Home > Khai Thị Phật Học > Su-Thuc-Hanh-Toi-Thieu-Cua-Mot-Phat-Tu
Sự Thực Hành Tối Thiểu Của Một Phật Tử
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang


Khi đã nhận rõ bao nhiêu hắc ám của cuộc đời, khi đã chuyển đời sống vô giá trị thành đời sống có giá trị bằng cách ham thích và quyết chí sống theo đời sống ý nghĩa, khi đã biết đức Phật là đức Thầy chỉ đạo cho mình trong đời sống ý nghĩa ấy, khi đã xác nhận chánh pháp là con đường chánh phải đi và người xuất gia là kẻ dẫn đường đầy từ bi và trí tuệ, thì khi ấy ta đã thành một Phật tử. Với những sự thực hành tối thiểu sau đây sẽ giúp ta hoàn thành tư cách một Phật tử như thế, nghĩa là giúp ta thực hiện một đời sống ý nghĩa thực sự.

Sự thực hành tối thiểu ấy là quy y và giữ giới.

a) Quy y. – Nghĩa đen của chữ quy y là quay đời mình lại, sống theo chánh pháp. Nhưng chánh pháp ấy, như ta đã biết, người giác ngộ và Phật là người thật hành là Tăng, nên quy y chánh pháp tức là quy y Tam bảo: quy y Phật, người đã giác ngộ và thuyết minh Pháp, quy y Pháp, chân lý và phương pháp diệt khổ, quy y Tăng, người đang tự mình và dẫn đạo người khác thật hành Pháp. Giá trị vô thượng của Tam bảo chính là những tính chất vừa kể đó, nên gọi là bảo. Tam bảo như vậy chứng minh đạo Phật không phải chỉ có lý thuếyt (Pháp) mà lý thuyết ấy đã có người thực hiện (Phật) và có người đang thực hành (Tăng). Nên Tam bảo là chỗ nương tựa của Phật tử, là căn cứ địa của những người muốn sống đời sống ý nghĩa, vì đời sống ý nghĩa là gì nếu không phải hoàn toàn sống theo Chánh pháp?

b) Giữ giới. – Giới là những lỷ luật mà do đó tạo ra một nhân cách mới, một con người mới, một đời sống mới, đời sống ý nghĩa. Trong bước đầu, giới mà người Phật tử phải giữ là ngũ giới, tức 5 thứ kỷ luật là không được sát hại, trộm cướp, tà dâm, dối trá và rượu chè. Nói rộng ra theo ảnh hưởng thực tế của chúng, thì không sát hại là đình chỉ mọi sự tàn bạo, không trộm cướp là cấm chỉ mọi hình thức bóc lột, không tà dâm là trừ khử mọi cách làm hủ hóa con người, không dối trá là hủy bỏ mọi thủ đoạn gian hùng, không rượi chè là cấm đoán mọi sự làm mất thăng bằng cơ thể và tâm trí. Năm giới như vậy quả thật là những luật pháp phải có giữa người với người khi còn người ít nhất cũng đã biết tôn trọng tánh mạng và hạnh phúc của nhau, huống chi khi con người muốn quay đời mình về chánh pháp, sống đời sống đầy ý nghĩa.

Hai sự thực hành tối thiểu trên đây, người muốn có một tư cách xứng đáng đã phải có, cần có, chứ không những là một Phật tử. Một Phật tử thì tuyệt đối không thể thiếu được. Không có lý gì một Phật tử mà không “quy y” nghĩa là không muốn quay đời mình về sống theo chánh pháp và không “giữ giới” nghĩa là không nỗ lực khắc phục bản ngã mà lại phóng túng như con ngựa không yên cương trong những hành vi tàn bạo, chiếm đoạt, gian dâm, dối trá và cuồng say. Con người mà đến thế ấy thì nói như đức Phật đã dạy, con người ấy không còn gì là tâm quí; mà đã không còn tâm qíu để mà tự thẹn, tự giác, tự tiến bộ thì con người ấy không khác gì cầm thú cả. Con người như thế là nguyên động lực của mọi điên đảo, mọi ly loạn, mọi cuộc chinh chiến. Gia đình cũng như xã hội của con người ấy chỉ có thể có một màu sắc, màu sắc thoái hóa đầu diệt vong.

Người Phật tử, vì vậy, khi quy y Tam bảo thì thệ nguyện như thế này “suốt đời quy y Phật mà không theo ngoại đạo tà giáo, quy y Pháp mà không theo ngoại đạo tà giáo, quy y Tăng mà không theo tổn hữu ác đảng”. Khi giữ gìn ngũ giới thì cũng thệ nguyện tương tự như thế, rằng “thà bỏ tánh mạng chứ suốt đời không sát hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu”. Lời thề mà như thế tức là tuyệt đối nguyện sống theo đời sống có ý nghĩa. Cho nên người Phật tử không hề nghĩ rằng hạnh phúc biểu hiện qua sự sống yên ổn và vô phúc chính là sự bất an. Họ chỉ nghĩ và phải nghĩ rằng sống thì phải sống ý nghĩa mà chết thì cũng phải chết ý nghĩa. Nói cách khác, giá trị của sự sống chết là ở chỗ vì những tín ngưỡng minh chánh (quy y Tam bảo) và vì những hành động hợp lý (thọ trì ngũ giới) mà họ nguyện sống theo. Cái sống và cái chết như vậy, sự yên ổn hay sự hy sinh đều vô nghĩa, mà giá trị tối thượng và kết quả cuối cùng của chúng chính ở chỗ chúng đã tạo thành một đời sống ý nghĩa đúng như lời Phật chỉ thị.

Huống chi quy y và trì giới chính là quy y Tam bào của tâm tánh mình và tự giữ 5 giới tức những đức tánh của tâm tánh ấy. Chánh pháp đã cắt nghĩa rằng chúng ta cuối cùng, ai cũng vẫn có khả năng giác ngộ: khả năng giác ngộ ấy là Phật, mọi đức tánh của khả năng ấy gọi là Pháp, năng lực tự phát triển mọi đức tánh của khả năng ấy gọi là Tăng. Phật Pháp Tăng chỉ là biểu hiện của tự tánh Tam bảo như thế đó. Mà người quy y là nhờ Phật Pháp Tăng để vạch lộ Tam bảo của tự tánh mình. Còn 5 giới là đức tánh tôn trọng tánh mạng, đức tánh tôn trọng tài sản, đức tánh thanh tịnh, đức tánh thành thực và đức tánh sáng suốt của tâm tánh, chứ không chi khác. Cho nên sự quy y và sự giữ giới là tự thề sống theo, tự thề phát triển những gì quí giá của chính tâm tánh mình. Mà đời sống ý nghĩa, quay lại mà nói, chính là đời sống biết sống theo những giá trị của tâm tánh chứ không chi khác hơn nữa.

Tóm tắt, quy y và giữ giới, 2 sự đó, nhìn tất cả mọi mặt, thật là hai sự thực hành tuy tối thiểu nhưng là căn bản phải có và cần có của một Phật tử, những người muốn sống, ham sống, quyết sống đời sống ý nghĩa như Chánh pháp đã vạch.