Tại sao cõi Cực Lạc chỉ có tướng thanh tịnh mà không có tướng trược uế?
Tây Phương Cực Lạc có cõi trược uế hay không? Nếu có thì làm sao gọi là Tịnh độ? Nếu không thì giống như hoa sen ngàn cánh của Phật Lô Xá Na, trên mỗi cánh có trăm ức cõi nước, mỗi cõi nước đều là trược uế. Tại sao Đức Lô Xá Na của thế giới Hoa tạng ngồi trên toà sen chúa mà trên mỗi cánh hoa lại có cõi nước trược uế? Lại như trong Kinh Duy Ma Cật, ngài Xá Lợi Phất thấy cõi Phật Thích Ca là trược uế, còn trời Đại Phạm lại thấy cõi Phật là thanh tịnh. Cõi Phật Thích Ca cùng lúc có cả hai tướng thanh tịnh và trược uế, tại sao cõi Cực Lạc chỉ có tướng thanh tịnh mà không có tướng trược uế?
Đại Sư Hoài Cảm
| Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Pháp Chánh |
Xem: 651
9/9/2022 6:47:04 PM
Có hai cách giải thích:
(1) Thế giới Cực Lạc chỉ có Tịnh độ, không có cảnh tướng trược uế, bởi vì cõi đó cực kỳ vi diệu thanh tịnh. Nếu có cảnh tướng trược uế tức là mắc vào lỗi vừa tịnh vừa uế. Hơn nữa, sắc chất ngăn ngại nhau, thành thử hai tướng tịnh uế không thể đồng thời hiển hiện cùng một chỗ. Nếu hai tướng tịnh uế đồng thời hiển hiện sẽ mắc vào lỗi “sắc chất dung chứa nhau”, cảnh giới sẽ tạp loạn. Vả lại, Kinh Quán Vô Lượng Thọ không nói đến hiện trạng này, mà bốn mươi tám nguyện cũng không đề cập đến. Nếu cõi Cực Lạc có cả hai tướng thì những chúng sanh vãng sanh về đó cũng phải đồng thời sanh vào hai cõi. Vì chúng sanh không sanh vào hai cõi mà cũng không thấy cõi trược uế, cho nên biết rằng Cực Lạc không có cõi trược uế.
(2) Có người cho rằng Cực Lạc cũng có cõi trược uế, cùng chỗ cùng thời, không hề chướng ngại nhau. Nếu nói hai sắc chất không dung chứa nhau, đó là pháp Tiểu thừa không liễu nghĩa. Hai cõi thanh tịnh và trược uế biến hiện khắp mười phương không có giới hạn. Như cõi Ta bà trược uế cũng có Tịnh độ, chẳng hạn như tòa sen chúa thanh tịnh của Đức Lô Xá Na có trăm ức cõi nước trược uế. Đây là cõi tịnh có cõi uế, cõi uế có cõi tịnh, không hề chướng ngại nhau. Tùy theo cái nhìn mà thấy tịnh uế khác nhau. Câu hỏi vừa đặt ra là kiến giải Tiểu thừa, chứ không phải Đại thừa. Cách giải thích vừa nêu trên đã được giảng rộng trong các bộ luận Nhiếp Đại Thừa, v.v…, và trong các kinh điển Đại thừa. Ở đây sẽ không nói chi tiết.
Các cõi tịnh uế tuy có thể hiện hữu đồng thời, thế nhưng Tây Phương Cực Lạc là cõi thanh tịnh, không phải cõi trược uế. Chúng sanh tâm uế trược không được vãng sanh về đó. Trong kinh chỉ nói tướng tịnh, không nói tướng uế là vì muốn chúng sanh các cõi nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.