Home > Linh Cảm Ứng
Lục Sĩ Thuyên
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Lục Sĩ Thuyên, tự Cận Đường, quê ở Nguyên Hòa tại Tô Châu. Ban sơ ông làm đệ tử của Ngọc Đàn thuộc nhóm phò cơ theo thần tiên. Sau vì một đàn hữu cầu trị bịnh, thần dạy phải lễ Lương Hoàng Sám. Sĩ Thuyên nhân lễ sám phát tâm, đến am Thiên Ninh thọ giới Bồ Tát.

Vừa may gặp duyên lành, có Tịnh Căn Bồ Tát từ cõi Cực Lạc đến, phương tiện giáng nơi Ngọc Đàn, mở bày pháp môn Tịnh Độ. Bồ Tát thuyết pháp gồm 11 hội, khuyên mọi người thống thiết vì vấn đề sống chết luân hồi, dứt bỏ đường lối quanh co, chỉ một lòng niệm Phật. Do đó những người dự hội mới biết hồi hướng về Cực Lạc, nhưng phần đông tập quán cũ còn chưa quên, khi hướng về Phật, lúc ngả theo thần tiên. Riêng có Lục Sĩ Thuyên một lòng trì danh tu quán tụng kinh Pháp Hoa. Ông trường trai được hai năm, nhân đau yếu lại khai giới tạm dùng đồ mặn. Nhưng bịnh càng trở nặng, Sĩ Thuyên tự biết sắp mãn phần, ăn năn sám hối rất tha thiết. Bảy ngày trước khi chết, ông dứt tuyệt đồ huyết nhục, một lòng chuyên niệm Phật. Sĩ Thuyên lại răn dạy đứa con gái mới hơn 10 tuổi, bảo phải ăn chay niệm Phật, và khi mình lâm chung đừng nên than khóc. Lúc bịnh ngặt, mắt ông nhìn thẳng lên hư không như thấy cảnh giới chi, miệng nói: "Có hoa sen trắng, bạch hạc và các bậc thượng thiện nhơn!". Rồi nằm nghiêng bên mặt, liên tiếp xưng danh hiệu Phật mà mãn phần. Lúc ấy mùi hương lạ bay đầy nhà. Bấy giờ nhằm ngày 18 tháng 5, niên hiệu Càn Long thứ 52, ông hưởng dương được 39 tuổi.

Ít lâu sau, các thân hữu đến Ngọc Đàn phò cơ hỏi về chỗ sanh của ông. Một vị tự xưng là Vương Thiên Quân giáng đàn đáp rằng: "Sĩ Thuyên cơ hồ sắp bị đọa lạc, nhưng rất may mắn nhờ khi lâm chung giữ vững chánh niệm. Hiện thời ông đã được sanh về miền biên cảnh cõi Cực Lạc ở Tây Phương!". Năm sau, vào ngày mùng 1 tháng 5, Sĩ Thuyên lại giáng đàn, hiểu dụ rằng: "Có một việc rất thiết yếu không thể tránh khỏi, mà phần đông mọi người đều quên, các vị có biết chăng? Hiện thời các vị tứ đại nhẹ nhàng, tinh thần cường tráng, đâu từng nghĩ rằng mai kia mình nằm bịnh nơi giường, không phân biệt đông tây nam bắc, thân tâm mê mệt phách tán hồn ly! Chừng ấy đường trước mịt mờ, không chút chi cầm vững, theo nghiệp luân chuyển, thọ khổ vô cùng! Duy có những người bình sanh tu tịnh nghiệp, khi lâm chung tự thấy Phật đến tiếp dẫn, sanh trong hoa sen, hưởng các điều vui, sống lâu vô lượng. Nếu các vị thiết thật hồi tâm suy nghĩ, chí hướng về đường lối này, tôi sẽ xin cùng luận bàn về ba điều: Tín, Hạnh, Nguyện.

Về điểm Tín: là tin phương Tây có cõi Cực Lạc báu đẹp trang nghiêm, cũng như phía Tây thành này có dinh thự và công viên nguy nga tươi tốt. Cõi Ta Bà thuộc về phương đông, cũng như các xóm ấp lụp xụp ở phía Đông thành này. Cõi Ta Bà đã hiện hữu, thì cõi Cực Lạc cũng như thế, thật sự hiện hữu. Cả hai thế giới đều ở trong giác tánh sáng lặng bao la, khởi niệm thanh tịnh thì liền đến, cũng như đồng ở trong một thành cất bước có thể đi tới. Đã tin cõi Cực Lạc quyết định đến được, lại phải tin pháp môn Niệm Phật cần thiết như ăn cơm mặc áo. Ăn cơm khỏi đói, mặc áo khỏi rét, niệm Phật sẽ thoát khỏi sự khổ sống chết luân hồi. Trong niềm tin, nếu nay tin mai không tin, chưa gọi là thật tin. Trọn đời tin, một niệm bỗng không tin cũng chưa gọi là thật tin. Từ ngày nay cho đến lúc mãn phần, giữ một lòng tin chắc chắn thấu đáo, không mảy may nghi hoặc mới gọi là thật tin.
 

Về phần Hạnh: đã tin có cõi Tây Phương phải thiết thật bước vào hành môn Niệm Phật. Cho nên cần phải theo lời Phật dạy mà thật hành, nếu chỉ khen nói suông thì đâu có ích lợi gì cho đường giải thoát? Hôm nay tin hôm nay liền thật hành, ngày mai tin ngày mai liền niệm Phật. Rất không nên lần lựa bảo: "Hiện thời tôi còn trẻ, đợi đến khi hơi lớn tuổi tu cũng chưa muộn!" Há chẳng nghe nói: "Đất vàng vùi lắm trang mày biếc. Mồ quạnh chôn nhiều kẻ tóc xanh" hay sao? Cái chết xảy đến bất ngờ không hẹn, làm sao bảo đảm mà đợi cho tới lúc tuổi già. Lại cũng chẳng nên nói: "Việc cha mẹ chưa tròn, nợ con cái chưa xong, đợi đến lúc rảnh các duyên đó rồi sẽ tính!" Phải biết mạng người mong manh trong hơi thở, giả sử khi quỷ vô thường đến cửa, có thể đối với nó mà khất xin chờ hẹn như thế được hay chăng? Có nhiều kẻ tu hành, lúc thì siêng năng khi lại biếng trễ, đó gọi là tánh không thường hằng. Ví như gà ấp trứng thường không lìa ổ, khiến cho hơi nóng ấm nối tiếp nhau, thì mới có sự sanh nở. Nếu hôm nay ấp, ngày mai bỏ đi, làm sao thành tựu được? Việc hàm dưỡng thai sen cũng tương tợ như thế.

Đến như chữ Nguyện, lại rất là khẩn yếu. Trong đời kẻ tin Phật niệm Phật, xét lại chẳng thiếu chi người. Nhưng có những vị cầu sự lợi lạc trong hiện tại, hoặc cầu phú quý ở đời sau, hoặc nguyện sanh lên cõi trời hưởng sự vui nhiệm mầu, hoặc mong chuyển kiếp làm người phước huệ đầy đủ, xuất gia tu hành, tráng niên ngộ đạo. Những tâm nguyện đó đều trái với bản ý của Như Lai. Đức Phật muốn cho chúng sanh thoát vòng sống chết, các vị lại mong vào nẻo luân hồi. Phật muốn cho chúng sanh thoát cõi Ta Bà, các vị lại không cầu về Cực Lạc. Như thế lòng tin và sự tu hành một đời đều buông trôi theo dòng nước! Ví như cày xong khoảng ruộng tốt lại gieo xuống hột cỏ, mà mong cho sanh ra mạ lúa, việc ấy có lý chăng? Cho nên đã phát lòng tin, phải tu thật hạnh, đã tu thật hạnh, phải phát chân nguyện. Nguyện hết kiếp này không sanh trở lại cõi người hoặc lên cõi trời, chỉ quyết định được về Tây Phương Cực Lạc. Phát Tín, Hạnh, Nguyện như thế mới thuận với lời Phật dạy, không đến đỗi uổng phí ngày tháng công phu. Mong các vị nên cố gắng!".

Bốn năm sau, Sĩ Thuyên lại giáng cơ nơi nhà Hoàng Kính Phu một lần nữa. Lời giáo huấn kỳ này của ông phần nhiều chí thiết, khuyên các đàn hữu cố gắng niệm Phật tu hành.