Phật Học Vấn Đáp


In kinh ấn tống có nên trình qua quý thầy kiểm duyệt trước không?
Kính bạch thầy, khi chúng con muốn ấn tống một quyển kinh dù lớn hay nhỏ, chúng con có nên trình qua quý thầy biết không? Có người nói, nếu không, thì việc in ấn sẽ không có phước. Con không hiểu có phải như vậy không? Kính mong thầy hoan hỷ giải đáp cho chúng con rõ.

8/1/2022 8:56:48 AM

Sự phát tâm in ấn kinh sách là điều rất tốt. Đó là điều mà Phật tử chúng ta nên làm. Tuy nhiên, Phật tử muốn in ấn bộ kinh nào, tốt hơn hết là Phật tử nên trình qua cho chư Tăng, Ni, những vị thông hiểu Phật pháp có trình độ Phật học khá vững chắc để kiểm duyệt trước. Bởi kinh sách lưu hành hiện nay, có lắm người ngụy tạo lộng giả thành chơn. Có những kinh sách nội dung chứa toàn là luận thuyết ngoại đạo mà Phật tử không biết, cứ tưởng là kinh sách của Phật giáo rồi truyền nhau in ấn. Vì thấy trong đó có chữ "Phật" hoặc "Bồ tát", rồi đinh ninh cho là kinh Phật, nên kêu gọi mọi người hùn tiền in ấn phổ biến rộng rãi. Như thế, vô tình người Phật tử tiếp tay truyền bá kinh điển của ngoại đạo mà không hề hay biết. Thật đó là một điều nguy hiểm tai hại vô cùng. Vì Phật tử tại gia đa phần lo bận rộn với công việc mưu sinh nên đâu có thời giờ rảnh rỗi nhiều mà để tâm nghiên tầm học hỏi kinh điển theo hệ giáo lý từ thấp lên cao.  Do vì thiếu hiểu biết nên không thể phân biệt rõ đâu là kinh Phật và đâu không phải là kinh Phật. Nghĩa là chánh tà, chân ngụy không phân biệt rõ ràng. Thế nên, là Phật tử chúng ta nên cố gắng nghiên tầm học hỏi Phật pháp để tránh tình trạng ngộ nhận nầy. Khi in ấn một quyển kinh nào đó, nếu Phật tử chưa hiểu rõ thì nên thưa hỏi với những vị thông hiểu Phật pháp. Nếu in càng, thì sẽ mang trọng tội với Phật pháp vậy.

Thỉnh thoảng, tôi thấy có những Phật tử ít tới chùa tu học nên thường hay vấp phải vấn đề nầy. Thế thì dựa vào tiêu chuẩn nào để biết đó không phải là kinh Phật? Xin thưa, chúng ta nên y cứ vào "Tam pháp ấn" hoặc "Tứ pháp ấn" hay "Nhất thật tướng ấn", mà Phật đã dạy. Tam pháp ấn là: "Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã và Niết bàn tịch tịnh". Còn Tứ pháp ấn là: "Khổ, không, vô thường và vô ngã". "Nhất thật tướng ấn là chân lý tuyệt đối vượt ngoài đối đãi nhị nguyên". Tại sao gọi là pháp ấn? Bởi đây là những thứ chân lý muôn đời bất di bất dịch. Ấn là in như cái mọc in xuống tờ giấy trắng. Cái mọc như thế nào thì nó in xuống như thế nấy, một mảy may không hề sai lệch. Bất luận kinh điển nào ngoài những pháp ấn nầy thì đó không phải là kinh điển của Phật giáo. 

Còn Phật tử nói, có người nào đó nói nếu không trình cho quý Thầy biết, thì việc in ấn sẽ không được phước báo. Người nói như thế có thể có hai lý do: Một là, nếu in ấn kinh sách mà không trình cho chư Tăng, Ni kiểm duyệt trước, lỡ in nhằm kinh sách của ngoại đạo thì quả thật là không có phước báo chi cả. Chẳng những không có phước báo mà còn mang thêm tội lỗi nữa. Hai là, không có sự chứng minh của Tăng, Ni thì cũng không có được phước. Qua hai lý do nêu ra, lý do thứ nhứt là đúng. Còn lý do thứ hai, nếu in kinh sách mà đúng với chánh pháp thì dù cho không có chư Tăng, Ni chứng minh, thì thí chủ cũng vẫn được phước báo. Vì đó là bố thí pháp tất nhiên công đức rất lớn lao. Sao lại nói là không có phước?

Tóm lại, khi Phật tử phát tâm in ấn kinh sách thì tôi thành thật khuyên Phật tử nên hết sức cẩn thận. Nếu quyển kinh nào Phật tử còn nghi ngờ chưa hiểu rõ, thì Phật tử nên trình qua cho chư Tăng, Ni, những vị thông hiểu Phật pháp để xem qua. Sau khi duyệt kỹ, không có gì trở ngại, thì Phật tử sẽ in ấn theo sở nguyện của mình.

Kính chúc Phật tử thăng tiến mãi trên con đường tu tập và sẽ đạt được nhiều kết quả lợi lạc theo sở nguyện.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật