Home > Khai Thị Phật Học
Con Người Được Sanh Ra Từ Đâu
Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan


VÀO ĐỀ:

Con người được sanh ra từ đâu là một nghi vấn vô cùng nan giải cho tất cả mọi giới và mãi cho đến thế kỷ 21 này vấn đề con người vẫn còn phức tạp chưa được ai minh chứng cụ thể. Có nhiều học thuyết đã lý giải vấn đề con người nhưng rất tiếc họ chưa có kinh nghiệm thông suốt chiều sâu cho nên vẫn còn nằm trong hý luận của lý luận mà chưa khả dĩ đem lại được một chút thỏa mãn nào của nghi vấn; còn đối với các Tôn Giáo phần đông quan niệm quá cổ điển thiển cận mê tín mà ở đây chúng ta không cần phải bàn đến.

Theo quan niệm của Phật Giáo đứng trên lập trường hiện tượng luận, con người cho đến vạn hữu vũ trụ tất cả đều do Nhân Duyên Sanh, đó là chân lý bất biến ngoài ra không có chân lý nào khác hơn. Nhân Duyên Sanh là một học thuyết tất yếu tuyệt đối có tánh cách trọng đại trong sự cấu trúc con người và vạn hữu vũ trụ mà học thuyết này đã được thấy tản mát trong các kinh luận Phật Giáo. Duy Thức Học dựa theo học thuyết Nhân Duyên Sanh trên khai triển sâu rộng quá trình chuyển biến mà trong đó bảy yếu tố căn bản gọi là bảy Đại nồng cốt quan hệ chặt chẽ lẫn nhau trong việc kiến tạo con người và vạn pháp. Bảy Đại theo Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, cùng một tác giả, trang 19 giải thích là bảy yếu tố trọng đại không thể thiếu mặt trong sự sanh khởi con người và vạn pháp. Bảy yếu tố trọng đại đó gồm có: Đất, nước, gió, lửa, nghiệp lực, nghiệp tướng và Thức A Lại Da”. Nhưng phạm vi bài này chỉ bàn “Con người được sanh ra từ đâu” hay nói rõ hơn là “Hình tướng con người do đâu sanh ra”. Đây là đề tài quan yếu cần phải làm sáng tỏ để có nhận thức chân chánh. Duy Thức Học khẳng định con người có mặt trong thế gian chính là do Nghiệp Tướng một trong bảy Đại làm mô thức để thành hình tướng. Địa vị của Nghiệp Tướng như thế nào trong việc cấu trúc con người mà Bát Nhã Tâm Kinh quan niệm không tốt qua câu: “Các pháp nếu như không có Tướng thì không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không tăng, không giảm” (Thị chư pháp không Tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm). Muốn rõ địa vị của Nghiệp Tướng trong cộng đồng duyên sanh con người, chúng ta trước hết khảo sát về bản chất của Nghiệp Tướng để có khái niệm.

I.  BẢN CHẤT NGHIỆP TƯỚNG:

a. Định Nghĩa:

Nghiệp theo Duy Thức Học là một năng lực qua hành động tạo tác đã được nội kết trong Thức Thể A Lại Da thành tiềm năng tập khí (chủng tử). Tập khí là một năng lực có tánh chất khí hóa (biến thành hơi) được nội kết (huân tập) thành hạt giống trong Thức Thể A Lại Da giống như hương sen ướp trà thành trà sen.

Tướng là trạng thái hay hình tướng của vạn pháp. Theo Khái Luận Về Pháp Tướng Duy Thức Học của đại sư Thái Hư giải thích, tướng trạng của vạn pháp có ba loại:

1.   Hiển Tướng: là hình tướng: xanh, vàng, đỏ, trắng của vạn pháp, cũng gọi là hiển sắc.

2.   Hình Tướng: là những tướng trạng dài, ngắn, vuông, tròn của vạn pháp, cũng gọi là hình sắc.

3.   Biểu Tướng: là những tướng trạng tác dụng của vạn pháp, như nắm lên, bỏ xuống, co lại, duỗi ra, đi, đứng, nằm, ngồi..v..v..... cũng gọi là biểu sắc.

b. Bản Chất:

Nghiệp Tướng: nghĩa là trạng thái của con người trong đó có vạn pháp mang tánh chất tập khí. Nghiệp tướng không phải là hiển tướng, không phải là biểu tướng như một số kinh luận giải thích mà nó chính là Hình Tướng và trong hình tướng bao gồm cả hiển tướng, cả biểu tướng ở trong, nghĩa là Hiển tướng là chỉ cho màu sắc của Hình tướng và Biểu tướng là chỉ cho sự hành động của Nghiệp tướng. Nghiệp Tướng được thấy trong Duy Thức Tam Thập Tụng của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, trang 339 giải thích: “Do chư nghiệp tập khí, nhị thủ tập khí câu”, nghĩa là do các nghiệp tập khí và cùng duyên (câu) với Nhị thủ tập khí. Nhị thủ tập khí là chỉ cho Nghiệp tướng tập khí và Danh xưng tập khí. Nghiệp Tướng tập khí là danh từ chung trong đó bao gồm cả hai danh từ Ngã Tướng tập khí và Pháp Tướng tập khí. Ngã Tướng tập khí là một danh xưng dùng để gọi những chúng sanh hữu tình (những chúng sanh hữu tình là chỉ cho tất cả động vật trong đó có loài người) và con người thường hay chấp trước nghiệp tướng này làm bản ngã của mình cho nên gọi là Ngã Tướng; còn Pháp Tướng tập khí cũng là một danh xưng dùng để gọi những chúng vô tình (những chúng sanh vô tình là chỉ cho tất cả thực vật và khoáng vật..v....) và mỗi chúng sanh hữu tình cũng như chúng sanh vô tình tự chọn nghiệp tướng tập khí riêng mình làm mô hình kiểu mẫu trong việc hình thành sanh mạng của chúng. Ngã Tướng tập khí và Pháp Tướng tập khí trong các kinh luận thường gọi chung một danh xưng là Ngã Pháp. Có thể nói Ngã Pháp hay Ngã tướng và Pháp tướng nói trên cũng đều là nghiệp tướng tập khí cả. Còn Nghiệp lực tập khí thì khác hơn nghiệp tướng tập khí. Nghiệp lực tập khí là một loại tập khí chỉ toàn là năng lực được nội kết thành hạt giống và chúng hoàn toàn không có hình tướng giống như nghiệp tướng. Nghiệp lực tập khí như: nghiệp tham, nghiệp sân, nghiệp si mê, nghiệp ái dục, nghiệp ghiền rượu, nghiệp ghiền cờ bạc..v..v..... chúng hoàn toàn là những năng lực có khả năng thúc đẩy và lôi cuốn thân tâm con người hành động, miệng lưỡi con người nói năng và ý tứ con người suy nghĩ theo sự chỉ đạo của chúng.

Tóm lại, Nghiệp Tướng tập khí, theo quyển “Những Yếu Điểm Của Tưởng Duy Thức”, Mục Nghiệp Tướng (Forms) giải thích, là chỉ cho những mô hình kiến trúc (Constructional models) hoặc những họa đồ kiểu mẫu (Blueprints) nhằm để xây dựng con người và vạn pháp thành những hình tướng duyên sanh hiện hữu trong vũ trụ. Nghiệp tướng tập khí không những là mô hình kiến trúc biểu hiện ra ngoài thân thể qua hiển tướng, hình tướng, biểu tướng và còn là mô hình kiến trúc biểu hiện nội tại bên trong thân thể qua hệ thống sinh lý, như hệ thống tuần hoàn, nào là thần kinh, phèo phổi, gan ruột, tim thận..v..v..... cho một sanh mạng sinh hoạt tồn tại trong thế gian.

II.  XÂY DỰNG CON NGƯỜI QUA NGHIỆP TƯỚNG:

Con người hiện hữu trong vũ trụ so sánh tuy cùng mẫu số chung là loài người, nhưng mỗi người có một nét đặc thù riêng để dễ phân biệt khỏi bị lầm lẫn; cho đến trong một gia đình những đứa con tuy cùng một huyết thống từ nơi cha mẹ sanh ra, nhưng mỗi đứa con không giống nhau về hình tướng, đều đó chứng tỏ những nghiệp tướng để cấu tạo ra chúng hoàn toàn khác biệt nhau; mặc dù mỗi đứa con có những nét giống cha mẹ hay giống nhau, sự giống nhau vài nét đối với cha mẹ hay đối với anh chị em nơi Duy Thức Học gọi là Thọ Giả Tướng; Thọ Giả Tướng nghĩa là những nghiệp tướng quan hệ qua sự cảm thọ nơi cha mẹ anh chị em trong cộng đồng duyên sanh. Vì khác nhau về nghiệp tướng, thành thử con người thành hình đa dạng vô cùng phức tạp và những dòng tư tưởng như tình cảm, hiểu biết..v..v..... trong mỗi con người đa dạng thì làm sao hòa hợp nhau được trọn vẹn trăm phần. Để nhận thức cụ thể về vấn đề nghiệp tướng, giờ đây chúng ta hãy khảo sát con người qua sự cấu trúc của một sanh mạng:

1) Sanh Mạng Con Người Quan Hệ Với Nghiệp Tướng:

Như trên đã trình bày, Nghiệp tướng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong bảy yếu tố đối với việc xây dựng sanh mạng một con người. Nó là điều kiện cần thiết để minh định riêng biệt giữa con người với con người, giữa con người với các chúng sanh khác trong cộng đồng duyên sanh. Nhưng ở đây chỉ trình bày sự quan hệ như thế nào của nghiệp tướng đối với việc xây dựng sanh mạng con người.

Sanh mạng của một con người nếu như không có nghiệp tướng thì nhất định không thể góp mặt trong thế gian và cũng không thể giới hạn chiều cao và chiều ngang hình tướng của một con người, mặc dù con người đó đã có sẵn tinh cha huyết mẹ, nghiệp lực và Thức A Lại Da. Nghiệp tướng thuộc loại con người thì sanh mạng thành hình tướng con người, nghiệp tướng thuộc loại súc sanh thì sanh mạng thành hình tướng súc sanh, nghiệp tướng thuộc loại cây dừa thì sanh mạng thành hình tướng cây dừa, nghiệp tướng thuộc loại sầu riêng thì sanh mạng thành hình tướng cây sầu riêng, nghiệp tứng thuộc loại vạn pháp nào thì sanh mạng thành hình tướng thuộc loại pháp đó.

Đề cập đến nguyên nhân sanh ta con người, phần đông các nhà khảo sát chỉ hiểu biết phần hiện tượng vật chất bên ngoài mà không thể hiểu biết phần thể tánh tâm linh bên trong, rồi đi đến kết luận vội vã thiếu biện chứng nhân minh. Phần hiện tượng vật chất bên ngoài theo Duy Thức Học quan niệm cho rằng họ cũng chỉ hiểu biết trên lãnh vực khái niệm mà không thể hiểu biết chiều sâu những yếu tố cấu trúc ra chúng. Những thiếu sót nói trên được thấy qua những học thuyết sau đây:

a)  Học Thuyết Tinh Trùng:

Tinh Trùng là một loại vi sanh vật đã có sẵn trong tinh dịch của người cha, của phái nam. Thuyết này cho rằng: Tinh Trùng chính là yếu tố quan trọng trong việc cấu tạo nên sanh mạng con người; không có Tinh Trùng là bào thai không đậu, là sanh mạng con người không thành hình. Thuyết này xét ra không được chính xác cho lắm, nguyên do Tinh Trùng hay Vi Sanh Vật là những loại động vật thuộc hạ đẳng không đồng tính thì không thể nào cấu trúc được một sanh mạng con người quá khả năng của chúng mà ở đây chính con người còn bất lực trong việc quyết định sanh mạng và sự tồn tại của mình. Tinh cha huyết mẹ theo Duy Thức Học là hai nhân tố chỉ làm trợ duyên cho việc sanh thành sanh mạng của một con người. Huyết mẹ thì thuộc loại Sở Duyên Duyên, nghĩa là chỉ làm nơi trợ duyên trực tiếp cho sanh mạng con người nương tựa để sanh thành; còn Tinh Cha thì thuộc loại Tăng Thượng Duyên, nghĩa là chỉ trợ giúp trực tiếp sanh mạng con người nẩy nở và pháp triển. Khi nào con kiến xây dựng được nhà cửa lâu đài cho con người cư trú thì chừng đó thuyết Tinh Trùng hay Vi Sanh Vật có thể tin được. Thuyết Tinh Trùng hay Vi Sanh Vật đây cũng thuộc về loại duy vật biện chứng.

b)  Học Thuyết DNA:

Đặc biệt còn một quan niệm Duy Vật Biện Chứng khác có tánh cách khoa học hơn, như thuyết DNA hay Gènes là yếu tố quan trọng trong việc cấu trúc sanh mạng con người. Yếu tố DNA gồm những chất sau đây:

D: viết cho đủ là Deoxygenate, tứ là tên gốc của Genes.

N: viết cho đủ là Nucleus (hạt nhân cấu tạo)

A: viết cho đủ là Acid

Những chất này là những tế bào cực vi đã có sẵn trong tinh tử của cha để di truyền cho con về thể xác. Theo ông Julien Huxley, một nhà sinh lý học nổi tiếng ở nước Anh đã viết về Gènes như sau được trích ra trong quyển Ngiệp Báo, trang 19, do Đại Đức Nàràdà Mahà Thera thuyết giảng tại Kỳ Viên Tự, Sài Gòn năm 1959: “Trong thân thể con người có những Gènes (là những cực vi tế bào trong tinh tử, do đó mà giống cha truyền qua cho con gọi là định luật truyền thống). Do những Gènes này mà cha truyền qua cho con màu sắc, cao thấp, mập ốm, thọ yểu..v..v.....Tất cả những sự di truyền đều do đó mà ra.”

Những chất trên đều thuộc loại vật lý và hoàn toàn thụ động, không có tri giác trong việc kiến tạo và chính chúng nó cũng không có khả năng tự phát, không thể tự nẩy nở lớn lên và cũng không thể duy trì sanh mạng con người tồn tại mãi nếu Tâm Thức rút lui không tiếp tục hiện hữu. Giả sử những chất này có khả năng tri giác trong việc kiến tạo và chủ động trong việc tự phát thì con người nhất định lớn lên mãi không có giới hạn cao thấp và tồn tại mãi không có vấn đề già chết, nguyên vì chính chúng nó luôn luôn nẩy nở, luôn luôn phát triển không ngừng mà hơn nữa các nhà Khoa Học có thể phát minh ra chúng để bồi dưỡng con người không cho hoại diệt. Còn như DNA hay Gènes có khả năng quyết định sự cao thấp, thọ yểu của con người theo như nhà Sinh Lý Học Julien Huxley chủ trương thì mâu thuẩn lại thuyết Di Truyền khả năng tính nẩy nở và phát triển không ngừng của DNA hay Gènes. Nhưng trên thực tế con người không phải như vậy và cũng không được như vậy, do đó những thuyết này cũng không thể tin tưởng được. Những học thuyết như Tinh Trùng, DNA hay Gènes xét cho cùng đều thuộc về Duy Vật Biện Chứng chủ trương mà Phật Giáo thì thuộc hệ phái Duy Tâm, nguyên vì trong con người có tư tưởng, tình cảm, hiểu biết thuộc hệ thống Tâm Linh hiện đang làm chủ mọi sự sinh hoạt và bản chất của Tâm Linh hoàn toàn không phải vật lý mà cũng không phải do vật lý sanh ra.

2)  Hình Tướng Con Người Do Nghiệp Tướng Tạo Nên:

1.  Về phần vật chất, như xây dựng nhà cửa, một số người chỉ hiểu biết qua vật liệu xây cất, nhưng họ không biết những Họa Đồ Kiểu Mẫu (Blueprints) chính là Mô Hình Kiến Trúc (Constructional models) nhà cửa. Như chúng ta quan sát nhận thấy, có một số nhà cửa mặc dù cùng một loại vật liệu xây cất mà tại sao không giống nhau mô hình kiến trúc? Xét cho cùng sự khác nhau mô hình kiến trúc của một số nhà cửa nói trên không phải tại vật liệu xây cất mà chính là tại sự sai biệt của những họa đồ kiểu mẫu. Những vật liệu xây cất không phải sanh ra những nhà cửa hay những mô hình kiến trúc mà chính là những họa đồ kiểu mẫu sanh ra những nhà cửa hay những mô hình kiến trúc. Còn vật liệu xây cất chỉ có bổn phận căn cứ theo những họa đồ kiểu mẫu để hoàn thành những nhà cửa hay những mô hình kiến trúc nói trên mà thôi. Họa đồ kiểu mẫu như thế nào, thuộc hình thức gì thì vật liệu xây cất chỉ có nhiệm vụ trang bị giống như thế đó.

2.  Từ nhận xét sự kiến trúc nhà cửa nói trên, chúng ta quán chiếu để hiểu biết qua sự cấu trúc sanh mạng con người. Vấn đề cấu trúc sanh mạng con người hầu như các nhà khảo sát cũng chỉ hiểu biết những yếu tố vật liệu kiến trúc như, nào là tinh cha huyết mẹ, nào là gènes, nào là DNA..v..v.... mà họ quên đi yếu tố quan trọng không thể thiếu mặt trong Duy Thức gọi là Nghiệp Tướng (tức là Họa Đồ Kiểu Mẫu= Blueprint) thuộc Mô Hình Kiến Trúc (Constructional model) để thành hình tướng con người. Tinh cha huyết mẹ..v..v.... theo như cách nhìn xây dựng nhà cửa thì thuộc về vật liệu kiến trúc mà không phải là những yếu tố chính để tạo thành hình tướng con người. Yếu tố chính cần thiết cho việc tạo thành hình tướng con người chính là Nghiệp Tướng mà tinh cha huyết mẹ..v..v.... chỉ là những điều kiện trang bị cho nghiệp tướng con người sớm được hoàn thành để hiện tướng. Giả sử tinh cha huyết mẹ là yếu tố chính trong việc tạo thành hình tướng con người thì tại sao trong một gia đình có năm đứa con mà năm đứa con nói trên toàn bộ không giống cha và cũng không giống mẹ như khuôn đúc, cho đến chúng nó mỗi đứa có mỗi nét khác nhau cả nam lẫn nữ, mặc dù chúng nó được sanh ra cùng một loại vật liệu lấy từ nguyên liệu máu huyết của cha mẹ. Điều đó cho thấy trong năm đứa con nói trên, mỗi đứa tự nó có nghiệp tướng riêng khác, nghiệp tướng được chọn từ kiếp trước của chính nó tạo nên, mang từ trong nội tâm đến nhờ tinh cha huyết mẹ trợ duyên trang bị để hoàn thành tình tướng cho kiếp này. Đứng trên lập trường nhân quả quán chiếu nhận thấy, một con người hay bất cứ một pháp nào trong vũ trụ đều là cái quả thuộc thuộc về hiện tại mà cái nhân của nó thuộc về quá khứ chính là nghiệp tướng, nghiệp lực và Thức Dị Thục (tên khác Thức A Lại Da); cũng giống như thế, đức Phật Thích Ca (Sàkyàmuni)  con vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma Da (Mahàmàya) , nước Ca Tỳ La Vệ ( Kapilavastu) tại Ấn Độ là cái quả thuộc về hiện tại mà cái nhân của Ngài thuộc kiếp trước chính là Nghiệp Tướng, Nghiệp Lực và Thức Dị Thục. Điều đặc biệt chưa từng thấy Nghiệp Tướng kiếp trước của Ngài chính là Pháp Thân của Bồ Tát Thiện Huệ nơi cung trời Đâu Xuất, Nghiệp Lực kiếp trước của Ngài chính là Năng Lực xuất thế và Thức Dị Thục kiếp trước của Ngài chính là Trí Tuệ Đại Viên Cảnh. Theo sử liệu ghi nhận, Ngài có hai em nữa là Nan Đà ( Nanda) và Sundaria Nan Đà (Sundatia Nanda), mặc dù ba anh em cùng một huyết thống di truyền trong kiếp này tất cả đều chọn Vua Tịnh Phạn làm nơi trợ duyên để sanh thành, chỉ khác nhau đôi chút, riêng Ngài chọn Hoàng Hâu Ma Da làm mẫu thân nương tựa, còn hai em của Ngài thì chọn bà dì Ma Ha Ba Sà Ba Đề (Mahà Prajàpati ) là em ruột của mẹ làm mẫu thân nương tựa. Thế nhưng trong số ba anh em đó không ai thông minh xuất sắc phi phàm và tướng hảo đẹp đẽ như Ngài.

3.   Nói rõ ràng hơn và dễ hiểu hơn, một cái nhà khi muốn được hoàn thành đúng tiêu chuẩn để ở thì đòi hỏi phải có những điều kiện căn bản sau đây mà người chủ nhà nên chuẩn bị trước:

     a.  Tài chánh

     b.  Kiến trúc sư

     c.  Họa đồ kiểu mẫu (Blueprint)

     d.  Vật liệu xây cất.

 Với mục đích:

Tài chánh phải được chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng mọi nhu cầu kh cần thiết.

Nhơn lực chuyên môn hoàn thành họa đồ kiểu mẫu thì phải có kiến trúc sư kinh nghiệm.
Họa đồ kiễu mẫu phải được chánh quyền chấp thuận thì mới thực hiện được.

 Vật liệu xây cất luôn luôn có sẵn ở các cửa hàng xây cất.

Riêng con người cũng thế muốn được có mặt trong thế gian thì cũng phải hội đủ những điều kiện sau đây mà trong Phật Giáo gọi những điều kiện ấy là Nhân Duyên. Nhân là chỉ cho những điều kiện chính và Duyên là chỉ cho những điều kiện phụ thuộc làm trợ duyên, gọi chung cả hai điều kiện vừa trình bày với danh xưng là nhân duyên. Những điều kiện để tạo thành con người gồm có:

a.   Nghiệp lực (tài chánh)
b.   Thức A Lại Da (Kỷ sư kiến trúc)
c.   Nghiệp Tướng (họa đồ kiểu mẫu)
d.   Tinh cha huyết mẹ (Vật liệu xây cất)

Tinh cha huyết mẹ là những nhân tố phụ thuộc chỉ làm trợ duyên cho con người được hình thành về phần vật chất. Tinh cha huyết mẹ trong mười hai Nhân Duyên gọi tổng quát là Sắc của Danh Sắc, trong Ngũ Uẩn gọi là Sắc Uẩn, Trong Duy Thức gọi là Tứ Đại (đất, nước, gió, lửa) hoặc gọi là Sở Duyên Duyên (những nhân tố làm chỗ trợ duyên cho con người quan hệ đến nương tựa để hiện thành hình tướng). Theo thế giới quan của Phật Giáo, có những chúng sanh trong các cõi Vô Sắc không cần đến tinh cha huyết mẹ, nghĩa là không cần đến Sắc của Danh Sắc trong mười hai Nhân Duyên, không cần đến Sắc Uẩn trong Ngũ Uẩn mà chỉ cần đến ba yếu tố là nghiệp tướng, nghiệp lực và Thức A Lại Da cũng đủ để hiện thành hình tướng.

