Phật Học Vấn Đáp


Vậy thì đạo Phật chủ trương "hữu thần" hay "vô thần"?

4/6/2023 3:00:00 PM

Khó mà trả lời đạo Phật là hữu thần hay vô thần. Trên kia có nói đạo Phật là một "tôn giáo không thờ thượng đế" là để cho người mới biết đạo Phật nhận ra rằng đạo Phật không phải là một thần giáo như các thần giáo khác. Nhưng vì danh từ "hữu thần" hay "vô thần" ngày nay không được hiểu biết một cách nghiêm chỉnh, cho nên có thể nói rằng đạo Phật không chủ trương có một đấng "thần linh hữu thế" toàn năng, toàn trí, sáng tạo và cai quản con người và muôn vật. Tuy nhiên, Ðức Phật luôn luôn khuyến khích Phật tử nên kính trọng các bậc hiền triết và sống theo những lời dạy đúng đắn lợi ích của các bậc ấy. Như thế có thể nói đạo Phật là "lẽ sống giác ngộ". Lẽ sống nầy có nội dung đạo lý rất phong phú và nhất là mục đích diệt khổ của nó khác với chủ thuyết "hữu thần", "vô thần" của nhiều tôn giáo và triết học xưa nay. 

Ðạo Phật cũng không thuộc vào chủ thuyết "duy tâm" hay "duy vật" bởi vì Phật không hề lập nên một chủ thuyết nào mà chỉ trình bày sự thật nơi con người và vũ trụ. Ðạo lý Duyên khởi của Phật là "trung đạo" (majjhimapatipadà) không rơi vào những chủ thuyết cực đoan chủ trương "có", "không", "tâm", "vật"... Hơn nữa, không nên xem đạo Phật chỉ là hệ thống tư tưởng, một lý thuyết, bởi vì đạo Phật vốn là một đạo lý độc đáo với những đạo lý như thật, thực tiễn của nó. Như thật, vì đạo Phật phù hợp với thực tại đa dạng hay toàn diện. Phật xem sự diễn tả phiến diện không những làm sai lạc sự thật mà còn gây ra sự hiểu lầm nguy hiểm. Câu chuyện những người mù rờ voi do Phật kể nhơn lúc các đạo sĩ, triết gia cãi nhau về chơn lý là bài học rất ý nghĩa (xem Udâna IV,4). Thực tiễn, vì những điều do Phật truyền dạy đều nhắm mục đích giải thoát khổ đau chứ không phải để thỏa mãn sự tò mò của trí óc con người. Như Phật nói, Ngài chỉ truyền dạy có một điều: "Khổ và sự Diệt khổ". Ðọc kinh luận nếu thấy những quan điểm được Phật hay các luận sư nhấn mạnh với mục đích đả phá những thành kiến hay huấn thị cho một đối tượng đặc biệt nào đó, chúng ta nên hiểu chúng với tinh thần phá chấp mà không nên bám chặt và tạo thành những chủ thuyết cực đoan như: duy tâm, duy nghiệp, duy thức v.v... bởi vì Phật có nói: "Pháp còn phải bỏ đi huống gì là phi pháp". 

Vì thế, xếp đạo Phật vào hệ thống "hữu thần" "vô thần", "duy tâm", "duy vật" một cách máy móc là sự sai lầm. 

Trích từ:  Những Câu Hỏi Thông Thường Về Đạo Phật. Hòa Thượng Thích Thiện Châu



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật