Người tu hành phải thực tình, phải thật sự tu, phải bỏ công sức ra chớ không thể nhởn nhơ. Có một số người nói họ hành đạo Bồ tát, nhưng đúng ra là họ cốt biểu diễn cho bà con thấy. Mỗi một cử chỉ, mỗi một hành động, mỗi lời nói ra, họ đều phô trương cho mọi người thấy, chớ không phải cho chính họ thấy. Những người đó cần phải biết hồi quang phản chiếu, còn như chờ người khác trông thấy mới niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát nếu quả có tử tưởng đó thì phải mau mau sửa đổi lại.
Phàm kẻ tu hành mà chỉ muốn người khác trông thấy mình tu, chính là bỏ gốc cầu ngọn. Quên cái gốc rễ để chạy theo cái ngọn là chuyện không được. Tu hành là để cho chính mình thấy, trông thấy được mình tức là hồi quang phản chiếu. Nhớ kỹ! Hồi quang phản chiếu, chớ không phải phóng quang ngoại chiếu. Nếu phóng quang để chiếu ra ngoài, tức là chỉ muốn cho người khác nhận thấy, để họ bảo rằng mình là người thật sự tu. Phải biết rằng khi đã phóng quang ra ngoài thì chẳng còn gì nữa, bởi hào quang của mình chẳng có bao nhiêu, một khi phóng ra là hết. Mình chưa tu hành đến độ viên mãn, quang độ yếu ớt, chờ khi nào tu đến viên mãn, lúc đó phóng quang cũng chưa muộn. Bây giờ đang trong giai đoạn tu hành, không nên phóng quang.
Việc tu hành cũng giống như việc học. Mới đầu học tiểu học, tiếp theo là trung học, sau lên đại học, rồi sau nữa mới có bằng tiến sĩ. Tu hành cũng như vậy, cứ từng bước một mà tiến lên dần dần, chớ không thể đi theo lối tắt. Có người bảo: Thiền tông đề xướng đốn ngộ, khai ngộ một cách chớp nhoáng. Chúng ta nên hiểu rằng đốn ngộ là nói về lý cái lý về ngộ ngay tức khắc, nhưng về sự thì phải tu tập dần dần. Ðốn ngộ là nói về cá nhân đốn ngộ, chớ không phải nói về thời hạn đốn ngộ, một khi tu là ngộ ngay. Trước đây từ vô lượng kiếp, người ta đã tu rồi, đã từng gieo trồng hạt giống Bồ đề rồi, lại nỗ lực canh tác, mỗi ngày một ít tích lũy lại, cho tới ngày nào đó công phu mới trổ thành quả chín. Không khi nào có trường hợp chẳng tu mà được khai ngộ. Câu nói: "Lý là đốn ngộ, sự là tiệm tu" chính là nghĩa này.
Tại nơi này chúng ta tham dự thất Quán Âm, chúng ta phải mang hết tinh thần trì niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, chớ không thể lười biếng cầu an, kiếm cớ để trễ nải. Nếu như để cho tâm hồn phóng dật, tức là để thời gian qua đi một cách uổng phí, lỡ mất cơ hội khai ngộ, đáng tiếc biết bao! Thất Quán Âm này, xin quý vị hết mình dụng công, pháp hội này chính là một cơ hội hiếm có. Mong quý vị hãy trân quý từng thời khắc, nỗ lực dụng công trì niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, nhất định sẽ có cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn.