Phật Học Vấn Đáp


Khi đã lỡ gây ra nghiệp ác, nay biết hối cải ăn năn thì còn có tội nữa không?
Kính thưa thầy, con là một Phật tử thường xuyên đi chùa lạy Phật và làm việc từ thiện giúp người. Tuy nhiên, có nhiều lúc do lòng tham lam sai khiến, con không kềm chế được, nên đã trở thành một người phạm pháp bị giam cầm tù tội. Khi vào tù, những lúc yên tĩnh trong đêm khuya thanh vắng, bỗng con nhớ lại lời Phật dạy, con cảm thấy mình thật là xấu hổ. Từ đó, ngày đêm con thành tâm niệm Phật và lạy sám hối ở Multi Faiths Chapel (đây là nơi hành lễ cho mọi sắc tộc). Con đã trả hình phạt của luật pháp thế gian, còn đối với luật nhân quả con có bị tội và giảm đi phần nào không? Kính xin thầy từ bi chỉ giáo cho con.

8/1/2022 12:40:06 PM

Là con người sống trong vòng nghiệp thức vô minh không ai lại không có tội lỗi. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: "Nếu tội lỗi của chúng sinh mà có hình tướng thì cả hư không nầy chứa cũng không hết". Trường hợp của Phật tử tuy có đi chùa lạy Phật, làm việc từ thiện, nhưng vì không kềm chế được lòng dục vọng vô minh sai khiến nên mới tạo ra tội lỗi bị ngồi tù. Phật tử nên biết rằng, việc đi chùa lạy Phật và làm việc từ thiện đó là điều phúc thiện tốt lành, nhưng điều đó chưa hẳn là tu. Bởi tu là phải sửa đổi chuyển hóa vô minh phiền não không gây tạo nghiệp ác. Nhất là phải tu ở nơi ba nghiệp: thân, khẩu ý. Ở đây, Phật tử chỉ làm theo thói quen là đi chùa lạy Phật và làm việc từ thiện mà không có tu hành nên mới gây ra tội ác như thế. Và nay khi nghĩ đến việc lỗi lầm đó, Phật tử cảm thấy rất xấu hổ và muốn cải hối ăn năn những lỗi lầm sai trái đã gây ra nên Phật tử niệm Phật và sám hối. Đó là điều mà Phật tử đã hồi tâm chuyển ý phục thiện rất tốt. Tôi xin tán dương tinh thần cải ác phục thiện của Phật tử, dù đã có chút muộn màng!

Phật tử hỏi: Đối với luật nhân quả Phật tử có bị tội và giảm đi phần nào không? Xin thưa, nếu căn cứ theo luật nhân quả, dĩ nhiên, là Phật tử có tội. Và nếu như Phật tử biết thành tâm sám hối, đồng thời phát nguyện chừa bỏ hẳn không tái phạm nữa thì tội kia chắc chắn là sẽ hết. Nếu sám hối mà không hết tội thì chúng ta sám hối để làm gì? Tuy nhiên, Phật tử cần hiểu rõ hai chữ Sám Hối. "Sám" nguyên tiếng Phạn là samma; Trung Hoa dịch là hối quá. Kinh nói: "Sám giả sám kỳ tiền khiên. Hối giả hối kỳ hậu quá". Nghĩa là Sám là ăn năn lỗi trước đã gây, còn Hối là nguyện chừa bỏ lỗi sau. Nói gọn là ăn năn chừa lỗi. Như Phật tử gây tội vi phạm luật pháp đó là nhân. Bị cảnh sát bắt nhốt giam vào trong lao ngục đó là quả. Nhân đã gây thì quả phải lãnh. Không bao giờ có gây nhân mà không có quả. Nay Phật tử biết đó là điều tai hại lỗi lầm quyết ăn năn chừa bỏ không gây tạo nữa. Chẳng những thế, Phật tử còn biết hối lỗi bằng cách niệm Phật sám hối. Như vậy sám hối là nhân, hết tội là quả.

Đối với luật pháp thế gian, cũng có sự gia giảm tùy theo tội nhân biết cải hối sửa đổi làm người tốt. Chẳng hạn như tội nhân chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật tốt của trại giam và có những hành vi cử chỉ đối xử thiện hảo với tha nhân. Nói chung, là mọi việc đều cải thiện hoàn lương tốt đẹp, tất nhiên là đương sự sẽ được cấp trên cứu xét mà giảm án. Cải tạo tốt là nhân, giảm án là quả. Nói thế để Phật tử thấy rằng, tất cả đều không ngoài nhân quả. Bởi nhân quả là một chân lý phổ biến nó trùm khắp và chi phối tất cả sự vật. Lớn như quả địa cầu, nhỏ như hạt bụi li ti cũng không thoát ngoài nhân quả. Nếu Phật tử thật tâm sám hối ở nơi ba nghiệp: "Thân, Ngữ, Ý" và quyết không bao giờ tái phạm nữa, tất nhiên, ngang đó là Phật tử sẽ hết tội. Vì tội có ra phát xuất từ nơi ba nghiệp và nay cũng từ nơi ba nghiệp mà Phật tử thành tâm sám hối. Trong ba nghiệp đó phải nói "Ý Nghiệp" là chủ động quan trọng nhứt. Vì lời nói và hành động cũng đều do ý thức ra lệnh sai khiến. Vì vậy, nên nói ý thức là chủ động tạo nghiệp lành dữ. Thiện hay ác, thành hay bại v.v... tất cả đều do nó tạo tác. Công cũng nó mà tội cũng nó. Vì thế nên trong Duy Biểu học gọi nó là: "Công vi thủ tội vi khôi". Nghĩa là luận về công trạng to lớn thì nó đứng đầu. Còn nói về gây ra bao nhiêu tội lỗi nặng nề cũng do nó đứng trước.

Cần nói thêm để cho Phật tử hiểu rõ hơn, trong Kinh Phật có nêu ra hai hạng người có sức mạnh lớn. Hạng người thứ nhứt là không tạo tội lỗi. Hạng người thứ hai, khi đã tạo tội lỗi mà biết ăn năn sám hối và quyết lòng chừa bỏ không tái phạm. Phật nói hạng người thứ hai nầy cũng không thua kém gì hạng người thứ nhứt. Nói thế Phật liền nêu ra thí dụ. Thí như cái áo trắng, nếu người nào khéo biết gìn giữ cẩn thận không để cho dính bụi dơ, điều đó là quá tốt. Đó là người khéo biết cẩn mật đề phòng gìn giữ ở nơi ba nghiệp không gây tạo tội lỗi. Đó là hạng người mà Phật nói có năng lực rất lớn trong việc gìn giữ giới cấm. Tuy nhiên, nếu cái áo đã lỡ dính bụi dơ mà chúng ta khéo biết tẩy sạch thì cái áo trắng kia sẽ trở lại như cũ. Phật nói cũng vậy. Một người không tạo tội cũng giống như là khéo gìn giữ cái áo không để dính bụi dơ. Ngược lại, một người khi đã tạo tội mà khéo biết sám hối thì tội kia tất không còn. Như cái áo đã được giặt sạch trở lại. Nếu tội mà còn hoài thì làm sao chúng ta tu hành thành Phật được? Bởi thế trong đạo Phật mới có phương pháp sám hối. Tuy nhiên, khi sám hối tội lỗi đã gây, thì hành giả phải nguyện trọn đời không được tái phạm. Được thế thì tội kia mới không còn.

Kính chúc Phật tử nên làm mới lại cuộc đời để được nhiều an lạc.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Niệm Phật        Hư Vân        Sám Hối        Luật        Phật Tử       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật