Tôn giả Châu Lợi Bàn Ðà Già là một đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, người kém trí tuệ nhất. Tôn giả cũng có tên là Bàn Ðặc được sanh trong một gia đình nghèo khó, mộc mạc và sự cách biệt của cha mẹ. Cha Tôn giả là người vất vả, thiếu học, cuộc đời chỉ biết làm tôi tớ, còn mẹ lại là con gái của vị trưởng giả giàu có, học rộng hiểu xa. Hơn nữa bà còn nhanh nhẹ trước những việc khó khăn. Thế mà cuộc hôn nhân của ông bà vẫn được thành tựu tốt đẹp, âu cũng là duyên kiếp.
Cuộc sống êm ả trôi qua, đôi vợ chồng cách biệt này vui sướng khi sắp sửa làm mẹ. Bà chuẩn bị về quê để chờ ngày khai hoa nở nhụy. Trên đường về lòng bà tràn ngập niềm vui, miên man nghĩ đến đứa con xinh xắn sắp chào đời mà quên đi quãng đường xa. Chẳng mấy chốc đã gần đến nơi chợt bà thấy đau nhói, mỗi lúc càng nhiều. Ðến lúc không chụi nổi nữa, bà phải dừng lại bên vệ đường, tìm vào nơi kín đáo, rồi hạ sanh một bé trai trắng trẻo, mập mạp, ấy chính là Bàn Ðặc. Thương thay cho kẻ sơ sinh phải vương mùi khổ lụy từ khi lọt lòng mẹ.
Thuở nhỏ Bàn Ðặc thật dại khờ, vả lại nhà nghèo nên không được đi học, vì vậy mà càng thêm dốt nát. Sau nhờ quả phước báo may mắn được Ðức Phật độ cho xuất gia tu hành. Ðức dạy ông bài kệ chỉ bốn câu nhưng vì căn tánh ngu độn mà ông học mãi không thông. Bấy giờ Ðứa Phật dung phương tiện thực tế giáo hóa ông, chờ khi Châu Lợi Bàn Ðặc cầm chổi quét nhà Ðức Phật liền chỉ ngay cây chổi mà dạy rằng:
Này Bàn Ðặc! Khi nào cầm đến cây chổi quét nhà thì con nhớ đọc hai tiếng: “Chổi Quét”. Nếu lòng con giữ vững được chánh niệm hai tiếng “Chổi Quét” thì con quyết sẽ chứng Thánh đạo, giải thoát sanh tử luân hồi.
Lúc đầu, chỉ bấy nhiêu đó mà Bàn Ðặc cũng không nhớ nổi, hễ nhớ tiếng “Chổi” thì quên tiếng “Quét”, mà nhớ tiếng “Quét” lại quên tiếng “Chổi”. Thật con người của ông không có một chút trí nhớ nào hết, đến đỗi ai gặp ông cũng đều cười chê, đùa cợt.
Một hôm Vương tử Kỳ Vực đến cầu Ðức Phật và hàng đệ tử vào cung vua để thọ sự cúng dường, nhưng không mời Bàn Ðặc tham dự. Lúc Ðức Thế Tôn cùng hàng đệ tử đến cung thì Vương tử Kỳ Vực sẳn sàng bưng thau nước trong dâng lên Ðức Phật để rửa chân (theo phong tục Ấn Ðộ, đó là phép lịch sự của chủ đối với khách), nhưng Ngài chẳng tiếp lấy. Thấy vậy, Vương tử ngạc nhiên thưa Hỏi:
Kính lạy Ðức Thế Tôn! Con kính dâng thau nước trong này để Ngài rửa chân sao Ngài không nhận?
Này Vương tử! Trong hàng để tử của ta đến nhận sự cúng dường có thầy Tỳ kheo Bàn Ðặc ở đó không?
Kính lạy Ðức Thế Tôn! Thầy Tỳ kheo Bàn Ðặc chỉ có hai tiếng “Chổi Quét” còn không nhớ nổi, so lại không sánh bằng kẻ chăn dê nên con không có mời đến.
Này Vương tử! Không phải vậy, Phật pháp phải là bình đẳng, không phân giai cấp cao hay thấp, cũng chẳng có kẻ sang người hèn, tất cả đều như nhau. Nếu Vương tử không mời Thầy Tỳ kheo Bàn Ðặc đến đây thì ta không nhận lấy thau nước này.
Biết mình lầm lạc, làm trái ý Ðức Phật, Vương tử vội phái quan đại thần đến thỉnh Tôn giả Bàn Ðặc.
Khi tới nơi, Bàn Ðặc vào lãnh thọ sự cúng dường. Ðức Phật bảo Tôn giả A Nan gắp thức ăn để vào bát Bàn Ðặc. Thấy vậy Bàn Ðặc lấy làm mừng rỡ liền đứng dậy một lúc lâu, đúng ra việc này ông phải chờ lệnh của Ðức Phật, bởi vì đem so thì Tôn giả A Nan xuất gia sớm hơn Tôn giả Bàn Ðặc. Tôn giả Bàn Ðặc ngồi cách xa Ðức Phật nên việc đem bình bát đến bên Ðức Phật khi ăn xong không phải là chuyện dễ, nhưng bình bát của Tôn giả Bàn Ðặc vẫn được đưa đến đây trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ðó là nhờ sức oai thần của Ðức Phật mà đại chúng không được biết.
Thấy vậy, Vương tử Kỳ Vực vội chắp tay đến quỳ trước Tôn giả Bàn Ðặc mà thành tâm sám hối.
Thuở trước Tôn giả Bàn Ðặc vốn ngu dốt, có thể là tâm ông không bền vững. Mặc dù bị người đời chê cười, biếm nhã, nhưng ông vẫn không thối chí, nản lòng, mà quyết chuyên đọc hai tiếng “Chổi Quét” suốt sáu năm dài, để rồi ông được thức tỉnh, tâm không còn rối loạn, đi đến Giác Ngộ và chứng Thánh quả. Từ đó về sau tâm trí phát sanh rộng lớn, ông thấu hiểu nhiều đạo lý mầu nhiệm, lãnh hội nhiều pháp ngữ sâu xa của Ðức Phật.
Những người trước kia khinh thường, chê biếm ông sẽ thay ông tiêu tai nạn. Bấy giờ không còn một ai dám cười chê ông nữa mà lại càng kính trọng hơn.
Có một lần Tôn giả Bàn Ðặc cùng 499 vị Ðại để tử theo Ðức Phật đến cung Long Vương A Nậu Ðạt nhận sự cúng dường. Khi đến bờ ao A Nậu Ðạt, Ðức Phật bảo hàng đệ tử:
Này các thầyTỳ kheo! Mỗi vị hãy múc lấy nước tám công đức ở trong ao mà uống. Sau đó các vị có thể biết được việc đời trước của mình.
Khi hàng đệ tử thực hành xong, Ðức Phật tiếp:
Bây giờ các vị hãy thuật lại kiếp đời trước của chính mình nghe ra sao.
Vâng lời Phật dạy, Bàn Ðặc liền tự thuật:
Kính lạy Ðức Thế Tôn! Thưa toàn thể đại chúng: Ðời trước con là một người nuôi heo. Một hôm con lùa heo đến chợ bán. Ði được nửa đường thì bị một con sông cản lối, vì muốn đem heo đến chợ sớm nên con không thể dừng lại đó. Con giải quyết bằng cách cột chân heo lại và lấy vải buộc mỏ chúng để khỏi la ồn. Xong xuôi, con cầm dây từ từ kéo bầy heo qua sông. Khi con sang được bờ bên kia thì bầy heo bị ngộp thở mà chết cả. Vốn liếng con bị tiêu tan từ đó. Cuộc sống của con trở nên khổ sở, lắm lúc như điên dại, thường đứng ở bờ sông ngơ ngác không tìm ra lẽ sống. May gặp được một vị cao Tăng rộng lòng thương xót, Ngài khuyên con xuất gia tu học. Sau khi bỏ thân ấy con được sanh lên cõi Trời. Lúc hưởng hết phước ở cõi Trời rồi mới trở xuống nhân gian làm người.
Do vì kiếp trước buộc mỏ heo kéo sang sông làm tổn hại rất nhiều sanh mạng nên kiếp này con mắc quả báo ngu dốt. May nhờ kiếp trước có nhân duyên xuất gia nên đời này con được gặp Phật độ, chứng quả vị A La Hán.
Minh Tâm
“Người tâm không an định, không hiểu biết chánh pháp, không tín tâm kiên cố, thì không thể thành tựu được trí tuệ cao siêu”.