Nghèo Giàu Cơ Hội Như Nhau
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Toàn dân số trên địa cầu có hơn sáu tỷ (6,000,000,000) người, con số cũng thật khủng khiếp; nếu như số người sáu tỷ này tập trung sống một nơi, một đất nước, thì sự khủng khiếp lại khủng khiếp hơn! Cũng may thế giới có gần hai trăm quốc gia, nên người người tự động tách ra tìm sống; rồi cũng tạm quân bình cán cân, tránh được nạn diệt chủng một khi thiên tai địa chấn phát động xảy ra một nơi. Việc lợi nữa, là nhân họa chiến tranh chẳng thể xảy ra hàng loạt chết đi, chẳng hạn như chiến tranh thế giới thứ hai, nếu không dân tộc Do Thái đã bị Hitler diệt chủng rồi.

Sống tách biệt nhau còn khiến con người biết ý thức tìm đến hòa giải thương yêu tha thứ. Nói rộng hơn, sinh hoạt sống con người rải rát trên địa cầu, giúp con người khám phá thêm những điều mới lạ, hay những nguy cơ hiểm họa trên địa cầu, hầu giữ được tồn sinh nhân loại.

Diễn tiến sống của nhân loại như vậy, thiết nghĩ các loài sinh vật khác chắc không khác là bao. Tuy nhiên có một điều lạ, là dù người đông đến sáu tỷ, vậy mà chẳng ai giống ai. Cả người cùng cha mẹ sinh ra cũng chẳng giống nhau.

Thật ra vẫn có người giống người như đúc, đó là những cặp song sanh. Họ có khi giống luôn cả tánh tình. Nhưng trừ một số ít như vậy, ngoài ra sự khác biệt thật là lạ lùng. Nhìn tổng quát cơ thể cấu tạo hoàn toàn không khác, nhưng nét mặt thì không bao giờ giống được hoàn toàn như nhau. Người ta không gì khó khăn khi chen chúc tìm người thân của mình, giữa đám đông hàng trăm hàng ngàn người, và ngay cả tiếng nói lại có thể nhận diện không sai người mình tìm kiếm.

Sự khác biệt như vậy theo nhà Phật là nguyên nhân do nghiệp tánh sinh ra; vì tánh nghiệp mỗi người mỗi khác nên tướng bị sanh theo tánh không thể giống nhau, ngoại trừ chỉ vài trường hợp cùng nghiệp báo nên sanh cùng tướng.

Người người mang hình tướng diện mặt khác nhau như vậy, đều do duyên cớ mà ra, duyên cớ ấy là tánh chất vô hình từ quá khứ, nói như trên là nghiệp tánh. Tánh cũng có thể gọi là tâm, là thức…còn nghiệp là hành động. Vậy hành nghiệp vô hình đã hình thành từ quá khứ nay lại tiếp tục hiện hành. Thường thì hành động ta thấy như đã xong, tuy nhiên diệu lực của hành động lại âm thầm đi với ta, đó là tính chất vô hình gọi là tánh, hay thức, hay tâm vậy. Tỉ dụ một hành động chỉ trích la mắng người, xem như vừa diễn ra đã xong; nhưng lực dụng kết quả của nó sẽ khiến cả hai người còn phải phiền não chịu đựng cả một thời gian như nhẹ cũng cả giờ, hoặc nặng hơn kéo dài đến ngày hôm sau; và tệ nhất sẽ mãi đeo mang theo mình, rồi phụt sống dậy khi gặp duyên nhắc đến. Đó là tánh nghiệp đeo đuổi theo như vậy. 

Thật ra người ta sống về tánh nghiệp nhiều hơn là tướng nghiệp, vì tướng nghiệp ít linh hoạt, còn tánh do vô hình linh diệu nên linh hoạt không ngừng, cho nên lăng xăng khó thể đứng yên được; như thế là lực dụng đẩy đưa con người đi mãi trong vòng quay của nhân quả.

Rồi từ quả hiện thời đang gánh chịu hoặc được nhận, lại tạo ra tánh nghiệp mới, thành nhân biến động tiếp theo không dứt. Thế gian đông người như vậy diện mặt khác nhau rõ ràng, vậy thì tánh tình tất nhiên còn khác nhau khó thể hiểu được!

Nhìn chung có hai hạng người tạm thời khác nhau trong hoàn cảnh giàu nghèo, nghĩa là hưởng vui và đau khổ và tánh nghiệp tạo thành quả báo hiện sinh thân người dù có khác biệt, cũng không ra ngoài hai mặt phước báo nhân gian giàu sang nghèo đói. Nhưng vì tánh nghiệp là linh hoạt vô hình nên kẻ giàu người nghèo không thể tránh được lăng xăng động niệm. Lẽ đó người nghèo, người giàu đều mang cùng bản chất bất an trong đời sống khổ vui này.

