Với ánh sáng đạo lý Duyên khởi, đức Phật nhìn cuộc đời như thế nào?
Hòa Thượng Thích Thiện Châu
|
Xem: 267
4/6/2023 2:57:02 PM
Ðối với cuộc đời, Phật chủ trương cuộc sống của loài người vốn không hoàn toàn và có nhiều khổ đau, nhất là không chắc thật và thường thay đổi, và do đó cần phải thay đổi cuộc sống đau khổ thành cuộc sống an lành. Phật có nói: "Ta chỉ dạy một điều: Khổ và Khổ diệt". Thái độ ấy được diễn tả qua bốn chân lý cao đệp sau đây:
A. Khổ (dukkha)
a. Ðau khổ thông thường như khổ vì sinh, già, bịnh, chết; khổ vì sống với oán thù, vì xa lìa người thân yêu, vì không thỏa mãn những điều mong muốn.
b. Ðau khổ do lầm tưởng cuộc đời là thường còn, trong khi cuộc đời là biến chuyển.
c. Ðau khổ do lầm tưởng cuộc đời là chắc thật, trong khi cuộc đời là giả hợp.
Nghĩa thứ nhất rất dễ hiểu. Song phải hiểu nó trong những thể hiện cụ thể nơi con người và trong cuộc sống qua nhiều khía cạnh khác nhau.
Hai nghĩa sau mang nhiều tính chất triết lý, song cũng có thể tìm thấy nơi đời sống hàng ngày... Cuộc đời là khổ, bởi vì cuộc đời vốn là vô ngã, vô thường, nhất là vì con người với vô minh, luôn luôn hiểu lầm rằng cuộc đời là thật có và thường còn cho nên bằng mọi cách cố thỏa mãn tánh tham lam và lòng hờn giận của mình; do đó gây thêm phiền não cho mình và cho người. Ví dụ, khi thấy nguời thân từ trần, chúng ta quá buồn phiền đến nỗi mất trí. Sự buồn phiền này, một phần lớn do lầm tưởng rằng người thân ấy là cái gì chắc thật và không bao giờ chết. Nỗi khổ của chúng sanh không những là nhiều mà còn kéo dài từ đời này qua kiếp khác.
B. Nhân khổ (samudaya).
Ðau khổ của loài người không do định mệnh hoặc thần linh, hoặc rủi may, mà do chính con người hay chúng sinh gây ra với tất cả hành động thúc đẩy bởi ái dục (tanhâ). Có ba thứ ái dục:
a. Ái dục thỏa mãn dục lạc.
b. Ái dục mở rộng cái ta.
c. Ái dục phá hoại điều mình không thích.
Ái dục do vô minh (không sáng suốt) thúc đẩy. Vô minh và Ái dục là nguyên nhân chủ yếu của đau khổ. Không nên hiểu Ái dục một cách trừu tượng mà phải hiểu qua sự thể hiện của nó trong mọi sinh hoạt của con người hay chúng sinh trong phạm vi chính trị, kinh tế, xã hội... và ngay cả trong phạm vi tôn giáo. Ví dụ, Ái dục có thể thể hiện trong chính trị độc tài, áp bức, trong kinh tế bóc lột, trong xã hội thối nát. Trong nhiều trường hợp, nên tìm hiểu Ái dục phát xuất từ người nào hay tập thể nào để tránh lầm lẫn người phát sinh Ái dục và nạn nhân của Ái dục.
Sự thể hiện của Ái dục qua hành động gọi là Nghiệp (Karma). Vì hầu hết hành động của loài người đều do Vô minh và Ái dục thúc đẩy, nhưng chỉ những hành động có cố ý (cetanà) của thân, miệng, ý mới trở thành sức mạnh sáng tạo cuộc sống riêng (biệt nghiệp) và chung của con người (cộng nghiệp). Chúng ta gặt hái những gì chúng ta đã gieo trồng. Hành động lành ích cho chúng ta những kết quả tốt đệp. Hành động xấu hại khiến chúng ta chịu lấy kết quả khổ đau. Luật nhân quả tự nó đã có sự "thưởng phạt", vì thế không cần thêm một đấng thiêng liêng nào khác để thưởng phạt nữa. Luật nhân quả diễn biến liên tục trong thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai mà không bị giới hạn trong hiện tại. Do dó, có những quả báo đến ngay sau khi gây nhân, và cũng có những quả báo sẽ đến sau một thời gian, dài hay ngắn, tùy theo nghiệp nhân mạnh hay yếu.
Ðạo Phật cũng không hề nói đến "lương tâm" do trời phú cho, vì lương tâm chỉ là một tâm thái do kinh nghiệm về điều lành trong quá khứ mà có. Vì thế có những người không có hoặc mất cả lương tâm.
Có hai thứ nghiệp có ảnh hưởng đến đời sống của con người: Biệt nghiệp (hành động cá nhân) và Cộng nghiệp (hành động của tập thể).
Biệt nghiệp ảnh hưởng nhiều đến đời sống cá nhân. Cộng nghiệp ảnh hưởng nhiều đến đời sống gia đình và xã hội. Tuy nhiên kết quả của cộng nghiệp và biệt nghiệp không hề tách rời nhau. Cá nhân thiếu sáng suốt, không tự chủ, yếu hèn thì sẽ bị cộng nghiệp chi phối. Trường hợp biệt nghiệp chi phối tập tể, gia đình và nhất là xã hội có thể có nhưng rất hiếm. Do đó muốn cải tạo cuộc sống cá nhân hay cộng đồng xã hội thì không những chỉ cải tạo biệt nghiệp mà còn phải cải tạo cộng nghiệp.
Tu dưỡng nhĩa là chuyển nghiệp, theo nghĩa hệp là cải tạo cá nhân bằn cách thay đổi biệt nghiệp, theo nghĩa rộng là cải tạo gia đình và xã hội bằng cách đổi cộng nghiệp. Tu dưỡng còn có nghĩa là thay đổi cuộc sống si mê ràng buộc thành cuộc sống giác ngộ giải thoát, thay đổi cuộc sống khổ đau thành cuộc sống an lành cho hiện tại và tương lai. Tin tưởng nghiệp như là sức mạnh tiền định, không thể chuyển đổi: "Kiếp xưa đã vụng đường tu, kiếp này quyết phải đền bù mới xong" là tin tưởng của ngoại đạo có chủ trương Túc mạng luận mà không phải là nhận thức đúng đắn theo đạo lý Duyên khởi và Nghiệp của đạo Phật.
C. Khổ diệt (Nirodha).
Sự tiêu diệt của khổ đau hay là an lành khi nguyên nhân đau khổ (Vô minh và Ái dục) bị tiêu diệt. Sự an lành có thể thực hiện ngay ở đây và bây giờ. Sự tiêu diệt của khổ đau cũng gọi là Niết bàn (Nirvâna).
Niết bàn là mục đích của Phật tử. Ước mong cao nhất của Phật tử là thực hiện Niết Bàn, vì "Niết Bàn là sự an lành tuyệt đối". Muốn biết rõ nước mát, lạnh thế nào phải tự uống nước. Cũng vậy, muốn biết Niết bàn an lành như thế nào, cách tốt nhất là phải tu dưỡng và thực hiện Niết bàn. Tất cả sự diễn tả về Niết bàn của Phật hay của người khác chỉ là những khái niệm hết sức trừu tượng về Niết bàn đối với chúng ta. Tham lam, giận hờn, si mê là sức mạnh gây ra đau khổ. Nếu ba căn này bị tiêu diệt thì khổ đau không còn và an lành thể hiện. Ngài Buddhaghosa trong Visuddhimagga có kể một câu chuyện để chứng minh rằng Niết bàn không phải là "hư vô diệt tịch":
"Có một làng nọ, từ lâu bị bọn cướp quấy phá. Dân làng điêu đứng khổ sở. Một hôm, làng được quân lính nhà vua về lùng bắt và giết sạch bọn cướp. Từ đó dân làng được yên ổn làm ăn". Ý nghĩa của ví dụ là tham, sân, si bị tiêu diệt thì con người được an lành chứ không có nghĩa là sự sống của con người cũng bị tiêu diệt.
Hơn nữa, Niết bàn có hai mức độ: Niết bàn toàn phần nơi các bậc giác ngộ hoàn toàn và Niết bàn từng phần nơi những người đang tu dưỡng. Từ Niết bàn từng phần đến Niết bàn toàn phần có bốn phẩm vị gọi là bốn quả:
1. Dự lưu (vào dòng): tức là người trừ được sự chấp có ta, nghi ngờ, mê tín lễ nghi và giới điều.
2. Nhất lai (sanh lại một lần): tức là người trừ bớt được một phần của tham dục và tàn bạo.
3. Bất lai (không sanh lại): tức là người trừ hết năm điều trên.
4. A la hán (vô sanh): tức là người trừ thêm năm điều nữa: tham muốn sanh cõi sắc, tham muốn sanh cõi vô sắc, kiêu ngạo, loạn động và vô minh.
Niết bàn trong đời sống hiện tại gọi là Niết bàn còn dư thừa và sau khi thân này chết đi gọi là Niết bàn không dư thừa hay là Niết bàn trọn vẹn (parinirânâ).
Những điều trình bày trên cho chúng ta thấy Niết bàn là an lành mà trong ngay đời này chúng ta có thể thực hiện và an hưởng chứ không phải chỉ là những gì cho đời sau.
D. Con đường đưa đến khổ diệt (magga).
Con đường đưa đến khổ diệt là sự tu dưỡng theo giới (sila): những qui tắc sống khôn ngoan và cao đẹp, định (samâdhi): những phương pháp tập trung và huấn luyện tâm trí và Tuệ (pannâ): những cách thức khai sáng trí tuệ để nhìn sự vật đúng như thật.
Ba điều học này được giải rộng trong con đường chánh gồm tám nẻo (bát chánh đạo):
1. Chánh kiến: hiểu biết đúng đắn sự thật của cuộc đời, nhất là hiểu rõ bốn chân lý theo hai hệ thống đau khổ và an lành.
2. Chánh tư duy: suy nghĩ những điều cao đẹp cởi mở, từ thiện và thân hữu.
3. Chánh ngữ: lời nói chân thật, hòa ái.
4. Chánh nghiệp: làm những việc lành ích cho mình và cho người.
5. Chánh mạng: nuôi sống thân mạng với nghề nghiệp lương thiện.
6. Chánh tinh tấn: siêng năng trong chiều hướng tiến bộ, tu dưỡng bản thân và phục vụ chúng sanh.
7. Chánh niệm: ý thức và kiểm soát động tác của thân, miệng, ý, nhớ rõ các pháp lành.
8. Chánh định: tĩnh tâm, cải tạo tư tưởng và trau dồi trí tuệ.
Ý nghĩa của con đường chính gồm tám nẻo có thể tóm tắt trong bài kệ sau đây:
"Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Tâm ý giữ trong sạch
Chính lời chư Phật dạy" (Pháp cú, 183)