Home > Khai Thị Phật Học
Không Còn Vướng Bận Tình Cảm
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Tình là gì? Tình tức tình cảm, có thể chia thành tình thân, tình yêu, tình bạn, tình đồng đạo. Đạo Phật khuyên con người lìa dục, xả bỏ tất cả nhưng không phải biến mình trở thành kẻ vô tình, vì, chúng sinh vốn được gọi là “hữu tình chúng sinh” (chúng sinh có tình cảm).

Nếu chưa được giải thoát giác ngộ thì tất cả con người đều có tình cảm, đấy là lẽ thường tình, tự nhiên của con người. Trong những thứ tình cảm đó, tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái là tình cảm thuần khiết, vị tha nhất. Tình cảm đó chỉ có cho đi mà không hề mong cầu báo đáp; tình bạn bè là tình đạo nghĩa của con người trong mối tương quan với người khác trong xã hội. Tục ngữ có câu “tình cảm của người quân tử trong sáng, thanh đạm như nước lã”, cho thấy tình bạn nhẹ hơn tình thân một bậc. Tình đạo hữu chỉ mối quan hệ giữa những người cùng tu tập theo Phật pháp, họ sẽ quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ nhau.

Tình yêu nam nữ là thứ tình cảm phức tạp nhất trong đời, tuy có những tình yêu trong sáng, chân thực cũng là thứ tình cảm chỉ cho đi mà không hề muốn đền đáp, nhưng rất hiếm! Phần lớn tình yêu nam nữ là tình yêu chiếm hữu, ràng buộc. Điều này có liên quan đến nhu cầu cảm giác an toàn của con người, vì bất kì ai cũng không mong cùng người khác chia sẻ những thứ mình có, cho nên tình cảm thường là cội nguồn của đau khổ. Tuy nhiên, có thể nói rằng, trong những thứ tình cảm của con người bình thường thì tình cảm nam nữ ngọt ngào nhất. Vì thế, tình yêu nam nữ là thứ tình cảm phức tạp, khó xử lí nhất trong bốn thứ tình cảm nêu trên, đồng thời đây cũng là thứ tình cảm tiềm ẩn nhiều nguy cơ nảy sinh vấn đề nhất. Người xưa có câu “trời nếu có tình, trời cũng già”, điều đó muốn nói rằng tình cảm là thứ giày vò tâm trí con người nhiều nhất. Khi tình yêu lên ngôi, đôi bên quấn quýt gắn bó keo sơn, nhưng nếu yêu quá mức liền thành đau khổ.

Tình cảm yêu đương nam nữ nồng thắm như người Trung Quốc nói “yêu nhau như thuở ban đầu”, đôi bên quan tâm yêu thương trân trọng, tha thứ cho nhau. Một khi có điều gì đó khúc mắc, hai bên phải tìm hiểu và bù đắp cho nhau, như thế tình cảm mới được bền lâu. Thực ra, khi hai người nam nữ đến với nhau, họ đã có hai thế giới riêng, yêu thương bao nhiêu cũng chỉ là hai thế giới chứ không thể hóa thành một được! Vì thế, khó tránh những lúc to tiếng, cãi vã. Cho nên, tình yêu nam nữ cần phải học cách tha thứ, tôn trọng và bổ sung cho nhau.

Ngoài ra, trong quá trình quen biết, yêu thương nhau của những đôi bạn trẻ thường có sự chênh lệch về mặt tình cảm: một bên quá yêu thương đến nỗi bên kia không thể chấp nhận được tình cảm đó, vì yêu thương có mặt quá nhiều chiếm hữu. Có trường hợp một bên quá yêu thương, bên kia quá thờ ơ, lãnh đạm, vì thế người kia nghĩ rằng mình không được tôn trọng. Trường hợp này sẽ dẫn đến lòng tự trọng bị tổn thương, tâm lí mất thăng bằng. Điều đau khổ nhất trong tình yêu là “thất tình”. Tình cảm phải được xây dựng từ hai phía, nếu chỉ đến từ một phía thì không được xem là tình yêu nữa. Nếu chỉ đến từ một phía nhưng vẫn chấp chặt, theo đuổi thì chỉ làm tổn thương cho mình và đối phương.

Điều này nói thì dễ nhưng thực tế thì muôn vàn khó khăn. Con người thường đau khổ vì tình cảm, biết thế nhưng mấy ai gạt được tình cảm nam nữ ra khỏi lòng mình? Chúng ta thường thấy báo đài đăng tải những chuyện tình đau khổ do yêu không thành, có người tìm đến cái chết để giải quyết tình cảm, cũng có người do quá yêu nên giết người mình yêu. Họ thường làm thế với lí do là “anh làm tôi đau thì anh cũng đừng hòng sống yên thân” hoặc “anh không có được em thì không ai được phếp có em”. Khi hai người đều yêu nhau nhưng bị gia đình, xã hội ngăn cấm, họ rủ nhau tự vẫn...Tình yêu là mầm hận, đây là thứ tình cảm thiếu sáng suốt, đầy tình cảm thành mối bất hạnh cho đôi bên. Theo Phật giáo, đấy đều là những việc làm ngu si, thiếu hiểu biết. Nếu yêu không thành mà tìm đến cái chết thì không những bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với xã hội mà còn bất nhân đối với cả người mình yêu.

Nếu muốn hiểu rõ về tình cảm này, chúng ta cần suy nghĩ ở khía cạnh khác. Thực ra, khi chúng ta yêu, chúng ta cứ chấp chặt vào một đối tượng và muốn tạo mối ràng buộc sống chết cho nhau; nếu mở rộng lòng mình, nhìn vào thực tế xã hội thì đâu cũng có người đáng yêu thương. Hơn nữa, chỉ cần người mình yêu sống hạnh phúc là được chứ không hẳn phải nhất định sống với ta là được.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Không Còn Vướng Bận Tình Cảm