Gồm năm duyên: Lời dẫn, Chứng minh, Tu-đạt, Bần nhi, Bần nữ .
XI.1. Lời dẫn
Phàm nghèo giàu sang hèn, đều do nghiệp nhân đời trước; được mất, có không đều do hành động kiếp xưa. Cho nên trong kinh có ghi: “Muốn biết nhân đời trước, phải xem quả hiện tại. Muốn biết quả vị lai thì nhìn nhân hiện tại”. Do đó, nhà của Nguyên Hiến[122], lều của Kiềm Lũ[123], cửa nẻo đều trống trải không ngăn được gió bụi, mái tranh vách lá không che được sương móc. [54a] Họ lấy rơm cỏ làm chiếu, dùng lá sen làm áo; nếu khâu vai thì trống hai tay; nếu vá hai tay thì vạt đều thiếu; ăn uống nhờ hàng xóm, ngủ nương nơi mồ hoang; một cái mũ đội đến mười năm, thân mặc áo vá trăm mảnh. Nơi quê hương không ruộng vườn, đến Lạc Dương lại không có chỗ nương tựa, lang thang vô định, vất vưởng qua ngày. Tuy xấu hổ như Linh Triếp[124]vẫn bị nạn đói ở Ế Tang[125], dù thẹn như Bá Di[126] cũng phải chịu khổ ở Thủ Dương[127]. Áo quần thiếu thốn nào thấy được nắng xuân, gạo cơm không có sao sống qua đông rét? Tất cả chỉ vì đời trước không bố thí giúp người, lại tham lam, bỏn xẻn, đến nỗi quả báo lành sớm cạn sạch. Vì thế, hành giả phải nên bố thí.
XI.2. Dẫn chứng
Kinh Đăng chỉ[128] ghi: “Người nghèo cùng giống như ở địa ngục: không có chỗ nương tựa cậy nhờ, lòng buồn lo xốn xang hơn lửa đốt, nhan sắc suy tàn, mất vẻ uy dung, thân thể ốm yếu, đói khát bức bách, hai mắt lõm sâu, da bọc xương, gân mạch nổi lên, đầu tóc bù xù, tay chân teo tóp, da dẻ xanh xao, toàn thân nứt nẻ. Lại nữa, không có áo quần, phải lượm những vải xấu trong phân rác kết lại để mặc, nhưng chỉ đủ che thân, còn tay chân phải lộ; nằm trên rác bẩn, lại không có chiếu chăn, người thân trông thấy cũng không nhận ra, lang thang khắp ngõ hẻm xin ăn như quạ đói; muốn đến nhà bạn bè quen thân xin ăn, thì người gác cổng không cho, lén vào thì bị sỉ nhục; chủ nhà ra thấy còn muốn đánh đập. Người ấy cúi đầu lạy lục xin tha, chủ nhà khinh miệt không thèm để ý. Giả sử được vào thì chủ nhà khinh rẻ, không muốn nói chuyện, cũng không mời ngồi, cho chút cơm thì ném vào trong bát, không đủ no lòng. Giả sử gặp đại hội, lần đến xin thức ăn thừa thì bị người khinh miệt không mời ngồi, trái lại còn xua đuổi.
Người nghèo cùng giống như cây không hoa, nên ong bướm chẳng vãng lai; như cỏ lá bị sương muối nên tàn tạ héo úa; như hồ cạn nước, nên hồng nhạn không bay đến; như rừng bị thiêu đốt nên các loài hươu nai bỏ đi; như ruộng lúa đã gặt xong nên không có người đến nhặt. Ngày nay nghèo khổ, kể chuyện giàu sang ngày trước thì mọi người không tin, cho là nói khoác. Người nghèo cùng không biết về đâu, giống như cánh đồng bị thiêu rụi thành tro không ai thích đến; [54b] như cây khô không bóng mát, nên mọi người không muốn dừng chân; như lúa non bị sương móc không thể thu hoạch; như rắn độc thường bị mọi người xa lánh; như thức ăn có độc chẳng ai dám nếm; như mồ hoang không người lui tới; như nhà xí chứa toàn phân tiểu; như kẻ giết người bị mọi người ghét bỏ. Người nghèo dù nói đúng, người khác cũng cho là sai, hoặc có làm điều tốt, mọi người cũng cho là xấu. Nếu làm nhanh thì người trách thô tháo, nếu thong thả thì bị trách là làm cao. Giả sử khen ngợi thì người ta cho là dua nịnh, nếu không khen ngợi thì người ta cho là chê bai. Họ cho rằng người nghèo này thường không nói lời tốt. Nếu có dạy ai điều gì thì người ta đều cho là hư dối, nếu giải thích đầy đủ thì người ta bảo là lắm lời. Nếu im lặng thì bị cho là giấu lòng, nếu nói thẳng ra thì bị cho là thô thiển. Nếu thỉnh ý người thì bị cho là nịnh hót, còn thường gần gũi thì bị cho là mê hoặc người, ngược lại thì bị cho là kiêu căng. Nếu thuận theo lời người thì bị cho là lấy lòng, còn không thuận theo thì bị nói là tự chuyên. Nếu khuất phục theo thì bị mắng là hèn yếu, còn trái lại thì bị nói người nghèo mà còn cậy mình. Nếu cư xử phóng khoáng một chút thì bị cho là ngu si không biết kiềm chế, tự thúc liễm thì bị nói là không liêm sĩ dối cho là đoan chính. Nếu vui quá trớn thì bị nói là lừa dối, ngông cuồng. Nếu buồn rầu thì bị cho là có lòng hiểm ác, không vui. Nếu nghe người nói có chỗ chưa rõ ràng bèn muốn giải thích tường tận, thì bị cho rằng muốn dùng ngu thay trí, thật quá xấu hổ. Nếu im lặng thì bị cho rằng ngu si không biết lý lẽ. Có nói đùa một chút thì bị cho rằng không tin tội phúc. Nếu có xin điều gì thì bị nói không xứng đáng, không biết liêm sỉ. Nếu không xin thì bị cho rằng nay không xin, nhưng sau đó lại mong được nhiều. Nếu trích dẫn lời trong kinh sách thì nói giả vờ thông minh; còn nói lời chất phác thì bị chê là ngu đần. Nếu nói sự thật trước công chúng, lại bị bảo là nói càn. Nếu nói lời ngay thật ở nơi vắng lại bị cho là gièm pha. Nếu như mặc áo mới thì mọi người nói mượn để làm đẹp, mặc y phục thô xấu thì bị chê là nghèo cùng khốn khổ. Nếu ăn nhiều thì bị cho là đói khát ham ăn. Nếu ăn ít thì bị cho là trong bụng đói mà giả vờ trong sạch. Nếu nói kinh luận thì bị cho rằng khoe sự hiểu biết của mình để bày cái dốt của người; còn nếu không nói kinh luận thì bị cho rằng ngu si, không biết gì, chỉ đáng chăn trâu. Nếu kể lại sự nghiệp ngày xưa thì bị cho là khoe khoang dối trá, còn im lặng thì bị nói là gia đình thấp hèn.
Những người nghèo cùng, mọi hành động, nói năng, cử chỉ đều bị cho là lỗi lầm. Còn người giàu sang thì dù nói phi pháp cũng không mắc lỗi, những hành động và việc làm của họ đều được cho là đúng. [54c] Người nghèo cùng giống như quỉ khởi thi[129], tất cả đều kinh sợ, gặp họ như gặp chứng bệnh khó chữa trị. Người nghèo như ở giữa đồng hoang, hiểm trở không có cỏ nước; như rơi vào biển lớn, bị dòng nước mạnh nhận chìm; như bị nghẹn cổ không thở được; như mắt mờ không thấy đường đi; như chất dơ bám dày khó tẩy trừ; như oan gia, tuy cùng ở chung, nhưng không bỏ được tâm oán ghét; như giếng khô nóng bức, người rơi xuống đó thì không thở được; như bị lún vào bùn sâu không thể bước ra; như nước lũ từ núi dốc cuốn trôi và ngã đổ cây cối. Người nghèo cũng thế, lắm nỗi gian nan.
Người giàu sang có uy đức lớn, dáng vẻ thong dong, tâm lượng rộng lớn, đầy đủ lễ nghi, hay sinh trí dũng, gia nghiệp hưng thịnh, quyến thuộc thuận hòa, tiếng tốt vang xa.
Nhưng tất cả người đời cũng không nên tham đắm phú quí vinh hoa; được trời người tôn quí cũng không nên quá thích. Phải biết nghèo hèn rất khổ sở, muốn chấm dứt sự nghèo khổ thì không nên bỏn xẻn, tham lam”.
Vì thế trong kinh ghi: “Nghèo cùng là nỗi khổ lớn nhất”.
XI.3.Tu-đạt
Kinh Tạp bảo tạng[130] ghi: “Thuở Đức Phật còn tại thế, có trưởng giả Tu-đạt nhà nghèo khổ, không có tài sản. Ông đi làm thuê được bốn thăng gạo đem về nấu cơm. Gặp lúc ngài A-na-luật đi khất thực, vợ trưởng giả cúng dường đầy bát. Sau đó, các ngài Tu-bồ-đề, Ca-diếp, Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất v.v… cũng đến khất thực, đều được cúng dường đầy bát. Cuối cùng, Đức Phật đến, bà cũng cúng dường đầy bát cơm. Lúc ấy Tu-đạt về đến nhà bảo vợ dọn cơm, người vợ liền nói:
– Nếu tôn giả A-na-luật đến, ông có cúng dường thức ăn không?
Tu-đạt Đáp:
– Thà tôi nhịn ăn để cúng dường tôn giả.
Người vợ lại Hỏi:
– Nếu tôn giả Ca-diếp, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Xá-lợi-phất v.v… và Đức Phật đều đến ông phải làm sao?
Tu-đạt cũng Đáp:
– Tôi sẽ nhịn ăn để cúng dường hết cho các vị ấy.
Lúc ấy người vợ mới kể:
– Sáng nay các vị ấy đã đến khất thực, có bao nhiêu thức ăn tôi đều cúng dường hết.
Tu-đạt nghe rồi rất vui mừng, liền bảo vợ:
– Chúng ta đã hết tội, phúc sẽ sinh.
Nói rồi liền mở kho ra thì lúa gạo, vải vóc và các thức ăn uống tự nhiên đầy đủ, hễ dùng hết chúng lại sinh. Phúc báo như thế không thể kể xiết”.
[55a] Theo kinh Tạp thí dụ[131] ghi: “Ngày xưa trưởng giả Tu-đạt trải qua bảy đời nghèo khổ, đến đời cuối cùng nghèo đến nỗi không có một đồng. Một hôm ông nhặt trong đất dơ được một cái thăng bằng gỗ chiên-đàn, mang ra chợ bán, mua được bốn thăng gạo đem về, bảo vợ:
– Bà hãy nấu một thăng, tôi sẽ đi kiếm rau quả về, rồi chúng ta cùng ăn.
Bấy giờ, Đức Phật nghĩ: ‘Ta phải độ Tu-đạt, để ông ấy lại được phúc’. Vợ Tu-đạt nấu cơm vừa chín thì Đức Phật và các đệ tử Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp đồng đến. Bốn thăng gạo đều được nấu hết và lần lượt mang ra cúng dường. Về sau ông rất giàu có, thường thỉnh Phật và chúng tăng đến cúng dường. Đức Phật nói pháp cho hai ông bà nghe, họ đều chứng đắc quả vị”.
Kinh Bồ-tát bản hạnh[132] ghi: “Lúc trước, nhà trưởng giả Tu-đạt rất nghèo. Nhờ nghe Phật thuyết pháp, thân tâm ông thanh tịnh, đắc quả A-na-hàm. Lúc đó, gia đình chỉ có năm đồng tiền, nhưng ông mang ba đồng đến cúng dường Phật, pháp, tăng; một đồng mua thức ăn, một đồng để dành làm vốn. Nhờ thế mỗi ngày ông đều có một đồng tiền dùng không bao giờ hết. Sau đó, ông thụ năm giới, đoạn dứt tâm dục. Các bà vợ đều thuận theo niềm vui của ông. Một hôm, vợ ông rang gạo làm bột, sơ ý để lửa cháy chết người và súc vật. Vì việc ấy, vua Ba-tư-nặc ra lệnh cấm: ‘Từ nay ban đêm không được thắp đèn, đốt lửa. Nếu ai phạm sẽ bị phạt một nghìn lượng vàng’.
Bấy giờ, Tu-đạt đã đắc đạo, sớm hôm thiền định tại nhà. Vào nửa đêm, ông thắp đèn tọa thiền, quan quân tuần tra bắt được tâu vua. Vua lệnh ông phải nộp phạt. Tu-đạt tâu:
– Thần nghèo khổ một trăm đồng cũng không có, lấy gì nộp phạt.
Vua nổi giận, sai lính bắt giam vào ngục. Tứ thiên vương trông thấy, đầu đêm liền bay xuống nói với Tu-đạt:
– Tôi sẽ cho ông tiền nộp phạt để được thả ra.
Tu-đạt liền thuyết kinh cho Tứ Thiên vương. Thiên vương nghe xong liền đi. Giữa đêm Đế Thích đến nghe Pháp, cuối đêm Phạm thiên đến; trưởng giả đều thuyết pháp cho các vị trời ấy. Nghe xong họ trở về thiên cung.
Đêm ấy, vua ở trên lầu cao, bỗng thấy trên ngục phát ra ánh sáng. Hôm sau, vua sai người đến nói với Tu-đạt:
– Ông thắp đèn nên bị giam vào ngục, không biết hổ thẹn hay sao mà còn tiếp tục đốt lửa?
Tu- đạt Đáp:
– Tôi không đốt lửa. Nếu đốt thì phải có khói và tro.
Sứ thần lại nói:
– Tại sao đầu đêm vua thấy bốn đốm lửa, giữa đêm lại có một đốm lửa lớn và sáng hơn bốn đốm lửa trước, cuối đêm cũng có một đốm lửa, sáng hơn gấp đôi. Ông nói không phải lửa, vậy đó là gì?
Tu-đạt Đáp:
– Đó chẳng phải là lửa! Đầu đêm Tứ thiên vương đến gặp ta, giữa đêm trời Đế Thích đến, cuối đêm thì Phạm thiên đến gặp ta. Đó là ánh sáng của các vị trời chứ chẳng phải lửa.
[55b] Sứ thần liền trở về tâu vua. Vua nghe như thế, toàn thân rúng động. Vua nói:
– Người này phúc đức đặc biệt như vậy, sao ta lại làm nhục?
Vua liền lệnh cho sứ thần:
– Hãy thả ông ấy ngay, không được chậm trễ!
Quan giữ ngục liền thả ra. Được thả, Tu-đạt liền đi đến tinh xá, đỉnh lễ Đức Phật và ngồi lại nghe pháp.
Khi ấy, vua Ba-tư-nặc cũng bảo quần thần chuẩn bị xa giá, đi đến chỗ Phật. Thấy vua, nhân dân đều đứng dậy tránh ra. Chỉ có Tu-đạt đang lắng tâm nghe pháp, nên thấy vua song vẫn ngồi an nhiên. Trong lòng vua hơi bực tức nghĩ rằng: ‘Người này là thần dân của ta mà có tâm xem thường, thấy ta không đứng dậy’. Nghĩ rồi vua càng tức giận. Phật biết tâm ý vua, nên ngừng thuyết pháp.
Vua bạch Phật:
– Xin Đức Thế Tôn hãy giảng tiếp!
Đức Phật bảo:
– Lúc này không thích hợp. Vì sao? Vì có người khởi sân giận, thắt chặt oán thù, không chịu cởi bỏ, tham đắm nữ sắc, tự cao bất kính, lòng đầy ô nhiễm, dù nghe pháp vi diệu cũng không thể hiểu được. Do đó, chẳng phải lúc thuyết pháp cho vua.
Vua nghe nói thế, suy nghĩ: ‘Vì người này mà hôm nay ta hai lần bị giảm uy, lại khởi tâm sân, không được nghe pháp’. Nghĩ rồi, vua đỉnh lễ Phật và đi về. Khi ra ngoài vua nói với cận thần:
– Nếu thấy người này ra hãy chém đầu.
Vua vừa dứt lời, lập tức bốn phía cọp sói, sư tử, các loài thú dữ đều đến vây quanh vua. Vua hoảng sợ, liền trở lại chỗ Phật. Phật Hỏi:
– Sao đại vương quay lại?
Vua Đáp:
– Trẫm sợ thú dữ nên trở lại.
Phật chỉ Tu-đạt Hỏi:
– Đại vương có biết người nay chăng?
Vua Đáp:
– Không biết.
Phật nói:
– Người này đã đắc quả A-na-hàm. Vì vua khởi tâm ác với người này nên xảy ra những việc như thế. Nếu đại vương không quay lại ắt sẽ nguy hại tính mạng.
Nghe Phật nói, vua rất kinh sợ, liền trải người trước Tu-đạt đỉnh lễ sám hối và nói:
– Ông là dân của ta, mà ta chịu hạ mình trước ông thật là việc khó.
Tu-đạt tâu:
– Tôi nghèo mà bố thí mới là khó. Bấy giờ, Thi-ba-sư-chất nói: ‘Tôi vì nước dẹp loạn, bị giặc bắt. Tuy gần kề cái chết vẫn không nói dối, đó cũng là điều khó’. Lại có trời Thi-ca-lê nói: ‘Tôi nằm nghỉ trên lầu cao, thiên nữ đến quyến rũ, giữ giới mà khước từ mới thật là khó’.
Khi ấy, mỗi người ở trước Đức Phật nói bài kệ:
Nghèo cùng khó bố thí,
Giàu sang khó nhẫn nhục,
Hiểm nguy khó giữ giới,
Tuổi trẻ khó bỏ dục.
Nghe thuyết kệ rồi, vua và nhân dân đều hoan hỉ đỉnh lễ lui ra”.
XI.4. Bần nhi
[55c] Kinh Biện Ý trưởng giả tử[133] ghi: “Lúc ấy, trưởng giả Biện Ý đỉnh lễ Đức Phật và chắp tay bạch rằng:
– Cúi mong Đức Thế Tôn và thánh chúng, ngày mai hạ cố đến xóm nghèo chúng con thụ thực.
Đức Phật im lặng nhận lời. Trưởng giả đỉnh lễ Phật trở về nhà sửa soạn đầy đủ thức ăn. Hôm sau, Đức Phật và đại chúng đi đến, thứ tự ngồi trang nghiêm. Biện Ý thưa cha mẹ và quyến thuộc, đỉnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng hầu. Biện Ý đứng lên rót nước rửa tay và cung kính dâng thức ăn. Chưa dùng xong, có một người hành khất, đến từng vị tăng xin ăn. Vì Phật chưa chú nguyện, nên không ai dám cho. Người ấy đi khắp tòa, chẳng xin được gì, nổi giận bỏ đi và khởi niệm ác: ‘Các sa-môn này buông lung, ngu si nào có tu hành gì. Thấy người nghèo đến xin không có tâm bố thí, còn trưởng giả cũng bị mê hoặc, cúng dường cho những người không có lòng thương xót này. Nếu sau này ta làm vua, sẽ dùng bánh xe sắt cán đứt đầu họ’. Nói xong liền bỏ đi.
Khi Phật chú nguyện xong, lại có một người khác đến xin ăn. Tất cả chúng hội đều cho, người ấy được nhiều thức ăn rất vui mừng, nghĩ rằng: ‘Các sa-môn này đều có tâm từ, thương xót mình nghèo khổ, bố thí thật nhiều thức ăn. Ta có thể ăn được vài ngày. Vui thay! Tốt thay! Trưởng giả cúng dường các vị đại sĩ này, sẽ được phúc vô lượng. Nếu ta được làm vua, dù cúng dường Đức Phật và chư tăng suốt bảy ngày, cũng không sao báo đáp được ân cứu đói hôm nay’.
Đức Phật thụ trai xong, thuyết pháp cho mọi người rồi trở về tinh xá.
Phật bảo A-nan:
– Từ nay về sau, khi chú nguyện xong mới dùng cơm.
Sau đó, hai người ăn xin kia lần lượt đi xin đến một nước nọ. Người khởi tâm thiện nằm nghỉ trong đám cỏ ven đường. Bấy giờ, vua của nước đó vừa qua đời, nhưng không có người kế vị. Trong nước có một người rất giỏi về tướng số, thấy trong sấm thư[134] có ghi: ‘Sẽ có người nghèo xứng đáng kế vị’. Nghe thầy tướng tiên đoán, các vị đại thần cùng bá quan điều động nghìn vạn cỗ xe đi khắp nước, tìm người xứng đáng lên ngôi. Khi đi ngang lùm cỏ rậm ven đường nọ, mọi người thấy phía trên có mây che phủ. Thầy tướng nói:
– Trong đây có thần nhân
Mọi người vào xem thì thấy một người hành khất, tướng mạo xứng đáng làm vua. Quần thần thi lễ, mỗi người tự xưng là hạ thần. Người ấy kinh hoảng nói:
– Tôi là kẻ thấp hèn chẳng phải dòng dõi vua chúa.
Nhưng tất cả đều nói:
– Ngài có tướng xứng đáng làm vua chứ chẳng phải chúng tôi cưỡng ép.
Các quan đưa nước thơm cho người ấy tắm, rồi cho mặc y phục của vua. Người ấy liền lộ bày uy tướng sáng rỡ. Mọi người hết lời khen ngợi, trang hoàng xa giá rước về cung. Còn người khởi niệm ác lúc trước, đang ngủ say trong đám cỏ rậm, bị xe chạy ngang cán đứt đầu. [56a] Vua về đến nước, âm dương điều hòa, bốn mùa khí thuận, nhân dân được an lạc, cả nước đều ca ngợi ân đức của vua.
Lúc ấy vua suy nghĩ: ‘Trước đây ta nghèo khổ, sao nay được làm vua?’ Vua liền nhớ lại, trước đó làm kẻ hành khất nhờ ân đức của Phật, xin được rất nhiều thức ăn, sinh tâm thiện, nguyện rằng nếu được làm vua sẽ cúng dường Đức Phật bảy ngày. Nay phúc báo đã được đúng như nguyện; vua liền triệu tập quần thần, hướng về nước Xá-vệ đốt hương, đỉnh lễ, rồi sai sứ giả đến thỉnh Đức Phật:
– Bạch Đức Thế Tôn! Nhờ ân đức của Ngài mà chủ của con được làm vua. Nay vua nước con muốn thỉnh Thế Tôn đến đó giáo hóa, giúp cho kẻ ngu muội nghe giáo pháp của Như Lai.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Hãy nên nhận lời!
Bấy giờ, Đức Phật cùng rất nhiều đệ tử đi đến nước kia, vua đích thân ra ngoài nghinh tiếp, đỉnh lễ Đức Phật, và thỉnh tất cả vào cung thụ trai. Sau đó, vua thỉnh cầu Đức Phật nói về nhân duyên đời trước của mình. Đức Phật kể lại tất cả những việc trên và bảo:
– Nhờ đại vương khởi niệm thiện, nên nay được làm vua. Người khởi niệm ác không những bị xe cán chết, mà còn phải đọa vào địa ngục, bị bánh xe bốc lửa nghiền nát, trải qua ức kiếp mới ra khỏi. Nay đại vương thỉnh Phật và chúng tăng đến cúng dường để đáp lại ân Phật theo thệ nguyện xưa, nên sẽ được phúc báo đời đời không dứt.
Bấy giờ Đức Phật liền nói kệ:
Tâm người là gốc độc,
Miệng là cửa tai họa,
Tâm nghĩ và miệng nói,
Thân chịu tội lỗi đó.
Không nghĩ đến thiện, ác,
Thân làm thân chịu khổ,
Ý muốn hại người khác,
Liền bị xe cán chết.
Nhờ hành pháp cam lộ,
Khiến người sinh cõi trời,
Tâm nghĩ, miệng nói thiện,
Thân được phúc báo kia.
Người nghĩ đến thiện, ác,
Tự lập gốc an thân,
Ý nghĩ về điều thiện,
Như vua được ngôi trời.
Vua nghe Đức Phật nói kệ xong, lòng vô cùng hoan hỉ. Các quan và toàn thể nhân dân trong nước đều đắc quả Tu-đà-hoàn”.
Kinh Hiền ngu ghi: “Thuở xưa, lúc Đức Phật cùng một nghìn hai trăm năm mươi vị tì-kheo đang ở nước Xá-vệ, có năm trăm hành khất thường theo Đức Phật và chúng tăng xin ăn để sống. Sau đó, khởi tâm nhàm chán, tất cả cùng đến xin Đức Phật cho xuất gia. Họ bạch rằng:
– Bạch Đức Thế Tôn! Rất khó gặp Như Lai ra đời. Chúng con là kẻ thấp hèn, nhờ Ngài cứu sống. Nay chúng con muốn được xuất gia, chẳng hay Ngài cho phép không?
Đức Phật Đáp:
– Pháp của Ta bình đẳng, không phân biệt nghèo giàu, giống như nước sạch tẩy trừ những vật dơ uế. Bất luận người giàu hay nghèo, [56b] dùng nước tẩy rửa đều được sạch sẽ. Pháp ấy như đống lửa lớn lan đến đâu, nơi đó đều bị thiêu rụi; pháp ấy như hư không, người giàu nghèo, sang hèn đều có thể tùy ý đi lại trong đó.
Nghe Đức Phật nói như thế, những người hành khất vô cùng hoan hỉ, lòng tin thêm lớn, thành tâm xuất gia. Đức Phật bảo:
– Thiện lai tì-kheo!
Lập tức các vị ấy, râu tóc tự rụng, ca-sa đắp thân, đầy đủ hình tướng sa-môn. Năm trăm người nghe Đức Phật nói pháp đều chứng quả A-la-hán.
Lúc ấy, những trưởng giả giàu có nghe Đức Phật độ cho những kẻ ăn xin xuất gia, liền khởi tâm kiêu mạn nói: ‘Sao Đức Như Lai cho phép những kẻ hạ tiện ấy gia nhập tăng đoàn như thế! Chúng ta tu phúc, khi thỉnh Phật và chúng tăng thụ trai, thì những kẻ hạ tiện ấy cũng sẽ đến ngồi lên chiếu, cầm bát của chúng ta để ăn’.
Bấy giờ, thái tử Kì-đà sai người đến thỉnh Phật và chúng tăng. Sứ giả thưa:
– Bạch Đức Thế Tôn! Ngày mai, thái tử thỉnh Ngài và chư tăng đến thụ trai, nhưng không mời những kẻ ăn xin vừa xuất gia kia. Xin Ngài đừng dẫn đến.
Sáng hôm sau đến giờ thụ trai, Đức Phật bảo những vị tì-kheo kia:
– Ta nhận lời thỉnh của thái tử, nhưng ông ta không mời các ông. Vậy các ông hãy đến Uất-đơn-việt, lấy cơm tự nhiên rồi trở lại nhà thái tử, theo thứ tự ngồi thụ trai.
Các tì-kheo vâng lời, liền dùng thần túc thông bay đến châu kia. Mỗi người lấy đầy bát cơm, nhiếp thân lướt trong hư không như chim nhạn bay đến nhà thái tử Kì-đà, theo thứ tự ngồi thụ trai. Lúc ấy, thái tử Kì-đà thấy chúng tì-kheo uy nghi, phúc đức và thần túc đầy đủ, sinh lòng cung kính hoan hỉ chưa từng có, liền thưa với Đức Phật:
– Bạch Đức Thế Tôn! Những vị hiền thánh này từ đâu đến?
Đức Phật Đáp:
– Họ chính là những người mà hôm qua ông không muốn thỉnh.
Đức Phật liền nói nhân duyên của những vị ấy cho thái tử nghe. Thái tử nghe rồi lòng vô cùng hổ thẹn, tự trách: ‘Ta ngu muội, không phân biệt được sáng tối’. Thái tử lại thưa:
– Bạch Đức Thế Tôn! Những vị này đời trước đã tạo phúc duyên gì, mà nay gặp Đức Thế Tôn, được xuất gia đắc đạo; lại không biết họ tạo ác nghiệp gì, mà phải làm kẻ ăn xin như thế?
Đức Phật Đáp:
– Cách đây rất lâu, có một ngọn núi lớn tên Lợi-sư, thuộc nước Ba-la-nại, là trú xứ của các Đức Phật quá khứ. Lúc không có Phật ra đời, thì hai nghìn vị bích-chi phật thường ở trong đó. Bấy giờ, trong nước ấy có trưởng giả tên Tán-đà-ninh nhà rất giàu sang. Gặp lúc hạn hán mất mùa, ông hỏi người giữ kho:
– Trong kho của ta còn bao nhiêu lúa gạo? Ta muốn thỉnh các vị đại sĩ đến cúng dường mà chẳng biết có đủ không?
Người giữ kho Đáp:
– Còn rất nhiều, đủ để cúng dường.
Trưởng giả liền thỉnh hai nghìn vị bích-chi phật đến cúng dường và sai năm trăm người hầu làm thức ăn. Những người hầu tỏ ý mỏi mệt và nói :
– Sở dĩ chúng ta khổ cực là do những kẻ ăn xin kia.
[56c] Lúc ấy, trưởng giả sai một người, hàng ngày đến báo giờ thụ trai cho các vị bích-chi phật. Ông ta có nuôi một con chó, hàng ngày nó thường đi theo chủ nhân. Một hôm, ông quên không đến báo giờ, con chó một mình đi đến chỗ ấy, hướng về các vị đại sĩ mà sủa vang. Các vị đại sĩ nghe tiếng chó sủa, biết đúng giờ, liền đi đến nhà trưởng giả như pháp thụ trai. Sau đó, các vị đại sĩ bảo trưởng giả:
– Hôm nay trời mưa, ông nên cày ruộng gieo giống!
Trưởng giả nghe lời, sai người cày ruộng gieo giống. Những hạt giống được gieo xuống đều biến thành cây bầu. Trưởng giả tuy ngạc nhiên, nhưng vẫn chăm sóc tưới bón. Bầu ra hoa kết trái, quả nào cũng to lớn. Trưởng giả bổ quả bầu ra xem, thấy trong đó có đủ các loại hạt mà trước kia đã gieo, nay có kết quả rất tốt đẹp; trong ruột bầu chứa nhiều lúa gạo, ông rất vui mừng. Nhà ông trở nên giàu có, ông bèn đem chia cho họ hàng, quyến thuộc. Cả nước nhờ đó mà được sung túc.
Lúc ấy, năm trăm người làm thức ăn nghĩ rằng: ‘Trưởng giả có được kết quả tốt như thế, là nhờ ân đức của các bậc đại sĩ. Sao chúng ta lại nói những lời không tốt với các vị ấy?’. Nghĩ rồi liền đến các vị đại sĩ xin sám hối và lập nguyện: ‘Chúng con nguyện đời sau gặp các bậc hiền thánh và được giải thoát’. Do có niệm ác, nên trong năm trăm đời họ thường làm kẻ ăn xin; nhờ sám hối và lập nguyện nên nay gặp Ta, được xuất gia chứng quả. Thái tử nên biết! Tán-đà-ninh lúc đó nay chính là Ta, người giữ kho nay là Tu-đạt; người đến báo giờ là vua Ưu-điền; năm trăm người làm thức ăn lúc đó nay là năm trăm vị a-la-hán. Bấy giờ, những người trong hội của thái tử Kì-đà thấy sự thần kì như thế, đều chứng quả A-la-hán”.
XI.5. Bần nữ
Kinh Hiền ngu ghi: “Thuở Đức Phật còn tại thế, tôn giả Ca-chiên-diên du hóa đến nước A-bàn-đề, ở đó có ông trưởng giả rất giàu, của cải vô số. Trong nhà ông có người tớ gái, phạm lỗi nhỏ, bị trưởng giả đánh đập, sai làm việc ngày đêm không ngừng mà áo không đủ che thân, cơm ăn không no lòng. Đến già, bà ấy vẫn còn khổ, muốn chết cũng không được. Một hôm, bà ôm bình ra sông lấy nước, chợt buồn tủi, khóc lớn. Tôn giả Ca-chiên-diên nghe tiếng khóc đến hỏi, biết được nguyên nhân, liền bảo:
– Sao ngươi không bán cái nghèo ấy đi!
Bà lão Đáp:
– Ai mà mua cái nghèo?
Tôn giả Đáp:
– Nghèo cũng có thể bán được.
Bà lão Hỏi:
– Nghèo có thể bán được ư? Làm sao để bán?
Tôn giả Đáp:
– Ngươi muốn bán nó, hãy nghe theo lời ta.
Nói rồi tôn giả bảo bà đi tắm rửa, sau đó dạy cách bố thí. Bà lão thưa:
– Nay tôi nghèo khổ áo mặc không đủ lành lặn, chỉ có một chiếc bình, nhưng của ông chủ. Lấy gì cúng dường ngài đây?
[57a] Tôn giả liền trao bình bát cho bà, dạy đi lấy nước đến cúng dường. Tôn giả nhận rồi chú nguyện, truyền giới và dạy bà niệm Phật. Sau đó tôn giả Hỏi:
– Ngươi thường ngủ ở đâu?
Bà lão Đáp:
– Tôi không có chỗ ngủ cố định. Tùy theo công việc xay giả, hoặc nấu cơm ở đâu thì ngủ ở nơi đó, hoặc ngủ trên đống rác.
Tôn giả bảo:
– Ngươi cứ hết lòng siêng năng làm việc, đợi lúc mọi người ngủ say, ngươi lén mở cửa vào nhà, trải cỏ ngồi quán tưởng Phật.
Bà lão vâng lời, tối đến lén vào trong nhà ngồi quán Phật rồi mạng chung, sinh lên cõi trời Đao-lợi. Sáng ra, người chủ thấy vậy liền nổi giận nói:
– Người làm này không được vào nhà, sao nay lại chết ở đây?
Ông liền sai người lấy dây buộc chân, rồi đem bỏ trong rừng sâu. Bà lão sinh lên cõi trời làm quyến thuộc với năm trăm thiên tử. Bà dùng thiên nhãn quán xem thấy nhân duyên nào giúp được sinh lên cõi trời. Bà liền dẫn năm trăm thiên tử mang hương hoa đến khu rừng cúng dường thi thể kia, phóng ánh sáng cõi trời chiếu khắp rừng cây. Người chủ thấy kì lạ, liền bảo với mọi người cùng đến đó xem, thấy thi thể kia, ông liền Hỏi:
– Đây là thi thể của người nô tì sao lại cúng dường?
Vị thiên tử Đáp:
– Đây là thân đời trước của tôi!
Thiên tử liền kể lại nhân duyên được sinh lên trời. Sau đó, các vị thiên tử ấy đến chỗ ngài Ca-chiên-diên đỉnh lễ cúng dường, nhân đó được nghe pháp. Năm trăm vị thiên tử đều đắc quả Tu-đà-hoàn, sau đó bay về cõi trời. Vì thế, người trí phải tu học như lời ta dạy”.
Kinh Phật thuyết Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu[135] ghi: “Khi Phật ở nước Xá-vệ, Ma-ha Ca-diếp một mình du hóa đến thành Vương Xá. Ngài Ca-diếp thường khất thực với tâm thương xót tạo phúc lành cho chúng sinh; nhưng không đến nhà giàu sang, chỉ ghé những nhà nghèo khổ. Trước khi đi khất thực, Ca-diếp thường nhập tam-muội, xem người nghèo ở đâu, sẽ đến đó tạo phúc cho họ. Một hôm, đi vào trong thành Vương Xá, Ca-diếp gặp một bà lão góa bụa. Bà ấy nghèo khổ cùng cực, phải khoét đống rác lớn trong làng làm nơi nương thân. Thân thể bà gầy yếu, bệnh tật, thường nằm trong hang, cô độc không có ai giúp đỡ, không có cơm ăn, áo mặc, phải đặt một tấm phên nhỏ trong hang để che thân. Ca-diếp nhập định biết bà lão này đời trước không gieo trồng phúc thiện, nên ngày nay phải chịu nghèo khổ. Ngài biết bà sắp qua đời, nếu không được độ, sẽ mãi mãi không được hưởng phúc.
Do thường đói khổ, nên khi thấy người hầu của nhà trưởng giả đổ nước gạo thối, bà liền xin nước ấy, đựng trong những chiếc bình bể, đặt đầy trong hang. Ca-diếp đến xin và chú nguyện: ‘Nếu bà cúng dường, dù nhiều hay ít đều được phúc’.
Bấy giờ, bà lão liền nói kệ:
[57b] Thân thể mang bệnh tật,
Lại cô độc, khốn cùng,
Là người nghèo nhất nước,
Áo chẳng đủ che thân,
Người đời không lòng từ,
Khi gặp cũng thương xót,
Đã nói là xót thương,
Sao không biết thân này,
Đói khổ nhất trên đời?
Không ai khổ hơn tôi!
Xin xót thương lượng thứ,
Thật tôi chẳng tiếc gì.
Ngài Ca-diếp liền nói kệ:
Phật là thầy ba cõi,
Tôi ở trong pháp ấy,
Muốn bà hết nghèo đói,
Nên đến đây khất thực,
Nếu bà giảm phần ăn,
Sớt một ít cúng dường,
Mãi mãi sẽ thoát khổ,
Đời sau được giàu có.
Bà lão nghe kệ xong rất hoan hỉ, liền nhớ lại: ‘Hôm trước có chứa nước gạo hôi, nếu cúng dường, thì sợ ông ta không uống được’. Do đó, từ trong hang bà thưa rằng:
– Tôi có ít nước gạo hôi, Ngài hãy thương xót nhận cho, được không?
Ca-diếp Đáp:
– Tốt lắm.
Bà lão lụm khụm ở trong hang lấy nước gạo. Vì không có mảnh vải che thân, nên không mang nước gạo ra được, bà nép mình, khòm lưng với tay đưa qua tấm phên. Ca-diếp nhận lấy và chú nguyện cho bà được phúc báo an lành. Ca-diếp suy nghĩ: ‘Nếu ta mang nước đến chỗ khác uống, bà ấy sẽ không tin, cho rằng ta đem đổ’. Nghĩ rồi, liền ở trước bà lão uống hết nước ấy, rửa bát bỏ vào trong đãy. Ngay lúc ấy, bà phát lòng tin chân chính. Ca-diếp tự nghĩ: ‘Ta phải thị hiện thần thông, khiến bà được an ổn’. Nghĩ rồi, Ca-diếp liền bay lên hư không hiện các thứ thần biến. Bà lão thấy như vậy rất vui mừng, chí thành quì xuống, chiêm ngưỡng.
Ngài Ca-diếp nói:
– Nay bà có mong ước điều gì không?
Bà thưa:
– Tôi nguyện nhờ chút phúc này được sinh lên cõi trời.
Bà phát nguyện xong, không còn thấy Ca-diếp đâu nữa. Mấy hôm sau bà qua đời, sinh lên cõi trời Đao-lợi, uy đức vòi vọi chấn động trời đất, ánh sáng đặc biệt khác thường, giống như bảy mặt trời cùng xuất hiện một lần, chiếu sáng khắp thiên cung. Đế Thích kinh sợ nghĩ : ‘Người nào có phúc đức mà chấn động đất trời, hơn ta như thế?’. Đế Thích liền dùng thiên nhãn quán sát biết được do phúc đức của thiên nữ này khiến như thế, và cũng biết được từ nơi nào sinh đến đây.
Bấy giờ, thiên nữ tự nghĩ: ‘Ta được phúc báo này là do đời trước cúng dường ngài Ca-diếp. Giả sử ta đem trăm nghìn các thứ trân bảo của cõi trời cúng dường ngài Ca-diếp cũng chưa thể báo đáp một chút ân của ngài’. [57c] Nghĩ rồi, thiên nữ liền dẫn người hầu mang hương hoa cõi trời, từ trên hư không rải cúng dường ngài Ca-diếp, sau đó, hạ xuống cung kính đỉnh lễ, đứng qua một bên chắp tay tán tHán:
Trong trăm nghìn cõi nước,
Phật là đấng chí tôn,
Kế đến ngài Ca-diếp,
Khéo đóng cửa tội lỗi.
Xưa ở cõi Diêm-phù,
Trước hang phân rác bẩn,
Vì bà lão nghèo khổ,
Ngài nói lời chân thật,
Bà lão rất vui mừng,
Dâng lên nước gạo hôi,
Cúng dường như hạt cải,
Mà được phúc như núi,
Thụ sinh làm thiên nữ,
Hưởng phúc báo tự nhiên,
Vì thế con bay xuống,
Kính lễ bậc phúc điền.
Thiên nữ nói kệ rồi, liền trở về thiên cung. Đế Thích suy nghĩ: ‘Người nữ ấy cúng dường nước gạo mà còn được phúc như vậy. Ngài Ca-diếp có tâm thương xót rộng lớn, nhưng chỉ ban phúc cho những người nghèo hèn, không đến nhà giàu sang. Ta phải tìm diệu kế để cầu phúc’. Nghĩ rồi, Đế Thích liền cùng thiên hậu mang thức ăn trăm vị, đựng trong một bình nhỏ, đến thành Vương Xá. Hai vợ chồng Đế Thích dựng một cái chòi nhỏ rách nát bên đường và biến đổi hình dạng thành người già, thân thể gầy ốm, đi đứng lòm khòm, làm nghề đan chiếu, bộ dạng nghèo túng, trong nhà không có lương thực. Ca-diếp thấy người nghèo ấy liền đến khất thực.
Ông lão nói:
– Tôi quá nghèo, không có thứ gì cúng dường, biết làm sao?
Ngài Ca-diếp vẫn đứng chú nguyện mãi không đi. Ông lão nói:
– Vợ chồng tôi quá già, làm nghề đan chiếu, không rảnh đi xin thức ăn, chỉ có một ít cơm, định ăn. Nhưng nghe ngài nhân từ đức độ, chỉ đến nhà nghèo khất thực để ban phúc cho họ, nên nay chúng tôi tuy nghèo khó, cũng muốn bớt phần ăn của mình để cúng dường ngài. Nếu đúng như lời đồn, chúng tôi sẽ được phúc.
Đế Thích suy nghĩ: ‘Mùi thơm của thức ăn cõi trời, người thế gian hiếm khi được ngửi. Nếu ta mở sẵn nắp bình, ngài Ca-diếp sẽ biết và chắc chắn không chịu nhận’. Nghĩ rồi Đế Thích nói:
– Thức ăn của tôi không nhiều, xin ngài đem bát đến.
Ca-diếp nhận thức ăn và chú nguyện cho thí chủ. Mùi thơm của cơm ấy lan khắp thành Vương Xá, và cả nước. Ca-diếp nghe mùi thơm liền sinh nghi. Ông bà lão hiện lại thân Đế Thích, nhanh chóng bay lên hư không, vui mừng búng tay. Ca-diếp suy nghĩ và biết được Đế Thích hóa làm người nghèo để tạo phúc lành. Ca-diếp suy nghĩ: ‘Nay ta đã nhận thức ăn rồi không nên trả lại’, Ca-diếp tán thán Đế Thích làm phúc không biết mỏi mệt, chịu mang lốt già xấu để gieo phúc, ắt sẽ được phúc báo. Đế Thích và thiên hậu vô cùng vui mừng. Lúc ấy, trên trời trỗi kĩ nhạc đến nghinh đón. Về cung rồi, Đế Thích càng hoan hỉ hơn, liền nói kệ:
[58a] Mây dạt phương nam chẳng về đâu,
Đông tây dong ruỗi mãi dài lâu,
Rau cá, Nguyên Hiến[136] hằng thầm ước,
Cao lương, Điền Thị chẳng dám cầu,
Sân cỏ um tùm không xe ngựa,
Cửa tranh lạnh vắng kết chiếu lau,
Ngày trước trộm tham chút ánh sáng,
Hôm nay nghèo khổ chớ âu sầu”.
———————————–
[122] Nguyên Hiến 原憲: người nước Lỗ, đồ đệ của Khổng Tử; là một nho sĩ nghèo, nhà làm bằng đất, lấy cỏ tranh lợp nhưng vẫn không che kín.
[123] Kiềm Lũ 黔婁: người nước Lỗ thời Xuân thu, làm ẩn sĩ không chịu ra làm quan. Nhà ông rất nghèo, đến lúc chết không có một mảnh vải che thân.
[124] Linh Triếp 靈輒: người nước Tấn, thời Xuân Thu, ông bị nạn đói ở Ế Tang, Triệu Thuẫn thấy liền đem thức ăn cho ông.
[125] Ế Tang 翳桑: tên một đất nước thời xưa, Linh Triếp bị nạn đói ở đó.
[126] Bá Di 伯夷: người đời Thương, con của vua nước chư hầu Cô Trúc. Trước khi vua mất, có lập di chiếu truyền ngôi cho người em của Bá Di là Thúc Tề, nhưng Thúc Tề không chịu lên ngôi, nhường lại cho anh, nhưng Bá Di bỏ nước mà đi, không chịu làm vua. Sau Vũ Vương nhà Chu đem quân diệt nhà Thương, anh em Bá Di, Thúc Tề dắt nhau lên núi Thủ Dương nhịn đói mà chết, không chịu ăn lúa nhà Chu.
[127] Thủ Dương 首陽: tên một ngọn núi, còn gọi là núi Lôi Thủ. Tương truyền xưa Bá Di, Thúc Tề ở ẩn trong đó.
[128] Kinh Đăng chỉ (Đăng chỉ kinh hay Đăng chỉ nhân duyên kinh 燈指 因緣經): kinh, một quyển, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào thời Hậu Hán, được xếp vào Đại chính tạng, tập 16. Nội dung nói về nhân duyên của Đăng Chỉ xuất gia và đắc quả A-la-hán.
[129] Khởi thi quỉ 起尸鬼: loài quỉ của pháp Tì-đà-la thường dùng. Theo Bồ-tát giới sớ, Tì-đà-la là chú pháp của Tây Trúc, đọc chú ấy khiến cho thây chết đứng dậy sai đi giết người.
[130] Kinh Tạp bảo tạng (Tạp bảo tạng kinh 雜寶藏經; S: Saṃyukta-ratna-piṭaka-sūtra): kinh, mười quyển, (có thuyết cho là tám quyển hoặc mười ba quyển) do ngài Cát-ca-dạ và Đàm Diệu cùng dịch vào đời Nguyên Nguỵ, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 4. Nội dung kinh này nói về các sự tích liên quan đến Đức Phật và đệ tử cùng những duyên sự sau khi Đức Phật nhập diệt.
[131] Kinh Tạp thí dụ (Tạp thí dụ kinh 雜譬喻經): kinh, một quyển, do ngài Đạo Lược gom tập, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Diêu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 4. Toàn kinh gồm ba mươi chín dụ, nội dung chủ yếu là nêu các nhân duyên thí dụ để thuyết minh, lý luận về thiện ác nghiệp báo.
[132] Kinh Bồ-tát bản hạnh (Bồ-tát bản hạnh kinh 菩薩本行經): kinh, ba quyển, mất tên người dịch, được xếp vào kinh điển đời Đông Tấn. Nội dung kinh này nói về trưởng giả Tu-đạt nhờ nghe Đức Phật thuyết pháp mà được lợi ích, thoát khỏi sự nghèo khổ.
[133] Kinh Biện ý trưởng giả tử (Biện ý trưởng giả tử kinh 辯 意 長 者子 經; S: Pratibhāna-mati-paripṛcchā): kinh, một quyển, do ngài Pháp Tràng dịch vào đời Bắc Ngụy, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 14. Nội dung thuật lại Đức Phật đáp lời hỏi của trưởng giả Biện Ý, mà nói yếu nghĩa của mười việc trong các đường trời , người, địa ngục, ngạ quỉ v.v… Mỗi một việc lại có năm duyên. Trưởng giả nghe pháp nghĩa của năm mươi sự việc xong, vui mừng hoan hỉ, đắc pháp nhãn tịnh.
[134] Sấm thư 讖書 : sách đoán trước những sự việc xảy ra trong tương lai xa.
[135] Kinh Phật thuyết Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu (Phật thuyết Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu kinh 佛說摩訶迦葉度貧母經): kinh, một quyển, do tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la người nước Vu-điền dịch vào đời Tống, được xếp vào Đại chính tạng, tập 14, số 497.
[136] Nguyên Hiến 原憲: đệ tử của Khổng Tử, là bậc văn sĩ bần hàn thanh cao thời xưa.