Hữu Bằng đại sư, tự Mục Am, người ở Kim Hoa, học nhiều nhớ giỏi. Ngài theo y chỉ với pháp sư Xa Khê Khanh, sớm hôm tham phỏng, không bao lâu đã lãnh thọ được hết chân truyền.
Kế đó, đại sư đến Tiên Đàm giảng về môn Chỉ Quán. Vừa lúc ấy Thiên Y Trì pháp sư khất thực tới nơi, vào chùa nghe, kinh dị nói: "Chỗ tỏ ngộ thật rộng rãi sâu sắc, hôm nay ta mới được nghe thấy lần đầu!". Rồi cung kính đảnh lễ mà đi.
Cô vợ người họ Tiết gần đó mất sớm, thường hiện hình trong nhà. Gia quyến làm trai hội thỉnh 1000 vị tăng đến cúng dường, và xin tụng kinh Kim Cang Bát Nhã để siêu độ. Trai cúng xong, lại cầu đại sư giảng đại lược về ý kinh. Tối hôm ấy, vong nhơn dựa vào người nhà nói: "Xin cúi lạy cảm tạ ân song thân và quyến thuộc. Con nhờ công đức một quyển kinh, nay đã được siêu thoát!". Cha chồng Hỏi: "Cả ngàn vị tăng đồng tụng, sao con lại nói chỉ có một quyển kinh? Và ai đã tụng quyển ấy?". Vong linh cô dâu thưa: "Đó là quyển kinh của Hữu Bằng đại sư!".
Sau đó, đại sư về trụ trì chùa Năng Nhân, lúc tuổi già lại làm tọa chủ chùa Diên Khánh. Đi đến đâu, sự thuyết hóa cũng hưng thịnh. Ngày mùng 3 tháng chạp năm Càn Đạo thứ tư đời Tống, đại sư trải tọa cụ ngồi ở hiên Thanh Ngọc, bảo đồ chúng tụng Quán kinh. Đến chương Chân Pháp Thân Quán, dạy chúng niệm Phật, rồi lưu kệ mà vãng sanh.