Trong phật giáo có mấy loại thực? và mỗi loại thực ý nghĩa như thế... Thượng Tọa Thích Phước Thái | Xem: 701


Câu Hỏi

Kính bạch thầy, xin thầy có thể giải thích cho con hiểu, trong Phật giáo có nói đến nhiều loại thức ăn, nhưng con chưa biết có bao nhiêu loại? Và mỗi loại thức ăn nó có ý nghĩa như thế nào? Kính mong thầy từ bi giải thích cho con được rõ.

Trả Lời

Thông thường Phật giáo nêu ra có bốn loại thức ăn: Đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực.

 Đoàn thực, là những loại thức ăn mà chúng ta ăn bằng miệng. Khi ăn chúng ta cũng phải sử dụng đến Chánh kiến để phân biệt các loại thức ăn cho hợp lý. Ăn uống là một nhu cầu thiết yếu cho sự sống. Sống là phải ăn uống, nhưng ăn uống như thế nào cho hợp lý đó mới là điều quan trọng. Không phải thức ăn, thức uống nào cũng đem lại sự bổ dưỡng ích lợi cho cơ thể ta. Có những loại thực phẩm tự nó chứa quá nhiều độc tố. Ta phải biết phân loại thức ăn và chỉ ăn những loại thức ăn nào có sinh tố bổ dưỡng không làm hại cơ thể ta. Nhưng phải ăn cho có điều độ. Ăn uống tuy là một nhu cầu thiết yếu cho sự sống nhưng nó cũng rất là phức tạp. Nếu ta không có Chánh kiến để nhận định phân biệt kỹ càng thì cũng rất là tai hại trong khi tiêu thụ thực phẩm. Tục ngữ có câu: "Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập". Đây là một câu nói đầy kinh nghiệm của người xưa. Ta nên lưu ý và cẩn thận vấn đề nầy. Câu nói: "Ăn để mà sống, chớ không phải sống để mà ăn". Ăn để mà sống là nói về Đoàn thực. Ta chỉ cần ăn uống đạm bạc để sống qua ngày là được rồi. Đâu cần phải ăn uống cầu kỳ, cao lương mỹ vị, mới sống được. Ăn chay là tốt nhứt cho đời sống hiện nay. Mặc dù các loại thực phẩm hiện nay, không có loại thực phẩm nào thuần khiết không bị nhiễm độc. Chẳng qua ít hay nhiều đó thôi. Bởi môi trường sinh thái hiện nay bị ô nhiễm rất nhiều. Tuy nhiên, đối với các loại thịt cá thì có thể bị ảnh hưởng chất độc nhiều hơn. Phật dạy khi ăn ta cần phải có chánh quán, chánh niệm. Chánh quán là ta phải quán sát kỹ lưỡng thức ăn, thức uống mà ta đang dùng cái nào có lợi hay có hại cho ta. Chánh niệm là ta ăn để nuôi dưỡng cơ thể mà không gây tổn hại cho mình và người rộng ra cho đến muôn loài. Đừng vì miếng ăn ngon béo bổ của mình mà gây ra đau khổ cho loài khác. Vì thế, Phật dạy không nên sát hại sinh vật để ăn là thế.

Loại ăn thứ hai là xúc thực. Loại ăn nầy là ăn qua sáu căn của ta. Xúc có nghĩa là căn và cảnh giao tiếp nhau. Nói rõ và cụ thể hơn là sáu căn của ta ăn qua sáu trần cảnh. Nói trần là khi tâm ta còn bị nhiễm trước. Nói cảnh là khi tâm ta thanh tịnh. Trần hay cảnh cũng đều từ tâm ta mà ra. Khi căn và trần tiếp xúc cũng có hại và cũng có lợi. Có hại là khi ta tiếp xúc đem chất độc vào mình. Ví dụ, như khi ta xem truyền hình, mắt ta tiếp xúc với sắc trần. Khi ấy nếu ta thiếu chánh kiến, chánh niệm thì ta có thể đưa vào trong cơ thể ta toàn là những chất độc hại như: sợ hãi, căm thù, ganh ghét, bực tức, bạo động v.v...Có những loại phim mang tính xây dựng xã hội tốt đẹp thì ta nên xem. Xúc thực nầy đối với con em của chúng ta cũng rất có lợi mà cũng rất có hại. Nếu khéo biết điều hướng chúng xem những loại phim hay, thì rất có lợi mở mang thêm kiến thức học hỏi của chúng, bằng trái lại, thì mang lại cho chúng nhiều điều tai hại. Bởi chúng chưa có đủ trình độ nhận định, tức chưa có chánh kiến và chánh niệm. Thế nên, các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý quan tâm về vấn đề xúc thực nầy. Cần hướng dẫn cho chúng nó coi những loại phim nói lên được tính xây dựng tình người, có lòng từ ái bao dung, tha thứ, nhất là tình thương đồng loại v.v... Đó là cách thực tập cho chúng có được chánh kiến, chánh quán ... trong đời sống sau nầy.

Tóm lại, xúc thực rất quan trọng trong đời sống tinh thần. Ta cần tiếp xúc những gì đem lại lợi lạc cho đời sống tâm linh của ta. Tuyệt đối, ta không nên tiếp xúc những gì mang lại có hại cho tinh thần ta. Bởi những thứ đó nó có năng lực tàn hại cả thân tâm ta, thế thì ta cần phải tránh xa chúng nó.

 Loại thức ăn thứ ba là Tư niệm thực. Tư niệm là nhớ nghĩ là những ước mơ mong muốn thực hiện một điều gì đó có lợi cho ta. Như mong muốn đỗ đạt thành danh hoặc là mong muốn có được giàu sang trở thành triệu phú v.v... những mong muốn đó trở thành như loại thức ăn của tư tưởng ta. Những điều mong muốn đó mà không được toại nguyện tất nhiên là ta phải đau khổ. Tuy nhiên, có những lại tư niệm thực cũng giúp ích cho ta rất nhiều trong cuộc sống. Như những ước muốn có được thân thể tráng kiện, mạnh khỏe vui tươi, muốn tu tập chuyển hóa vô minh phiền não để trở thành một bậc giác ngộ giải thoát để độ thoát cho đời thoát khỏi khổ đau v.v... Đó là loại tư niệm thực có thể đưa ta tới an lạc và hạnh phúc.

Loại thức ăn thứ tư là thức thực. Thức là phân biệt là hiểu biết. Đời sống của ta đều do sự biểu hiện của thức. Sự biểu hiện nầy không ngoài chánh báo và y báo. Chánh báo là con người gồm có năm uẩn và y báo là môi trường hoàn cảnh chung quanh ta. Chánh báo và y báo là kết quả của hành nghiệp mà ta đã gây tạo trải qua nhiều đời trong quá khứ. Cả hai chánh và y báo đều do sự biểu hiện của tâm thức. Khi ta tiếp xúc ngoại cảnh hay nhận thức một công việc nào đó, tất nhiên là ta phải sử dụng đến ý thức. Ngoại cảnh và công việc do thức tiếp xúc phân biệt được xem như là một loại thức ăn của thức. Dĩ nhiên, có những loại thức ăn tốt cho thức nhưng cũng có những loại thức ăn không tốt cho thức. Ví dụ những gì thấy, nghe, ngửi, nếm, suy tư, tưởng tượng v.v.. tất cả những thứ đó như những dòng sông chảy về biển tâm thức. Hận thù, ganh ghét, buồn khổ... những thứ phiền não nầy là những loại thức ăn chứa nhiều chất độc tố làm hại cho tâm thức ta. Ta nhứt quyết loại trừ chúng nó ra khỏi tâm thức ta. Ta nên đem những loại thức ăn có đầy đủ chất bổ dưỡng cho tâm thức như từ bi, hỷ xả ... Đó là ta khéo biết chọn những loại thức ăn cho tâm thức của ta vậy.

Trích từ: Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3