Phật Học Vấn Đáp


Con vẫn chưa rõ làm thế nào cho hoàn hảo hạnh hiếu?
Thầy nói tam phước là nghiệp phụ, nhưng con nghĩ trong tam phước, phước đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu” đây là hạnh tối ư quan trọng. Cổ đức dạy: “Bách hạnh hiếu vi tiên”, “cha mẹ là thế gian phước điền bậc nhất”. Do vậy con nghĩ, là con người, tu bất kỳ tông phái nào vẫn phải hành hạnh hiếu làm đầu. Bất hiếu tử là ngang hàng cầm thú rồi, đâu xứng đáng là con người bình thường nữa, chớ nói chi đến người tu. Hiểu vậy, nhưng con vẫn chưa rõ làm thế nào cho hoàn hảo hạnh hiếu. Kính xin Thầy từ bi khai thị cho con!

8/25/2022 7:39:00 PM
Kính cám ơn liên hữu có câu hỏi rất hay, tôi xin góp ý: 

1. Đứng trên cương vị người chuyên tu Chánh hạnh, chánh định nghiệp mà nói, thì tam phước là nghiệp phụ. Ở đây, là vạch lối, chỉ đường tắt cho những hành giả tuổi già, sức yếu, chỉ cần Lão thật niệm Phật, (không phải hành hạnh gì khác), đốt giai đoạn, vượt thời gian, hành trì ít mà hiệu quả nhiều, hầu đạt sở nguyện vãng sanh Cực Lạc.    

2. Đối với hành giả khác, nếu nhận thấy mình có điều kiện, hành được những trợ hạnh khác (lục độ, vạn hạnh, trong đó có hạnh hiếu) càng nhiều càng tốt.

3. Hiểu biết cùng lập luận trên của liên hữu rất đúng, qua đây tôi biết liên hữu là đệ nhất hiếu tử rồi, hỏi là hỏi thay cho những người khác mà thôi. Vậy thì, tôi cũng vì những người ấy mà góp ý:  Ca dao có những câu: 

Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha  Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. 

Hoặc: 

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gian khổ cuộc đời không gánh nặng nào bằng cha. 

Hoặc: 

Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời  Cầu cho cha mẹ sống đời với con. 

Cổ đức dạy: 

“Nhân sanh bách hạnh, hiếu vi tiên” nghĩa là trăm hạnh của con người hiếu đứng đầu. “Hiếu vi công đức mẫu” nghĩa là Hiếu là mẹ của mọi công đức. 

Đức Phật dạy: “Hiếu tâm tức thị Phật tâm, hiếu hạnh vô phi Phật hạnh. Nhược đắc đạo đồng chư Phật, tiên tu hiếu dưỡng nhị thân”, tạm dịch tâm hiếu chính là tâm Phật. Hạnh hiếu há chẳng phải là hạnh Phật sao? Nếu muốn theo con đường của đức Phật, trước tiên phải hiếu thảo với cha mẹ. Hiếu hạnh có hai thứ: thế gian và xuất thế gian  a Hiếu hạnh thế gian về vật chất và tinh thần: Về vật chất: Cung cấp đầy đủ: cơm ăn, áo mặc, chổ ở, thuốc men… Gọi là “đắp lạnh quạt nồng” v.v… Trường hợp song thân hoàn toàn tự lực sinh sống, thì phụng dưỡng tinh thần là quan trọng nhất. 

Về tinh thần:  “Sớm thăm, tối viếng” khuyên lơn an ủi khi cần, lời lẽ ôn hòa, kính mến, thương yêu …     
 

Bản thân:  Trong gia đình, Phật tử là con của Phật, con của Phật là phải học và hành hạnh của Phật, là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Nghĩa là phải vì người chớ vì mình, mở rộng cõi lòng, cứu khổ ban vui cho mọi loài, khoan dung, độ lượng, tha thứ lỗi người để kính trên nhường dưới, anh chị em thật sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau tinh tiến về đời lẫn đạo, hầu làm đẹp lòng song thân và gương tốt cho đời. 
Ngoài xã hội, sống nếp sống thanh cao, đạo đức, gương mẫu mọi mặt, hầu gây tiếng tốt cho giòng họ và dân tộc. 
  • Luôn chìu lòng, thuận ý chánh đáng của cha mẹ, làm cho cha mẹ vui. 
  • Chấp nhận hy sinh một chút, tuyệt đối không gây phiền não cho song thân (nhứt là thái độ và ngôn ngữ).  b Hiếu hạnh xuất thế gian, cũng gọi là đại hiếu.  Khuyến nhủ cha mẹ niệm Phật, cầu vãng sanh Cực Lạc. 
  • Nếu song thân đã tu Tịnh nghiệp thì bằng mọi cách, sách tấn, tận tình giúp đở người sớm thành tựu đạo nghiệp. 
Nên nhớ: Vãng sanh Cực Lạc là liễu sinh thoát tử (không còn đau khổ trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi). Một đời thành Phật. Người giúp song thân làm được việc này gọi là đại hiếu tử. 

4. Là hiếu tử, nên tránh những khiếm khuyết điển hình mà những người con ở thế giới văn minh vật chất này thường vấp phải: 

a. Đem gởi cha mẹ già yếu, bệnh tật vào nhà dưỡng lão, ngụy biện rằng ở đó hằng ngày có người chăm sóc, ở nhà mình thì vợ chồng bận đi làm, không ai chăm sóc ổng bả. 

b. Mình ở nhà cao cửa rộng, có người hầu hạ, mướn nhà nhỏ để cha mẹ ở riêng một mình, với lý do để ổng bả được tự do hơn, kỳ thật là để khỏi mắc cở với bạn bè về sự “ngu dốt, vụng về, lẩm cẩm” của mẹ già. Sao không tự hỏi, sự cao sang quyền quí ngày hôm nay của ta, từ đâu mà có? Có phải xuất phát từ bà già “ngu dốt, lẩm cẩm” kia không? 

c. Tâm lý người già rất sợ cô đơn, luôn mong muốn sống chung với con cháu thương yêu của mình, để ngày đêm có thể thường chuyện trò (hủ hỉ) cho qua đi những ngày tháng suy tàn. Thế mà, bị cách ly như nói trên, năm này tháng nọ chưa hề gặp mặt, thậm chí điện thoại cũng không, viện đủ lý do là quá bận rộn việc sở làm, gia đình, chồng, vợ, con, cháu, bạn bè, tiệc tùng đám cưới, đám hỏi, hợp mặt, tiển đưa, sinh nhật vợ, chồng, con cháu, bạn bè, v.v… và v.v…   
 
Theo thống kê nước Mỹ có cả triệu người già bị con lãng quên, nên âm thầm cô đơn chết ở nhà dưỡng lảo. Thương thay số phận người già ở xứ quá văn minh vật chất này! 
 
Thời buổi văn minh vật chất này, đạo đức suy tàn, nên mới có cảnh cạn tình, bất nghỉa với bậc sanh thành dưỡng dục mình như thế. Tại sao? 

Vì ngu dốt, già cả, bệnh tật, không làm ra tiền, phải sống nhờ vào con, phải không? Thật là tủi nhục cho một kiếp nhân sinh!!! 

Người xưa nói không sai: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. 

Đức Phật dạy: “Phụ mẫu hiện tiền, như Phật tại thế”, “Bách hạnh hiếu vi tiên”, phước đầu tiên phải làm là “Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Thế mà người đời, dù cha mẹ sờ sờ trước mắt vẫn làm ngơ, như không có. Đến khi cha mẹ mất, khóc lóc kể lể thảm thiết, cử hành đám táng rềnh rang, xây mồ to, mả rộng, hằng năm cúng giổ linh đình, thiết đải bạn bè đầy nhà, thật có ích gì đâu? Có chăng là phô trương, khoác lác, tỏ ra ta là hiếu tử? Thật ra là, dối mình, dối người, dối đời, dối luôn Bồ Tát và Phật. Hàng ngày đi chùa lễ Phật, làm công quả mà không hành hạnh hiếu như Phật đã dạy, thì thử hỏi, có xứng đáng là con người bình thường không? Chứ nói chi là Phật tử?  d Cô nọ ở Mỹ, hàng tháng gởi hai trăm đô về nuôi mẹ ở Việt Nam, (nghĩa cử cao đẹp, hiếm có). Bà mẹ yêu cầu cô về Việt Nam để được gặp mặt cho đở nhớ thương. Nhưng cô ta, nhiều lần viện đủ lý do không về ngay được và hẹn rồi lại hẹn. Bà mẹ ngày đêm trông chờ, mỗi khi nghe tiếng xe xích lô máy, hoặc Honda ôm nổ (đậu) ở trước cửa nhà, bà đều chạy ra với ước mong là được gặp lại con của mình, càng lâu càng nhớ thương nhiều, mà hy vọng càng nhiều, thì thất vọng càng to… Ngày nọ, bà lâm trọng bịnh, rồi chết. Cô ấy bay về Việt Nam làm lễ an táng cho thân mẫu, cô chẳng rơi một giọt nước mắt, có lẽ cô tự nghĩ mình đã làm tròn bổn phận, phụng dưỡng mẹ già quá đầy đủ rồi. An táng mẹ xong, cô dọn dẹp giường ngủ của mẹ, bỗng cô gặp một hộp niêm kín, kỹ lưỡng để ở đầu giường, cô tức tốc mở ra xem, cô thấy tiền giấy một trăm đô xếp rất ngay ngắn, đầy cả hộp, trên cùng là tờ giấy trắng có ghi giòng chữ của mẹ: “Con hãy cất tiền này, dành khi đau ốm, ký tên „Mẹ ”. Cô ấy ôm cái hộp mà khóc nức nở. 
Lâu rồi, khi đọc bài này trên mạng, đọc đến đây tôi không ngăn được giòng nước mắt, hôm nay thuật lại đến đây, tôi cũng bị rơi lệ. Không biết quí vị có phải khóc như tôi và cô ấy không? Giòng lệ của mỗi người, ở mỗi suy tư trên mỗi khía cạnh khác nhau, nên có ý nghĩa khác nhau. Kính xin quí vị tự nghiệm, tự hiểu. 

Đành rằng “Có tiền mua tiên cũng được” nhưng câu chuyện trên chứng minh rằng “Đồng tiền không mua (trao đổi, thỏa mãn) được tình thương, nỗi nhớ của cha mẹ” mà phải đáp lại bằng “tình thương chân thật”.   
Bởi vậy, đôi khi chỉ cần một thái độ, một lời nói ôn hòa, nhã nhặn, tôn kính, thương yêu lại là hạnh hiếu tuyệt vời, bằng không thì trái lại.
 
5. Hởi những ai đã có con: 
  • Đã từng tận tình lo lắng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ con khi đau ốm, hoạn nạn.  Đã từng giây, phút đem hết tâm huyết của mình để nuôi nấng dạy dổ con từ thuở bé đến khi trưởng thành. 
  • Đã từng quên mình, suốt đời tận tụy hy sinh vì tương lai, vì hạnh phúc của con.  Thì hiểu rõ tình phụ mẫu rộng lớn, cao thượng dường nào! Hãy nên tự xét lại và cư xử với cha mẹ mình sao cho đúng đạo lý. Bằng không, sau này sẽ ân hận suốt đời!  Nên nhớ! Đức Phật dạy:“Tội lớn nhứt của đời người là bất hiếu”. Nhân nào quả nấy. Trồng dưa thì được dưa ngon ngọt. Trồng ớt, khổ qua thì sẽ được ớt cay, khổ qua đắng, đây là luật thiên nhiên (luật nhân quả).  Nam mô A di đà Phật  
Trích từ:  Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp. Thượng Tọa Thích Minh Tuệ


Thẻ
Nghiệp        Hạnh        Khai Thị       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật