Home > Khai Thị Phật Học > Canh-Gioi-Chung-Sanh-Tho-Mang--Va-Tam-Cua-Chung-Sanh
Cảnh Giới Chúng Sanh Thọ Mạng Và Tâm Của Chúng Sanh
Thông Tiên


Thuở tại thế, Đức Phật đã không chủ trương bàn luận về các vấn đề siêu hình học, bản thể học hay vũ trụ học và thần thông. Với Nhứt thiết trí của Như Lai (Sabbannutanana), với thần lực của Như Lai (Tathagatabala), Ngài thấu rõ căn tánh của chúng sanh, nghiệp và kết quả của nghiệp của chúng sanh cũng như thấy rõ tất cả thế giới trong mười phương, nhưng Ngài đã im lặng trước các câu hỏi của đệ tử Ngài hoặc của ngoại đạo liên quan đến các vấn đề trên vì chúng không mang lại lợi ích cho người tu hành đang trên lộ trình giải thoát. Như trong kinh Ba Lê (Pathika), Trường Bộ kinh, Đức Phật nói: “Này Sunakkhatta! Khởi nguyên của thế giới có giải thích hay không giải thích, mục đích của Thế Tôn thuyết giảng chánh pháp là đưa người thực hành tới chỗ tận diệt khổ đau. Này Sunakkhatta! Như vậy, thời giải thích về khởi nguyên thế giới có lợi ích gì cho ngươi?”, hay như trong Luật tạng, Đức Phật không cho phép các tỳ kheo thi triển thần thông.
 

Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong một vài trường hợp, Ngài đã thuyết giảng giáo pháp liên quan đến thế giới luận, ngã luận (Kinh Khởi thế nhân bổn, Kinh Jaliya, Kinh Đoạn giảm,…) và bản thân Ngài cũng đã nhiều lần quảng triển thần thông (chẳng hạn khi Đức Phật trở về kinh Thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài đã hiện song thông để nhiếp hóa hoàng thân quốc thích, rồi Ngài hiện thần thông và chỉ bước hai bước đã lên đến trời Đao Lợi thuyết pháp cho thân mẫu ngài nghe, hoặc đích thân Ngài thí triển thần thông khi ngoại đạo thách thức, mặc dầu nhiều đệ tử của Ngài xin phép để thi đấu, nhưng đều không được Đức Phật cho phép,…) mục đích vẫn là khai mở tâm tánh chúng sanh, chỉ cho chúng sanh thấy sự thù thắng của các cảnh giới, mà trong đó, chỉ có chúng sanh nào có thiện nghiệp, có tu giới, định, tuệ mới được tái sanh vào.

Trong Tam tạng kinh điển, có rất nhiều bài pháp do Đức Phật thuyết như kinh Khởi thế nhân bổn (Trường Bộ), kinh Tiểu Nghiệp phân biệt (Trung Bộ), kinh Ngoài Bức tường (Tiểu Bộ), kinh Hiền ngu (Trung Bộ),… và các đại đệ tử của Ngài thuyết như kinh Phúng Tụng (Trường Bộ, Ngài Xá Lợi Phất), kinh Atthakanagara (Trung Bộ, Ngài A Nan), kinh Tệ Túc (Trường Bộ, Ngài Kumara Ca Diếp,) kinh Madhura (Trung Bộ, Ngài Ma ha Ca Chiên Diên),… đề cập đến cảnh giới, các loại chúng sanh, hành tướng, luân hồi… của chúng sanh. Đặc biệt, Tạng Abhidhamma (Luận tạng Nguyên thủy) phân tích rất chặt chẽ về tâm và cảnh giới của chúng sanh.

A. Cảnh giới

Thế giới dưới trí tuệ của Đức Phật là vô lượng, vô biên và bất khả tư nghì. Kinh điển Đại thừa thường gọi là Hằng hà sa số thế giới (số thế giới nhiều như số cát sông Hằng).

Trong hằng hà sa số thế giới đó, cõi nhân gian chúng ta đang sống chỉ là một cõi thuộc về Tam giới. Tam giới cũng nằm trong thế gian chứ không phải xuất thế gian. 31 cõi của Tam giới không chỉ tồn tại ở vũ trụ này mà mỗi thế giới ở hằng hà sa số thế giới ở mười phương đều có 31 cõi như thế.

31 cõi của Tam giới từ thấp đến cao như sau:

I. Dục giới: 11 cõi.

a. Bốn cõi dục khổ:

1. Địa ngục

2. Súc sanh

3. Ngạ quỷ

4. A tu la.

b. Bảy cõi dục lạc:

5. Cõi người

6. Trời Tứ Đại thiên vương

7. Trời Tam thập tam thiên (Trời Đao Lợi, Vua trời Đế Thích ngự ở đây)

8. Trời Dạ Ma

9. Trời Đâu Suất Đà

10. Trời Hóa Tự Tại

11. Trời Tha Hóa Tự Tại.

II. Sắc giới: 16 cõi.

a. Ba cõi tầng thiền thứ nhất:

12. Trời Phạm chúng

13. Trời Phạm phụ

14. Trời Đại Phạm.

b. Ba cõi tầng thiền thứ hai:

15. Trời Thiểu Quang

16. Trời Vô lượng quang

17. Trời Quang Âm.

c. Ba cõi tầng thiền thứ ba:

18. Trời Thiểu Tịnh

19. Trời Vô lượng tịnh

20. Trời Biến Tịnh.

d. Bảy cõi tầng thiền thứ tư:

21. Trời Quảng quả

22. Trời Vô tưởng 

Ngũ tịnh cư thiên:

23. Trời Vô phiền

24. Trời Vô nhiệt

25. Trời Thiện kiến

26. Trời Thiện hiện

27. Trời Sắc cứu cánh.

III. Vô Sắc giới: 4 cõi.

28. Trời Không vô biên xứ

29. Trời Thức vô biên xứ

30. Trời Vô sở hữu xứ

31. Trời phi tưởng phi phi tưởng.

Trong 31 cõi này, chỉ có cõi người là đầy đủ cả vui lẫn buồn, hạnh phúc lẫn đau khổ và có đủ thiện duyên để tu tập thiện căn và gieo trồng phước đức. Các cõi khác hoặc vì quá khổ (như trong bốn cõi khổ) mà không được tu tập và làm phước đức và không có điều kiện để gieo trồng thiện căn, hoặc vì quá vui sướng (như chư thiên ở các cõi trời và cõi phạm thiên) nên chỉ biết hưởng quả mà quên mất việc tu tập và gieo trồng thiện căn cho đời sau.

Thế giới chịu sự biến hoại vô thường nên không có một cõi nào là thường hằng. Không có thiên đường vĩnh viễn và cũng không có địa ngục vĩnh viễn. Chúng sanh trong địa ngục khi đã mãn nghiệp tái sanh vào các cõi khác. Chúng sanh từ cõi trời Dục giới và cõi người hết phước và làm các hạnh ác cũng đọa vào bốn đường khổ sau khi chết. Chúng sanh ở các cõi trời phạm thiên nếu hết phước cũng đọa xuống các cõi thấp hơn, nhưng họ không tái sanh trực tiếp từ các cõi trời phạm thiên xuống bốn ác thú mà từ cõi phạm thiên, họ thác sanh vào các cõi trời Dục giới hoặc cõi người rồi từ các cõi đó, nếu lơ tơ mơ, họ sẽ đọa xuống bốn ác thú.

Trong 31 cõi,  chỉ có cõi người và trời Tứ Đại thiên vương có đủ 11 hạng chúng sanh (trừ hạng vô nhân cõi khổ), có nghĩa là có đủ thánh, phàm cùng cư trú. Trong các cõi khác, có cõi có 3, 8 hoặc 9 hoặc 10 hạng chúng sanh, thậm chí có cõi chỉ có 1 hạng chúng sanh sinh sống như bốn ác thú và trời Vô tưởng (xem bảng A bên dưới).

B. Chúng sanh

Đức Phật tuệ tri hành nghiệp của chúng sanh, con đường đi đến cõi tái sanh, và Ngài cũng thấu suốt rõ ràng chúng sanh đi về đâu sau khi chết (Đại kinh Sư tử hống, kinh Hiền ngu,… Trung bộ kinh).

Chúng sanh ở các cõi (trừ chúng sanh ở Ngũ tịnh cư thiên không còn luân hồi) cứ xoay vòng luân chuyển từ cõi này sang cõi khác. Chúng sanh nào làm thiện nghiệp như bố thí, cúng dường, tu tập giới, tuệ, thiền tập thì được sanh vào thiện thú thiên giới. Chúng sanh nào làm ác nghiệp, không tu giới, định, tuệ thì tái sanh vào bốn cõi khổ.

Do sự sai biệt về nghiệp trong quá khứ mà chúng sanh thọ báo khác nhau. Có kẻ giàu sang và hạnh phúc, có người giàu nứt đố đổ vách nhưng lại khổ tâm, người thì kiếp nghèo đạm bạc nhưng suốt ngày cứ bầu rượu túi thơ làm bạn, người thì ăn không hết kẻ lần không ra, người thì khôn lanh tài trí anh hùng, kẻ ngu si mê muội, người thì đẹp chim sa cá lặn đến nỗi trời đất cây cỏ phát ghen, người thì xấu ma chê quỷ hờn, người thì nhất hô bá ứng, kẻ thì kêu nài mỏi miệng chẳng ai nghe,… Ngay cả thiên chúng trên trời cũng có sự khác nhau về sắc đẹp, cung điện to nhỏ và tùy tùng nhiều ít cũng khác nhau. Tất cả đều là do nghiệp kiếp trước của chúng sanh tạo ra cả.

Tạng Abhidhamma liệt kê 12 hạng chúng sanh như sau:

a.Tám bậc thánh nhân (Tất cả tám bậc thánh nhân đều là những người ba nhân).

1.Tu Đà Hoàn đạo,    2.Tu Đà Hoàn quả

3.Tư Đà Hàm đạo,     4.Tư Đà Hàm quả

5.A Na Hàm đạo,     6. A Na Hàm quả

7. A La Hán đạo và   8.A La Hán quả

Khi Tâm Đạo vừa sanh thì liền diệt và ngay sau đó là Tâm quả sanh, nên tám hạng thánh nhân cũng coi như chỉ còn bốn: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán.

b. 4 hạng phàm phu:

9.  Hạng Vô nhân cõi khổ

10. Hạng Vô nhân cõi lạc

11. Hạng hai nhân

12. Hạng ba nhân.

+ Hạng Vô nhân cõi khổ: Bao gồm chúng sanh ở các cõi khổ như loài vật, ma quỷ, chúng sanh trong địa ngục. Những chúng sanh này tái sanh bằng Tâm quả bất thiện vô nhân.

+ Hạng Vô nhân cõi lạc: Bao gồm cả loài người và một số chư thiên ở trời Tứ Đại thiên vương. Đó là những chúng sanh bị dị tật bẩm sanh như bị điếc, bị mù, bị câm hoặc người bị thiểu năng. Những chúng sanh này tái sanh bằng Tâm quả thiện vô nhân.

+ Hạng hai nhân (vô tham và vô sân): Bao gồm cả loài người và chư thiên thiếu trí tuệ. Họ tái sanh bằng Tâm đại thiện ly trí. Những người này không thể chứng đắc các tầng thiền và đạo quả cho dù họ nỗ lực tu tập đến mức nào đi nữa. Tuy nhiên, do nỗ lực tu tập trong đời này mà đời sau họ có thể trở thành chúng sanh ba nhân, tiếp tục tu tập và chứng đạo.

+ Hạng ba nhân (vô tham, vô sân và vô si): Bao gồm loài người và chư thiên có trí tuệ và chúng phạm thiên. Họ tái sanh bằng Tâm đại thiện tương ưng trí. Họ có thể chứng đắc các tầng thiền và đạo quả trong đời hiện tại nếu họ nỗ lực tu tập.

Thọ mạng của chúng sanh

Thọ mạng của chúng sanh trong các cõi khác nhau.

Trong bốn cõi khổ và cõi người, thọ mạng của chúng sanh dài, ngắn bất định.

Thọ mạng của chúng sanh ở trời Tứ Đại Thiên vương là 500 năm, càng lên cảnh giới cao hơn thì thọ mạng càng dài (xem Bảng A bên dưới).

1 ngày ở cõi Trời Tứ Đại thiên vương bằng 50 năm ở cõi người. 500 năm ở cõi này bằng 9 triệu năm của cõi người.

1 ngày ở cõi Trời Trời Đao Lợi = 100 năm ở cõi người. 1000 năm ở cõi này bằng 36 triệu năm của cõi người.

1 ngày ở cõi Trời Dạ Ma = 200 năm ở cõi người. 2.000 năm ở cõi này bằng 144 triệu năm của cõi người.

1 ngày ở cõi Trời Đâu Suất Đà = 400 năm ở cõi người. 4.000 năm ở cõi này bằng 576 triệu năm của cõi người.

1 ngày ở cõi Trời Hóa Tự Tại = 800 năm ở cõi người. 8.000 năm ở cõi này bằng 2.304 triệu năm của cõi người.

1 ngày ở cõi Trời Tha Hóa Tự Tại = 1.600 năm ở cõi người. 16.000 năm ở cõi này bằng 9.216 triệu năm của cõi người.

Thời gian từ khi thọ mạng của con người tăng từ 10 tuổi cho đến số lượng không đếm được rồi lại giảm dần xuống đến 10 tuổi là một Trung kiếp (Antara kappa).

64 Trung kiếp là một A tăng kỳ kiếp (Asankheyya kappa).

4 A tăng kỳ kiếp là một Đại kiếp (Maha kappa).

Mùa an cư thứ bảy, Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho hội chúng chư thiên Đao Lợi suốt 90 ngày. Không ai ở cõi người có thể nghe một bài pháp suốt 90 ngày như thế, nhưng 90 ngày của nhân gian chỉ bằng 3,6 phút của cõi trời này nên thiên chúng ở đây nghe bài pháp trong 3,6 phút không khó khăn gì. (The Essence of the Buddha Abhidhamma, Dr. Mehm Tin Mon, tr. 194)

 Bảng A: Chúng sanh ở các cõi, thọ mạng và tâm tái sanh của chúng sanh


C. Tâm của chúng: 89/121 Tâm.

Tạng Abhidhamma phân tích tâm chúng sanh thành 89 tâm trong đó có 81 tâm thế gian và 8 tâm xuất thế gian như sau:

81 Tâm thế gian gồm:

1.

54 Tâm cõi dục giới, bao gồm:

12 Tâm bất thiện: 8 tâm có gốc tham, 2 tâm có gốc sân và 2 tâm có gốc si.

18 Tâm vô nhân:

+ 7 tâm quả vô nhân bất thiện: Nhãn thức, nhỷ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức (thọ khổ), tiếp thọ tâm (thọ xả) và quán sát tâm (thọ xả).

+ 8 tâm quả vô nhân thiện: Nhãn thức, nhỷ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức (thọ lạc), tiếp thọ tâm (thọ xả), quán sát tâm (thọ xả) và quán sát tâm (thọ hỷ).

+ 3 Tâm duy tác vô nhân: Ngũ môn hướng tâm, Ý môn hướng tâm và Tiếu sanh tâm (Chỉ có chư Phật và A la hán mới có Tiếu sanh tâm).

24 Tâm dục thiện hảo:

8 Tâm đại thiện, 8 Tâm đại quả và 8 Tâm đại duy tác.

2.

15 Tâm cõi Sắc: 5 Tâm thiện, 5 Tâm quả và 5 Tâm duy tác.

3.

12 Tâm cõi Vô sắc: 4 Tâm thiện, 4 Tâm quả và 4 Tâm duy tác.

8 Tâm xuất thế gian gồm 4 thánh đạo tâm và 4 thánh quả tâm. 8 tâm xuất thế gian này nếu nhân với 5 tầng thiền thì sẽ có 40 tâm xuất thế gian, nâng số tâm thành 121 tâm (81 tâm thế gian+40 tâm xuất thế gian).

Số lượng tâm của chúng sanh trong Tam giới (xem bảng B bên dưới).

1. Hạng Vô nhân cõi khổ trong Bốn cõi khổ chỉ có 37 tâm.

2. Hạng Vô nhân cõi lạc và hạng Hai nhân trong cõi Dục có 41 tâm.

3. Hạng Ba nhân ở cõi Dục có 45 tâm, cõi Sắc có 39 tâm và ở cõi Vô Sắc có 24 tâm.

4. Tu Đà Hoàn ở cõi Dục có 41 tâm, cõi Sắc có 35 tâm và ở cõi Vô Sắc có 20 tâm.

5. Tư Đà Hàm ở cõi Dục có 41 tâm, cõi Sắc có 35 tâm và ở cõi Vô Sắc có 20 tâm.

6. A Na Hàm ở cõi Dục có 39 tâm, cõi Sắc có 35 tâm và ở cõi Vô Sắc có 20 tâm.

7. A La Hán ở cõi Dục có 35 tâm, cõi Sắc có 31 tâm và cõi Vô Sắc có 15 tâm.

Bảng B: Số lượng tâm của chúng sanh trong Tam giới



Như đã nói, Đức Phật không chủ trương bàn luận về các vấn đề liên quan đến thế giới, khởi nguyên của thế giới, hay thậm chí cả vấn đề thần thông. Việc giảng giải về thế giới, về sự thù thắng và thống khổ của các cõi chỉ nhằm mục đích khuyến tấn chúng sanh tu tập nghiệp lành để được sanh lên về các cảnh giới an lành mà thôi. Việc phân tích tâm cũng vậy, chỉ để hướng dẫn chúng sanh trở về sống một cách an lạc với tự tâm, vì tâm bình thì thế giới mới bình được. Vì vậy, những bài pháp do Đức Phật nói, cho dù là phân tích về thế giới, về chúng sanh, về thọ mạng dài ngắn cũng chỉ để dẫn dắt chúng sanh lên lộ trình giải thoát, tìm lại an lạc tự tâm cho chính mình, cho tha nhân và cho muôn loại mà thôi.
_____________
 

Tham khảo:

Kinh Trường Bộ: kinh Phạm Võng, kinh Chủng Đức, kinh Tệ Túc, kinh Ba Lê, kinh Khởi thế nhân bổn, kinh Jaliya, kinh Đoạn giảm, kinh Trường Trảo,…

Kinh Trung Bộ: kinh Phạm Thiên cầu thỉnh, kinh Hiền ngu, kinh Veranjara, kinh Đại Nghiệp phân biệt, kinh Tiểu Nghiệp phân biệt…

Kinh Tiểu Tụng: kinh Ngoài Bức tường, Chuyện tiền sanh, Ngạ quỷ sự,...

A Comprehensive Manual of Abhidhamma, Bhikkhu Bodhi, Buddhist Publication Society, Srilanka.

Abhidhamma (higher level), Department of Abhidhamma, I.T.B.M. University, Yangon, Myanmar.

The Working of Kamma, The Pa Auk Sayadaw, Pa Auk Meditation Centre, Singapore.

Fundamental Abhidhamma, Dr. Nandamalabhivamsa, International Institute of Abhidhamma, Myanmar.

阿毗達摩概要精解,尋法比丘,慈善精舍,臺灣.

Trích từ: ChuaXaLoi.vn