Tiến hành khóa tụng ở nhà như thế nào? Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Dịch Giả : Thích Minh Quang | Xem: 845


Câu Hỏi

Tiến Hành Khóa Tụng Ở Nhà Như Thế Nào?

Trả Lời

Nguyên tắc tiến hành khóa tụng là làm đúng giờ. Nội dung khóa tụng gồm các mục cúng dường, lễ bái, ngồi thiền, niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát, tụng kinh, phát nguyện hồi hướng v.v…

Cúng dường là bài trí hương hoa, đèn sáp, quả trái v.v… trước tượng Phật. Nếu điều kiện cho phép thì mỗi ngày thay một lần. Nếu không thì cũng đảm bảo đừng để hoa héo, quả trái thối mục trên bàn thờ Phật, giữ cho bàn thờ Phật lúc nào cũng trang nghiêm, thanh khiết, chỉnh tề.

Nội dung khóa tụng ngày nào cũng nên giống nhau và tiến hành kết thúc vào thời gian quy định. Tốt nhất là nên chọn vào lúc thân tâm, đầu óc sảng khoái. Thông thường tiến hành khóa tụng vào lúc sáng sớm, sau khi thức dậy, trước buổi ăn sáng hay là chiều tối sau buổi ăn chiều, nghỉ ngơi một lát trước khi đi ngủ. Cả hai buổi cộng lại vào khoảng từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ, không nên quá 4 tiếng đồng hồ. Nếu không thì thời gian khóa tụng quá dài, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và công tác bình thường của gia đình. Nếu có tình hình đặc biệt, có thể tiến hành khóa tụng vào buổi sáng hoặc buổi chiều cũng được.

Cần tiến hành khóa tụng hàng ngày, ngày nào cũng làm, không ngày nào bỏ. Tác dụng của khóa tụng hàng ngày là giữ thân tâm thăng bằng, tu dưỡng tâm tính, siêng năng tinh tiến.

Cũng như hàng ngày sáng sớm rửa mặt, ăn sáng, quét nhà, đi đại tiểu tiện vậy. Mục đích của tu hành không phải là hình thức, nhưng hình thức có thể giúp làm cho thân tâm an tịnh, kiện khang, hạnh phúc. Ngoài việc tự mình rèn luyện, phản tỉnh, khóa tụng hàng ngày còn đảm bảo cho chúng ta được chư Phật, Bồ Tát, chư thiên gia hộ nữa. Các mục của khóa tụng có thể nhiều hay ít, tùy theo điều kiện và mục đích của mỗi người, thế nhưng các mục như rót nước, dâng hương, lễ bái thì không được thiếu. Trong buổi cá nhân tiến hành khóa tụng, không cần chuông mõ, cũng không cần giọng phải ngâm nga trầm bổng. Nếu không phiền người khác thì có thể dùng mõ nhỏ. Buổi sáng sớm sau khi đặt đồ lễ và lạy ba lạy thì tụng : "Chú đại bi" từ ba đến bảy lần, đọc một lần bài "Tâm kinh" ba lần niệm "Mahabát nhã ba la mật đa", rồi niệm danh hiệu Phật A Di Đà hay Bồ Tát Quan Thế A? 48 lần hay 108 lần, rồi tụng 10 nguyện lớn của Bồ Tát Phổ Hiền và đọc 4 lời nguyện lớn. Cuối cùng đọc ba lời quy y Phật, Pháp, Tăng và đọc kệ hồi hướng như sau :

  • Nguyện tiêu trừ ba chướng và các phiền não
  • Nguyện được có trí tuệ sáng suốt
  • Nguyện tiêu trừ mọi tai chướng
  • Đời đời hành đạo Bồ Tát

Xong, lạy ba lạy và buổi khóa tụng kết thúc.

Nội dung khóa tụng buổi chiều hay buổi tối, sau khi ăn cơm chiều nên gồm:

  • Cúng dường, lễ bái
  • Tụng kinh "Di Đà" hoặc "Bài sám hối" 1 lần

Cũng có thể tụng "Chú đại bi" 7 lần, "Tâm kinh" 1 lần, "Chú vãng sinh" 3 lần, niệm danh hiệu Phật A Di Đà 48 lần hay 108 lần. Sau đó đọc 4 lời nguyện lớn, đọc kệ cảnh tỉnh chúng sinh của Bồ Tát Phổ Hiền, ba quy y và kệ hồi hướng. "Nguyện đem công đức này hồi hướng tất cả chúng sinh, giải thoát nỗi khổ của ba cõi, đều phát tâm bồ đề", sau đó lạy ba lạy và buổi khóa tụng chiều kết thúc.

Tùy theo người hành lễ nhanh hay chậm, có người biết, có người không biết xướng, tùy điều kiện có thể dùng chuông mõ hay không dùng, số lần đọc kinh, đọc chú có thể tăng giảm để đảm bảo thời gian quy định.

Nếu thời gian cho phép, có thể kéo dài mỗi buổi khóa tụng từ 45 phút đến 1 giờ. Trước khóa tụng buổi sáng và sau khóa tụng buổi chiều có thể ngồi thiền từ 25 phút đền 30 phút. Tốt nhất là học được cách thức ngồi thiền an toàn của một thiền sư, có kinh nghiệm thuộc phái Phật giáo chính thống. Nếu không thì phải biết ngồi thẳng người, nghiêm túc, thân tâm thư ruỗi, niệm không thành lời danh hiệu Phật, Bồ Tát, chuyên chú nhất tâm, không căng thẳng cũng không buông lỏng. Nếu không quen ngồi thiền thì có thể thay bằng phương thức lễ bái Phật, Bồ Tát. Lễ bái hay ngồi thiền đều với tâm không cầu mong gì riêng tư. Đó là cách thức lễ bái và ngồi thiền an toàn nhất, đúng đắn nhất. Nếu không dễ sinh ra những lệch lạc gây chướng ngại đối với thân và tâm như thấy cảnh tượng hư huyễn, quái lạ, ảo giác.

Người tu hành chân chính không đòi hỏi một điều kiện nào, tuy rằng có mục đích. Chính bản thân sự tu hành là mục đích.

Nếu như muốn kéo dài thời gian khóa tụng và thời gian ngồi thiền thì có thể, buổi sáng, sau khi cúng dường, lễ bái xong đọc thêm "Chú Lăng Nghiêm" và mười câu chú ngắn. Còn buổi chiều tối, sau khi cúng dường lễ bái, có thể đọc thêm "Phẩm phổ môn" thêm số lần tụng "Chú đại bi" 21 lần hay 48 lần.

Nếu ở nhà rỗi rãi, có thể tổ chức "Lễ bái kinh Phật" theo phương pháp như sau : Trước hết làm lễ cúng dường, đọc mỗi chữ trong kinh thì vái một vái. Khi vái một chữ thì niệm hai lời "Bái kinh". Thí dụ làm lễ bái kinh Pháp hoa vái một vái thì niệm "Nam mô diệu pháp liên hoa kinh" "Nam mô pháp hoa hội thượng Phật Bồ tát". Nếu bái kinh Kim Cương thì niệm "Nam mô bát nhã ba la mật Kim Cương kinh" "Nam mô bát nhã ba la mật hội thượng Phật, Bồ Tát". Nếu bái kinh Di Đà thì niệm "Nam mô Phật thuyết Di Đà kinh" "Nam mô liên trì hải hội Phật, Bồ Tát". Nếu bái "Phẩm phổ môn" thì có hai cách niệm. Các thứ nhất là niệm như đối với kinh Pháp hoa. Cách thứ hai là niệm "Nam mô Quan Thế A? Bồ Tát phổ môn phẩm" "Nam mô đại từ bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế A? Bồ Tát". Nếu bài kinh "Địa Tạng" hay kinh "Dược Sư" cũng bái theo kiểu như vậy.

Khi bái kinh, thông thường dùng giấy điều màu vàng hay là hương chiên, đàn, và dùng kính chữ to đọc và vái từng chữ một. Bái hết một đoạn kinh thì có thể dùng bút đánh dấu, để lần sau tiếp tục bái. Một lần bái xong phải xếp cuốn kinh lại, không được mở, cũng không được cất cuốn kinh ở một nơi nào khác.

Bái xong trọn một bộ kinh, có thể tiếp tục bái lại bộ kinh đó hay là phát nguyện bái hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn bộ kinh khác. Hay là cả đời chỉ bái một bộ kinh, càng bái nhiều lần càng tốt.

Mục đích của việc tiến hành khóa tụng hay bái kinh có thể là vì lợi ích đời sau hoặc là đời hiện tại, có thể là để đạt đến công đức nhất định, một niềm hy vọng nào đó. Trong thời gian tiến hành khóa tụng thì phảichuyên chú nhất tâm, không nên để bị xao lãng bởi một ước mong riêng tư nào khác. Thái độ tốt nhất là chỉ muốn chúng sinh thoát khổ được vui. Riêng mình thì không mong cầu gì. Đó chính là thái độ hành đạo của Bồ Tát, tu hành không phải vì mình, đó là công đức lớn nhất.

Trích từ: Học Phật Quần Nghi