Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo > Cong-Duc-Xuat-Gia
Công Đức Xuất Gia
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Tại thành Vương xá, vườn trúc Ca La Ða, một bài pháp tán than về hạnh xuất gia, mà âm vang còn vọng khắp đó đây: “Nếu người nào thường hay khuyến khích, kẻ nam người nữ, dân chúng hay chính tự mình xuất gia thì công đức ấy thật nhiều vô lượng, nếu đem so sánh với những phước báo khác thì phước báo này hơn hết. Vì sao vậy? Vì phước báo bố thí chỉ có hạn định, còn phước báo xuất gia thì vô ngằn mé, nên không thể bì kịp, hoặc phước báo trì giới, hoặc phước báo của các vị các thần tiên có năm phép thần thông, cho đến phước báo cùng tột của cõi trời Phạm thiên mà đem ví với phước báo của người xuất gia chơn chánh trong Phật pháp thì không thể so sánh nổi. Hơn nữa người xuất gia là kẻ đi trên con đường đến Niết Bàn, thể nhập tịch tĩnh, nên nói đến phước báo này không thể nghĩ bàn.

Giả như có người phát tâm xây tháp bằng thất bảo cao ngất tận trời cao, thì công đức ấycũng không bằng người khuyến khích kẻ khác xuất gia, vì thất bảo kia, chắc chắn có ngày nào đó sẽ sụp đổ, hoặc bị kẻ gian ác ngu si phá hủy, còn kẻ khuyến khích người xuất gia, thì người kia tu hành phạm hạnh, tinh tấn trì giớ đức, cuối cùng chứng đắc A La Hán vô sanh hoặc lậu đoạn tận, trang nghiêm chánh pháp, thì phước báo này là hơn nhất và cũng không ai hủy hoại được.

Muốn cầu các pháp thanh tịnh, ngoài Phật Pháp ra không có pháp nào có thể hơn được. Cũng như có 100 người đui gặp thầy thuốc chữa lành, thấy rõ mọi vật, hoặc 100 người bị tội móc mắt mà giải cứu được khỏi bị nạn móc mắt, hai việc làm trên tuy có lớn lao, nhưng cũng không bằng khuyên người xuất gia.

Công đức xuất gia cao cả cùng tột, vì vậy chính tự mình xuất gia hay cho người khác xuất gia, sau khi tu hành thành tựu quả vị Bồ Ðề, hoằng dương giáo pháp, phổ giáo chúng sanh, chứng đắc tuệ nhãn, muôn ngàn kiếp không thể hoại diệt, lại còn làm con mắt sáng cho nhân thiên nữa. Những người được hưởng phước báo trong cõi người, cõi trời, chỉ trong thời gian rồi cũng bị dục vọng làm mê hoặc, phóng túng tư tình mà không có con mắt trí tuệ để nhận xét sự vật là vô thường, hư ngụy, là hố lửa, hang sâu thiêu đốt những ai ngu si tham vọng, là con đường dẫn dắt vào tam đồ lục đạo.

Pháp xuất gia có uy lực tiêu diệt quyến thuộc ma vương, làm cho lợi ích cho dòng xuất thế của Phật Pháp, nuôi pháp lành, nhổ tội báo, tăng phước duyên rồi thành Phật.

Ðức Phật dạy: Công đức xuất gia trong sáng cao như núi Tu di, sâu như biển cả, rộng như hư không. Ai đem tâm cản trở người xuất gia sẽ bị đoạ vào địa ngục hắc ám, và không có mắt, chịu sự tối tăm đoanh vây.

Vì vậy, khuyến khích hỗ trợ người xuất gia hay tự mình xuất gia được công đức cao như trời xanh, lớn như biển thẳm. Người xuất gia lấy kinh điển làm nước để rửa sạch hoặc nghiệp ô nhiễm, tẩy trừ sự sinh, già, bệnh, chết và gây nhân thể nhập Niết bàn. Lấy giới làm chân bước trên đất thanh tịnh trang nghiêm, lấy luật làm mắt để quán sát những việc thiện ác của thế gian, đi trên chánh đạo thẳng tiến Niết bàn. Ðó là pháp tối thắng của người xuất gia.

Thuở xưa, có một ông trưởng giả tên là Thi Lợi Bí Ðề sống đã tới 100 tuổi. Một hôm, ông nghe người ta kể cho ông nghe công đức của người xuất gia cao cả như vậy, ông thầm nghĩ: “Ta nay tuổi đã già, sức đã yếu, nhưng đối việc xuất gia học đạo theo Phật pháp được nhiều phước đức cao cả vậy ta hãy đến chỗ Phật xin xuất gia kẻo uổng lắm”. Nghĩ xong gọi vợ con lên bảo: Này bà và các con, hôm nay tôi muốn đi xuất gia học đạo, làm đệ tử Ðức Thế tôn, vậy ở nhà hãy lo làm ăn, có đồng ý không?

Vốn dĩ bị vợ con ghét bỏ, vì họ cho ông chỉ là kẻ ăn hại, chẳng làm việc gì cho có ích gia đình và những kẻ xung quanh, nên khi nghe ông đề nghị như vậy, vợ con đều tỏ ý vui mừng và tán đồng ngay.

Dạ phải, ông hãy đi xuất gia đi, càng nhanh càng tốt, đi cho lũ chúng tôi nhờ.

Ông già bèn lên đường, thẳng đến Trúc Lâm nơi Thế Tôn và đại chúng trú ngụ. Nhưng chẳng may cho ông là hôm đó Thế Tôn chẳng có nơi tịnh thất, đi hóa độ nơi xa, ông già thăm hỏi các thầy:

Bạch Ðại Ðức, Thế Tôn ở phòng nào? Xin làm ơn chỉ giùm tôi.

Ðức Thế Tôn đi hóa độ chưa về.

Bạch Ðại Ðức, Thế Tôn đi vắng rồi ai là bậc Tôn Túc Trưởng lão ở đây? Nghe hỏi các Tỳ kheo đều chỉ đến ngài Xá Lợi Phất, ông lão chống gậy về phía Tôn giả, đến nơi, ông lão bỏ gậy, chắp tay thưa:

Kính lạy Tôn giả, con một lòng chí tín xuất gia, học đạo, cúi xin Ngài thương xót thân già, thâu nạp làm đệ tử, con xin đội ơn muôn kiếp.

Tôn giả Xá Lợi Phất nhìn ông lão một lúc, rồi nghĩ: “Ông lão này yếu đuối quá, vậy học hỏi tọa thiền và giúp việc chúng làm sao ông đảm đang nổi” nên Tôn giả Đáp:

Ông già yếu lắm rồi, không thể xuất gia được đâu.

Nghe nói vậy, ông lão bèn chống gậy đến Ngài Ca Diếp, Ưu Ba Ly, A Nậu Lâu Ðà. . . cuối cùng đến 500 vị A La Hán đều Hỏi:

Ông đã thưa vị nào chưa?

Trước tiên con có đến Ðức Thế Tôn, nhưng Thế Tôn không có nhà, rồi con lại đến Tôn giả Xá Lợi Phất, nhưng Ngài chê con già nua, lẩm cẩm nên không nhận con làm đệ tử, xuất gia học đạo.

Nghe nói các vị đều nghĩ: “Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ siêu phàm mà không dám nhận ông lão vào hàng xuất gia huống nữa là ta. Như người thầy thuốc giỏi thấy con bịnh không thể chữa được nên các thầy thuốc khác cũng chạy luôn, có nghĩa gì. Hay Tôn giả biết trước ông lão sắp sửa chết nên không nhận, vì có nhận thì cũng không thể tu học được gì. Nghĩ vậy nên các Ngài cũng từ chối luôn.

Ông lão thất vọng, xin xuất gia mà chẳng có Ngài nào chấp nhận, chán nản ông ra ngoài cổng Trúc viên ngồi than khóc một mình, nghĩ rằng: “Ta từ lúc cha sanh mẹ đẻ cho đến khi khôn lớn rồi có gia đình sự nghiệp mãi đến bây giờ, thử nghĩ lại, ta có làm điều chi tàn ác đâu, vậy tại sao ta chẳng thể xuất gia học đạo được. Còn ông Ưu Ba Ly là người bần tiện, ông Ni Ðề là người hốt phân bò, ông Ương Quật Ma La là kẻ sát nhân khủng khiếp, ông Ðà Tắc Ky là ác nhân làm giặc, vậy mà sao họ lại được xuất gia thâu vào hàng Tăng chúng? Còn riêng ta thì có tội chi?” Ðương cật vấn lòng mình, thì bỗng nhiên Ðức Thế Tôn đi đến trước mặt, hào quang chiếu sáng, dung ghi đoan nghiêm, ông hoảng hồn chấp tay bái lạy.

Này Thi Lợi Bí Ðề, làm gì mà khóc lóc vậy?

Ðức Thế Tôn hỏi, ông mừng rỡ quá, vội thưa:

Bạch Ðức Thế Tôn, có những chúng sanh kẻ giết người, người làm giặc, kẻ nói dối, người phỉ báng, kẻ hạ tiện và những người cùng đinh, nhưng tất cả đều được xuất gia tu học, còn riêng con, tự xét từ thuở cha mẹ sinh ra, làm người đến giờ, nay là 100 tuổi rồi, con có làm điều gì bất thiện đâu, vậy tại sao con không thể tham dự vào hàng Tăng chúng xuất gia của Thế Tôn được. Bạch Thế Tôn, ở nhà thì bị vợ con ghét bỏ, nên đến đây, cầu chí nguyện xuất gia thì lại bị các Tôn giả chê là già cả, vô tích sự nên không thâu nhận. Khốn nổi quá! Con muốn tự tử, chết quách tại đây cho xong cái thân hủ bại này.

Ai nói người này được xuất gia, còn kẻ kia thì không được xuất gia?

Kính bạch Thế Tôn, Trưởng lão Tôn Túc Xá Lợi Phất đó.

Thôi ông chớ buồn nữa, ta sẽ cho ông xuất gia học đạo, hãy theo ta vào Tịnh xá.

Nỗi lòng được xoa dịu, ước nguyện được viên thành, ông lão vui mừng hớn hở, như muốn chắp cánh bay lên hư không.

Khi về tới Tịnh xá, Thế Tôn gọi Mục Kiền Liên giao trách nhiệm và dạy bảo, làm lễ thế phát cho ông lão.

Vì Ðức Thế Tôn là bậc Nhất thiết trí, với thiên nhãn, Ðức Thế Tôn nhìn thấy suốt tâm địa chúng sanh, ai có duyên với người nào thì người đó mới độ được. Như người chỉ có duyên với Phật thì duy chỉ có Phật mới độ được mà thôi, còn như Xá Lợi Phất hay Mục Kiền Liên Liên cũng chịu; hoặc ngược lại kẻ có duyên với Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên thì Phật cũng chịu không thể độ được người đó.Vì duyên ai nấy gặp, không thể thay thế. Vì vậy, ông lão này trừ Mục Kiền Liên ra không ai độ được.

Vâng lời Thế Tôn, nhận trách nhiệm dạy bảo ông lão, Mục Kiền Liên thầm nghĩ: “Ông lão này tuổi tác đã già rồi, thân hình lọm khọm, thì trong ba việc tụng kinh, tọa thiền, và làm việc chúng chẳng được việc nào, nhưng Thế Tôn đã giao, ta không dám trái ý”.

Ðược vài hôm sau, Tôn giả làm lễ thế phát và mở giới đàn truyền giới cụ túc cho ông.

