Thế Tôn nói: Người biết cung kính Tam bảo, thảo nuôi cha mẹ, thường làm mười việc lành, thọ trì năm giới, lòng ở công chánh, quí mến người hiền lương, tu những căn lành như vậy thời đặng làm người đàn ông. Nếu trong ba kiếp chẳng tu thời đọa làm đàn bà. Trong năm trăm năm làm thân đàn ông một lần, hoặc khi chuyển đổi thân, quên mất kiếp trước, gặp nhân duyên ác lại tạo việc chẳng lành, nên mất thân đàn ông muôn kiếp khó trở lại đặng.
Lại nữa Văn Thù Sư Lợi! Thân đàn ông có đầy đủ bảy báu; thân người đàn bà có năm thứ lậu. Sao tên là bảy báu?
- Một là có cái báu chí khí, đi dạo chơi chỗ nào cũng không lo sợ.
- Hai là có cái báu làm chủ, làm việc gì cũng được nắm giữ quyền hành.
- Ba là có cái báu tạo thành, tự mình sanh tài lập nghiệp.
- Bốn là có cái báu an thân, giúp việc vua quan, hiếu dưỡng mẹ cha.
- Năm là có cái báu thánh tri, hay quyết đoán sự phải quấy.
- Sáu là có cái báu an bang khắp cả, sự lý dung hòa.
- Bảy là có cái báu định tánh, được gần gũi người hiền, tôn thờ vị thánh.
Cho nên gọi là người đàn ông trong mình có bảy báu.
Còn sao gọi là năm thứ lậu?
1.- Chẳng đặng làm chủ cái thân.
2.- Chẳng đặng làm chủ trong nhà.
3.- Chẳng đặng làm chủ người khác.
4.- Chẳng đặng làm chủ các súc vật.
5.- Chẳng đặng làm vị Thánh.
Đây gọi là năm thứ lậu của người đàn bà.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Có người tuổi còn nhỏ tạo nhiều nghiệp dữ, đến khi già tu hành, đăïng thành Phật không?
Đức Phật nói: Bể khổ không ngằn mé, nếu quày đầu thì thấy bờ bến ở mé sau lưng, nếu có người hồi tâm phát nguyện tu hành, bỏ việc quấy theo việc phải, cải dữ theo lành, trường trai ngăn cấm rượu thịt, học hỏi chánh pháp, bất kỳ già trẻ đồng thành Phật đạo.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Có người trai lành gái tín một đời trai giới, gieo trồng các căn lành, đến già sa ngã bỏ ăn chay phạm giới cấm, sau bị quả báo chi?
Thế Tôn nói: Những chúng sanh như vậy tuy có căn lành mà không có nguyện lực lớn, không có chánh tri kiến, xa lìa thầy bạn, quên hết các công lao khi trước tu hành, trở lại bị lục tặc lôi kéo, cướp đoạt công đức của mình, tâm sanh điên đão không thành Phật đạo. Trong đó hoặc có người phạm về việc ăn thịt thời phải đọa lạc về thần đạo, như bực trên thì làm quỷ vương, bực giữa thì làm dọa xa, bực dưới thì làm la sát, chịu hưởng của người cúng tế. Đến chừng phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.
Trong đó hoặc có người phạm dâm dục thời làm ma đạo, bực trên thời làm ma vương, bực giữa thời làm ma dân, bực dưới thời làm ma nữ. Đến chừng phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.
Trong đó hoặc có người phạm tội uống rượu, thời đọa lạc về quỷ đạo, bực trên làm hữu tài quỷ, bực giữa thời làm phong nguyệt quỷ, bực dưới thời làm tiêu tán quỷ. Đến chừng phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.
Hoặc phạm tội trộm cắp, phải đọa lạc tà đạo, bực trên thời làm tinh linh, bực giữa thời làm yêu quái, bực dưới thì làm người ta. Phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.
Hoặc phạm tội vọng ngữ, chưa đặng nói là đặng, chưa chứng nói là chứng, cái lòng tự cao nên phải đọa làm loài yêu, bực trên thời làm ly mị, bực giữa thời làm vọng lượng, bực dưới thời dựa gá cỏ cây. Phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.
Lại có người hay oán giận, tuy có phước đức cũng đọa Tu la ác đạo, bực trên là A tu la vương, bực giữa là A tu la chúng, bực dưới là A tu la nữ, thường ham tranh đấu, chịu những lao khổ mãi mãi. Phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.
