Home > Khai Thị Phật Học > Tu-Hoang-The-Nguyen
Tứ Hoằng Thệ Nguyện
Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Giảng tại Viện Giáo Dục thị xã Đài Đông năm 1998.

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Cổ Nhân nói: Ruộng dâu hóa biển, vạn pháp vô thường, người học Phật chúng ta không thể không thấu rõ. Kinh Điển dạy rất nhiều, Đức Phật là bậc trí tuệ viên mãn đã chỉ dạy, cương lĩnh đơn giản nhất cũng chính là nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng ta thường niệm, tứ hoằng thệ nguyện, chính là phương pháp tu hành.

Chỉ có bốn câu dễ nhớ nhưng người học Phật lại luôn xem thường, miệng niệm hằng ngày, biến thành câu cửa miệng tầm thường nhưng không hề tư duy ý nghĩa của nó, cũng không hề nghĩ mình phải làm thế nào cho đúng. Sai lầm này là do chúng ta, không phải Phật Bồ Tát.

Câu thứ nhất của tứ hoằng thệ nguyện dạy phát tâm, chúng ta học Phật nhưng đã phát tâm chưa?

Mấy mươi năm chúng tôi đi qua rất nhiều vùng và nhiều nước, gặp không biết bao nhiêu bạn đồng tu, nhưng người phát tâm chân chính quả thật hiếm thấy. Một vạn người, không có được một người phát tâm.

Họ đều biết niệm chúng sanh vô biện thệ nguyện độ nhưng trên thực tế lại không có tâm độ chúng sanh, khởi tâm động niệm vẫn vì chính bản thân mình. Hay nói cách khác, vẫn là tự tư tự lợi, không hề nghĩ đến chúng sanh. Ngày nào cũng niệm câu này, nhưng đó chỉ là niệm suông.

Nếu lấy tứ hoằng thệ nguyện làm tiêu chuẩn suy xét, chúng ta sẽ thấy rõ ràng Chư Phật Bồ Tát, các Tổ Sư Đại Đức khởi tâm động niệm đều vì chúng sinh tận hư không, khắp pháp giới.

Chúng ta muốn phát nguyện độ chúng sinh ở một phương, nguyện này rất nhỏ. Độ chúng sinh ở giới hạn một khu vực mình đang sống, thậm chí hành tinh mình đang tồn tại, tâm lượng đó vẫn nhỏ hẹp, trong khi thái hư không là vô lượng vô biên. Mới độ chúng sanh trên một quả đất thì có đáng gì so với lời Phật dạy chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.

Nhưng độ như thế nào?

Chúng sinh tận hư không khắp pháp giới, chúng ta đều phải độ.

Vậy chữ độ này có ý nghĩa gì?

Nếu dùng ngôn ngữ hiện đại, thì độ là quan tâm, yêu quý, dốc lòng dốc sức giúp đỡ.

Có bao giờ chúng ta thật sự phát tâm là quan tâm giúp đỡ mọi người trong xã hội chưa?

Người học Phật phải dựa vào lương tâm để tự chất vấn điều này.

Được mấy người đã từng phát tâm quan tâm?

Không cần bàn đến việc quan tâm tận hư không khắp pháp giới, mà chỉ cần quan tâm ngay thế giới này, quan tâm đến một quốc gia, một vùng, một thành phố.

Vậy có được mấy người khởi tâm động niệm quan tâm đến xã hội, quan tâm cho người khác?

Nếu không phát tâm như vậy, người đó vẫn là phàm phu, chưa học Phật, còn mê chưa tỉnh và dĩ nhiên chưa giác ngộ. Người giác ngộ thì mỗi niệm đều vì chúng sinh, vì xã hội, trong khi người mê thường chỉ nghĩ cho bản thân.

Người xuất gia nếu mỗi niệm đều vì Chùa nhỏ của mình thì cũng không khác gì người tại gia chỉ nghĩ cho bản thân, gia đình mình. Tâm trạng như vậy mà học Phật, tu vô lượng kiếp vẫn là phàm phu, vẫn đi vào trong sáu nẻo luân hồi, không thể ra khỏi ba cõi.

Tu hành như thế nào?

Muốn tu hành công phu tiến bộ, muốn có thể giảm bớt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cổ đức đã dạy: Nhiệm vụ tu hành, phát nguyện là đầu. 

Việc trước tiên là phải phát nguyện, phát tâm, và học Phật. Chư Phật Bồ Tát mỗi niệm vì tất cả chúng sinh hư không pháp giới, không phải chỉ vì một cõi nước của Phật. Phật Thích Ca Mâu Ni không chỉ phát tâm vì thế giới Ta Bà.

Chúng ta học Phật cũng cần phải bắt đầu học từ chỗ này, thì công phu sẽ tiến bộ. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường dạy bảo chúng ta phải chuyển tâm. Chuyển tâm là thay đổi quan niệm, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn.

Một số người sẽ hoang mang, chẳng lẽ từ nay về sau không nghĩ đến bản thân mà chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến xã hội, vậy có hoàn toàn nên không?

Ngạn ngữ rằng: Người không vì mình, trời tru đất diệt.

Vậy người không vì bản thân thì có lỗi gì?

Vì sao Đức Phật nhất định không cho phép chúng ta vì mình?

Kinh Bát Nhã nói thực tướng các pháp, nếu dùng ngôn ngữ hiện đại thì thực tướng các pháp là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, người thông thường gọi là chân lý. Đức Phật căn cứ vào chân lý chân tướng sự thật mà nói, chúng ta chắc chắn có thể tin, có thể tiếp nhận.

Vậy chân tướng của sự thật là gì?

Sáu đường không thật, mười pháp giới cũng không thật.

Trong Kinh Kim Cang có câu: Những thứ có hình tướng đều là hư dối.

 Lại nói: Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn, bèo bọt.

Vậy cái gì là pháp hữu vi?

Quyển Bách Pháp Minh Môn Luận có giải thích rất rõ về nhất thiết hữu vi pháp. Bồ Tát Thiên Thân đại từ đại bi lấy sáu trăm sáu mươi pháp trong Du Già Sư Địa Luận do Bồ Tát Di Lặc thuyết.

Bồ Tát Thiên Thân đem tất cả vạn pháp vũ trụ nhân sinh quy nạp thành sáu trăm sáu mươi loại, thuận tiện giảng giải giới thiệu cho mọi người. Tuy nhiên, người mới học Phật sẽ tiếp nhận một cách khó khăn.

Cho nên Bồ Tát đem sáu trăm sáu mươi pháp quy nạp tiếp thành một trăm loại, gọi là bách pháp. Một trăm loại này khi triển khai chính là tất cả pháp vũ trụ, nên gọi là vạn pháp. Nói cách khác, tuy là một trăm loại nhưng trên thực tế là vô lượng vô biên.

Trong một trăm loại lại chia thành năm loại lớn: 

Thứ nhất là tâm pháp, chúng ta thường nói tám tâm vương.

Thứ hai là tâm sở pháp, nói tác dụng tâm lý.

Thứ ba là sắc pháp, chỉ vật chất.

Thứ tư là tâm bất tương ưng hành pháp, nếu dùng cách nói hiện đại thì đó là khái niệm trừu tượng, tuy giả nhưng có những sự tướng không thể không thừa nhận.

Thứ năm là vô vi pháp. Bốn loại đầu gồm tổng cộng chín mươi bốn pháp, đều gọi pháp hữu vi. Ý nghĩa hữu vi là có sinh có diệt mà nhà Phật dạy là không thật, tức giả dối hư huyễn. Cái chân thật phải là không sinh không diệt.

Sáu cõi luân hồi có sinh có diệt. Mười pháp giới gồm Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật cũng có sinh có diệt. Phật của mười pháp giới vẫn có sinh có diệt, cũng không phải là thật.

Vậy chỗ nào mới là không sinh không diệt?

Đó chính là nhất chân pháp giới.

Vậy nhất chân pháp giới ở đâu?

Kinh Hoa Nghiêm chỉ cho chúng ta Thế Giới Hoa Tạng của Phật Tỳ Lô Giá Na là nhất chân pháp giới. Phật lại bảo, Thế Giới Tây Phương Cực Lạc cũng là nhất chân pháp giới.

Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà cũng nói, người ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, ai ai cũng đều thọ vô lượng, không có sinh diệt. Chúng ta vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc, không phải từ nhỏ dần dần trưởng thành người lớn. Nếu từ nhỏ dần dần lớn lên, đó là có sinh có diệt.

Người Thế Giới Tây Phương là hóa thân, thân hình không khác với từ phụ A Di Đà, cao lớn, trang nghiêm đồng như nhau. Thế Giới đó rất kỳ lạ, đó là không sinh không diệt, là nhất chân pháp giới.

Thế giới này của chúng ta là hư dối. Đã giả thì phải vứt bỏ, phải buông bỏ thôi. Vứt bỏ và buông bỏ không phải trên việc làm mà bỏ ngay ở trong tâm. Trong tâm dứt khoát không dính mắc, tức là không phân biệt, không nắm giữ, được đại tự tại trong tất cả pháp.

Nhìn thấu đối với những chân tướng sự thật này, sáng tỏ thật sự, hiểu rõ thật sự, sau đó y chánh trang nghiêm mười pháp giới. Cần nhớ kỹ, trong mười pháp giới bao gồm cả lục đạo luân hồi y chánh trang nghiêm, sự lý nhân quả đều phải sáng tỏ, đều hiểu rõ. 

Buông xả là không còn phân biệt, cũng không nắm giữ. Vào được cảnh giới này thì chính bản thân chúng ta được đại tự tại. Thân thể tuy ở trong thế gian nhưng có thể hằng thuận chúng sinh, tùy hỷ công đức, tùy duyên du hý thần thông, sống đời sống của Phật Bồ Tát, không còn đời sống của phàm phu. Đời sống phàm phu rất khổ não trong khi đời sống của Phật Bồ Tát tự tại, vui vẻ dường nào.

Nhà Phật thường nói: Phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Tất cả khổ đều do không hiểu rõ chân tướng sự thật, không biết nhân quả, chỗ phát sinh ra những sự lý này.

Khi đã thông suốt thì tự tại vô cùng, khổ não được nhổ sạch đến tận gốc rễ. Những lời này tuy nói rất dễ, nghe cũng rất rõ nhưng hầu như chưa ai trong chúng ta thực hiện được. Vì nếu lãnh hội triệt để, thì đâu có chuyện không nhìn thấy thấu. 

Kinh Phật mô tả, thời ấy Thế Tôn thuyết pháp, trong hàng đệ tử của Ngài thậm chí chưa nghe xong một bộ Kinh đã có người khai ngộ, có người chứng quả. Chúng tôi giảng ở nơi đây mấy phút như vậy, nếu ai đó nghe hiểu sẽ liền khai ngộ, và khi thật sự đã buông xả thì liền chứng quả. Pháp Hội này so với Phật Thích Ca Mâu Ni ngày ấy không có gì khác.

Nghe giảng rồi vẫn chưa làm được, điều đó chứng tỏ chúng ta còn chưa thấu hiểu, cho nên cần phải nghe nhiều. Chúng tôi thường nhắc nhở các bạn đồng tu, nếu muốn thành tựu đích thực ngay trong đời này, thì phải biết một bí quyết, đó là một môn thâm nhập, huân tu lâu dài. Việc học, đáng sợ nhất là học quá nhiều, quá tạp, khi ấy muốn thành tựu cũng khó hy vọng.