Home > Khai Thị Phật Học
Bài Văn Của Cư Sĩ Long Thư Khuyên Giữ Gìn Khẩu Nghiệp
Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch


Cư sĩ Long Thư nói rằng: “Miệng niệm danh hiệu Phật như nhả ra châu ngọc, sẽ được phước báo sanh về cõi trời, nước Phật. Miệng nói việc lành như phun ra hương thơm, đồng với việc khen ngợi ưu điểm của người khác. Miệng nói lời giáo hóa như phóng hào quang, phá tan sự mê tối cho người khác. Miệng nói lời thành thật như tấm vải lụa vuốt phẳng, thật là có ích cho người khác. “Miệng bàn luận điều vô ích như nhai mạt cưa, không bằng lặng thinh để nuôi dưỡng hơi thở. Miệng nói lời dối trá như che bít hầm bẫy, bước đi ắt phải hại người. Miệng ưa nói lời giễu cợt như múa gươm đao, ắt có lúc phải làm tổn thương người. Miệng nói ra việc dữ như bốc mùi hôi thối, đồng với việc chê bai khuyết điểm của người khác. Miệng nói lời dơ nhớp như có giòi bọ bên trong, sẽ bị tội báo nơi địa ngục hoặc sanh làm súc sanh.

“Đời sống con người không gì ngoài các nghiệp thân, miệng và ý. Giết hại, trộm cướp, tà dâm là 3 nghiệp ác của thân. Nói dối trá, nói lời trau chuốt vô nghĩa, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời hung dữ độc ác là 4 nghiệp ác của miệng. Tham lam, sân hận, si mê là 3 nghiệp ác của ý. Gọi chung là Mười nghiệp ác. Nếu giữ gìn không phạm vào các điều trên thì gọi là Mười nghiệp lành.

Theo lời Phật dạy thì quả báo do nghiệp của miệng nhiều hơn so với hai nghiệp thân và ý. Vì sao vậy? Ý tưởng phát khởi trong tâm, chưa hiện ra ngoài, nhưng lời nói ra thì người khác đã biết ngay. Đến như thân làm việc ác còn có lúc bị ngăn trở, không giống như miệng rất dễ nói ra lời ác. Nguyên nhân là như vậy.

Không nói chi việc đời trước, chỉ nói việc đời này. Như nay có người khen ngợi kẻ khác một lời, kẻ ấy trọn đời chịu ơn, phước đức còn lưu lại cho đến con cháu. Như nói một lời hãm hại kẻ khác, kẻ ấy trọn đời bị hại, còn liên lụy tới cháu con. Nghiệp của miệng như vậy há chẳng phải là nặng lắm hay sao?

Nói ra điều gì rồi đều phải tự mình nhận lại, nên nghiệp của miệng thật đáng sợ lắm thay! Hết thảy đều do nơi chính mình, nên oán trách trời là bế tắc, còn oán trách người khác là ngu si. Chỉ nên tự mình cẩn thận gìn giữ lời nói mới là hợp lý.

Cho nên tôi mới dẫn lại theo ý các bậc thánh hiền, đặc biệt khuyên răn việc giữ gìn khẩu nghiệp.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Bài Văn Của Cư Sĩ Long Thư Khuyên Giữ Gìn Khẩu Nghiệp