Phật Học Vấn Đáp


Hành giả đạt Bất niệm tự niệm, muốn huân trưởng nó, phải hành trì cách nào?
Thượng Tọa Thích Minh Tuệ | Xem: 640

8/19/2022 3:56:06 PM

Muốn huân trưởng mức độ Bất niệm tự niệm, trong định khóa hành giả phải: tịnh tọa, lắng lòng, chú ý, lắng nghe tiếng niệm Phật của tự tánh.

Tịnh tọa: là ngồi yên lặng (xin đọc tỉnh tọa niệm Phật nói ở phần IV: Thời khóa công phu, sách Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh).

Lắng lòng: lắng lòng cũng gọi là nhiếp tâm, định tâm, nghĩa là lúc ấy buông xả vạn duyên, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, không tính toán lợi hại, được mất, hơn thua, vinh nhục, không dính mắc sáu trần, không nhớ nghĩ thế sự, quá khứ, hiện tại, vị lai. Lúc này tâm không hướng ngoại mà quay hẳn vào trong, rỗng rang, vô sự. Y như Lục Tổ Huệ Năng bảo Thượng tọa Huệ Minh: “Thượng tọa hãy lắng lòng nghe ta hỏi, trong lúc không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Huệ Minh?”. Ngắn gọn, giản dị như thế mà Thượng tọa Huệ Minh tự khai ngộ, nhận ra bản lai diện mục (Phật tánh) của chính mình. Nhờ đâu? Nhờ lắng lòng.

Chú ý (tác ý) lắng lòng rồi chăm chỉ, chú ý, vì tâm vô nhị dụng, tâm không thể làm một lúc hai việc, chú ý nghe là cột tâm vào câu Phật hiệu, thì tâm không có niệm gì khác được (không vọng niệm).

Lắng nghe: nghĩa là dùng cái tâm rỗng rang vô sự lắng nghe (bằng tánh nghe) rành rẽ, rõ ràng, từng tiếng, từng câu niệm Phật của tự tánh. Đây mới thật sự là nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp mà Kinh Lăng nghiêm, Phẩm Đại Thế Chí Bồ tát Niệm Phật Viên Thông Chương đã dạy.

Làm được bốn điều này trong thời gian ngắn, hành giả sẽ đạt niệm Phật Thành một khối. Tiếp tục hành trì như thế, sẽ tiến đến Nhất tâm bất loạn (từ sự đến lý, cũng gọi là niệm Phật tam muội) không cần phương tiện gì khác, như Kinh Lăng nghiêm đã dạy.

Trong lúc lắng nghe, câu Phật hiệu dù có nhanh, không rõ do nuốt chữ hay nhỏ tiếng, cũng mặc kệ, cứ một lòng lắng nghe từng tiếng, từng câu một. Thậm chí tiếng niệm Phật bị mất hẳn, cũng mặc kệ (không niệm mồi như huân trưởng mức nhập tâm nói trên) cứ một lòng lắng nghe, tự nhiên tiếng niệm Phật sẽ nổi lên lại, theo đúng chu kỳ của nó.

Lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy. Kiên tâm bền chí hành trì như thế lâu ngày sẽ không còn bị gián đoạn, mà được nối tiếp liên tục.

Phụ chú: Phương cách nói trên áp dụng trong định khóa (định tâm niệm Phật). Ngoài định khóa hành giả cũng nên niệm Phật ra tiếng hoặc nghe máy hầu phụ trợ hiệu năng huân trưởng.

Tiến sâu hơn, lấy động tu tịnh, giữa đại chúng trong đạo tràng cả trăm người cùng quý Thầy tụng Kinh, khi đang tràn ngập lời Kinh cùng tiếng chuông mỏ, mà ta nhiếp được nhĩ căn không cho nó phan duyên theo ngoại thinh, lắng lòng nghe được tiếng niệm Phật của tự tâm một cách liên tục không gián đoạn. Được vậy mới gọi là không bị cảnh chuyển, làm chủ đƣợc mình, bảo đảm vãng sanh.

