Phật Học Vấn Đáp


Phật giáo từ khi nào truyền vào Trung Quốc, đến nay là bao nhiêu năm?
Phật giáo từ khi nào truyền vào Trung Quốc, đến nay là bao nhiêu năm? (Kha Băng hỏi)
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Như Hòa | Xem: 45

5/25/2024 8:17:26 PM
Sử sách Trung Quốc ghi chép tường tận, không thể phủ nhận, là từ thời Minh Đế (28 75) nhà Đông Hán; nhưng những điều được ghi chép trong sách khác, mỗi điều đều có chứng cứ. Như theo Tây Nhung Truyện của bộ Ngụy Lược[i] và Liệt Tiên Truyện[ii] của Lưu Hướng ghi chép thì trong thời Thành Đế và Ai Đế nhà Tây Hán cũng có kinh Phật. Lại nữa, thời Hán Vũ Đế, Tỳ Tà Vương tới hàng, [vua Hán được dâng tặng] vị thần mình vàng[iii], chuyện này lại thuộc đầu thời Tây Hán. Theo Thập Di Ký[iv] của Vương Gia, thời Yên Chiêu Vương, đạo nhân nước Thân Độc[v] tới kinh đô nước Yên. [Sách ấy] còn chép Tần Mục Công được [hiến tặng] tượng đá. Nhìn vào những điều trên đây, mỗi chuyện đều xảy ra trước [thời Hán Minh Đế]. Sách Liệt Tử lại chép thời Châu Mục Vương có chuyện hóa nhân hiện đến. Đây là thuyết sớm nhất về lúc đạo Phật truyền vào Trung Quốc. Tóm lại, đều là tìm cầu nơi dấu vết. Trung Quốc quen thói “trọng tiền, khinh hậu”, tức là kẻ tôn sùng Phật ắt muốn [đẩy thời điểm Phật giáo truyền vào Trung Quốc] sớm hơn; kẻ ghét Phật ắt muốn đẩy lùi [thời điểm ấy] chậm trễ hơn. Trừ thuyết [Phật giáo truyền vào Trung Quốc vào thời] Hán Minh Đế ra, những thuyết khác đều còn đang tranh luận chưa ngã ngũ, kẻ hèn này chẳng giỏi khảo sát chứng cứ, chỉ đem những điều chính mình đã biết để kính cẩn đáp lời mà thôi.
 
[i] Ngụy Lược là một bộ sử về nước Ngụy thời Tam Quốc do quan Lang Trung Ngư Hoạn soạn, gồm năm mươi quyển. Sách này hiện thời đã thất truyền, chỉ còn sót lại vài bài được trích dẫn trong các bộ Hậu Hán Thư, Bắc Hộ Lục, Tam Quốc Chí, Pháp Uyển Châu Lâm, và Thái Bình Ngự Lãm. Tây Nhung là từ ngữ phiếm chỉ các quốc gia hoặc bộ lạc sống ở phía Tây Trung Nguyên trong thời Xuân Thu. Người Trung Hoa thuở xưa tự phụ dân tộc mình là văn minh nhất nên xưng là Hoa Hạ, ngụ ý những gì tốt đẹp nhất đều thuộc về họ, gọi các dân tộc chung quanh là Tứ Di, và chia ra cách gọi như sau: “Rợ” ở phương Bắc gọi là Địch, phía Tây gọi là Nhung, phía Nam gọi là Man, phía Đông gọi là Di.
[ii] Liệt Tiên Truyện là sách tổng hợp những câu chuyện về bảy mươi vị thần tiên đã được lưu hành trong dân gian từ thời Tiên Tần, mở đầu bằng nhân vật Xích Tùng Tử và kết thúc bằng Huyền Tục (sống vào thời Hán Thành Đế). Lưu Hướng (77 6 trước Công Nguyên) thuộc hoàng tộc nhà Hán, quê ở đất Bái. Ông ta vốn có tên là Lưu Cánh Sanh, cháu bốn đời của Lưu Giao (em trai Hán Cao Tổ Lưu Bang), làm quan tới chức Tán Kỵ Gián Đại Phu, Cấp Sự Trung. Về sau, do bị các hoạn quan như Hoằng Cung, Thạch Hiển cấu kết sàm tấu, ông bị Hán Nguyên Đế hạ ngục, chờ xử tử hình. Sau đấy, được miễn tội chết, đuổi về làm dân thường. Những trước tác nổi tiếng của ông là Biệt Lục, Tân Tự, Thuyết Uyển, Liệt Nữ Truyện, Hồng Phạm Ngũ Hành v.v... Lưu Hướng cũng tham gia biên tập, giảo chánh Chiến Quốc Sách, Sở Từ v.v...
[iii] Do tượng Phật thường được thếp vàng nên người Hán gọi Phật là “kim thân thần” (vị thần mình vàng). Trong Ngụy Thư, phần Thích Khảo Chí đã chép như sau: “Trong niên hiệu Nguyên Thú đời Hán Vũ Đế, Hoắc Khứ Bệnh đánh thắng Tỳ Tà Vương, thu được người vàng, cao hơn cả trượng. Vua gọi là Đại Thần, đặt ở cung Cam Tuyền, đốt hương, lễ bái”.
[iv] Thập Di Ký do Vương Gia (quê ở An Dương, Lũng Tây) đời Tấn biên soạn, gồm mười quyển, 220 thiên. Đúng như tên gọi, các chương trong sách này đều không hoàn chỉnh. Tương truyền khi Tần Thủy Hoàng diệt sáu nước, các thư tịch, văn từ của hoàng tộc sáu nước đã bị vứt bỏ vung vãi, Vương Gia đã đổ công sưu tập những bài văn còn sót lại do dân gian lưu giữ, biên soạn thành tập sách này, chủ yếu là những chuyện kỳ lạ từ thời Bào Hy (Phục Hy), Thần Nông cho đến đời Đông Tấn.
[v] Thân Độc còn viết là Thiên Đốc, Hiền Đậu, Thiên Trúc, Tân Độ, Tín Độ đều là cách phiên âm khác nhau của chữ Sindhu (tức sông Indus hiện thời). Theo các nhà khảo cứu, do người Ba Tư đọc trại chữ Sindhu thành Hindu và người Hy Lạp đã đọc trại Hindu lần nữa thành Indus. Theo Huyền Ứng Âm Nghĩa, Sindhu có nghĩa là mặt trăng. Yên Chiêu Vương làm vua nước Yên từ năm 335 đến năm 279 trước Công Nguyên trong thời Chiến Quốc, tức cách thời Hán Minh Đế hơn ba trăm năm.

Trích từ:  Phật Học Vấn Đáp Loại Biên.

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật