Home > Khai Thị Phật Học
Tam Quy Ngũ Giới
Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân | Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Không luận giới Tiểu Thừa hay Đại Thừa, tam quy y và ngũ giới là nền tảng căn bản. Đối với người tại gia hay xuất gia, tam quy y và ngũ giới là hai việc quan trọng tối cực. (Người tại gia chỉ giữ giới không tà dâm. Người xuất gia giữ giới hoàn toàn không dâm dục.)

Tam quy y, tức là quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng.

Thứ nhất là quy y Phật. Chữ Phật, tiếng Phạn gọi cho đủ là Phật Đà; Tàu dịch là bậc Giác Giả. Gọi bậc Giác Giả vì Ngài đã giác ngộ hết tất cả sự việc, tức những việc quan hệ với nhân quả tương sanh tương diệt, mà không hạn cuộc vào các loại sự tướng nhân quả, cùng phát hiện sự trật tự tất nhiên của lý nhân quả. Thật thế, Ngài phát hiện những thứ tự của mười hai nhân duyên, như vô minh duyên hành, cho đến sanh duyên già bịnh chết. Từ đó, Ngài chứng ngộ được chân tướng sự và lý của vũ trụ. Vì thương xót chúng sanh chưa hiểu rõ chân tướng này, và đang bị trầm luân trong biển khổ sanh tử, nên Ngài dùng vô số phương tiện, dạy dỗ giáo hóa. Người thuận theo lý này thì tất nhiên sẽ cải thiện cuộc sống, nhiếp thu tư tưởng hành vi quay về nẻo chánh, khiến xa rời mọi khổ não, đạt đến sự an lạc.

Đó gọi là bậc Giác Giả. Phật Đà giác ngộ chân lý gì? Đạo giác ngộ vô thượng, không thể dùng lời nói mà hình dung được, chỉ đơn cử nghĩa lý để thuyết minh.

Các pháp đều do duyên khởi; tánh của chúng đều là không. Các pháp tức là tất cả sự vật. Duyên, tức là bao gồm cả nhân thân thuộc và duyên hỗ trợ. Duyên khởi tức khi các pháp sanh khởi, đều do nhiều nhân duyên giả hợp tạo thành. Ví như lúa là hạt giống, rồi do ruộng đất, mưa gió, ánh sáng, vật liệu, nhân công, cùng các loại duyên khác hợp lại, khiến sanh ra thóc. Tánh, được gọi là thể, tức thể tánh của các pháp, mà mỗi mỗi đều vốn tự như thế, vĩnh hằng bất biến, không do các loại duyên hợp thành. Tánh Không, vốn chỉ là lời nói, chớ ngộ lầm với việc không có chi hết. Bất cứ sự vật nào sanh khởi, phải do các duyên hòa hợp tạo nên. Chúng vốn không được gọi là thể tánh cố định vĩnh hằng bất biến. Thể tánh không cố định vĩnh hằng bất biến, mà nhà Phật gọi là tánh Không. Do đó, tổ thứ mười bốn ở Ấn Độ, tức Bồ Tát Long Thọ, bảo:

- Nhân duyên sanh ra các pháp, tức vốn vô tự tánh. Pháp do nhân duyên sanh, Ta bảo chúng là "Không", cũng gọi là giả danh, cũng là nghĩa trung đạo. Chưa từng có một pháp, không từ nhân duyên sanh. Thế nên, tất cả pháp vốn là không.

Phật thuyết tánh Không, chẳng phải bảo rằng tất cả sự vật đều không có, mà thể tánh của chúng vốn không vĩnh hằng bất biến. Vì vậy, Phật Đà không phải là đấng chúa tể tạo ra muôn vật, mà Ngài là bậc triết nhân phát hiện ra chân lý sanh diệt liên tục của tất cả sự vật. Tuy chẳng phải là thần, nhưng vì lòng từ bi bao la, thương xót chúng sanh khổ nạn, nên Ngài dùng thần thông vô ngã để cứu hộ. Ngài là bậc vĩ nhân mang phước lạc đến cho chúng sanh. Suốt đời, chưa từng nghỉ ngơi, Ngài luôn giáo hóa và dẫn dắt kẻ ngu, phá trừ mê tín, khiến họ thoát khỏi bùn lầy ô nhiễm, quay về nơi thanh tịnh, tức xả si mê quy nơi bờ giác.

Thứ hai là quy y pháp. Pháp tức là lời lược thuyết của Phật, chỉ rõ chân tướng của sự vật cùng các hành vi chân chánh. Sự biểu hiện của hành vi cá nhân, quan hệ với đạo đức của nhân loại. Hành vi phân rõ tà chánh, thiện ác. Song, việc phê phán thiện ác, quan điểm và lập trường của mỗi người đều không đồng. Nếu muốn biết tiêu chuẩn xác thật, phải dùng đạo lý tự nhiên về sự tướng của nhân quả mà xem xét, và cũng phải y theo cách nhìn khách quan về sự phát triển hiện thực của quy luật tự nhiên, để phán đoán đúng sai.

Xưa kia, xã hội Ấn Độ phân thành bốn chủng tộc: Bà La Môn (tức Phạm Chí), Sát Đế Lợi (tức vua chúa), Phệ Xá (tức thương nhân), Thủ Đà La (tức người hạ liệt). Những giai cấp tánh tộc này phân biệt rất nghiêm ngặt. Đại chúng bần khổ bị áp bức thống thiết mà không dám kêu ca. Cuộc sống khổ cực còn hơn loài vật. Song, đại chúng bần khổ kia lại nhận lầm rằng đó là do mệnh trời sắp đặt, tức đã được chủ định, không thể cải biến. Sau khi thành đạo nơi núi Tuyết Sơn, Phật Thích Ca Mâu Ni tự ta thán ba lần:

- Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, và có khả năng hiểu rõ các pháp đều do duyên khởi, tánh vốn không. Tất cả chúng sanh, loài hữu tình và vô tình, đều có thể thành Phật.

Ngài kết luận rằng bốn chủng tộc trên đều xác thật bình đẳng, như các dòng sông đồng chảy về biển cả, mà không có tên con sông này, con sông nọ. Do đó, Ngài cực lực nhấn mạnh và chủ trương sự bình đẳng, đả phá phân chia giai cấp. Đây là dùng chân tướng của sự lý mà làm lệ chứng tiêu chuẩn đạo đức.

Thứ ba là quy y tăng. Chữ Tăng, tiếng Phạn gọi là Tăng Già; Tàu dịch là Chúng Hòa Hợp. Nhiều người cùng nhau sống chung một chỗ, hòa thuận, chí đồng đạo hợp, cùng tu hạnh tự lợi lợi tha.

Năm giới tức là giới không giết hại, ăn cắp, tà dâm, nói láo, và uống rượu.
 
Trích từ: Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân