Phật Học Vấn Đáp


Thọ giới sa di vì lý do sức khỏe tự tu ở nhà có được không?
Kính bạch thầy, con năm nay đã hơn sáu mươi tuổi, sức khỏe kém, nhưng con muốn gieo trồng hạt giống xuất gia, vì vậy con muốn thọ giới Sa di và tu ở nhà không biết có được không? Nói ở nhà, nhưng con tạo cho mình có chỗ riêng biệt để tu, chớ không ở chung đụng trong gia đình. Như thế không biết có lỗi gì không? Kính mong thầy cho con lời khuyên. Con kính đội ơn thầy.

8/1/2022 8:49:47 AM

Vấn đề xuất gia như tôi cũng đã có giái thích sơ qua ở mục 26 nói trên. Tuy nhiên, ở đây có điều khác biệt là, Phật tử có ý muốn xuất gia thọ giới Sa di và tu ở nhà. Phật tử tạo cho mình có chỗ riêng biệt để tu chớ không phải ở chùa. Phật tử hỏi như thế có được không? và có lỗi gì không?

Xin thưa, dĩ nhiên là được và cũng không có lỗi gì. Lý do là vì tuổi tác của Phật tử đã trên sáu mươi và sức khỏe kém. Chính vì thế nên Phật tử không muốn xuất gia tu ở chùa. Nếu ở chùa với tuổi cao và sức khỏe kém như thế, thì chỉ gây thêm gánh nặng lo lắng cho chùa. Do nghĩ thế nên Phật tử mới có ý định là tạo cho mình có một chỗ riêng biệt để tu. Điều nầy, tôi rất cảm thông qua ý nguyện thiết tha của Phật tử. Tuy nhiên, ở đây tôi cũng xin nói thêm về ý nghĩa của hai chữ xuất gia, rồi tùy đó mà Phật tử quyết định.

Như đã nói, hạnh nguyện của người xuất gia là một hạnh nguyện cao cả tuyệt vời, với ý chí là quyết thoát ly sanh tử khổ đau. Vì thế ý nghĩa của hai chữ xuất gia rất là cao thượng: xuất là ra, gia là nhà. Người xuất gia là phải ra khỏi ba ngôi nhà. Thứ nhứt, là ngôi nhà thế tục, tức là ngôi nhà lắm chuyện thị phi phiền toái rắc rối. Chớ không phải là ngôi nhà xây dựng bằng xi măng cốt sắt... Thứ hai, là ngôi nhà phiền não. Ngôi nhà nầy thật là khó khăn trăm bề không phải dễ dàng để thoát ra. Đòi hỏi người xuất gia phải lập chí kiên trì vững mạnh, phải dày công tu tập hướng nội, và nhất là phải thường xuyên quán chiếu lại chính mình, dùng thanh gươm trí tuệ sắc bén để tảo thanh lũ giặc phiền não. Có thế thì phiền não mới có thể vơi bớt đi phần nào. Bằng không, thì khó mà thoát ra. Thứ ba là ngôi nhà Tam giới, tức ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Có ra khỏi ba cõi mới không còn trôi nổi lặn hụp đắm chìm trong biển đời sanh tử đầy hệ lụy khổ đau  nữa.

Ở đây, vì phạm vi trả lời câu hỏi, nên tôi không thể giải thích rộng ra qua ba vấn đề nầy. Nêu ra ba ngôi nhà như thế, chắc Phật tử cũng biết là ngôi nhà nào quan trọng nhứt đối với người xuất gia rồi. Khi đã xuất gia thọ giới (dù là giới Sa di) Phật tử cũng đã trở thành một vị tu sĩ trong Phật giáo. Với hình thức là người đầu tròn áo vuông mà nếu không giữ tròn phẩm hạnh cao đẹp của người xuất gia thì đó mới là điều đắc tội. Tuy Phật tử có ý muốn gieo hạt giống xuất gia, nhưng nếu chỉ có hình thức không thôi, thì làm sao Phật tử tu hạnh xuất thế cho được? Đâu phải xuất gia chỉ đơn giản như thế. Như vậy thì còn gì là ý nghĩa cao cả và phẩm hạnh quý đẹp của người xuất gia? Vai trò và trách nhiệm của người xuất gia rất là lớn lao. Người xuất gia là người đứng đầu tàu của lịch sử truyền thừa là chúng trung tôn của đấng Điều Ngự. Là người phải thay Phật tuyên dương chánh pháp. Muốn thế, thì người xuất gia cần phải nghiên tầm học hỏi giáo pháp của Phật. Xuất gia mà không hiểu rõ giáo lý Phật dạy, phép tắc luật nghi, pháp hạnh xuất thế v.v... như thế thì làm sao đúng với ý nghĩa và phẩm hạnh cao đẹp của người xuất gia?

Người ta nghĩ xuất gia sao quá dễ dàng, chỉ cần cạo đầu, thọ giới ở chùa, hoặc ở nhà thế là đã xuất gia rồi. Đó chỉ là xuất gia trên bề mặt hình thức, chớ chưa phải đúng với ý nghĩa nội dung của hai chữ xuất gia. Người xuất gia phải có đủ cả hai lĩnh vực: hình thức và nội dung. Hình thức là gìn giữ oai nghi tế hạnh, đi đứng nghiêm trang. Đó là phần thân giáo. Ngôn từ hòa ái, từ tốn khiêm cung, chân thật bất hư. Đó là phần khẩu giáo. Nội dung là cần phải thiền quán tu tập, gạn lọc chuyển hóa vô minh phiền não. Cả hai đều phải bổ túc song hành với nhau. Đó cũng là phương cách "hàng thân phục tâm" vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng của người xuất gia vẫn là ở phần phẩm chất nội dung hơn là hình thức.  Tổ Quy Sơn dạy: Người xuất gia phải hằng tâm niệm: "Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức" Nghĩa là trong thường nhớ nghĩ công phu, tức là phải tu tập đoạn trừ phiền não. Ngoài rộng mở hạnh hòa kính. Nghĩa là không hơn thua tranh cãi với ai. Đối với mọi người phải luôn luôn giữ sự yêu thương và xử sự hòa kính. Đó là hạnh nguyện cao cả của người xuất gia. Thế nên, tôi thành thật khuyên Phật tử cần phải suy xét kỹ trước khi thực hiện ý nguyện.

Kính chúc Phật tử được dồi dào sức khỏe, tinh tấn tu hành và chóng đạt thành sở nguyện.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Giới        Xuất Gia       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật