tam phước(1). Ba điều này gồm mười một câu kinh, không chỉ là những điều tu học căn bản của tông Tịnh độ, mà còn là cơ sở tu học trong tất cả các pháp môn của Phật giáo đại thừa. Cho nên, trong phần tổng kết đức Thế Tôn nói: "Tam phước là cái nhân chính trong sự nghiệp tu tập của ba đời chư Phật". Câu kinh này đã quá rõ ràng, ba đời chư Phật là chỉ cho tất cả những người tu tập thành Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đương nhiên, không chỉ một pháp môn Tịnh độ này, mà bao hàm tất cả các pháp môn, đều lấy tam phước làm cơ sở tu hành. Do đó, đây là ba điều vô cùng quan trọng.

Nay chỉ nói một điều căn bản nhất trong ba điều, một câu quan trọng nhất trong mười một câu, đó là "hiếu dưỡng phụ mẫu". YÙ nghĩa của câu kinh này vô cùng sâu rộng. Nội hàm của nó là chỉ cho "toàn thể tâm tánh". Chúng ta thường nghĩ rằng, hiếu dưỡng phụ mẫu là chỉ cho cha mẹ sanh ta trong đời này, ý nghĩa đó thật là hạn hẹp, hiểu biết đó thật là phàm phu! Trong giới kinh đại thừa, chẳng hạn như "Phạm võng Bồ Tát giới kinh" mà mọi người thường tụng, đức Thế Tôn dạy chúng ta cần phải hiếu thuận với tất cả sư tăng, phụ mẫu. Kinh nói: "Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta". Quý vị thử suy nghĩ câu kinh này, há không phải là tánh đức tròn đầy đó sao! Đức Phật nói như vậy là ý gì? Đức Phật đã thấy được chân tướng sự thật trong mười pháp giới, thấy rất rõ ràng. Chúng sanh trong mười pháp giới từ vô lượng kiếp đến nay đã từng làm cha mẹ, con cái, anh em, quyến thuộc của nhau. Cho nên hiếu dưỡng cha mẹ có phạm vi rất rộng. "Cha mẹ" bao gồm, "trên từ chư Phật, dưới đến tất cả chúng sanh", đây mới gọi là tận hiếu. Trên đây là theo sự mà nói.

Theo lý mà nói, đặc biệt là đối với chữ hiếu (孝) của người Trung Quốc, được cấu tạo bởi bên trên là chữ lão (老), bên dưới là chữ tử (子), hai chữ lão là già, tử là con, là trẻ hợp lại mà thành chữ hiếu. Điều đó có nghĩa, lão là trước một đời, tử là sau một đời, đời trước và đời sau là một thể thống nhất, tức là một. Mà đời trước còn có đời trước nữa, tức là quá khứ chẳng có khởi đầu; và đời sau còn có đời sau nữa, tức là vị lai chẳng có kết thúc. Điều này có nghĩa từ vô thuỷ đến vô chung đều cùng một thể thống nhất, hay nói cách khác tổ tiên ông bà quá khứ và con cháu tương lai đều có mặt trong bản thân mình. Nghĩa lý này há chẳng phải đã nói lên hiếu là toàn thể chân như tự tánh sao!

Do đó, trong nhà Phật, Thiền tông nói minh tâm kiến tánh, Tịnh độ tông nói nhất tâm bất loạn, thực chất là đem chữ hiếu này ra thực hành đến chỗ viên mãn. Thực hành chữ hiếu đến chỗ gọi là tận hiếu, thì đó chính là minh tâm kiến tánh hay nhất tâm bất loạn, cũng gọi là viên mãn thành Phật. Cho nên, nói rằng Đẳng giác Bồ Tát vẫn còn có một chút vô minh chưa phá trừ, tánh đức vẫn còn bị khuyết một phần nên chưa đạt được viên mãn, đó là vì chữ hiếu chưa tròn vậy (tức là chưa cứu độ được hết chúng sanh). Chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của câu kinh này thì mới có cơ sở để tu hành thành Phật. "Tịnh nghiệp tam phước" tổng cộng có 11 câu kinh, thì câu kinh này là căn bản nhất, mười câu sau là những phương pháp tu tập để hoàn thành mục tiêu câu kinh thứ nhất. Cho nên, "hiếu dưỡng phụ mẫu" là cương lãnh, là cái nhân chính để tu tập chứng quả.

Học tập Phật pháp không thể không đem câu kinh "hiếu dưỡng cha mẹ" ra giảng cho rõ ràng để thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Hiếu dưỡng cha mẹ phải bắt đầu từ đâu? Từ chỗ hiếu kính cha mẹ hiện tại. Hiếu là lý, dưỡng là sự. Lý không thể tách rời sự, sự không thể tách rời lý, lý sự là một, là nhất như. Về mặt hiếu sự, chúng ta phải tận tâm tận lực cung cấp cho cha mẹ những vật chất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, để cho cha mẹ không bị thiếu thốn mọi thứ. Ngoài ra, chúng ta còn phải thể hiện hiếu dưỡng cha mẹ bằng tâm, bằng ý, chứ không phải chỉ cho cha mẹ vật chất là đủ. Nếu như chúng ta làm cho cha mẹ buồn phiền, thất vọng, thì đó là bất hiếu. Chẳng hạn như chúng đang học trong trường này, nếu như học không tốt, không giữ kỷ luật, không kính thầy tổ, không quan tâm giúp đỡ bạn bè, không tôn trọng bạn học, làm cho cha mẹ buồn phiền, đó là bất hiếu. Ở trong gia đình, nếu anh chị em bất hoà, khiến cho cha mẹ lo lắng buồn phiền, đó là bất hiếu. Ở ngoài xã hội, chúng ta không làm việc chân chính, không nỗ lực, không tôn trọng thủ trưởng, lãnh đạo, không hỗ trợ hợp tác với đồng nghiệp, làm cho cha mẹ buồn phiền, thất vọng, đó là bất hiếu. Chúng ta học Phật mà làm trái lời Phật dạy, không nỗ lực tu hành để được chứng quả, đó cũng là bất hiếu. Nói tóm lại, những điều vừa nêu trên đều nằm trong phạm vi chữ dưỡng. Phạm vị chữ dưỡng cũng vô cùng sâu rộng, chúng ta phải hiểu cho thấu đáo để tận tâm tận lực thực hiện cho được.

Một khi lý đã thông suốt, sự đã thực hiện tận tâm tận lực, thì công đức viên mãn. Gia cảnh nghèo khó thì hiếu dưỡng trọn vẹn theo cảnh nghèo khó; gia cảnh giàu sang thì hiếu dưỡng theo cảnh giàu sang. Cho nên, công đức viên mãn của chữ hiếu không kể là giàu sang phú quý hay bần hàn cơ cực, không kể già trẻ, trai gái, tất cả mọi người ai nấy đều có thể thực hiện đến chỗ viên mãn. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều có thể dùng tâm chân thật, tâm thanh tịnh, tâm cung kính, tâm từ bi nỗ lực tu hành, thực hiện đến chỗ viên mãn. Vì vậy, tất cả ở chữ tâm, nếu tâm không chân thành, không thanh tịnh, không cung kính, thiếu từ bi thì không bao giờ thực hiện hiếu dưỡng đến chỗ viên mãn.

Ngoài hiếu dưỡng cha mẹ, "tam phước" còn biểu hiện cụ thể trong cuộc sống hằng ngày với 10 câu còn lại sau: "phụng dưỡng thầy tổ, tâm từ không sát hại, tu mười thiện nghiệp, thọ trì tam quy, giữ đủ các giới, không phạm oai nghi, phát tâm bồ đề, thâm tín nhân quả, tụng đọc kinh điển Đại thừa, khuyên người tinh tấn". Mười câu này nếu không nỗ lực ứng dụng vào thực tiễn thì hiếu dưỡng không trọn vẹn. "Tịnh nghiệp tam phước" nếu không được nhận thức tu tập, thì dù thực hành theo pháp môn nào cũng khó thành tựu. Bởi vì, ba điều này là nhân tố chính trong sự nghiệp tu tập của ba đời chư Phật. Do đó, người Phật tử nhất định trước hết phải học tập và thực hành tịnh nghiệp tam phước, rồi sau mới tham thiền nhập định, niệm Phật mới được nhất tâm, mới được vãng sanh thấy Phật.