Phật Học Vấn Đáp


Phát nguyện tịnh khẩu lỡ nói chuyện có tội không?
Kính bạch thầy, trong khóa tu kỳ rồi, con có phát nguyện tịnh khẩu suốt thời gian 7 ngày, nhưng con lỡ nói chuyện với một người bạn hỏi con, như vậy con có tội không? Và con có nên sám hối không?

8/1/2022 7:55:52 AM

Trong 100 câu hỏi Phật Pháp tập 2, ở tiết mục 82, trang 269, tôi đã có nói qua về vấn đề tịnh khẩu. Nếu Phật tử muốn biết rõ thêm về vấn đề tịnh khẩu nầy thì nên đọc lại quyển sách đó, hoặc vào các trang mạng: Quang Minh, Tạng Thư Phật Học hay Hoa Sen v.v... đều có. Ở đây, tôi chỉ xin nhắc lại đại khái về mục đích của việc tịnh khẩu. Tịnh khẩu có nghĩa là thanh tịnh khẩu nghiệp. Bởi cái miệng tuy là công cụ để phát ra lời nói, nhưng nếu chúng ta không khéo gìn giữ cẩn thận phát ngôn bừa bãi thì cũng dễ gây ra tai hại. Vì vậy, để tránh tội lỗi gây ra bởi cái miệng lắm lời nhiều chuyện, nên Phật Tổ thường khuyên chúng ta nên ráng tu cái khẩu nghiệp. Nếu nói cho đúng là phải nói ngữ nghiệp. Nhờ gìn giữ ở nơi lời nói nên ít gây ra tội lỗi. Bao nhiêu phước đức có ra, phần nhiều đều bị cái khẩu nghiệp nó thiêu đốt hết. Nếu chúng ta khéo sử dụng cái miệng nói những lời chánh ngữ hay ái ngữ hòa nhã êm dịu dễ thương thì, không những có lợi lạc cho mình mà còn đem lại sự lợi lạc cho người khác nữa. Nhưng rất tiếc, trong đời sống hằng ngày ít có ai nói như thế. Phần nhiều là thốt ra toàn những lời chua cay độc hại gây khổ đau cho mình và người. Bởi vậy, trong giới thứ tư Phật dạy người Phật tử không được nói dối, chuyện không nói có, chuyện có nói không, nói lời thêu dệt trao chuốt, nói lưỡi hai chiều tới đây nói kia, tới kia nói đây, gây xích mích ly gián hai bên với nhau. Nhất là nói lời hung ác trù rủa chưởi mắng.

Để bớt tạo nghiệp tội lỗi ở nơi cái miệng, nên Phật Tổ khuyên chúng ta ít nói nhiều câu chuyện mà nên niệm nhiều câu Phật. Mục đích của việc tịnh khẩu là cốt để tránh gây ra tội lỗi bởi cái khẩu nghiệp. Đúng ra tịnh khẩu không hẳn là câm như hến mà chúng ta chỉ nói những lời hòa nhã êm dịu, đoàn kết, yêu thương, xây dựng, không chia rẽ hận thù, đó cũng là ý nghĩa của việc tịnh khẩu. Nếu chúng ta chưa được như thế, thì cũng nên phát nguyện không nói trong những khóa tu đặc biệt cũng là tốt. Tập cho chúng ta có một thói quen ít nói và cẩn thận hơn ở nơi lời nói. Vì nói nhiều tâm ta càng rối loạn bất an. Vì muốn tâm an nên cần phải tịnh khẩu. Đó là mục đích chính của việc tịnh khẩu vậy.

Tóm lại, Phật tử yên tâm đó là vì có người hỏi mà Phật tử quên nên mới thốt ra lời. Thế thì Phật tử chỉ cần sám hối là hết tội.

Kính chúc Phật tử thăng tiến mãi trên bước đường tu học Phật pháp để sớm đạt thành sở nguyện.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Hư Vân        Nguyện        Sám Hối       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật