Giải thích nhân quả thế nào về họa phúc đắp đổi nhau? Thượng Tọa Thích Phước Thái | Xem: 682


Câu Hỏi

Kính bạch thầy, đời con là một chuỗi dài bất hạnh từ nhỏ cho tới lớn. Vì hoàn cảnh sống khó khăn về tiền bạc, gia cảnh nghèo đói bệnh tật, nợ nần chồng chất, không còn cách nào xoay sở khác, nên con phải làm liều buôn bán nha phiến, không may con bị bắt và nhốt trong lao tù. Ở trong tù con bị bệnh ung thư bao tử, và được chữa trị ở bệnh viện. Sau 4 tháng điều trị tình trạng sức khỏe của con có phần khá hơn, người ta đưa con trở lại vào tù và bác sĩ cho biết con sẽ phải giải phẫu trong một tương lai gần. Nếu bệnh trạng của con xảy ra ở Việt Nam, thì chắc là con không thể nào sống được, vì tiền bạc đâu có mà chạy chữa? Như vậy, con xin hỏi, trường hợp của con họa phúc đắp đổi nhau, thế thì, theo lý nhân quả phải giải thích như thế nào? Kính mong thầy giải thích cho con rõ và cho con lời khuyên.

Trả Lời

Theo luật nhân quả chúng ta gieo hạt nhân nào thì sẽ gặt hái cái kết quả của hạt nhân đó. Không thể gieo hạt giống ớt mà kết quả thành trái cam được. Cho nên nói nhân nào quả nấy là vậy. Tuy nhiên, từ nhân tới quả nó còn đòi hỏi phải có yếu tố thời gian và các thứ trợ duyên khác. Tùy theo những điều kiện tốt, xấu của môi trường mà hạt nhân đó có thể tốt hoặc xấu. Như chúng ta gieo hạt cam đó là chánh nhân, nghĩa là cái nhân chánh để kết thành cây và trái cam. Nhưng nếu chỉ có đơn thuần cái chánh nhân hạt cam không thôi mà không có những trợ duyên khác thì, cái chánh nhân hạt cam kia cũng khó mà sinh thành tăng trưởng. Những điều kiện tốt bao gồm: người chăm sóc đất tốt, phân tốt, ánh sáng, không khí v.v... nói chung là những điều kiện thuận duyên tốt để cho cái chánh nhân phát triển tốt. Thuật ngữ chuyên môn của Duy Thức gọi đó là "Tăng thượng duyên" tốt. Ngược lại, thì sự sinh thành của hạt cam sẽ không được kết quả như ý muốn.

Nói thế để Phật tử thấy rằng, việc họa hay phúc, lành hay dữ, tất cả đều không ngoài nhân quả. Nhưng nhân quả có ra cũng do tâm ta tạo lấy. Nếu ta tạo điều lành thì sẽ hưởng quả lành. Ngược lại tạo nhân dữ thì sẽ nhận lấy quả khổ. Lành là phúc, khổ là họa. Họa và phúc thường xuyên xảy ra trong cuộc sống. Là con người khó ai tránh khỏi. Tuy nhiên, phước đến với ta thì ít mà họa đến với ta thì nhiều. Bởi thế, người xưa mới có câu nói: "Phước bất trùng lai họa vô đơn chí". Nghĩa là phước thì không đến hai lần, nhưng họa thì không đi riêng rẽ. Vì sao thế? Bởi trong đời sống, ai cũng muốn mình được giàu sang ăn sung mặc sướng sung túc nên mới tạo ra nghiệp bất thiện. Do đó, nên đời mình phải chịu nhiều hậu quả khổ đau. Như trường hợp của Phật tử, vì hoàn cảnh sống khó khăn, nghèo túng, bệnh tật, nợ nần chồng chất, ở bước đường cùng, túng thế, Phật tử lại liều lĩnh hành nghề buôn bán nha phiến. Vẫn biết việc buôn bán nầy là một họa hại không những cho bản thân, gia đình mà còn liên lụy đến nhân quần xã hội nữa. Hơn thế nữa, việc làm nầy là điều quốc cấm phạm pháp sẽ bị ở tù hoặc bị tử hình. Tùy theo mức độ phạm tội nặng nhẹ mà luật pháp có những hình phạt xứng đáng. Tuy biết như vậy nhưng Phật tử vẫn làm để rồi nay phải chịu ngồi tù thọ án. Đó là cái hậu quả tù tội khổ đau mà do cái nhân buôn bán nha phiến gây ra. Động cơ thủ phạm chính trong vụ nầy chính là do vô minh tham dục thúc đẩy.

Từ đó, ta có thể suy rộng ra, sở dĩ hôm nay Phật tử lâm vào hoàn cảnh khó khăn nghèo đói như Phật tử đã nói, thì chính cái quả khổ nầy cũng do Phật tử gây ra những điều tội lỗi bất thiện trong quá khứ. Nay sanh ra đời để phải trả cái quả báo đó. Thay vì an phận trả nghiệp cũ, nay Phật tử lại gây thêm nghiệp mới. Tuy nhiên, như đã nói, trong đời không phải lúc nào mình cũng gây nhân ác hết cả. Cũng có lúc mình cũng gây tạo nhân lành. Như việc thọ án tù tội của Phật tử đó là do gây nhân ác. Mặc dù ở trong tù, nhưng khi bệnh hoạn thì Phật tử lại được chữa trị một cách tận tình của bác sĩ. Đó là trong họa có phúc. Cái phúc nầy biết đâu Phật tử cũng đã từng cứu giúp người ở một hoàn cảnh đau khổ nào đó trong quá khứ hoặc hiện tại. Vì vậy nên nay Phật tử mới có được những cơ may như thế. Thế mới biết, trong họa có phúc mà trong phúc có họa. Phúc là Phật tử được chữa trị ở bệnh viện, nhưng rồi cũng phải trở vào tù thọ án tiếp. Việc họa phúc xảy ra thật khó lường.

Cũng đồng thời ở tù nhưng mức độ hành phạt tội nhân tùy mỗi quốc gia có khác nhau. Ở tù trong một nước mà người cầm quyền có lòng nhân đạo, biết yêu thương tôn trọng đồng loại thì, sự hành phạt tương đối có khác hơn ở tù trong một nước thiếu đạo đức tình người. Bởi cách hành phạt đối xử tù nhân của một con người có đạo đức, có lương tâm, dĩ nhiên là khác hơn những con người chứa đầy thú tính. Họ chỉ biết tra khảo đánh đập hành hạ tội nhân có khi mang tật bệnh mà chết. Đó cũng là trong họa có phúc và trong phúc có họa. Bệnh là họa, nhưng được chữa trị tận tâm là phúc.  Ở tù trong một nước có tự do nhân quyền là phúc, ngược lại là họa.

Một người đang sống trong sự tự do ấm êm đó là phúc, nhưng lại gây ra tội ác để phải chịu khổ đó là họa. Như vậy, họa hay phúc cũng chính do chúng ta tạo ra mà thôi. Nếu chúng ta cố gắng tu hành làm lành lánh dữ, chuyển hóa thân tâm, thì chúng ta sẽ chuyển họa thành phúc. Ngược lại người không biết tu hành thì phúc hết thành họa. Vì thế, nên Cổ Đức khuyên nhắc chúng ta: "Phước bất hưởng tận". Nghĩa là, người có phước không nên hưởng hết. Bởi họa thì chắc chắn không ai muốn. Không muốn mà gây nghiệp ác thì thử hỏi làm sao tránh khỏi họa? Ngẫm lại, đời sống của chúng ta luôn có nhiều mâu thuẫn. Hạnh phúc thì ai cũng muốn, nhưng gây nhân lành hành thiện nghiệp thì ít ai chịu làm. Còn đau khổ thì ai cũng sợ, nhưng làm ác thì lại không ai chịu tránh. Thế có phải là chúng ta đang sống trong vòng lẫn quẫn mâu thuẫn không? Trong Kinh nói: "Bồ tát thì sợ nhân mà chúng sinh thì sợ quả". Vì Bồ tát biết nhân xấu ác không gây, nên Bồ tát tránh được cái quả khổ. Ngược lại chúng sinh thì không sợ nhân mà lại sợ quả. Lúc gây nhân thì không nghĩ đến hậu quả. Mà dẫu có nghĩ đến đi chăng nữa, nhưng vì bị vô minh dục vọng nó che khuất làm mờ ám tâm trí nên cứ tiếp tục tạo ác. Do lòng ích kỷ tham muốn giàu sang, danh vọng, địa vị... chỉ biết nghĩ lợi cho riêng mình ai chết mặc ai. Đến khi quả báo đến rồi mới than thân trách phận rên rỉ khóc lóc ỉ ôi! Thế là đã muộn màng lắm rồi! Muốn tránh cái họa hại đau khổ hậu quả xảy đến với mình, thì xin mọi người hãy nhớ câu nói: "Phàm làm việc gì trước phải nghĩ đến cái hậu quả của nó". Đây là một câu nói có giá trị ngàn vàng. Mong Phật tử luôn nhớ đến câu nói nầy của người xưa mà làm kim chỉ nam cho đời sống hiện thực vậy.

Nếu phải khuyên, thì tôi chỉ xin Phật tử hãy luôn tâm niệm lời dạy sau đây của chư Phật:

 "Các việc ác chớ nên làm

Nên vâng làm các việc lành

Hằng giữ tâm ý mình cho trong sạch

Đó là lời chư Phật dạy".

Kính chúc Phật tử luôn sáng suốt hành thiện và sống một đời sống thật đầy ý nghĩa trong chiều hướng thăng hoa thánh thiện.

Trích từ: Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3