Từ khi ông lão được thế phát xuất gia, chính thức là một Sa môn chánh hạnh, ông rất tinh cần, ngày đêm cố gắng tu tập, nghe rành hiểu rõ giáo pháp nên chẳng bao lâu ông đã thuộc làu kinh điển, do vì đời trước ông cũng đã gieo rồng chủng tử lành và có duyên với Phật Pháp nên tuy đời này đi xuất gia muộn nhưng chưa phải là trễ, chỉ tiếc có điều là tuổi già sức yếu nên về phép tắc oai nghi đối với các bậc tôn túc không được tròn bổn phận cho lắm, vì vậy mà các vị Tỳ kheo trẻ sanh tâm khinh lờn ông, cho rằng ông chẳng giữ lề luật, thanh quy nơi thiền môn, cửa Phật. Thấy thái độ của các Tỳ kheo trẻ đối với ông như vậy, ông lão tự nghĩ: “Thiệt khổ! Khi còn ở nhà thì vợ con chẳng ngó ngàng gì tới, nay được xuất gia làm Sa môn đầu Phật, mong sự an nhàn, để tiến tu công đức ai ngờ lại bị các thầy Tỳ kheo trẻ tuổi hất hủi, khinh miệt, chẳng biết ta có tội gì mà nặng nề quá vậy, phiền não chẳng chịu được, chi bằng ta chết bỏ xác cho hết chuyện”. Ông liền đi đến khu rừng, bên cạnh con sông chảy xiết, ông cởi áo cà sa, vắt lên cành cây, rồi quỳ thẳng chấp tay đối trước chiếc áo khóc lóc mà nguyện rằng: “Con xin bỏ mạng nơi này, nhưng không bao giờ bỏ Phật Pháp Tăng. Chiếc áo của con, xin dâng cúng các vị Tỳ kheo tinh tấn, trì giới tu hành, nguyện bỏ thân này, được sinh vào nhà giàu sang, phú quý, vui vẻ thuận hòa, chẳng ai cản các thiện pháp, ước nguyện việc làm của con và được gặp thiện trí thức, xuất gia học đạo, tu đắc quả vị vô sanh, hoằng truyền pháp Phật và thẳng tiến trên con đường cứu cánh Niết bàn”. Nguyện xong, ông lão nhảy ùm xuống nước.

Khi đó Tôn giả Mục Kiền Liên ở trong khu rừng trúc, dùng thiên nhãn xem ông đệ tử già của mình làm trò gì, thì chợt thấy ông ta nhảy tủm xuống sông, Tôn giả bèn phóng thần túc vớt ông lên bờ rồi bay tới Hỏi:

Pháp tử làm gì vậy?

Thi Lợi Bí Ðề nhìn lên thấy Thầy mình, mắc cở quá liền cúi đầu xuống chẳng biết thưa như thế nào cho phải. Ông thầm nghĩ: “Ta không nên nói dối với Thầy, nếu nói dối trải qua nhiều đời sẽ bị tội kông lưỡi, nhưng nói dối sao được, vì Thầy mình có thần thông mà, vậy có nói gì nữa thì cũng biết. Trên đời bậc trí tuệ, thông minh, thật thà, ngay thẳng, các ông trời cũng phải kính trọng, còn kẻ dối trá, ngu si thì sẽ bị người ta khinh miệt, chê bai, cho là đồ hèn hạ, bẩn thỉu, lắm lúc có nói thật đi nữa thì họ cũng cho là nói dối, chẳng tin. Vậy chi bằng ta hãy trình bày sự thật cho Thầy mình biết, tội gì phải nói dối, mang tội đọa địa ngục”.

Bạch Thầy, con đã chán nản cái cảnh tục lụy hồng trần này nên nguyện cắt tóc xuất gia, cầu sự an lạc, nhưng những ngày con ở đây, chẳng thấy sự an lạc gì hết, mà trái lại còn bị phiền nhiễu, bận lòng, nên con muốn chết tại đây cho xong đời, không ngờ Thầy biết được, xin Thầy rộng lượng từ bi mà tha thứ.

Tôn giả Mục Kiền Liên liền nghĩ: “Ông lão này sao lắm chán vậy, cứ đòi tự tử mãi thôi. Nếu ta không dùng một phương pháp sợ hãi thì đối với việc xuất gia của ông không thành công”.

Này Pháp tử, hãy nắm chặt chéo áo cà sa của ta, khi đi trên hư không, ông phải nhiếp niệm chớ có loạn tưởng nghe.

Dạ, con xin tuân mạng.

Ông nắm chéo áo thật chặt, Tôn giả Mục Kiền Liên bèn vọt thẳng lên hư không, như một cơn gió thổi mạnh, cuốn theo sau một làn bụi mỏng, trong chốc lát đã tới bờ biển. Tôn giả đáp xuống trên bãi cát, hai thầy trò thả bộ dọc theo biển. Ði được một đỗi, gặp người con gái mới chết, nằm phơi xác dưới ánh nắng mặt trời, ruồi nhặng bu quanh, trên mặt có một con trùng bò ra rồi chun vô lỗ mũi, sau lại luồn ra hai mắt, rồi rúc vào lỗ tai, thấy thật ghê rợn.

Bạch Thầy, người con gái này tạo nghiệp gì mà chết phơi thây trên bãi cát vậy?

Chớ vội, tí nữa sẽ hay.

Hai thầy trò đi được vài dặm lại gặp một người con gái, đội cái chảo bằng đồng đến mé biển, đổ nước đầy rồi đun lửa sôi sùng sục, cô bèn cởi bỏ áo quần nhảy vào chảo nước sôi ấy, tóc lông rụn hết, chân tay rả rời, nhừ nát cả thân thể, nước sôi mạnh quá làm hất tung cả xương thịt ra ngoài, nhưng xương thịt ấy gặp cơn gió thổi qua thì liền lại thành hình người như cũ, rồi cô gái ấy tự xé thịt mình từng mảnh mà ăn nhai ngấu nghiến, trông ngon lành lắm. Thấy vậy, ông lão sợ hãi, núp sau lưng thầy mà Hỏi:

Bạch Thầy, người con gái này mắc tội gì mà tự ăn thịt mình ghê quá vậy.

Chớ vội, tí nữa sẽ hay.

Rồi tiếp tục đi, vài dặm nữa, có một thân cây to đứng bên đường rất nhiều sâu bọ bám quanh mình, cho đến cành lá cũng đều bị sâu bám chặt rúc rỉa, lại nghe những tiếng kêu than thảm thiết, rợn người.

Bạch thầy, tiếng rên la của ai mà nghe rợn tóc gáy vậy?

Chớ vội, tí nữa sẽ hay.

Thầy trò lại dắt nhau đi lang thang một đỗi thì gặp một trái núi rất lớn, có nhiều đao kiếm nhọn sắc, cắm ngược mũi lên trời, sừng sựng như hàng cây mọc, lại có một người nằm lăn từ trên đỉnh xuống dưới chân núi cứ như vậy suốt ngày không thôi. Hình dạng rách nát, máu me đầm đìa chẳng còn hình thù một con người nữa, thấy vậy, ông lão lên cơn sốt, bám chặt sau lưng Thầy:

Bạch Thầy, ông làm công việc như vậy để được gì trông ghê quá!

Với giọng từ hòa cố hữu:

Chớ vội, tí nữa sẽ hay.

Lại tiếp tục cuộc đi, qua khỏi hòn núi này, lại gặp một con trai to lớn, quanh mình mọc ra những đầu thú to tướng, lại thấy các quỷ thần từ xa cầm cung nỏ, mỗi mũi tên có ba chỉa, đầu bọc sắt nhọn có tẩm thuốc độc và cháy đỏ, họ thi nhau bắn vào thân hình người con trai, cháy nung da thịt, kêu gào thảm thiết.

Ồ Bạch Thầy, người chi lạ vậy, con sợ quá!

Từ từ rồi sẽ hay, chớ vội.

Nắm chéo áo theo sau Thầy được một đỗi nữa, thì có một quả núi lớn nhưng núi này toàn bằng xương ghép lại, không có đất đá, cỏ cây, cao tới bảy trăm do tuần, che kín cả một khoảng trời rộng, thầy trò bèn lên trên sườn núi mà đi. Thi Lợi Bí Ðề vừa đi vừa nghĩ: “Giờ này có lẽ ta hỏi Thầy sẽ trả lời, chứ hồi nãy đến giờ Thầy chưa trả lời cho mình một câu hỏi nào hết. Nghĩ vậy liền thưa:

Bạch Thầy, xin Thầy giảng giải những sự việc vừa rồi cho con hiểu.

Pháp tử, hãy chú ý, lần gặp đầu tiên, người con gái chết nằm trên bãi cát đó là vợ của Tát Bạc, người nước Xá Vệ. Cô ta rất đẹp nên được chồng quý mến và chẳng muốn xa rời. Một hôm Tác Bác dong thuyền đi buôn, nhưng vì thương vợ quá không thể để ở nhà một mình nên cho đi theo, cùng 500 khách buôn ra biển.

Thường ngày cô vợ hay tô điểm phấn son, trâm cài, lược dắt, soi gương ngắm nhìn vẻ đẹp kiều diễm của mình và sanh lòng kiêu mạn, và quyến luyến sắc đẹp ấy chẳng muốn phôi pha.

Thuyền đã ra khơi, bỗng gặp một con rùa khổng lồ đạp thủng hông thuyền, nước tràn vào và thuyền chìm lĩm xuống biển, mọi người đều chết hết, sóng gió thổi tạt những thây chết ấy vào bờ, vì tâm ái luyến và tưởng nhớ sắc đẹp nơi mặt mình, nên cô ta sau khi chết đọa làm côn trùng, nó vơ vẩn trên khuôn mặt từ mồm rúc ra lại luồn qua mũi, sang lỗ tai, chui vào mắt để ngắm xem bộ mặt đẹp đẽ, khả ái của mình mà không nở rời xa.

Còn người thiếu phụ tự ăn thịt mình nơi chảo nước sôi, ấy là tội gì vậy?

Người con gái đó, ở Xá Vệ là đứa tớ của một người Ưu Bà Di. Người Ưu Bà Di nguyện cúng dường cho một Tỳ kheo trì giới thanh tịnh trong mùa an cư ở riêng trong một tịnh thất, ngày ngày Ưu Bà Di sửa soạn các món ăn ngon lành có mùi đặc biệt, tới bửa sai đứa tới gái ấy bưng dâng cho vị Tỳ kheo kia, nhưng khi bưng đi, người tớ gái đó bốc ăn hết những thức ăn ngon chỉ để lại các món ăn dở cho vị Tỳ kheo dùng. Qua một thời gian, Ưu Bà Di thấy nhan sắc của tớ gái tươi tắn, mập mạp bèn Hỏi:

Bộ mi ăn vụng các món ăn của Thầy ta hay sao mà độ này mày mập tốt vậy?

Thưa bà, đâu dám, con cũng tin tội phước lắm chứ, con đâu phải kẻ tà kiến ngu si, có lẽ nào con lại làm một việc hỗn ẩu như vậy. Sau khi Thầy ăn xong rồi còn thừa cho con, con mới dám hưởng chứ. Con xin thề: “Nếu con ăn trước đồ ăn của Thầy, đời đời con tự ăn thịt thân con”.

Này Pháp tử, chính do nơi lời nói dối trá và thề thốt của người tớ gái mà sau khi chết phải chịu quả báo chính tự mình tạo ra là ăn thịt tự thân mình, sau đọa vào địa ngục, chịu khổ vô cùng tận.

Bạch Thầy, còn thân cây to lớn hồi nãy, có các con trùng bám chặt, sao mà rên la dữ vậy?

Ðó là một vị Tỳ kheo, giữ của thường trụ tên là Lại Lợi Cha, lấy hoa quả và những đồ dùng khác cho anh em họ hàng và những người chung quanh, những người ấy sau khi chết, rơi vào loài súc sanh sâu trùng bám vào thân cây mà rúc rỉa, còn thân cây ấy, chính là vị Tỳ kheo giữ của thường trụ.

Bạch Thầy, còn người bị bắn, thân thể cháy nám hết cả, là ai vậy? Người ấy lúc sanh thời là một thợ săn, sát hại các loài thú quá nhiều, bởi tội báo đó nên bây giờ phải chịu các quỷ thần bắn tên độc vào mình, chịu khổ não muôn bề, chưa rõ ngày nào thoát khỏi.

Cái người lăn trên núi dao, máu me đẫm mình ấy, ông ta tạo tội gì mà bức bách quá vậy?

Người này ở thành Vương Xá, là một chiến tướng đi tiên phong, sát hại dân chúng chẳng gớm tay, vì tội báo này, phải đọa vào đại địa ngục chịu thống khổ và việc làm hiện tại của ông đó là sự trả báo cho ngày trước.

Vậy, còn cái núi xương mà chúng ta đang đứng đây là do đâu mà có?

Núi xương này là của con cá Ma Kiệt, chính là tiền thân của ông. Ông còn là kẻ phàm phu chưa biết.

Nghe Thầy nói, ông lão đánh thót cả người, quỳ xuống bạch rằng:

Bạch Thầy, tâm hồn con mê mờ, ngu tối chẳng biết đâu là đâu, vậy xin Thầy chỉ cho con biết vì tội gì mà con phải làm thân cá?

Sinh tử không bờ, luân hồi không bến, nhưng đối với nghiệp báo thiện ác không sai lệch, trốn thoát được – Vào thuở quá khứ, có ông vua ở Diêm Phù Ðề này, tên là Ðàm Ma La Bí Ðề, chăm làm việc bố thí, giữ giới nghe kinh, có tâm từ bi, tánh không bạo ác, chẳng khi nào làm tổn thương tánh mạng loài côn trùng. Xứng đáng là một ông vua đạo đức. Ông dùng chánh pháp để trị dân, làm vua được 20 năm, nhân lúc rảnh đánh bạc chơi vui, lúc ấy có người bất bình với quan tòa trong một vụ xử kiện, quan tòa nổi giận và ỷ mình là quan lớn nên đi ngay vào tâu láo với vua:

Tâu bệ hạ, ngoài thành có kẻ phạm tội giết người, vậy phải trị như thế nào?

Nhà vua ham chơi chẳng suy nghĩ:

Cứ chiếu theo luật nước mà trị tội.

Quan tòa y theo luật, kẻ nào giết người thì bị tử hình, nên người đó bị xử trảm một cách oan ức.

Mãn cuộc chơi vua hỏi kỹ lại các quan, mới hay người ấy bị hãm hại vô cớ. Vua giựt mình, xây xẫm mặt mày, té lăn xuống đất. Các quan kêu gọi hồi lâu mới tỉnh. Vua than:

Thôi rồi! Hỡi các cung tần mỹ nữ! Hỡi bá quan văn võ! Ta phải đọa vào địa ngục, vì đã phạm tội giết người! tất cả đền đài ngôi báu ta xin trao lại cho các khanh ngự trị, riêng ta một mình dấn thân vào rừng sâu núi thẳm để tu hành, cầu đạo giải thoát từ đây.

Nỗ lực tiến tu, sau thời gian liên tục, cuối cùng mạng chung, vua đọa làm loài cá Ma Kiệt ở trong biển lớn, thân cá dài 700 do tuần. Một giấc ngủ trải qua một trăm năm, lúc tỉnh dậy đói quá, không có đồ ăn nên há miệng ra các loài tôm cá đều trôi vào bụng Ma Kiệt. Giữa lúc há miệng có một chiếc thuyền buôn đang theo dòng nước, xuôi thẳng vào miệng cá, mọi người trên thuyền quá khủng khiếp, gào thét, khóc la, có kẻ niệm Phật, người cầu trời khẩn đất, cũng có người kêu gọi cha mẹ vợ con, kể lể hôm nay là phút cuối cùng từ biệt cõi đời, không bao giờ thấy lại gia đình nữa. Thuyền sắp chui vào miệng cá, sự sợ hãi lên tột độ, mọi người đồng thanh niệm to “Nam Mô Phật”. Bấy giờ cá Ma Kiệt nghe được tiếng Phật, động lòng từ bi liền ngậm miệng lại, đoàn người nhờ vậy được an lành. Vì lòng từ bi đó, cá Ma Kiệt lặn xuống nước nhịn đói rồi chết, sau đầu thai sinh vào thành Vương Xá, còn xác cá Ma Kiệt, nổi trên biển, các quỷ dạ xoa la sát kéo vào bờ và khiêng vứt lên bãi. Trải qua ngày tháng nắng mưa, da thịt đều tan hết chỉ còn trơ lại bộ xương. Này pháp tử, ông vua thuở đó nay chính là ông. Bởi tội giết người mà phải đọa làm cá Ma Kiệt ở dưới biển, nay đã làm được thân người tại sao lại muốn chết? Ông hãy nhàm chán sinh tử để yên tâm cầu giải thoát, chứ nếu một khi rơi vào địa ngục thì khó bề có ngày ra khỏi.

Thi Lợi Bí Ðề nghe thầy mình giảng giải những báo ở tiền kiếp được hiểu rõ nhân quả luân hồi, và sự tạo nghiệp, trong lòng rung động, nhàm chán sanh tử. Ông chú ý quán sát đống xương cá là kiếp trước chính thân mình, thầm hiểu nỗi vô thường biến dịch. Trong giờ phút đó, Thi Lợi Bí Ðề trút sạch các lậu hoặc, đắc quả A La Hán. Biết được đệ tử của mình đã chứng quả, Mục Kiền Liên hoan hỷ:

Này pháp tử, việc làm của ông đã xong, gánh nặng đã đặt xuống rồi, vậy hãy về Tịnh Xá. Nói xong, Tôn giả vụt lên hư không như phượng hoàng vỗ cánh, Thi Lợi Bí Ðề cũng bay theo, như chim con bay theo chim mẹ, trong chốc lát đã đến vườn trúc, trước cửa Tịnh xá. Khi ấy các vị Tỳ kheo trẻ chưa biết ông đã chứng quả A La Hán nên vẫn xem thường, không cung kính có lúc lại còn la rầy nữa. Nhưng vì lòng đã từ mẫn nhu nhuận nên ông hoan hỷ âm thầm chấp nhận.

Ðức thế Tôn biết được tâm ý của các Tỳ kheo trẻ kinh mạn đối với các bậc đã chứng quả, và để chận đứng tội lỗi đó, nên giữa đại chúng Phật dạy:

Này Thi Lợi Bí Ðề, ông mới ở ngoài biển về phải không?

Bạch Thế Tôn, con mới từ biển về.

Ra biển có gì vui không?

Thi Lợi Bí Ðề cung kính thuật lại những điều đã qua cho Thế Tôn và đại chúng nghe. Phật dạy

Lành thay, Thi Lợi Bí Ðề kể từ hôm nay nỗi khổ sanh tử ông đã trút sạch, thể chứng Niết Bàn. Như vậy, ông thọ nhận sự cúng dường của chư thiên và loài người, việc làm xứng đáng của một bậc A La Hán.

Nghe sự việc rõ ràng như vậy, các Tỳ kheo trẻ lo sợ, thầm nghĩ: “Chính ông lão này là bậc Trưởng lão Tôn túc, ấy là mình không hiểu, đem tâm khinh mạn, tội này chẳng phải nhẹ, vậy giờ ta hãy tỏ bày sám hối trước Tôn giả là hơn” Nghĩ xong, các Tỳ kheo trẻ đứng dậy đến trước Thi Lợi Bí Ðề cúi đầu xin sám hối.

Tôi đối với mọi người đều có lòng thương xót, xin nguyện các Thầy thân tâm được thanh tịnh. Mặc dù đã sám hối, nhưng các Tỳ kheo trẻ vẫn thấy sợ sệt, Thi Lợi Bí Ðề biết được, ông giảng giải lý sanh tử cho nghe, từ đó các Tỳ kheo trẻ gắng tu, tinh cần công hạnh, chẳng bao lâu đều đắc quả A La Hán. Do nhân duyên này, tiếng đồn khắp thành Vương xá:

Thật lạ quá, ông già 100 tuổi rồi mà đi tu còn đắc đạo, thuyết pháp như nước chảy suối reo, chưa từng thấy. Từ đó, người trong thành noi gương ông mà lần lượt xuất gia rất nhiều.

Giới Ðức

“Ðức Phật cao thượng hơn các bậc trí tuệ, Ngài chẳng những chỉ cho chúng sanh thấy cái quả, mà còn dẫn chứng cho thấy cái nhân. Mỗi khi đề cập cái nhân, thì Ngài tiên đoán ngay cái quả”.