Nếu tu hành còn uống rượu mà muốn thành đạo, thì cũng như người uống thuốc độc mà muốn được an vui, không có thể được. Cớ sao vậy?
Nếu tu hành mà còn ăn thịt, muốn được thành đạo, cũng như nhận kẻ oán thù cho là con mình, muốn được thân yêu không có thể được.
Nếu tu hành phạm tội trộm cắp, muốn đặng thành đạo, cũng như lấy cái lu thủng đựng nước, muốn nước đầy mãi không có thể được.
Nếu tu hành còn phạm dâm dục, muốn cầu thành đạo thì như nấu cát đá muốn cho thành cơm, không có thể được.
Nếu tu hành chẳng dứt bỏ nói dối, lấy cái dối làm thiệt, muốn cho thành đạo cũng như người thường dân xưng là vị quốc vương, muốn cầu giàu sang không có thể được.
Nếu tu hành mà tâm thường hay giận hờn, tánh thường hay tranh hơn thua, thiếu lòng từ bi bình đẳng mà muốn thành đạo, cũng như mình đi chiếc ghe lủng, muốn qua biển lớn thì phải bị chìm, tại nơi người muốn nên phải bị đọa, chẳng phải đức Phật chẳng cứu.
Nếu như muốn đoạt kết quả tốt đẹp của đạo Bồ đề thì phải giữ gìn trai giới của đức Như lai cho được thanh tịnh, thà là bỏ thân mạng, nhứt định không hủy phamï; đức Phật nhìn nhận người này chắc được thành Phật.
Đức Phật nói với Văn Thù Sư Lợi rằng: Ta cũng từ chỗ phát tâm trai giới trong sạch mà đặng, ta cũng từ chỗ chân thật mãi mãi không lui sụt mà đặng. Ta cũng từ chỗ lập nguyện rộng lớn, nguyện ra khỏi thế gian mà đặng, ta cũng từ chỗ lập chí bình đẳng chẳng luận bà con hay là người dưng mà đặng. Ta cũng từ chỗ hạ tâm thấp hèn cầu thầy học hỏi mà đặng, ta cũng từ chỗ từ bi nhẫn nhục mà đặng, ta cũng từ chỗ tinh tấn giải thoát mà đặng. Ta cũng từ chỗ khó làm mà làm, khó bỏ mà bỏ, khó học mà học cho đến ta cũng từ chỗ học hết thảy các giống trí huệ mà đặng.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Như người ở trên đời không có trai giới mà hay làm phước huệ cho đời. Sau khi chết rồi có con hiếu thuận hoặc trai hay gái thỉnh thầy tụng kinh đại thừa, làm thủy lục hoặc trai đàn lớn cầu siêu độ vong linh, không biết vong linh có thể siêu độ không?
Đức Phật nói: Nếu như người khi sanh tiền không có công lành, chết rồi có con cháu làm công đức cầu siêu, bố thí bạc tiền thì mười phần công đức chỉ đặng ba phần.
Cớ sao vậy? Vì lập công làm phước không chi qua tiền bạc của mình ra làm chay bố thí, trong chúng đồng phần người sống được phước hơn người vong.
Còn như thỉnh thầy uống rượu ăn thịt chẳng đặng trong sạch, tụng kinh lấy bạc tiền. Thiên thần chẳng giáng lâm, Phật thánh không đến trợ, lại vong linh ấy càng thêm tội lỗi.
Bằng như có con hiếu thuận chân chánh, cha mẹ chết rồi, trong mỗi tuần bảy ngày làm chay bảy thất, hoặc trong ba năm cả nhà ăn chay giữ giới, xuất tiền của trong sạch, cầu thỉnh thầy tu hành đức hạnh, trai giới tinh nghiêm, tụng kinh đại thừa, hoặc làm chay thủy lục thiết lập nghiêm trang, thắp hương rãi hoa y theo pháp cúng dường, có lòng thành kính thay thế cho vong hồn khỏi tội đặng phước. Nếu cầu siêu bố thí bạc tiền như vậy, vong linh mới đặng sanh lên cõi trời, người sống cũng đặng phước, kẻ còn người mất đều an vui, người vui mừng thần thánh cũng vui mừng, như vậy mới thật là con cháu hiếu thuận.