Phật Học Vấn Đáp


Khuyên bảo con cháu phải trung thành với đạo của mình, lời khuyên bảo đó của cha mẹ có sai trái không?
Kính bạch thầy, con có một vài thắc mắc nay xin được nêu ra để hỏi. Kính mong thầy cho con lời khuyên giải. 1. Nếu lo ngại con cái mình sẽ kết hôn với người khác tôn giáo, nên khuyên bảo con cái đừng quen biết với ai khác tôn giáo mình. Như vậy làm cha mẹ có sai không? 2. Làm cha mẹ thường xuyên khuyến nhắc con cái mình, nên phải thường tới chùa, cúng dường, bố thí, phóng sanh, lạy Phật v.v... Như vậy cha mẹ có khắc khe bắt buộc con cái mình phải theo đạo của mình không? 3. Trước đây, con có cho con của con học trường đạo của Thiên Chúa Giáo, nó rất quý kính đức Chúa Giê Su. Sau đó, con lo sợ nó bỏ đạo Phật nên con dẫn nó đi chùa quy y Tam bảo. Nó cũng vâng lời và làm theo con. Như vậy, làm cha mẹ như chúng con có quá khắc khe sai trái không? Kính xin thầy chỉ dạy và cho ý kiến.

8/1/2022 8:52:54 AM

Qua ba câu hỏi của Phật tử, tôi xin được lần lượt chia sẻ và góp chút thành ý với Phật tử như sau:

1. Vấn đề khuyên bảo con mình không nên kết hôn với người khác tôn giáo, việc quan tâm lo ngại của Phật tử như thế, theo tôi, thì cũng không có gì là sai trái hay quá đáng. Bởi làm cha mẹ thử hỏi có cha mẹ nào mà không quan tâm lo lắng muốn cho con mình có được hạnh phúc? Tuy đây là vấn đề tín ngưỡng thuộc về lĩnh vực tinh thần trong niềm tin tôn giáo, nhưng nó cũng rất hệ trọng trong đời sống hôn nhân. Việc kết hôn với người khác tôn giáo, đối với xã hội hiện nay thì không ai có quyền ngăn cấm. Tuy nhiên, làm cha mẹ thì ai cũng nơm nớp lo sợ cho con mình sẽ mất đi hạnh phúc trong tương lai, vì sự khác biệt niềm tin tôn giáo. Bởi phẩm chất, mục đích và hình thức lễ nghi của mỗi tôn giáo có những đặc điểm xây dựng niềm tin khác nhau. Mà hạnh phúc của con người là điều tối ư quan trọng trong đời sống, nhất là đời sống lứa đôi. Giả như hai người khéo biết tôn trọng, thỏa thuận trong niềm tin với nhau, nhưng khi sanh con ra thì chúng nó không biết phải theo tôn giáo nào? Theo tôn giáo của cha hay là của mẹ? Hay là theo cả hai? Hoặc là không theo tôn giáo nào cả. Điều nầy, chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta cũng nên lưu tâm suy gẫm. Nếu không, thì cũng chỉ làm khổ cho con cái của chúng ta sau nầy mà thôi. Bởi chúng ta vô tình đặt chúng nó vào một tình trạng thật khó xử. Chừng đó liệu vợ chồng có còn hạnh phúc nữa hay không? Thực tế, cho chúng ta thấy tình trạng xung đột bất hòa nầy thường hay xảy ra.

Chính vì lo sợ hậu quả xảy ra không tốt cho con mình, nên cha mẹ mới có ý nhắc nhở khuyên bảo con cái. Nếu đứng trên lập trường và qua kinh nghiệm sống thực tế của cha mẹ thì, lời khuyên bảo thức nhắc hay phân tích giải thích cho con cái của mình hiểu biết, điều đó thật không có gì là sai trái, mà ngược lại thì nó rất là hợp tình hợp lý. Vì mục đích là nhằm thức nhắc con cái của mình nên cẩn trọng phòng ngừa để tránh cái hậu quả không tốt đẹp có thể xảy ra sau nầy. Người xưa có câu nói: "Ngừa bệnh hơn là chữa bệnh". Thật vậy, nếu điều nào ngừa được thì chúng ta nên ngăn ngừa trước là tốt hơn. Đừng để sự việc xảy ra rồi mới lo chạy chữa. Đợi nước đến trôn rồi mới lo nhảy, như thế, thì e rằng không còn kịp nữa đâu, vì đã quá muộn màng rồi! Chi bằng phòng bị trước thì hay hơn. Thiết nghĩ việc khuyên bảo răn nhắc của cha mẹ đối với con cái, đó là điều cha mẹ nên làm. Tuy nhiên, việc khuyên bảo thức nhắc đó là việc làm của cha mẹ, còn con cái có nghe và làm theo hay không, đó lại là một chuyện khác. Trong vai trò làm cha mẹ, thì Phật tử cứ làm hết cái trách nhiệm bổn phận yêu thương của mình, còn việc nghe hay không là quyền của chúng nó. Giả sử sau nầy việc đó có xảy ra, thì chúng nó cũng không có lý do nào để có thể hờn trách Phật tử được. Và Phật tử cũng không có gì phải áy náy ăn năn hối hận. Tất cả đều do chúng nó ý thức và tự quyết định lấy. Hạnh phúc hay khổ đau là chính do mỗi người tự tạo định đoạt cho mình. Phật tử nên biết rằng, đối với thời đại mới hiện nay, quyền quyết định hôn nhân không còn ở nơi cha mẹ định đoạt nữa, mà chính do con cái chúng nó tự quyết định lấy. Thời xưa, thì cha mẹ còn có quyền đặt định, theo kiểu cha mẹ đặt đâu thì con cái phải ngồi đó. Bây giờ thì việc đó đã quá lỗi thời rồi. Ngày nay phải nói ngược lại mới đúng: "Con cái đặt đâu thì cha mẹ phải ngồi yên ở đó".

2. Việc khuyên bảo con cái làm điều tốt, điều lành, điều phải, thì đó là trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ. Việc nầy xưa nay đều như thế, không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, việc khuyên bảo con cái đi chùa, cúng dường, bố thí, phóng sanh, lạy Phật như Phật tử đã nói, theo tôi, điều khuyên nầy Phật tử cần phải cân nhắc cẩn thận và phải hết sức tế nhị. Nếu không khéo, đôi khi Phật tử sẽ bị phản tác dụng. Nghĩa là chẳng những chúng nó không tin tưởng nghe theo, mà trái lại chúng nó còn làm cho Phật tử phải thêm giận hờn bực tức nữa. Giả như Phật tử khuyên chúng nó mà chúng nó không làm theo, thì Phật tử có tức giận không? Cho nên tốt hơn hết là Phật tử cứ hãy để cho chúng nó có một sự quyết định theo ý muốn và phát tâm tự nhiên. Bởi vì niềm tin không thể ép buộc được. Mình cũng nên tôn trọng niềm tin của chúng nó. Phật tử nên nhớ, việc tu hành làm lành lánh dữ, nó còn tùy thuộc ở nơi căn duyên nghiệp quả sai khác của mỗi người. Đâu phải mình muốn là được. Nếu nhân duyên của chúng nó chưa đến mà Phật tử cố tình khuyên bảo hoặc ép buộc, thì chỉ mang lại cái hậu quả phiền phức không tốt đẹp cho cả hai bên mà thôi. 

Hơn nữa, Phật tử cũng biết, hiện chúng ta đang sống trong thời đại văn minh tân tiến dân chủ và tự do. Không ai có quyền bắt buộc kẻ khác phải làm theo ý của mình. Nếu như thế, thì đi ngược lại với trào lưu tư tưởng tiến hóa của nhơn loại. Điều nầy không khéo chúng nó sẽ lên án cho mình là kẻ độc tài, độc đoán, chuyên chế v.v... và như thế  thì sẽ không đem lại lợi lạc gì cả.

Nếu Phật tử lấy quyền làm cha mẹ mà bắt nạt con cái phải nghe theo mình, thì điều đó mới là khắc khe quá đáng. Phật tử nên biết, tuy là con cái nhưng mỗi đứa có mỗi cá tánh sở thích thói quen khác nhau. Sự khác nhau đó trong nhà Phật gọi là biệt nghiệp. Thế thì, cha mẹ có thể khuyên con chớ không thể bắt buộc con. Đừng bắt ép chúng nó phải làm những gì mà chúng nó không thích. Bởi căn nghiệp và sự huân tập môi trường sống của mỗi người mỗi khác. Việc đi chùa hay làm bất cứ những điều lành nào khác, hãy để cho mỗi người tự ý thức và tự quyết định lấy. Sự giáo dục con cái đối với xã hội ngày nay nó đã khác hơn thời xưa rất nhiều. Lối giáo dục sai khiến kẻ khác phải làm theo ý mình, điều nầy không còn hợp thời nữa. Mà dẫu cho mình có ra lệnh sai khiến chúng nó, chắc gì chúng nó nghe theo mình. Không khéo sẽ tạo thành cảnh mâu thuẫn xung đột bất hòa giữa con cái và cha mẹ. Thế thì cả hai đều phải chịu nhiều đau khổ.

Theo tôi, điều tốt nhứt là chúng ta nên làm gương cho chúng nó. Áp dụng lối thân giáo có lẽ là tốt hơn khẩu giáo. Thay vì Phật tử khuyên chúng nó tu hành làm lành lánh dữ, thì bản thân của Phật tử nên cố gắng thật hành điều nầy. Nghĩa là Phật tử khuyên bảo thì ít, mà Phật tử nên làm cho chúng nó thấy thì nhiều. Cứ để cho chúng nó ý thức được việc làm có lợi ích thì tự chúng nó phát tâm thôi. Phật tử không nên bắt buộc chúng nó phải đi chùa hay làm những việc lành khác. Thay vì chúng có thiện cảm với chùa, nhưng vì sự khuyên bảo hay bắt buộc của Phật tử, chúng nó lại tự ái đâm ra mất thiện cảm với chùa và cũng không muốn làm điều lành nào cả. Chừng đó Phật tử lại càng ân hận tức giận khổ tâm hơn. Chi bằng Phật tử cứ thuận theo nhân duyên là tốt hơn. Tôi thành thật khuyên Phật tử nên cẩn thận và hết sức tế nhị về vấn đề khuyên bảo nầy.

3. Sự tôn kính đối với đức Chúa như thế là rất tốt. Người Phật tử không nên có thành kiến đối với bất cứ tôn giáo nào. Vì còn có thành kiến là còn có sự kỳ thị tranh chấp và hận thù. Đừng vì tôn trọng và chỉ biết có đạo giáo của mình mà khinh thường chê bai đối với các đạo giáo khác. Thái độ và hành động đó người Phật tử chân chánh quyết không nên có. Mọi sự kỳ thị vị kỷ đều bắt nguồn từ bản ngã mà ra. Đạo Phật vượt ra ngoài mọi sự kỳ thị vị kỷ tranh chấp đó. Đạo Phật luôn tôn trọng Phật tánh của mỗi người. Đối với đạo Phật, tất cả đều là bạn. Đạo Phật không thấy ai là kẻ thù cần phải tiêu diệt. Mà đạo Phật luôn đề cao và tôn trọng. Đó là bản chất từ bi bình đẳng vị tha của đạo Phật. Người Phật tử phải có cái nhìn vượt ngoài đối đãi nhị nguyên. Có thế, thì mới có thể hòa đồng mang lại sự yêu thương cho khắp cả chúng sinh. Sự hướng dẫn con cái đi vào con đường chánh đạo đó là trách nhiệm và bổn phận của các bậc phụ huynh. Phật tử hướng dẫn con mình về chùa quy y Tam bảo đó là điều rất tốt và không có gì là khắc khe cả.

Kính chúc Phật tử luôn có nhiều an lạc và đầy đủ nghị lực sáng suốt để vượt qua mọi thử thách chướng duyên.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Phóng Sanh        Bố Thí        Tam Bảo        Quy Y        Cúng Dường       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật