Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo > Dam-Tang-Cho
Đám Tang Chó
Qủa Khanh | Ni Sư Thích Nữ Hạnh Đoan, Việt Dịch


Nơi đại bình nguyên hình tam giác của dòng sông Mê kông, vương quốc Thái Lan, đất đai phì nhiêu, nước mưa tràn đầy, là nơi sản xuất gạo trù phú của quốc gia. Cho nên xưởng chà lúa ở đây rất vĩ đại quy mô, thuộc dạng đại công nghiệp.

Lương tiên sinh là Hoa hiều, hậu duệ đời thứ ba của dòng họ Lương, ông cư ngụ không xa thành phố Băng cốc nổi danh, kinh doanh hãng chà gạo.

Ông Lương vừa bỏ ra hơn mười vạn, để làm tang lễ cho một con chó, cậu chuyện này kể ra thực rất cảm động.

Hôm nay là ngày công đức viên mãn (cúng lễ đầu thấtcủa con chó)

Chiều tối sẽ cử hành lễ thiêu. Khách đến không nhiều, trước khi hỏa tang ông Lương còn thỉnh cao Tăng trứ danh tụng kinh, có quay phim, ghi hình toàn bộ buổi lễ.

Chủ sự còn đặc biệt tặng cho mỗi tân khách một cuốn sách rất đẹp làm kỷ niệm. Bìa ngoài in hình một con chó Thái hùng dũng, đứng bên cạnh là đứa bé ba tuổi.

Chuyện bắt đầu từ bốn năm trước, khi Lương tiên sinh vừa kết hôn không lâu. Ngày nọ ông và vợ ngồi thuyền đến chùa cúng dường tạo phúc. Hôm đó hai vợ chồng trai Tăng xong, lúc lên thuyền thì phát hiện có một con chó té xuống sông, đang thở thoi thóp, ông và vợ vội cứu con chó lên, lau khô mình nó, sợ nó bị lạnh nên lấy khăn lông quấn cho ấm rồi đem về nhà.

Hai vợ chồng đều yêu thích con chó cái này.

Năm sau bà Lương sinh hạ được một bé trai. Vừa lúc ấy, con chó cái cũng sinh ra một chú chó đực. Tục ngữ dân gian nói: “Một heo nghèo, một chó giàu”.

Ý nói là nếu sinh một chó thì sẽ giúp chủ nhân phát tài, vận hên.

Quả nhiên, không bao lâu thì vận may tới nhà họ. Do chính phủ muốn nông thôn phát triển nên đã cho xây một con đường lộ to rộng trước công xưởng Lương tiên sinh. Giá đất hai bên đại lộ nghiễm nhiên tăng vọt, may là tổ tiên Lương tiên sinh để lại rất nhiều đất sát bên công lộ. Thương trường địa sản lên ngôi, giá tăng cao không ngờ. Ngoài ta, khi công lộ xây xong, giao thông càng tiện lợi, hãng xây gạo nhân đây làm ăn càng phất lên cứ như diều gặp gió. Vận may đến bất ngờ như thế mọi người đềy quy công về chú chó con, ông Lương đặt tên nó là “Hảo Vận” và gọi thằng bé con mình là Tiểu Ba.

Hảo Vận ngày một lớn, giao du thân thiết với cậu chủ nhỏ đồng tuổi mình. Lúc Tiểu Ba chập chững tập đi, thì Hảo Vận nhẫn nại theo sát một bên nâng đỡ, quấn quýt không rời như hình với bóng. Lương tiên sinh nói nó giống hệt như bảo mẫu vậy.

Một buổi chiều nhá nhem tối, công nhân xưởng xay cùng công nhân xưởng khác phát sinh ẩu đả tập thể. Mọi người không ai chú ý đến Tiểu thiếu gia. Cậu bé mới ba tuổi ưa chạy lung tung, do bất cẩn nên té xuống sông. Nhìn thấy Tiểu Ba giẫy giụa, trong chớp mắt đã chìm xuống. Con Hảo Vận cả kinh, nó bất chấp tất cả, liều mạng nhảy xuống sông, dùng lưng đội tiểu chủ lên, Tiểu Ba liền ôm chặt con chó. Nhưng bờ sông dốc cao quá, vô phương leo lên, bốn chân Hảo Vận không ngừng bơi dưới nước, ráng sức đội tiểu chủ. Nhưng do đầu nó bị Tiểu Ba ôm chặt, chỉ có lâu thể lâu lâu hướng mũi lên trời thở.

Khi hai vợ chồng ông Lương phát hiện con nhỏ giúp việc (họ thuê chăm sóc Tiểu Ba) cũng đang dí mũi vào đám người gây lộn thì họ vội vàng hỏi: - Cậu chủ đâu?

Mọi người mới tủa ra đi khắp nơi kiếm tìm, kịp thời phát hiện Tiểu Ba và Hảo Vận đang ở dưới sông.

Lương tiên sinh vội nhảy xuống nước, bồng Tiểu Ba lên trước, sau đó vớt Hảo Vận lên, lúc này thể lực Hảo Vận không còn chống chọi được nữa nên chìm xuống, Lương tiên sinh ráng sức cứu và bồng được con chó cưng về nhà.

Con trai ông đã thoát hiểm, Hảo Vận cũng dần dần tỉnh lại.

Hảo Vận liều mình cứu tiểu chủ, nghĩa cử này không những được chủ nhân cưng yêu bội phần, mà láng giềng đều ngưỡng mộ, ca ngợi. Nhưng con Hảo Vận không giống người – không vì được sủng ái mà sinh kiêu ngạo – nó vẫn như xưa, luôn theo sát quấn quýt bên tiểu chủ.

Đang lúc mọi người nhiệt liệt bàn về nghĩa cử cứu tiểu chủ của con chó, thì sự tình bất khả tư nghị phát sinh.

Nguyên là cô tớ gái chăm sóc Tiểu Ba còn trẻ, ham chơi nên bị chủ sai đi lau chùi nhà vệ sinh và tạm thời giao công việc bảo mẫu này cho một bà lớn tuổi, chính chắn hơn lo liệu.

Ba tháng trôi qua, một buổi chiều nọ, bà vú này dẫn Tiểu Ba và Hảo Vận ra vườn rau cạnh công xưởng chơi. Thình lình xuất hiện một con rắn mắt kính, thân mập to bằng bắp tay, dài hơn hai mét, đầu nó ngóc cao nhắm hướng bà vú tấn công và mổ nơi gáy bà một cái. Té ra con rắn này đang ấp trứng mà các bà mẹ động vật trong thời kỳ hậu sản tính tình rất hung dữ, luôn sẵn sàng tấn công, vì đó là thiên tính bảo vệ con của tình mẫu tử.

Rắn mẹ cắn bà vú xong rồi thì quay sang Tiểu Ba bắt đầu cuộc công kích. Lúc này con Hảo Vận thông minh đang đứng cạnh Tiểu Ba, thấy tình thế nguy hiểm, nó lập tức nhảy lên đứng chắn trước Tiểu Ba (đúng vào lúc con rắn phóng tới mổ cắn), và Hảo Vận đã lãnh thay cú mổ đó. Dù bị thương, nhưng con chó vẫn ráng cắn vào đuôi con độc xà, hai bên quần thảo kịch liệt trên đất.

Trong lúc này bà vú chỉ kêu được một tiếng: “Cứu mạng” thì nọc độc phát tán, bà té xuống.

Bé Tiểu Ba ngây thơ không biết sợ chi, cứ đứng đó nhìn con rắn và chó đấu nhau. Khi công nhân và Lương tiên sinh chạy đến thì mặt bà vú đã chuyển sắc đen không còn nói được nữa. Hảo Vận cũng bị nọc chạy vào tim, mắt nó chảy máu tươi, mất hết sức lực. Nhưng nó vẫn cắn chặt đuôi rắn, nhất quyết không nhả.

Mọi người đập chết con độc xà, nhưng Hảo Vận trúng độc quá nặng, nó đưa mắt nhìn chủ lần cuối rồi tắt hơi.

Nước mắt ông Lương rơi như mưa. Ông cứ ôm con chó cưng trong lòng mãi. Mọi người lay tỉnh Lương tiên sinh, nhắc rằng trên mình chó có độc.

Trong giây phút tống biệt, ông Lương nghẹn ngào dặn dò mọi người phải dùng nghi thức cực kỳ trang nghiêm để tổ chức ma chay cho con Hảo Vận trung nghĩa.

Và tang lễ này được cử hành suốt bảy ngày bảy đêm, long trọng chưa từng có đối với một con chó.

Tang lễ hoàn tất, mọi người đều bị tấm lòng trung nghĩa của con chó làm cảm động. Ai cũng tán thán rằng, nhờ vợ chồng ông Lương bốn năm trước cứu chó, nên ngày nay mới chiêu được thiện báo.

Có thể thấy con người và loài vật (như con chó) có thể sống chung bầu bạn hài hòa. Cùng hỗ tương cứu hộ, thân thiết như tay chân.

Vì vậy con người không nên ngược đãi chó, càng không nên sát hại, ăn thịt nó dã man.