Phật Học Vấn Đáp


Khai Thị Trợ Niệm Phải Là Người Có Đạo Đức Người Ăn Chay Mới Có Thể Làm Được Câu Nói Ấy Chính Xác Không?
Có người nói: “Thực hành việc “Khai Thị Trợ Niệm” phải là người có Đạo đức, người ăn chay… mới có thể làm được”, câu nói ấy chính xác không?

4/21/2024 11:15:08 AM
Trợ niệm là giúp khác khởi phát tâm ý thanh tịnh để niệm danh hiệu đức Phật, giúp đỡ người thì cần gì phải phân biệt người có Đạo đức hay Vô Đạo đức, người ăn chay hay ăn mặn? Nhưng mà, Đại Sư Thiện Đạo đã răn dạy: “Chớ để những người uống rượu, ăn mặn, ăn năm gia vị cay nồng (hành, tỏi, ném…) đến gần người sắp lâm chung”. Có sự kiêng cử này là sợ làm cho người sắp lâm chung mất Chánh niệm đưa đến Quỷ, Thần ác dữ lộng hành mà bị đọa vào Tam đồ Ác đạo. Vì vậy, giả như người trợ niệm đã ăn mặn, ăn năm gia vị cay nồng ấy, thì trước khi trợ niệm hãy đánh răng súc miệng thật kỹ, còn người đã uống rượu say sưa thì không nên trợ niệm, ngoài các dữ kiện ấy thì ai cũng có thể tham gia trợ niệm.

Khai thị cho người lâm chung thì cần phải khéo léo, linh động để giúp đương sự phát khởi Chánh tín, vì đương sự mà nói về Chánh báo, Y báo trang nghiêm và sự an lạc của cõi Tịnh Độ, để đương sự vui mừng cầu nguyện vãng sanh, bên cạnh cũng nên nói về Đại thệ nguyện thuở xưa của Tỷ kheo Pháp Tạng để làm sáng tỏ phương pháp vãng sanh giúp đương sự niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Do thế, những người có khả năng hiểu rõ giáo pháp Tịnh Độ thì có thể vì người khác mà trợ niệm. Một điểm cần lưu ý, trước khi Khai thị thì phải hiểu rõ tánh tình của đương sự mới có thể tùy theo tâm lý ấy để giảng giải. Mặt khác, mục đích Khai thị chính là giúp người lâm chung phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, để đạt được mục đích ấy đòi hỏi người Khai thị phải có đường hướng khéo léo, đại khái là phải có thái độ chân thành, ngôn ngữ nhã nhặn, tùy lúc để ân cần khích lệ, tán thán giúp đương sự tin tưởng thực hiện.
Trích từ:  Lợi Ích Thù Thắng Của Khai Thị Trợ Niệm. Pháp Sư Tín Nguyện | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Giác Qủa



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật