Home > Khai Thị Phật Học
Không Lấy “Cái Tôi” Làm Trung Tâm
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Bát Nhã Tâm Kinh dạy “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” là phương pháp để hóa giải, đối trị khổ tốt nhất trong “ngũ ấm xí thịnh”, nhưng có người lại cho rằng vì có sự hợp tan của sầu bi khổ ưu não mới hiện ra sức sống dồi dào trên nét mặt con người, điều đó có thể chứng minh được giá trị tồn tại của chúng ta, nếu không thì nó sẽ giống như “cành khô tro lạnh” mà thôi. Cách nói này thực ra đã hiểu lầm ý nghĩa của “ngũ uẩn giai không”.

Cảnh giới của “ngũ uẩn giai không” tuyệt nhiên không như gỗ, đá, cỏ cây, nếu không thì sao sau khi quan sát thấy được năm uẩn đều không, Bồ tát Quan Thế Âm sẽ không muốn cứu độ chúng sinh; trái lại, khi Bồ tát quán sát thấy được năm uẩn đều không, vượt qua tất cả mọi tai nạn khổ ách, không những Ngài giải thoát cho bản thân khỏi đau khổ mà thậm chí còn cứu tất cả chúng sinh thoát khỏi mọi khổ nạn. Ngài tự nguyện dùng thời gian vô hạn, lòng từ bi rộng lớn vô biên để cống hiến cứu giúp cho tất cả chúng sinh. Cuộc sống [“ngũ uẩn giai không” của Quan Thế Âm] sinh động, tự nhiên như thế, vì sao lại bảo như cành khô tro lạnh ư?

Thế nên sự khác biệt giữa “ngũ uẩn giai không” và “ngũ ấm xí thịnh” thể hiện nơi trạng thái tâm lý hành sự của chúng ta: Nếu lấy bản ngã trung tâm làm điểm xuất phát thì đó chính là “ngũ ấm xí thịnh”; nhưng nếu vì lòng từ bi rộng lớn muốn cứu độ tất cả chúng sinh thì đó là “ngũ uẩn giai không”, hai điều này rõ ràng không giống nhau.

Khi bản ngã trung tâm của con người quá mạnh và lòng ích kỷ quá nặng nề, bấy giờ con người sẽ rong ruổi chạy theo bên ngoài tìm cầu không biết mệt mỏi, đổng thời họ không ngừng bác bỏ hoàn cảnh bên ngoài, cho nên mang lại cho họ không ít khổ đau. Tuy nhiên, trong xã hội này, con người ta luôn muốn đem người có bản ngã trung tâm cứng rắn, mạnh mẽ để nhiếp phục lại người mạnh mẽ, nhưng dường như họ chẳng bao giờ có được những người bạn bền lâu, vì một khi bạn bè trở thành đối thủ ngang tài ngang sức thì với họ không thể tha thứ cho sự dũng mãnh không biết sợ của đối phương, mà bấy giờ họ sẽ trở thành kẻ thù của nhau. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng, hễ là người mạnh bạo không khiếp sợ thường rất cô độc và khổ đau. Nhưng trên thực tế, họ chẳng bao giờ chấp nhận như thế, bởi vì họ sợ mất mặt, họ lo lắng không còn đường thối lui, họ sợ rằng sau khi vấp ngã sẽ không bao giờ đứng dậy được. Vì thế, họ nhất định phải chiến đấu đến cùng, nhưng một khi đã như thế lại càng thể hiện ra bản bản chất khiếp nhược yếu đuối của họ. Có thể thấy rằng, người quá cứng rắn, mạnh mẽ cũng không nhận được điều gì tốt đẹp.

Có những lúc trong thoáng chốc, dường như người cứng rắn, mạnh mẽ mang hết sức lực vốn có của mình để thúc đẩy thế giới tiến bộ, họ cho rằng xã hội phải dựa vào họ để duy trì và phát triển. Nhưng trên thực tế, người mạnh mẽ cũng không phải là người thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội này, mà người thuộc tầng lớp cao nhất phải là các nhà tôn giáo, các nhà triết học, bởi vì họ đã bỏ đi sự ích kỷ hẹp hòi của bản thân, họ đem cuộc đời mình để cống hiến, chia sẻ cho cả cộng đồng thế giới.

Ví như đức Phật Thích Ca Mâu Ni không muốn giành địa vị danh vọng hay bất cứ thứ gì trong xã hội cả. Ngoài việc cống hiến bản thân mình để cứu giúp chúng sinh ra, Ngài không cầu bất kỳ điều gì khác. Ngoài ra, còn có các bậc vĩ nhân, họ chỉ muốn cống hiến hết mình chứ không muốn tranh giành bất cứ lợi ích nào để tôn vinh cho bản ngã của họ. Thế nhưng thật khó nhìn bề ngoài để đánh giá được người mạnh mẽ và bậc vĩ nhân, mà cần phải phân tích từ bên trong con người họ, rốt cuộc ai là người lấy bản ngã làm trung tâm? Ai là người lấy thiên hạ làm của chung? Nếu như lấy bản ngã làm trung tâm thì chỉ có thể xem họ như người mạnh mẽ, họ vẫn còn có sự đau khổ của “ngũ ấm xí thịnh”, không có cách nào tìm thấy giải thoát trong phiền não được.

Có lẽ con người nói chung không thể thực hành được hạnh nguyện của Bồ tát Quan Thế Âm, nhưng trong cuộc sống hằng ngày con người vẫn có thể học theo tinh thần Bồ táttừng chút, từng chút một. Ví như khi chúng ta cảm thấy đau khổ, sợ hãi và giận dữ, ta tự nhủ: “Bồ tát Quan Thế Âm luôn vận dụng trí tuệ để thấy được bản ngã do năm uẩn tạo thành đều không, mà ta bây giờ lại cảm thấy đau khổ như thế, đây chính là tự mình ôm giữ lấy cái khổ của ngũ ấm xí thịnh chứ chẳng thể khác được” hoặc là tụng một đoạn kinh trong Bát Nhã Tâm Kinh: “Bồ tát Quán Tự tại, khi thực hành sâu xa trí tuệ Ba la mật, quán sát thấy được năm uẩn đều không mà vượt qua tất cả mọi khổ ách tai nạn.” Thế nên chúng ta phải dùng trí tuệ của Phật pháp để tự răn mình, trung tâm của bản ngã chính là ngũ uẩn giai không, cho nên không cần phải chấp thủ đắm trước, đau khổ như thế.

Nếu như chúng ta thường dùng phương pháp này để tự răn mình thì sẽ phát hiện được rằng trong cuộc sống cần phải “quan sát để thấy được năm uẩn đều không”, cũng không tưởng tượng có sự khó khăn đến thế. Khi vứt bỏ dần được mọi thứ phiền não của bản ngã trung tâm, bất cứ lúc nào chúng ta cũng cảm thấy được sự vui vẻ, tự tại.