Home > Khai Thị Phật Học > Tam-To-Thua-Vien-Dai-Su
Tam Tổ Thừa Viễn Đại Sư
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh


Trích ở bộ: “Liễu Tử Hậu Văn Tập”

Đại sư ban đầu học đạo với Đường Thiền sư tại Thành Đô, kế theo học với Tân Thiền sư ở Tứ Xuyên, sau đến Kinh Châu tham học với Chơn Thiền sư ở Ngọc Tuyền.

Sau khi đã đại ngộ, đạo lực đã thành, Chơn Thiền sư bảo ngài đến Hoành Sơn ở, để hóa độ người.

Lúc đầu, ngài đến ở dưới gộp đá phía Tây Nam của non Hoành. Có ai thí cho cơm cháo thời ăn, hôm nào không thí chủ thời ngài ăn bùn, không hề đi quyên xin, đến nỗi mình gầy mặt nám, trên thân chỉ một cái y rách.

Về phần truyền giáo, thời ngài đứng nơi trung đạo mà dạy người pháp môn chuyên niệm Phật để mau được thành công.

Ngài viết lời Phật dạy ra nơi bên đường, bên khe. Khắc giáo pháp lên trên đá, trên vách. Tận tụy khuyên bảo người không nệ mệt nhọc.

Không bao lâu người tin hướng theo ngài, lấy số vạn mà kể. Rồi kẻ mang tiền mang gạo, kẻ đốn cây đắn gỗ, mọi người đồng tâm xây chùa dựng điện. Ngài vẫn thản nhiên, không khước từ, cũng không bảo làm. Chẳng mấy lúc mà cụm rừng hoang đổi thành cảnh “Di Đà Tự” đồ sộ.

Phần riêng ngài, vẫn y rách cơm thô. Có ai cúng thí dư ra thời bảo đem cứu giúp kẻ nghèo đói tật nguyền.

Năm Trinh Ngươn thứ 18, nhà Đường, ngày mười chín tháng Bảy, ngài thị tịch nơi chùa Di Đà, thọ 91 tuổi.

Trước đây có ông Thích Pháp Chiếu ở Lô Sơn, một hôm nhập định, thần du Cực Lạc. Thấy có ông Tăng đắp y rách đứng hầu bên Đức Phật. Đức Phật chỉ ông Tăng ấy mà bảo ông Pháp Chiếu rằng: “Đây là ông Thừa Viễn ở Hoành Sơn đấy!”.

Sau khi xuất định, ông Pháp Chiếu đến Hoành Sơn tìm, khi gặp ngài thời rõ ràng là ông Tăng y rách đã thấy trong định, ông bèn xin theo hầu.

Sau khi ngài tịch, ông Pháp Chiếu đi truyền giáo các nơi, triều vua Đại Tông nhà Đường phong vị Quốc sư. Pháp Chiếu thuật đạo hạnh của thầy mình với vua. Nhà vua liền xoay về phía Hoành Sơn mà đảnh lễ. Rồi nhà vua truyền chỉ đặt hiệu chỗ ở ngài là “Bác Chu Đạo Tràng”, và truyền ông Liễu Tôn Ngươn soạn bài văn ký sự khắc vào bia đá dựng bên chùa Di Đà.