Home > Khai Thị Phật Học
Bảo Vệ Chùa Liệu Có Bảo Vệ Được Phật Pháp
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Năm 24 tuổi Đạo Nguyên qua Tống cầu đạo, khi tiếp xúc với một vị phương trượng, vị này bận lo đi tiếp một viên quan lớn và nói với Đạo Nguyên "Như chú cũng đã biết, tiếp quan lớn là việc làm cần thiết để bảo vệ chùa chiền". Đạo Nguyên thưa "Vâng! Công việc này có thể bảo vệ chùa, nhưng..." Phương trượng hỏi "nhưng , cái gì?", ngài thưa "Nhưng... liệu nó có bảo vệ được Phật pháp hay không?" Phương trượng bực dọc phất tay áo bỏ đi. Đạo Nguyên vẫn phủ phục cho đến khi phương trượng khuất bóng, ngài tự nhủ "Phải chăng đó chỉ là việc tự lợi"

Đại chúng quý mến
 
Về mẩu đối thoại giữa ngài Đạo Nguyên và phương trượng quanh vấn đề bảo vệ chùa nhưng liệu có bảo vệ Phật pháp được không?. Chúng ta đặt trọng điểm tư duy vào 2 chữ bảo vệ.
 
Dụ như cõi địa ngục không biết đến Phật pháp nên không có lối giải thoát, vì vậy tam ác đạo dễ vào mà khó ra, có thể nói là không có lối ra, vì cửa ra là Phật pháp nhưng nơi này không hề nghe chứ đừng nói là thấy hay biết Phật pháp, ngược hẳn với tịnh độ vô tam ác đạo. Địa ngục vốn vô tam bảo.
 
Ví lý do này ngài Địa Tạng chống tích trượng cầm minh châu xuống địa ngục làm cửa nẻo thoát ly cho cảnh địa ngục, bằng cách khiến địa ngục biết đến cứu pháp của Phật pháp là phát tâm xả bỏ cái "ngã địa ngục" đó đi, thì "ngã không địa ngục" sẽ xuất hiện, nhờ vậy thoát ly ngục cảnh. Tùy theo cấp độ xả bỏ, như đức Thế Tôn trong quá khứ ở nơi địa ngục Hỏa xa "vì tha nhân xả ngã" bị quỷ đầu trâu A Bàng đâm chết, nhờ vào phát tâm vì người (kinh Phật báo ân), nên diệt trừ được tâm địa ngục, do vậy lập tức thoát khỏi cảnh địa ngục (chúng ta nên nhớ rằng phát tâm nào sinh vào cảnh giới ấy). Thế nên không có Địa Tạng dân địa ngục không thể biết được cửa ra khỏi địa ngục ở ngay nơi mình, hễ phát tâm thì cửa này liền mở, ngược lại cổng vào địa ngục cũng ở ngay nơi phát tâm ác. Tâm là nẻo vào ra của nhất thiết cảnh giới, nên nói "nhất thiết duy tâm tạo".
 
Sự vào địa ngục của Địa Tạng bồ tát là để cứu độ dân địa ngục, đồng nghĩa với bảo vệ cho chúng sinh ở đây, nếu không có ngài tất nhiên chúng sinh đó chỉ là "đàn con dại từ lâu vất vưởng", không biết đến 2 chữ "bảo hộ", trong cả nghĩa được và hành.
 
Do đó sự có mặt của Bồ tát ở Địa ngục là hiện thân cho 2 chữ "bảo hộ" hay "bảo vệ", hoặc "cứu độ". Đến khi chúng sinh cõi này quy hướng về pháp "giải thoát địa ngục" phát tâm thoát ly, tức cầu xả thân tâm địa ngục ( nhớ rằng không nên thoát ly ra khỏi địa ngục bằng thân tâm địa ngục, vì như thế kẻ đào tẩu này sẽ thực hành địa ngục ở cảnh giới khác, thì thật là nguy hại), theo Bồ tát phát nguyện hành "xả thân tâm địa ngục", tất sẽ tùy sự phát tâm mà lìa địa ngục, vãng sinh về chốn tương ưng với tâm phát, ví dụ như tâm phát chỉ lợi kỉ thì sinh thiên, phát vì chúng sinh thì sinh về cõi Phật. Bấy giờ giả như từ Diêm chúa đến quỷ sứ chịu phát tâm để thoát ly nghiệp địa ngục, vì cho dù làm vua chúa ở cõi này đi nữa, cũng chỉ ở trong cảnh ác đạo, như vậy mọi sự phát tâm theo Bồ tát đều được Bồ tát và "sự phát tâm" của chính mình bảo hộ hay bảo vệ mình, mà không hề là Diêm chúa và quỷ sứ bảo vệ bồ tát Địa Tạng và Phật pháp.
 
Sự phát tâm “xả thân tâm địa ngục” là sứ mạng của Bồ tát không chỉ ở địa ngục mà còn ở khắp tam giới, lục đạo, có nghĩa sau khi xả thân địa ngục được thân “nhân thiên”, nhận thấy cõi nhân thiên vẫn bị sinh tử luân hồi chi phối, nên một lần nữa nương theo chư Phật phát tâm xả bỏ cái “thân tâm nhân thiên”, bằng thân tâm của 10 phương ba đời chư Phật, đó là bồ đề tâm : nguyện độ nhất thiết chúng sinh (tâm Phật), hành bồ đề nguyện, độ nhất thiết chúng sinh (thân Phật). Nương vào phát bồ đề tâm nguyện đó mà nhất định vãng sinh về cõi Thường Tịch Quang.
 
Giờ đây những người được chư Phật và Phật pháp khai thị giải thoát tri kiến, được Phật pháp cứu độ bảo hộ này, lại nói ngược là hành vi nương vào sự bảo hộ nói trên là "tôi bảo hộ Phật pháp và chư Phật", thì thật là điên đảo. Chính họ đã dùng hết tự lực vào việc nương nhờ tha lực của Phật và pháp để sự "bảo vệ" vĩnh viễn gắn liền với thân tâm họ, nhờ vậy mà bình an ở khắp mọi cảnh giới, bất luận là tịnh hay uế, khổ hay lạc, tịnh hay bất tịnh, nên nói "đâu mà không phải là tịnh độ", nhờ thế tịnh cảnh này THƯỜNG, ở bất cứ cảnh giới nào cũng không động nên TỊCH, luôn không mê thất thân tâm nên QUANG, gọi chung là cảnh giới Thường Tịch Quang. Do vậy làm gì có chuyện ai bảo hộ hay bảo vệ được Phật pháp, ngoài Phật pháp duy nhất là hiện thân của "bảo vệ" cho từ người đến cảnh.
 
Chúng ta thường cho rằng vua chúa có khả năng bảo vệ Phật pháp. Vậy chúng ta thử nghĩ sao về câu hỏi của "Phật tâm thiên tử" Lương Vũ đế trước Đạt Ma tổ sư "Trẩm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa tạo tượng, in kinh độ tăng vô số, có công đức không?". Qua câu hỏi này chúng ta nhận thấy rõ ràng nhà vua hành Phật pháp để cầu công đức cho bản thân, nói theo nghĩa khác là dùng công đức đó để bảo vệ cho thân tâm mình, mà không phải cho Phật pháp hay cho chúng sinh, khác hẳn với sự vào địa ngục của bồ tát Địa Tạng, chỉ để làm cửa nẻo cho chúng sinh thoát ra khổ cảnh, mà không để cầu công đức cho tự thân, vì vậy "bảo vệ" là tâm địa của ngài, thân tâm bảo vệ đó có trách nhiệm bảo vệ hết thẩy chúng sinh, do lẽ đó "thân tâm bảo vệ" này chỉ chấm dứt trách nhiệm khi không còn một chúng sinh để bảo vệ, vì vậy phải là “thân tâm” lìa ác đạo cuối cùng, như lời nguyện "địa ngục vị không thệ bất thành Phật". Tất cả Bồ tát và chư Phật đều phát nguyện độ nhất thiết chúng sinh, đó chính là "thân tâm bảo vệ". Ai có thể bảo vệ được "thân tâm bảo vệ" đó của chư Phật và chư Bồ tát, nếu có chăng thì cũng chính là tự bảo vệ cái "thân tâm bảo vệ" của tự thân, tức phát và hành bồ đề nguyện.

Bồ đề tâm nguyện đó không còn chút “thân tâm ngã chấp” tức vô ngã chấp, chỉ có “thân tâm cứu độ nhất thiết chúng sinh”. “Thân tâm” này sẽ là “thân tâm” sau cùng giải thoát thành Phật vì hạnh nguyện bảo vệ chúng sinh “chúng sinh độ tận, phương chứng bồ đề”. Vì lý do này Triệu Châu hòa thượng dậy cho bà lão phương pháp thành Phật nhanh nhất, chính là “phát nguyện vì chúng sinh nên thành Phật sau cùng”.
 
Lương vũ đế chỉ muốn có công đức để giữ vị trí làm vua lâu dài hay vĩnh cửu, cũng tựa như tất cả thế nhân đều muốn giữ cái vị trí hiện hữu, tức cái ngã hiện tại này cho bền lâu trong hoàn cảnh tốt đẹp, mà không muốn giải thoát ra khỏi “thân tâm bất an cần được bảo vệ” này, nên họ không phát nguyện để chuyển hóa "thân tâm cần được bảo vệ" thành "thân tâm bảo vệ". Tức chuyển hóa nghiệp thành nguyện, chúng sinh thành Phật. Như đức Thế Tôn đã ân cần dậy bảo trong kinh Đại Phương tiện Phật báo ân "Phát tâm là cội gốc của đạo Vô thượng bồ đề", không nguyện thì không thành Phật.
 
Tóm lại, Phật tâm thiên tử bảo vệ Phật pháp hay Phật pháp bảo vệ nhà vua? Câu trả lời ngay chính đương sự qua câu hỏi có công đức hay chăng. Do chỉ muốn có công đức để duy trì "thân tâm sinh tử" thay vì dùng công đức vào việc giải thoát "thân tâm sinh tử", đó là trí tư duy điên đảo của nhà vua và hết thẩy chúng sinh, nên Đạt Ma tổ sư chẳng khách khí đáp "không công đức", bởi nếu công đức trói ta vào sự sinh tử thì không thể nào là công đức được. Công đức phải đồng với sự giải thoát. Người học Phật nên nghiền ngẫm bài học này, để khỏi lãng phí công đức.
 
Vã lại nếu vua chúa có khả năng bảo vệ Phật pháp, thì lý do gì các bậc vương tôn trí huệ đều đổi ngai vàng lấy Phật pháp? Điển hình các vị Thái tử như Tất Đạt Đa, Đạt Ma. Kim Kiều Giác, An Thế Cao, vua Trần Nhân tôn, Thuận trị nhà Thanh... Sao những vị này không ở ngôi vua bảo vệ Phật pháp? Chẳng phải do vì các vị trí huệ này đều nhận chân rằng thế gian này như nhà lửa chỉ có Phật và giáo pháp của ngài mới bảo vệ được cho nhất thiết chúng sinh và cảnh giới, nếu ai cũng biết "phát thân tâm bảo vệ" tất nhiên tam giới đều thành tịnh độ.
 
Trên mặt tướng, hay cú thì vua chúa dường như bảo vệ được Phật pháp, nhưng trên phương diện thật nghĩa thì chính họ bảo vệ Phật pháp để được Phật pháp bảo vệ bằng hình thức gọi là công đức. Thế nên các bậc vương giả trí huệ hiểu là ngai vàng vô thường, luân hồi lôi kéo chúng sinh đến mọi cảnh, cảnh nào cũng là cảnh chiêu cảm của nghiệp thức, nên không mong cửu trụ, chỉ muốn thoát ly ra khỏi các nghiệp cảnh, muốn vậy phải thay đổi gốc sinh nghiệp, đó là thân tâm, phế bỏ "nghiệp thân tâm" bằng "nguyện thân tâm", vì vậy không để nghiệp dẫn dắt thân tâm mà dùng nguyện dẫn dắt, nguyện đó là đại nguyện của Phật và pháp "nguyện bảo vệ nhất thiết chúng sinh" hay còn gọi là "nguyện độ nhất thiết chúng sinh".
 
Do đó các vị này phát nguyện “bảo vệ”, xả nghiệp thống trị, bỏ ngai vàng cầu Phật pháp. Chỉ có "thân tâm bảo vệ nhất thiết chúng sinh” mới tự bảo vệ "thân tâm" của bản thân được, bất luận đó là "thân tâm bảo vệ" của tha nhân hay của tự kỉ, nhưng chính yếu vẫn là “thân tâm bảo vệ" chúng sinh của chính mình. Ban sơ nương vào "thân tâm bảo vệ chúng sinh" của chư Phật để được khai thị, đủ sức tín vào pháp này, để phát nguyện "bảo vệ nhất thiết chúng sinh" tức "đương nguyện chúng sinh", sau đó hành  sự "bảo vệ" này nơi mọi thời không. Đó gọi là "y tha thành tự". Y tha là nương tha lực để được "khai thị", được khai thị rồi liền dùng tự lực thực hành bằng tín nguyện hành, nhờ vậy thành tựu "thân tâm bảo vệ" tức ngộ nhập.
 
Phật pháp sở dĩ gọi là bảo bởi chỉ có Phật pháp mới bảo vệ được nhất thiết chúng sinh và mọi cảnh giới, ngoài ra không có sự bảo vệ nào mang đủ tính bảo vệ, để bảo vệ con người được bình an nơi mọi thời không.
 
Khi đối thoại với phương trượng, Đạo Nguyên lóe lên ý tưởng về 2 chữ bảo vệ, nên mới thưa với phương trượng "quan lớn có thể bảo vệ chùa chiền (đúng), nhưng liệu có bảo vệ nổi Phật pháp không?". Bảo vệ chùa thì ai cũng bảo vệ cả, nhưng chẳng có mấy ai trong số cả đời bảo vệ chùa này, bảo vệ được Phật pháp hà huống là giác ngộ. Ngay tại xứ Nhật các cao tăng như Nguyên Không của Tịnh độ tông, Đạo Nguyên của Thiền Tông, Tối Trừng của Thiên thai tông... đều từng là nạn nhân cay đắng của những người bảo vệ chùa. Họ nhân danh bảo vệ chùa và Phật pháp để tấn công các vị cao tăng này. Việt Nam cũng không tránh khỏi nhân danh bảo vệ chùa mình, để làm đủ chuyện phi pháp lợi dưỡng.
 
Ý tưởng của Phương trượng  gợi lên cho ngài Đạo Nguyên ý nghĩa về 2 chữ "bảo vệ". Chưa hẳn bảo vệ chùa đã là mục tiêu cao nhất trong mọi Phật sự, đôi khi "bảo vệ chùa" đánh lạc hướng "bảo vệ chúng sinh" tức chính pháp. Do đó chỉ nghĩ đến chùa để lột tài sản chúng sinh, mà không nghĩ đến vấn đề nỗ lực tạo dựng cho chúng sinh một đức tin có đầy đủ nguyện và hành. Vì thế câu hỏi ngược của ngài Đạo Nguyên, như "nhất tiễn xạ song điêu", thứ nhất "bảo vệ chùa" chưa đủ "bảo vệ Phật pháp", thứ hai quan lớn, vương giả thực chất không đủ trí huệ và công đức "bảo vệ chính pháp", khi chính bản thân họ cũng cần có phúc báo hay công đức che chở, đời sống họ dẫy đầy bất an bằng chứng luôn cần có vệ sỹ quanh mình, vệ sỹ không phải là cách bảo vệ họ tốt nhất, chỉ có công đức của Phật pháp mới "bảo vệ" họ an toàn vĩnh viễn. Thế nên tìm sự bảo vệ ở những thứ bất an toàn không viên mãn, tất nhiên không phải là giải pháp trí huệ. Hãy tìm sự bảo vệ viên mãn của Phật pháp và sẵn có đầy đủ nơi thân tâm ta, hãy dậy cho chúng sinh biết về tính bảo vệ quý báu hy hữu này, hãy kêu gọi họ đóng góp việc bảo vệ đó vào sự nghiệp tu hành, như vậy không cần bảo vệ chùa bằng tiền tài hay quan lớn, chùa vẫn phát triển và thanh tịnh theo đúng tinh thần của chính pháp - bảo vệ nhất thiết chúng sinh và cảnh giới.
 
Chỉ có thiền sư mới có tâm tôn kính Phật pháp quyết liệt như vậy, nên Bảo Chí hòa thượng dậy "chung nhật thiêu hương trạch hỏa, nhi bất tri thân thị đạo tràng" có nghĩa cả ngày lo đốt đèn thắp hương, mà chẳng ngờ thân này mới chính là đạo tràng.
 
Vậy muốn bảo vệ cái đạo tràng thân tâm này, còn cách gì hơn là dùng nó "bảo vệ nhất thiết chúng sinh", đó chính là bảo vệ cái đạo tràng chân chính Phật pháp này cho ta và người. Không thấy chăng, A Di Đà Phật và thế giới Cực Lạc chẳng phải từ "thân tâm bảo vệ nhất thiết chúng sinh" thành tựu sao?. Như vậy các bậc tôn túc trí huệ như Bảo Chí hòa thượng hay Đạo Nguyên thiền sư không có lý lắm ư?.
 
Chúng sinh sở dĩ trù trừ không dám phủ nhận quyền lực hay lợi dưỡng thế gian, chung quy cũng do đức tin về Phật pháp còn yếu quá, nên cho rằng Phật pháp cần được thế gian bảo vệ, một ý tưởng điên đảo cực kì. Chẳng lẽ Đức Phật tự dưng đem Phật pháp đến cho chúng sinh thêm cái để bảo vệ??? trong khi chúng sinh vốn đã không thể tự bảo vệ được, phải luôn tìm chỗ dựa, nay lại bảo chúng sinh bảo vệ Phật, để Phật bảo vệ chúng sinh, nếu không thì Phật cũng nguy, thế thì ai bảo vệ ai đây?. Và như thế sự đản sinh của đức Phật cũng như chuyển pháp luân hay thành đạo và niết bàn có gì là hy hữu để nói "bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ". Phải hiểu rằng Phật xuất hiện nơi đời, như Địa Tạng bồ tát vào chốn ác đạo, là cơ hội duy nhất cho chúng sinh được giải thoát, là pháp duy nhất bảo vệ nhất thiết chúng sinh và nhất thiết cảnh giới. Chẳng có một phàm phu lưu chuyển nào có khả năng "bảo vệ Phật pháp" hay "bảo vệ Phật". Chúng sinh đã chẳng thể bảo vệ nổi Phật tất nhiên cũng không sao bảo vệ nổi pháp của ngài, ngoài phương cách dùng pháp bảo vệ này bảo vệ cho chính mình bằng cách “bảo vệ nhất thiết chúng sinh”.

Đối với Đạo Nguyên động lực phải dùng đến các thứ ngoài chính pháp để bảo vệ chùa chiền, đều phát sinh từ tinh thần tự lợi, tức củng cố cho ngã và ngã sở. Bảo vệ chùa bởi chùa là ngã sở, ngã sở vững chắc tất vị trí của ngã kiên cố. Tổ sư thường dùng đến chính pháp tức tinh thần độ sinh để bảo vệ nhất thiết chúng sinh và hoàn cảnh, dĩ nhiên bao quát cả chùa chiền, gia đình, xứ sở… trong đó.

Từ đó có thể kết luận rằng, phàm nhân thường cần dựa vào tha nhân để được bảo vệ, Thánh nhân thường mang thân tâm ra làm chỗ nương cho tha nhân, khiến nhất thiết chúng sinh được bảo vệ. Đồng nghĩa với chỉ có chinh pháp là sự bảo vệ viên mãn, và Phật là người bảo vệ duy nhất.

Cầu chư Phật gia hộ cho tất cả chúng sinh đồng phát tâm “bảo vệ nhất thiết chúng sinh”, đồng sinh Phật quốc, đồng thành Phật đạo.

Côn Minh 20-8-09