Thí dụ, con người trong mộng không cần đến tinh cha huyết mẹ làm trợ duyên vẫn có mặt sanh hoạt trong mơ, nhưng họ phải cần đến ba yếu tố là nghiệp tướng, nghiệp lực và Thức A Lại Da để thành hình tướng trong mộng. Trong thế giới Vô Sắc cũng thế,  nghĩa là những chúng sanh hữu tình trong các cõi đó chỉ cần ba yếu tố là nghiệp tướng, nghiệp lực và Thức A Lại Da cũng đủ để thành sanh mạng, nhưng thời gian tồn tại và sinh hoạt lâu hay mau là tùy theo nghiệp lực của họ quyết định. Có người cho rằng, người trong mộng chỉ là giấc mơ không thật có; cảnh giới đó nếu như không thật có thì tại sao mình nằm mơ khi gặp ác mộng lại la hét trong lúc ngủ mê; cảnh giới đó nếu như không thật có thì mình làm sao chung vào được để nằm mơ. Cảnh giới trong mơ nói trên theo Phật Giáo chính là một trong những cảnh giới của tâm thức mà trong Liễu Sanh Thát Tử gọi là cảnh Trung Giới và con người trong cảnh giới đó gọi là Thân Trung Ấm.

 Nghiệp Tướng chẳng những là yếu tố chính để thành hình tướng con người và cho đến vạn pháp trong thế gian cũng phải cần đến nó để định hình. Những yếu tố khác như yếu tố đất, nước, gió, lửa..v..v...... đều hiện hữu trong phạm trù của nghiệp tướng để khỏi bị biến tướng. Nghiệp tướng con người như thế nào thì tạo thành hình tướng như thế đó, nghiệp tướng tốt thì tạo thành hình tướng tốt, nghiệp tướng xấu thì tạo thành hình tướng xấu, nghiệp tướng hai đầu bốn tay thì tạo thành hình tướng hai đầu bốn tay..v..v..... Để minh chứng vấn đề nghiệp tướng, Bát Nhã Tâm Kinh đã xác nhận bằng cách phủ định: “Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”, nghĩa là các pháp không có Tướng (không có nghiệp tướng) thì không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Theo Bát Nhã Tâm Kinh, sự thọ yểu (sanh diệt) và sự cao thấp (tăng giảm) của con người là do nghiệp tướng giới hạn mà không phải do gènes qui định như nhà Sinh Lý Học Julien Huxley chủ trương. Phần đông con người bị thứ bệnh chấp ngã kiên cố, theo Duy Thức Học đó chính là bệnh chấp trước nghiệp tướng của mình làm bản ngã bất biến và họ có bốn thứ bệnh chấp trước nghiệp tướng đã ăn sâu trong tiềm năng thành bốn năng lực khống chế toàn diện kiếp sống con người; bốn thứ bệnh chấp trước đây gồm có: Ngã si, Ngã kiến, Ngã mạn, Ngã ái mà trong các kinh luận thường đề cập cảnh giác.

III.  XUẤT THÂN CỦA NGHIỆP TƯỚNG:

Nghiệp tướng từ đâu sanh ra? Có thể khẳng định, nghiệp tướng không phải do cha mẹ sanh ra, nguyên vì những đứa con của họ hoàn toàn không giống cha không giống mẹ và mỗi đứa con tự nó có nghiệp tướng riêng biệt, so sánh thì không giống hệt nhau về hình tướng. Nghiệp tướng cũng không phải do tinh cha huyết mẹ sanh ra, nguyên vì tinh cha huyết mẹ với cái nhìn của Duy Thức gồm bốn yếu tố vật lý đã vừa đối nghịch nhau mà cũng vừa hòa hợp nhau để cùng nhau hình thành; bốn yếu tố vật lý này giả sử tách rời riêng rẻ nhau thì mỗi yếu tố tự nó không thể trưởng thành và chúng không hòa hợp nhau thì tinh cha huyết mẹ nhất định không thể thành lập; bốn yếu tố của tinh cha huyết mẹ gồm có: đất (xương thịt), nước (máu huyết), gió (chuyển động), lửa (nhiệt lượng) và mỗi yếu tố đều có nghiệp tướng (pháp tướng) riêng khác để duy trì trạng thái bất biết của mình trong tư thế hòa hợp; như vậy trong bốn loại vật lý này nơi tinh cha huyết mẹ loại nghiệp tướng nào là yếu tố chính tạo thành hình tướng của con người? Không lẽ hình tướng con người lại do cả hình tướng của bốn loại yếu tố vật lý khác biệt nhau vừa trình bày tạo nên? Những câu hỏi trên tức là đã gián tiếp trả lời rằng tất cả đều không phải như thế.

1) Nguồn Gốc Sanh Ra Nghiệp Tướng:

Nghiệp Tướng theo Duy Thức Tam Thập Tụng Luận của ngài Thế Thân chính là do ba Thức Năng Biến (tam năng biến) tạo nên. Năng Biến thứ nhất là Thức Dị Thục (tên khác của Thức A Lại Da thứ tám), Năng Biến thứ hai là Thức Tư Lương, (tên khác của Thức Mạt Na thứ bảy) và Năng Biến thứ ba là Thức Liễu Biệt Cảnh (tên khác của sáu Thước Trước). Chính bài mở đầu của Duy Thức Tam Thập Tụng Luận đã xác nhận: “Do giả thuyết ngã pháp, hữu chủng chủng tướng chuyển, bỉ y thức sở biến, thử năng biến duy tam, vị Dị Thục Tư Lương, cập Liễu Biệt Cảnh Thức”, nghĩa là lý do: giả sử nói đến ngã đến pháp nào thì có các thứ tướng của ngã đó của pháp đó chuyển biến hiện ra, Năng biến này có ba loại, là Thức Dị Thục, Thức Tư Lương và Thức Liễu Biệt Cảnh. Chữ Năng Biến nghĩa là có khả năng chuyển đổi và biến hiện từ hình tướng này qua hình tướng khác, chuyển đổi và biến hiện theo nghiệp lực hướng dẫn để xây dựng vạn pháp thành hình tướng, còn nghĩa bóng là có khả năng sáng tạo ra nghiệp tướng theo nhu cầu của nghiệp lực quyết định để làm mô thức cho việc xây dựng vạn pháp thành hình tướng. Liễu Biệt là hiểu biết riêng biệt khác nhau, nghĩa là trong sáu Thức Trước từ Nhãn Thức cho đến Ý Thức thứ sáu mỗi Thức hiểu biết mỗi cảnh riêng biệt khác nhau. Ba loại Thức Năng Biến nói trên sanh ra Nghiệp Tướng như thế nào?

a)  Năng Biến Thứ Ba:

Trước hết chúng ta đem Năng Biến thứ ba ra thảo luận để có khái niệm cụ thể về nghiệp tướng. Năng Biến thứ ba chính là Thức Liễu Biệt Cảnh, tức là chỉ cho sáu Thức Trước (Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức và Ý Thức) và sáu Thức này, mỗi Thức chỉ có khả năng hiểu biết hiện cảnh riêng biệt không quan hệ nhau và cũng không thể thay thế cho nhau để có hiểu biết nên gọi là liễu biệt. Theo Duy Thức Học, vạn pháp trong vũ trụ có hai loại, một loại thuộc về thế giới vọng hiện phát sanh từ thế giới chân như và một loại thuộc về thế giới nghiệp duyên phát sanh từ thế giới vọng hiện. Thế giới chân như được gọi là thế giới pháp tánh mà cũng gọi là thế giới chân như pháp tánh và thế giới này cũng có tên khác nữa là thế giới viên thành thật tánh. Còn thế giới nghiệp duyên Duy Thức Học gọi là thế giới pháp tướng và cũng gọi là thế giới duyên sanh hoặc là thế giới pháp tướng duyên sanh. Điều đáng chú ý, Thức Năng Biến thứ ba chỉ có khả năng hiểu biết được thế giới nghiệp duyên pháp tướng và chúng bất lực không thể hiểu biết đến thế giới chân như pháp tánh.

Riêng về thế giới pháp tướng duyên sanh của nghiệp duyên, mỗi pháp dù lớn như địa cầu, trăng sao..v..v.... và nhỏ như lông, tóc, vi trần..v..v.... tuy rằng chúng do nhân duyên sanh qua bảy Đại, nhưng tất cả đều là biểu tượng sáu khía cạnh cho sáu Thức nhận thức và thâu ảnh. Sáu khía cạnh biểu tượng của mỗi pháp trong vạn pháp gồm có sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần. Cho đến con người cũng thế nghĩa là cũng biểu tượng đối tượng sáu khía cạnh nói trên đối với sáu Thức Trước. Trong sáu trần đối tượng đây, Pháp Trần chính là tánh chất, giá trị, và ý nghĩa của năm trần kia đã được Ý Thức thứ sáu nhận thức tổng hợp để tạo thành nghiệp tướng cho mỗi con người cho mỗi pháp trong vạn pháp. Nghiệp tướng của Ý Thức thứ sáu nhận thức gọi là Ảnh Tử Nghiệp Tướng tức là hạt giống nghiệp tướng ảo giác. Những ảnh tử nghiệp tướng này được Thức Mạt Na thứ bảy cất giữ và quản lý trong Tạng Thức (Thức thể A Lại Da) để làm nhân tướng cho kiếp sau thành hình tướng con người, thành hình tướng vạn pháp. Ý Thức thứ sáu nếu như không có để ý vào bất cứ đối tượng nào thì những đối tượng đó không có nghiệp tướng lưu ảnh. Ý Thức thứ sáu như máy chụp hình và chụp tất cả những cảnh tượng bên ngoài nếu như nó ưa thích và những cảnh tượng bên ngoài đó bao gồm cả con người, cả cảnh vật. Ý Thức thứ sáu nếu như để ý người nào thì chụp hình người đó, để ý cảnh vật nào thì chụp hình cảnh vật đó và những hình ảnh của nhân vật nói trên được Thức Mạt Na thứ bảy mang vào quản lý trong kho Tạng Thức với danh nghĩa là cuốn phim chủng tử nghiệp tướng để chờ đợi đến khi nào gặp được duyên sẽ làm nhân tướng hiện thành hình tướng ở kiếp sau. Cuốn phim chủng tử nghiệp tướng mà Thức thứ sáu để ý thâu ảnh trong đó bao gồm có cả hình ảnh nghiệp tướng của Thức Mạt Na thứ bảy tưởng tượng sáng tạo. Cụ thể hơn con người để ý đến ai thì hình bóng người đó in sâu vào tâm thức của họ không bao giờ mất nếu như họ không xóa, cả đến cảnh giới cũng thế không khác. Hình bóng người đó, hình bóng cảnh giới đó bao gồm hình bóng hiện cảnh của những pháp vô thể chất (những pháp không có sức sống) do Thức Mạt Na thứ bảy tưởng tượng tạo nên, tất cả đều là nghiệp tướng và cả hai loại cũng do sáu Thức Trước nương theo hiện cảnh tạo ra. Muốn rõ vất đề nghiệp tướng đây xin xem Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I cùng một tác giả.

Tóm lại Nghiệp Tướng của con người được sanh ra từ đâu hoặc do ai tạo nên có thể khẳng định chính là do sáu Thức Trước một trong ba Năng Biến nương theo hiện cảnh của thế giới nghiệp duyên duyên sanh mà tạo hình để làm mô thức nhân tướng cho con người kiếp sau; thế nên sáu Thức Trước theo Duy Thức Học gọi chung là Thức Năng Biến thứ ba.

b)  Năng Biến Thứ Hai:

Năng Biến thứ hai là chỉ cho Thức Mạt Na thứ bảy và Thức này còn có tên là Tư Lương. Tư Lương nghĩa là so đo chấp trước và bản chất của Thức này ngoài sự so đo chấp trước ngã pháp còn có tánh hay tưởng tượng nên gọi là ý tưởng. Ý tưởng khác với Ý Thức, Ý Thức là một loại tâm thức hay quan tâm những sự việc về tánh chất, ý nghĩa và giá trị của một sự vật để có nhận thức; còn Ý Tưởng là một loại tâm thức hay tưởng tượng những sự việc không thấy rồi phát họa tạo thành sự thật, như tưởng tượng Địa Ngục, Thiên Đường, Thổ Địa, Táo Quân, Thằng Cuội, Hằng Nga trên cung trăng..v..v..... rồi viết sách ca ngợi tôn vinh.

Các pháp vô thể chất trong thế gian thuộc thế giới pháp tướng như, lâu đài, thành phố, phi thuyền, người máy, bông giả..v..v.....; những tác phẩm như, tiểu thuyết, truyện ngắn, thi ca, văn nghệ..v..v.....; những nghệ thuật như, hình tượng, tranh ảnh, trang trí..v..v....., tất cả những hiện tượng đó đều được xây dựng qua Ý Tưởng phát họa của Thức Mạt Na thứ bảy để làm đối tượng nhận thức cho sáu Thức Trước. Sáu Thức Trước nương theo những đối tượng đó thâu hình thành nghiệp tướng để làm nhân tướng cho chúng sanh kiếp sau. Tóm lại những nghiệp tướng dùng làm mô thức cho việc xây dựng tất cả pháp thuộc vô thể chất thành hiện tượng pháp tướng trong thế gian đều do Thức Mạt Na Năng Biến thứ hai tưởng tượng sáng tạo. Đây là Năng Biến thứ hai tạo ra nghiệp tướng để làm đối tượng nhận thức cho sáu Thức Trước nương nơ đó xây dựng thành hình tướng trong thế gian.

c)  Năng Biến Thứ Nhất:

Năng Biến thứ nhất là chỉ cho Thức A Lại Da thứ tám và Thức này có tên khác là Thức Dị Thục. Dị Thục nghĩa là chưa chín mùi, chưa tác dụng để thành kết quả. Thức Dị Thục là đứng trên lập trường nhân quả mà đặt tên, nghĩa là Thức này còn ở trạng thái hạt nhân chưa tác dụng xây dựng các pháp kết thành hoa trái. Thức này còn có tên nữa là Thức Căn Bản, nghĩa là Thức này làm nền tảng căn bản, làm miếng đất (tâm địa) phát sanh ra vạn pháp trong thế gian; con người không có Thức này hiện hữu sẽ bị hoại diệt, vạn pháp không có Thức này góp mặt sẽ bị tiêu vong; địa cầu, trăng sao..v..v..... nếu không có Thức này nhúng tay vào cũng sẽ bị tan biến. Muốn rõ Thức này xây dựng vạn pháp như thế nào xin xem Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II cùng một tác giả sẽ rõ hơn, nhưng ở đây chỉ bàn đến trên lãnh vực nghiệp tướng mà Thức này tạo dựng. Sự tạo dựng nghiệp tướng của Thức này như thế nào?

Theo Duy Thức Học, Thức này nương theo hai lãnh vực để kiến tạo nghiệp tướng làm mô thức cho việc xây dựng vạn pháp thành hình tướng trong thế gian. Hai lãnh vực nói trên gồm có: thứ nhất là thế giới vọng hiện của Pháp tánh và thứ hai là thế giới nghiệp duyên của Pháp tướng nơi hiện tượng; hai lãnh vực đây là điều kiện tất yếu trong việc tạo hình Nghiệp Tướng.

2)  Thế Giới Pháp Tánh Vọng Hiện:

Thế giới Pháp Tánh gọi cho đủ là thế giới Chân Như Pháp Tánh. Thế giới pháp tánh là chỉ cho thế giới của chư Phật trong mười phương an trụ mà thế giới này theo trong các kinh đức Phật cho là thế giới thường trụ tịch tịnh, không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không tăng không giảm và có tên khác nữa là thế giới Vô Dư Niết Bàn. Còn thế giới hiện tượng sanh diệt tăng giảm ô nhiễm trong thế gian theo đức Phật chính là thế giới đại mộng được phát sanh từ thế giới chân như pháp tánh kia, trường hợp đó cũng giống như thế giới mộng mơ được phát sanh từ thế giới hiện tượng giả tạo này. Chúng ta khi sống trong mộng mơ không biết mình đang mộng và đến khi tỉnh mộng mới biết mình nằm mơ; thì đây cũng vậy, chúng ta hiện tại đang sống trong đại mộng mà vẫn cho mình và cảnh vật chung quanh mình là chân thật, nhưng khi giác ngộ thành Phật thì mới biết mình đã đam mê trong giả cảnh. Thử đặt câu hỏi: Thế giới chân như pháp tánh giả sử không có thật, chỉ có khái niệm trong tưởng tượng thì chúng ta tu hành rồi kết quả sẽ thành gì? Không lẽ chúng ta tu hành cho lắm rốt cuộc rồi cũng sẽ trở thành một khối năng lượng vô hình vô tướng trong không gian? Đức Phật Thích Ca hiện giờ ở đâu, còn tồn tại hay không còn tồn tại? Nếu như Ngài còn tồn tại thì phải có cảnh giới để Ngài an trụ và nếu như Ngài không còn tồn tại thì chúng ta cần gì phải tu hành cho uổng công phí sức? Theo Kinh Pháp Hoa, Đức Phật Thích Ca hiện vẫn còn tồn tại với một Pháp Thân và hiện cư trú nơi cõi Thế Giới Ta Bà Tịnh Độ thuộc Bổn Môn cũng gọi là Thế Giới Niết Bàn Tịch Tịnh; còn Đức Phật Thích Ca sanh ở Ấn Độ là thuộc về Hóa Thân của Tích Môn để hóa độ chúng sanh. Tích Môn nghĩa là Đức Phật Thích Ca sanh ra ở Ấn Độ có chứng tích, có lịch sử mà không phải là huyền thoại tưởng tượng. Bấy nhiêu câu hỏi đó cũng đủ xác định giá trị thế giới chân như pháp tánh.

Đầu tiên Tạng Thức vọng hiện cảnh giới tướng Y Báo trang nghiêm công đức và nhân tướng Pháp Thân thường trụ thanh tịnh của chư Phật mười phương trong thế giới chân như pháp tánh, điều đó cũng tương tợ như hồ nước mùa thu vọng hiện cảnh giới trăng sao huyền ảo. Thức Dị Thục kiến phần của Tạng Thức (Thức A Lại Da) nhơn đó một mặt căn cứ theo nhân tướng pháp thân và cảnh giới tướng y báo vọng hiện của chư Phật nơi thế giới chân như pháp tánh nói trên, cải biến theo nhu cầu của nghiệp lực (Khiên dẫn nhân) tạo ra Nghiệp Tướng kiểu mẫu để xây dựng con người và vạn pháp trong thế giới Pháp Tướng của nghiệp duyên; còn mặt khác, Thức Di Thục lại y cứ nơi thế giới chủng tử nghiệp tướng của nghiệp duyên đã chứa sẵn trong Tạng Thức qua sự thâu ảnh của sáu Thức Trước, liền cải biến làm kiểu mẫu theo nhu cầu của nghiệp lực để tiếp nối xây dựng con người và vạn pháp kế tiếp của thế giới nghiệp duyên. Thức Dị Thục cứ liên tục sanh hoạt như thế theo nhu cầu chỉ đạo của nghiệp lực lưu chuyển lên xuống mãi mãi trong ba cõi không bao giờ chấm dứt. Đây là Năng Biến thức nhất một trong ba Năng Biến tạo ra nghiệp tướng để làm nhân tướng cho thế giới nghiệp duyên.

IV.  KẾT LUẬN:

Qua sự trình bày trên, con người có thể đi đến kết luận chính xác là do Nghiệp Tướng tạo thành hình tướng. Sự tốt xấu cao thấp..v..v..... của con người chính là do nghiệp tướng quyết định và các yếu tố khác, như tinh cha huyết mẹ chỉ có khả năng hiện hữu và trưởng thành trong phạm trù của nghiệp tướng quy định. Tất cả pháp trong vũ trụ cũng đều giống như thế, nghĩa là không thể thoát khỏi ảnh hưởng phạm trù của nghiệp tướng để tự lập hiện hữu. Nhiệm vụ của nghiệp tướng nhằm mục đích phân định sự khác biệt không lầm lẫn giữa con người với các chúng sanh khác, giữa người này với người khác, giữa chúng sanh này với chúng sanh khác. Nghiệp tướng quan hệ chặt chẽ với nghiệp lực trong môi trường nhân quả để định mức giá trị thiện ác, tốt xấu, an lạc hay khổ đau của cuộc đời. Bản chất của nghiệp tướng là một loại tập khí hoàn toàn ảo giác đã được nội kết từ thế giới vọng hiện cũng như từ thế giới nghiệp duyên để làm mô thức cho việc kiến trúc sanh mạng con người và vạn pháp nối tiếp hiện hữu trong thế gian.

Kẻ tạo ra nghiệp tướng chính là ba loại Thức Năng Biến. Thức Năng Biến thứ nhất là Thức Dị Thục, tên khác của Thức A Lại Da, Thức này căn cứ nơi thế giới vọng hiện của chân như pháp tánh thiết lập thành nghiệp tướng ảo giác để xây dựng thế giới nghiệp duyên. Thức Năng Biến thứ hai là Thức Tư Lương, tên khác của Thức Mạt Na, Thức này dựa theo sở thích của nghiệp lực tạo dựng những nghiệp tướng vọng tưởng để trang bị cho thế giới nghiệp duyên theo nhu cầu của nghiệp quả. Thức Năng Biến thứ ba là Thức Liễu Biệt Cảnh, tên khác của sáu Thức Trước, Thức này dựa theo cảnh giới của thế giới nghiệp duyên thiết lập thành nghiệp tướng ảo giác để tiếp nối xây dựng nghiệp quả kế tiếp nơi thế giới nghiệp duyên. Để xác định một lần nữa với câu hỏi đã được đề cập ở trên, con người nhất định được sanh ra từ nghiệp tướng, nếu như không có nghiệp tướng thì không có con người hiện hữu trong thế gian và chẳng những con người mà cho đến vạn pháp đều cũng giống như thế, nghĩa là vạn pháp muốn hiện hữu trong thế gian thì  không thể không có nghiệp tướng.