Phật Học Vấn Đáp


Sự tôn thờ khác tôn giáo trong nhà có nên không?
Kính bạch thầy, con có một thắc mắc ưu tư mà lâu nay con cảm thấy hơi khó chịu. Vì trong gia đình con có sự khác biệt tôn giáo, có người theo đạo Công giáo, có người theo Phật giáo và có người chỉ biết thờ cúng ông bà, họ nói là theo đạo ông bà. Vì lý do đó, nên trong nhà có nhiều bàn thờ khác nhau. Con thì thờ Phật, người nhà của con thì thờ đức Mẹ. Nghĩa là hai bàn thờ khác nhau. Nhưng không hiểu sao có người đến nhà con, thì họ nói không nên thờ như thế. Vì không thể thờ hai vị giáo chủ như vậy được, tức là có hai giáo hội tương phản nhau. Vì thế, nên con rất băn khoăn thắc mắc không biết thờ như vậy có đúng không? Và có lỗi gì sai trái không? Kính xin thầy cho con ý kiến làm thế nào mới đúng.

8/1/2022 8:00:13 AM

Trước hết xin được minh định chánh danh. Tôi xin đề nghị với Phật tử không nên dùng hai chữ "Công giáo" mà nên dùng từ ngữ Thiên Chúa giáo hay Gia Tô giáo hoặc Ky Tô giáo thì có lẽ đúng hơn. Bởi hai chữ Công giáo chỉ thấy phát nguyên từ thời chế độ Đệ nhất cộng hòa do Ông Ngô Đình Diệm cai trị mới sử dụng. Vì Ông cho rằng, chỉ có đạo Thiên Chúa mới là tôn giáo chung cho mọi người. Điều nầy là trái với truyền thống của các tôn giáo hoặc đạo giáo có mặt lâu đời khác trên đất nước Việt Nam, nhất là truyền thống lâu đời của đạo Phật. Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy rất rõ điều đó. Gọi như thế là không tôn trọng truyền thống của các tôn giáo khác.

Sự khác biệt tôn giáo trong gia đình, đó là chuyện bình thường không có gì đáng nói. Đó là quyền tự do chọn lựa theo niềm tin của mỗi người. Điều quan trọng đáng nói ở đây là, những người khác tín ngưỡng tôn giáo ở trong một gia đình như Phật tử đã nói, có được hòa thuận, yêu thương, cảm thông và tôn trọng niềm tin tôn giáo cùng việc thờ cúng với nhau hay không? Và việc thờ cúng trong nhà có gì lấn cấn xảy ra không tốt đẹp hay không? Nếu như những việc nầy không có xảy ra thì Phật tử đâu cần phải quan tâm đến những gì mà người khác đã nói. Có thể những người thân trong gia đình của Phật tử vì một hoàn cảnh hay lý do đặc biệt nào đó nên mới có việc tin theo và thờ phụng như thế. Chỉ vì Phật tử không muốn nói rõ ra đó thôi. Còn việc người nào đó nói như thế, đó là theo quan niệm khách quan của họ. Vì họ thấy Phật tử thờ cúng như vậy có hơi lạ mắt. Thật ra, vì chúng ta còn sống trong vòng nghiệp thức tương đối, nên cái nhìn của chúng ta còn bị hạn cuộc cục bộ trong sự phân biệt hình tướng khác nhau. Mỗi tôn giáo tuy có khác biệt về một số lễ nghi hình thức cũng như phẩm chất và phương tiện hành trì, nhưng luận đến chỗ cứu cánh thì không có gì sai khác. Phật hay Chúa gì cũng cùng có chung một bản thể mà thôi. Điều quan trọng, là sự khác biệt đó trong gia đình của Phật tử có gì tranh cãi hơn thua chấp nhứt với nhau không? Nếu có, thì điều đó không nên. Đừng vì niềm tin của mình mà công kích chê bai niềm tin của kẻ khác. Đã thế, thì Phật và Chúa nhìn thấy cảnh tượng đó chắc chắn là các Ngài cảm thấy xót xa đau lòng lắm! Ngược lại, nếu mọi việc đều êm xuôi diễn tiến tốt đẹp, theo tôi, thì Phật tử không có gì phải bận tâm băn khoăn thắc mắc cả. Điều quan trọng là ở nơi mình và gia đình mình chớ không phải ở nơi người khác. Tại sao mình phải quan tâm đến người khác nói mà không chịu nhìn lại mình? Nếu mình xét thấy không có gì sai trái lỗi lầm thì thôi.

Tóm lại, việc thờ phụng của Phật tử cũng không có gì lỗi lầm sai trái. Chỉ sai trái là đừng vì chỗ khác niềm tin hay thờ cúng mà gây ra sự bất hòa cãi vã tranh chấp với nhau làm mất đi tình thân thương hòa khí thuận thảo trong gia đình. Đó là điều nên tránh đừng để cho sự việc đó xảy ra không tốt đẹp. Mọi người cần phải tôn trọng niềm tin và việc thờ cúng với nhau, vì đó là tín ngưỡng thiêng liêng của mỗi người vậy.

Kính chúc Phật tử luôn sống trong tinh thần Phật dạy giữ sự hòa khí yêu thương, thông cảm và hỷ xả, vạn sự đều an lành tốt đẹp.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Phật Giáo       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật