Home > Khai Thị Phật Học
Đồng Cảm Hóa Giải Chấp Chặt
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Phàm là người đều có đủ thất tình lục dục. Khi chúng ta mới rơi vào vũng bùn của thất tình lục dục, chúng ta sẽ cảm thấy nó ngọt ngào, tốt đẹp làm sao, nhưng cuối cùng chắc chắn phải chịu nỗi đau khổ không thể nói được. Kinh Tứ Thập Nhị Chương dạy: “Con người đối với tài sắc như đứa bé thèm chút mật ngọt trên đầu lưỡi dao, miếng ngon ngọt đó không đủ cho một bữa ăn, nhưng lại bị nạn là đứt lưỡi.” ở đây ý nói rằng, người tham đắm vào tài sản và sắc đẹp cũng giống như dùng lưỡi mà liếm mật trên lưỡi dao vậy, mặc dù thưởng thức được vị ngọt nhất thời, nhưng kết cục lưỡi bị dao cắt đứt nên đau khổ vô cùng. Cho nên chúng ta nhất định phải cẩn thận, không thể vừa nhìn thấy sự vật tốt đẹp trước mắt mà không thể chịu nổi được sự cám dỗ đó. Nếu chúng ta có tâm cảnh giác như thế, thì bản thân ta có thể bớt đi nhiều điều rắc rối, phiền muộn và đau khổ.

Ví như có một người con gái nọ đã có người bạn trai rất tốt, nhưng khi xuất hiện một người con trai khác thông minh, khôi ngô tuấn tú, lại thêm nhiều tiền lắm của hơn, thì cô gái kia động lòng ngay nên bỏ rơi người bạn trai trước kia. Giống như hai chân dẫm lên hai chiếc thuyền, cô gái ấy đang chơi đùa với những cuộc tình ái, điều đó còn đáng sợ hơn đùa với lửa! Nếu trong lòng cô gái ấy đã có sự cảnh giác, cô ấy biết thế nhưng vẫn tiếp tục đùa chơi, thì không những sẽ dẫn đến sự quấy nhiễu cho bản thân mình và người khác, thậm chí nó có thể phá hoại cả tính mạng của đôi bên. Trước sự sai lầm to lớn đó, cô ấy vội vàng buộc ngựa vào vách núi. Nếu không có tâm cảnh giác, biết rỗ là có vấn đề nhưng lại tự an ủi bản thân rằng: “Có lẽ không xảy ra vấn đề gì đâu, nhưng cho dù có xảy ra hậu quả gì đi nữa, khi thuyền đi đến đầu cầu thì tự nhiên sẽ dừng lại.” Một khi đã mê đắm vào trạng thái tâm lý này thì không còn cách nào để chống đỡ nổi lòng ham muốn của bản thân mình được.

Vì thế, khi đứng trước sự mê hoặc cám dỗ, chúng ta phải chọn lựa để xa lìa nó hoặc thay đổi cách nhìn của mình. Chỉ cần giữ tâm cảnh giác thì có thể điều chỉnh được cảm tính và lý tính, nên tránh được cái khổ bị thất tình lục dục lôi cuốn. Tuy nhiên, nếu như chỉ tự nhủ mình phải lìa xa sự mê hoặc, cám dỗ thì sẽ không dễ gì làm được triệt để, điều này chính là không đủ can đảm để cảm nhận vấn đề cho sự tương quan không dứt của cuộc đời mình. Vì thế, ngoài cách sửa đổi quan niệm ra, lúc nào ta cũng phải giữ tâm cảnh giác và luôn nhắc nhở bản thân mình, chúng ta còn phải chuẩn bị mang trong lòng đầy đủ để “cảm nhận với thân thọ”.

Có một thời báo chí thường đưa tin: Thịt bò của Mỹ đa số đều được nhập khẩu từ Nam Mỹ, nên những người nông dân ở Brazil thường chọn rừng nhiệt đới để làm nơi nuôi bò. Thế rồi họ chặt hết rừng cây ở đó và trồng lại một thảm cỏ lớn để nuôi súc vật, như thế họ lại phá hoại đi cả bầu không khí làm nguy hại đến môi trường sinh thái của cả trái đất. Bấy giờ có một em bé người Mỹ chỉ mới 13 tuổi, sau khi đọc được tin này trên báo, cậu nhất quyết không bao giờ ăn thịt bò và bánh hamburger... nữa.

Cha mẹ cậu cho rằng tất cả mọi người đều ăn thịt bò, chỉ một mình cậu ấy không ăn cũng chẳng sao, dù sao thì rừng cây miền nhiệt đới vẫn bị phá hoại như thường. Cậu bé ấy trả lời một cách chắc chắn rằng: “Bớt đi một người ăn thịt bò thì thịt sẽ bớt hao đi một chút, như thế sẽ bảo vệ được một cây, cho nên con tuyệt đối không bao giờ ăn đâu!”

Quả thật từ đó về sau, cậu bé ấy không bao giờ ăn thịt bờ nữa, vì cậu cảm nhận được hành động của mình có sự tương quan với từng hơi thở trong môi trường của toàn thế giới. Cho nên cậu thấu suốt được sự quyết tâm của bản thân mình, cũng như cảm nhận được bản thân mình và cuộc sống của mọi người có tính cấp thiết tương quan trong từng hơi thở. Đây chính là “cảm nhận thông cảm với thân thọ”, thứ cảm nhận này có thể giúp chúng ta khơi dậy động lực, để tiến thêm một bước nữa là tự thay đổi bản thân mình.

Vì thế, khi đã xuất hiện sự mê hoặc hấp dẫn của thất tình lục dục, trừ phi bất cứ lúc nào chúng ta cũng phải giữ gìn tâm cảnh giác, còn không thì phải thực sự sửa đổi bản thân, đồng thời phải dùng tâm để cảm nhận được bản thân và mọi sự vật là thể đồng nhất của mạng sống, tương quan trong từng hơi thở. Như thế ta sẽ phát hiện rằng mỗi khi ta thuận theo lòng ham muốn của bản thân thì sẽ tạo ra cho bản thân mình và người khác lòng tổn thương rất lớn, cũng chính là không muốn để cho bản thân mình rơi vào vũng bùn của sự ham muốn. Chỉ cần chúng ta lấy trí tuệ để nương tựa vào Phật pháp thì sẽ giảm bớt phiền não do thất tình lục dục gây nên, bấy giờ chúng ta sống một cuộc đời hết sức thong dong, tự tại.