Như thế nghèo giàu đều có cơ hội như nhau trên bình diện tỉnh tâm hành nghiệp; hiểu điều này ta thấy lắm người nghèo, có khi hạnh phúc còn hơn người giàu; và không hiểu điều này ta cứ mãi tưởng rằng chân lý giải thoát chỉ dành riêng cho người trí thức hay kẻ giàu sang an bình nơi nhà cao cửa rộng.

Một đại sư người Hoa thuyết rằng, người giàu cơ hội tạo tội nhiều hơn người nghèo, lý do giàu có ngày ngày tham đồ hưởng thụ, mỗi lần ăn uống là mỗi lần sát sanh hại vật. Điều này quả đúng, nghĩ ra thương cảm đau lòng, vì số người giàu hưởng thụ kia, đâu biết rằng, quả báo giàu sang hôm nay là do nhân lành làm thiện quá khứ, nhưng vì không hiểu nên quả giàu sang hôm nay lại nhận chìm thiện báo đời sống vừa qua.

Riêng người nghèo dù cơ hội tạo tội không nhiều như người giàu, nhưng phần làm phước tạo thiện cũng chẳng được gì. Vậy ra nếu cả hai giàu nghèo mà chẳng hiểu nguyên do hiện báo đời nay là do đời trước, thì đời sau cả hai vẫn thọ nhận quả khổ như nhau. Ngược lại nếu cả hai, nghèo giàu, hiểu được lý nhân quả, quá khứ, hiện tại, vị lai là do hành nghiệp chính mình tạo ra, thì cả hai đều vượt khỏi sự bất an trong đời sống, khi đón nhận quả báo hiện nay.

Vậy kết quả mà cả hai hạng người trên thế gian này đạt được chỉ là một, đó là sự bình an hạnh phúc hướng về giáo lý nhân quả; như thế dù sống cảnh nghèo hay giàu vẫn an vui, chịu đựng, để có ngày vượt lên vòng tương đối sinh diệt thế gian.

Đức Phật dạy, không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc lắng dịu tâm hồn. Tâm hồn lắng dịu mà Phật dạy, chẳng thể tìm được nếu không thấy giáo lý duyên sinh nhân quả. Người nghèo một khi hiểu đạo giải thoát, hiểu được nhân quả, dòng sống ngút ngàn của nhân sinh trong vòng luân hồi đau khổ, tức thì họ đã và đang bước ra khỏi cái khổ thế gian cái khổ sinh tử triền miên, chứ không phải cái khổ thiếu ăn thiếu mặc.

Người giàu cũng vậy, họ sẽ không còn thấy vật chất hào nhoáng thế gian là chân thật, cho nên họ sống hạnh phúc chân thật ngay trong cái hạnh phúc giả dối phù du, và như thế họ sẽ không bao giờ đau khổ. 

Suy định lại, dân số trên thế gian dù có tăng hay giảm trong tương lai, con người vẫn không ra ngoài hai hạng người nghèo khó và giàu sang. Và diện mạo của họ vẫn từng người khác biệt như thuở nào đi nữa, điều đó vẫn là do tánh nghiệp chưa quay về giải thoát. Nhưng nghiệp tánh khác biệt của mỗi người chỉ là hiện lên phương diện thọ lãnh quả báo nặng nhẹ khác nhau, chứ về tánh tội vẫn chung là một đó, là tánh tham, sân, si.

Do đó cách nhìn theo thế gian qua tướng trạng hình thù có khác, vì do từ nghiệp tánh hành động nhân quả, nhưng nghiệp tánh nói chung của chúng sanh lại không khác.

Xét ra để hiểu, chư vị Bồ Tát, chư Phật đồng một thể tánh thanh tịnh cho nên diệu lực, phước báo công đức các Ngài như nhau; và tất cả đều là thân kim cang bất hoại.

Tóm lại nghèo giàu, dị biệt thế gian là do nghiệp tánh chúng ta còn thô, còn tội; nếu chuyển ý thức tu hành, chuyển nghiệp chuyển tâm thì tánh giác sẽ quy về một, và vậy thế giới sẽ thuần theo tâm thức thanh tịnh giải thoát.
 
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
2005
 
Trích từ: Ý Thức Giải Thoát
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Luận Về Con Đường Giải Thoát, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
2 Ý Thức Giải Thoát, Thượng Tọa Thích Phổ Huân Tải Về
3 Hương Vị Giải Thoát, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về

Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Nhân Qủa
Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Lý Luận và Sự Thật Của Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Lý Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Luật Nhân Qủa
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa