Home > Khai Thị Phật Học > Nguyet-Thuc-Danh-Cho
Nguyệt Thực Đánh Chó
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


A tu la vương thấy mặt trời, mặt trăng trong sáng, lấy tay che đi, kẻ vô trí khởi tà tín đánh chó vô tội.

Phàm phu cũng vậy, tham sân ngu si, tự hành khổ thân, nằm gai đốt thân, như người đánh chó nhân khi nguyệt thực.

Lời Bình:

Phàm nhân u mê không thấu suốt nhân quả, hồ đồ nhận định sai lạc mọi nguyên nhân dẫn đến hành động lầm lẫn càng làm cho quả không những không thể thay đổi mà còn gây thêm nhiều hậu quả tai hại cho cả ta lẫn người như trường hợp truyền thống đánh cho khi nguyệt thực vì ngỡ do chó ăn mất mặt trăng.

Phật pháp rất coi trọng nhân quả, phàm muốn tránh quả xấu, muốn được quả tốt, tất nhiên cần hiểu cho đúng nhân của mọi quả, trí quán sát chính xác mọi nhân quả được đạo Phật gọi là trí huệ. Điều tất yếu của việc tu học Phật chính là tu tập trí huệ quán sát thấu suốt hết ba đời nhân quả của mọi pháp.

Vì sao phải quán sát thấu suốt đến cả ba đời nhân quả? Bởi chuỗi nhân quả nối liền qua ba đời, nhân quả nơi đời hiện tại không lìa nhân quả quá khứ mà tự có, cũng như nhân quả nơi tương lai, liên hệ mật thiết với nhân quả hiện đời. Như Thế Tôn chỉ dậy trong kinh Nhân Quả « Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị » (muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn quả đang chịu. Muốn biết quả đời sau, cứ xem nhân đang hành). DO không quán sát cả ba đời, chỉ thấy hiện tại nên thế nhân thường thắc mắc sao có kẻ ác lại giầu có và quyền thế, do đâu người hiền lại mắc nạn…Và chỉ biết gieo nhân cho đời này được quả, mà không biết gieo nhân cho tương lai, dụ như làm giầu tích chứa tài sản cho đời nay lắm của nhiều tiền, mà không biết bố thí dành dụm cho đời sau.

Thế nên người tin hiểu nhân quả trong một đời thì không làm ác hại người, nhưng ngại phát tâm cứu giúp tha nhân, bởi họ không tin hiểu bố thí cứu chúng sinh là nhân dẫn đến quả trong tương lai, họ lại cũng chẳng biết đời này hạnh phúc là do nhân quá khứ đã gieo trồng. Nếu hiểu đời nay ta may mắn thành công là do nhân đời trước biết giúp người, vậy thì tất nhiên muốn đời sau vẫn thành công và may mắn ắt phải tiếp tục gieo nhân cho quả tương lai, đó là bố thí và cứu giúp chúng sinh.

Sở dĩ thế nhân không dám phát tâm bố thí cứu giúp chúng sinh là do vì chưa tin hiểu thấu đáo nhân quả pháp, hay nói đúng hơn là không thấy rõ ba đời nhân quả, ví bằng tin hiểu ba đời nhân quả tất nhiên không những dám phát tâm mà còn nỗ lực vun bồi pháp bố thí cứu giúp chúng sinh.

Tu hành nhưng mê muội nhân quả. Phán đoán sai lạc dẫn đến hại mình vì tự tăng trưởng ngu muội lại hại người khiến họ mê tín giống ta và tai hại hơn nữa là không những dẫn dắt những chúng sinh hiện đời vào cảnh giới mê tín mà còn truyền đến hậu lai thành một truyền thống khó thay đổi, như truyền thống đánh chó khi nguyệt thực, hoặc truyền thống ăn thịt chó để xả xui…

Thế nhân mỗi khi bị thất bại thường đỗ lỗi cho tha nhân và sinh tâm ác hại, đó là loại kiến giải vô cùng ngây ngô về nhân quả của phàm nhân, họ không nhận ra nhân quả ba đời, do nhân quá khứ dẫn đến quả hiện tại, rồi do phán đoán về nhân sai lạc, nên gieo lầm nhân dẫn đến quả khổ tương lai, rồi trong đời tương lai lại phán đoán sai nhân và sinh vọng tâm hành ác nghiệp, cứ thế mà vào sâu trong con đường sai lạc, không sao ra khỏi, nếu không quy y trí huệ của tam bảo tất không bao giờ nhận chân được nhân quả ba đời hầu lìa xa con đường mê muội nhân quả để về lại cảnh giới chân chính của nhân quả.

Khi một lão tăng bị đọa thân cáo đồng thưa hỏi Thiền sư Bách Trượng « người giác ngộ có còn rơi vào vòng nhân quả không? », ngài đáp « người giác ngộ là người không mê muội nhân quả » (bất muội nhân quả) thay vì câu trả lời là « không rơi vào nhân quả » (bất lạc nhân quả) của vị tăng kia đã khiến cho ông ta phải đọa thân súc sinh, đó cũng vì không hiểu thấu đáo nhân quả mà phải chịu đọa lạc.

Câu chuyện của thiền sư Bách Trượng cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề tin hiểu nhân quả. Trí huệ của người tu học chính là trí quán sát thấu đáo nhân quả ba đời. Hành của người tu học chính là hành theo nhân quả ba đời. Do thấu tỏ ba đời nhân quả người tu học thành tựu hai mặt lý và sự, đó là hành chân thật, giải chính lý. Hành chân thật tức lợi mình lợi người, giải chính lý tức tin hiểu thấu suốt ba đời nhân quả, biết đâu là nhân lìa khổ, để được quả diệt, và đâu là nhân để thành quả độ nhất thiết chúng sinh, người tin hiểu và hành như vậy được gọi là bậc Minh Hành túc, một trong mười hiệu của đấng giác ngộ.

Sở dĩ tu hành thành ngoại đạo chung quy cũng chỉ do nơi mê muội nhân quả. Ngoại đạo không chỉ có ngoài đạo Phật mà ngay trong hàng ngũ đệ tử Phật cũng có ngoại đạo, tất cả hàng đệ tử Phật không tin hiểu nhân quả đều là ngoại đạo. Do đệ tử Phật không chuyên tu trí quán sát nhân quả nên trong hàng ngũ đệ tử Phật vẫn phát sinh nhiều tệ nạn mê tín, làm ngược lại lời dậy của Như Lai vẫn cúng kiếng và thờ phụng quỷ thần, xem bói xin xăm…tất cả những người này đều là ngoại đạo trộm hình nghi của Thích tử làm bại hoại giáo pháp của Như Lai.

Phàm đã quy y Tam bảo tất phải y Như Lai giáo quán sát và hành theo ba đời nhân quả, lấy nhân độ người làm quả tự độ, dùng nhân lợi người gầy dựng quả lợi mình, từ đời này sang đời khác mãi không ngừng nghỉ, đó là tinh thần « hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng » của chư Bồ tát phát tâm bồ đề, tinh thần này thể hiện nguyện lực tu tập ba đời nhân quả không gián đoạn. Đệ tử Phật đời nay không dám phát tâm bồ đề đều do thiếu sức quán sát thật đức năng nơi nhân quả pháp, vì vậy sợ phát tâm cho đó là nan hành, họ nào hay đời nay từ chối phát tâm đồng nghĩa với chối từ một tương lai an lạc và thanh tịnh nơi cõi Phật. Đời nay tránh né sự cứu giúp chúng sinh là chấp nhận một tương lai không người cứu giúp khi mình gặp khổ nạn nơi tương lai.

Những kẻ tu hành không hiểu rõ nhân quả dậy cho tha nhân hiểu biết sai lạc là do chó ăn mất mặt trăng nên thành nguyệt thực, trời đất tối tăm không còn ánh sáng, người ngu tin theo nên giận đánh chó. Từ một kẻ mê muội nói sảng bao kẻ u mê khác nghe theo, những người bất định tính thấy đám đông tin thì cũng tin theo, lâu dần càng nhiều người tin và trở thành truyền thống không thể cải sửa. Sự mê muội hôm nay không chỉ tự hại thân mà còn hại lây bao thế hệ thực là tai hại xiết bao. Đức Phật gọi những kẻ này là ngoại đạo.

Ngoại đạo vì không hiểu rõ nhân quả nên trong quá trình tu tập thường tư duy do nơi ngũ căn luôn bị ngũ trần chi phối khiến tâm bất tịnh, vì vậy tu khổ hạnh hành hạ năm căn qua thân xác để tâm được thanh tịnh. Họ nào biết do tâm khởi vọng khiến thân sinh dục, nếu tâm tịnh tất thân yên. Như đức Phật dậy « tâm chủ, tâm tạo tác, tâm dẫn đầu mọi pháp, nếu nói hay hành động với tâm tư ô nhiễm khổ não sẽ theo ta như xe theo vật kéo ». Đức Phật ví tâm như con bò, thân như xe bị bò kéo, người tu cần trị tâm, giống người đánh xe trị bò mà không cần ra sức trị xe. Như thiền sư Hoài Nhượng hỏi Đạo Nhất « xe không chịu chuyển động, thì đánh xe hay đánh bò? ». Ngoại đạo mê muội thường hành xác thay vì trị tâm, khác nào xe không chuyển động thì đánh xe, còn bò thì chẳng quản.

Tựu chung phàm người tu học mà không thấu suốt nhân quả, đức Phật đều gọi họ là ngoại đạo, người bất muội nhân quả là người chân trí, do bất muội nhân quả nên dễ dàng phát tâm bồ đề hành nhất thiết thiện pháp, từ độ sinh cho đến thành Phật đều không thể lìa nhân quả mà thành tựu được, thậm chí Ma vương quỷ thần đều không ra ngoài luật nhân quả.