Phàm làm việc gì, khi mình nhận thức được lợi ích của việc làm đó, mình mới hăng say, thích thú mà làm. Niệm Phật hay cách huân trưởng cũng không ngoài nguyên tắc này. Vậy hành giả nên tự tạo cho mình động cơ, thúc đẩy ta dũng mãnh tinh tấn hành trì miên mật, bằng cách tu tập cho ta có những khái niệm sau đây:

Khái niệm rằng: bốn chữ A di đà Phật không phải là danh tự rỗng, mà là biểu tượng Pháp thân Phật A di đà (Kinh Niệm Phật Ba la mật). Niệm A di đà Phật là niệm Pháp thân của Ngài, nhớ nghĩ, cầu cứu Ngài tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc quốc. Chắc chắn ta được vãng sanh, nếu không thì Ngài trái với bổn nguyện (trái lời thề). Ngài đâu còn là Phật.

Vả lại Kinh dạy: “Mặt trời, mặt trăng có thể rơi rụng, núi Tu Di có thể tiêu tan, nhưng lời nói của Phật không bao giờ hư dối”, huống hồ đây là lời thề. Mặt khác trong Kinh A di đà nói: “Phật A di đà thành Phật đến nay đã mười kiếp rồi”. Chữ Kiếp nếu đại kiếp, một đại kiếp bằng một tỷ ba trăm bốn mươi bốn triệu năm. Nếu tiểu kiếp, một tiểu kiếp bằng mười sáu triệu bảy trăm chín mươi tám ngàn năm. Ngài thành Phật đã quá lâu rồi, điều này chứng minh rằng Ngài không nguyện suông, Ngài đã tiếp dẫn tất cả chúng sanh đã niệm danh hiệu Ngài, Ngài không bỏ sót một ai cả.

Khái niệm rằng: bốn chữ A di đà Phật là vạn đức hồng danh. Thánh hiệu này được tạo thành bởi vô lượng công đức mà Tỳ kheo Pháp Tạng (tiền thân của đức Phật A di đà) tu tập trong vô lượng kiếp, nên nói Thánh hiệu này tích tụ bao hàm vô lượng công đức. Liên tông Cửu Tổ Ngẫu Ích đại sư nói: “Niệm A di đà Phật để dời công đức đến với mình, thì công đức nào cũng phải đến hết”.

Khái niệm rằng: “Niệm Phật thành Phật”. Nhân nào quả nấy. Khi hành giả niệm Phật là một mặt cầu cứu Phật A di đà tiếp dẫn vãng sanh, mặt khác, đánh thức ông Phật của tự tánh mình. Cổ đức nói: “Nhất niệm tương ưng, nhất niệm Phật. Niệm niệm tương ưng, niệm niệm Phật. Ngẫu Ích đại sư cũng nói: “Mỗi tiếng niệm Phật, tiếng nào mình cũng đã là Phật rồi”.

Khái niệm rằng: tiếng niệm Phật siêu việt hơn hết mọi âm thanh, vì bản thể của nó là toàn bộ công đức, trí tuệ, hạnh nguyện của Phật. Tiếng niệm Phật có công năng thỏa mãn mọi nhu cầu của mình (tội diệt, phước sanh), có công năng tuyệt vời là chuyển hóa hết những chủng tử hữu lậu như tham, sân, si... bạch tịnh hóa tạng thức, tức là chuyển đổi thân tâm dần dần thanh tịnh mà mình không hề hay biết (Kinh Niệm Phật Ba la mật). Cuối cùng chuyển tám thức thành bốn trí.

Hành giả kiên tâm, bền chí hành trì sẽ cảm nhận sự vi diệu không thể nghĩ bàn.

Lưu ý: hành giả đạt Bất niệm tự niệm rồi, phải duy trì tình trạng này suốt đời để được bảo đảm vãng sanh.


Trích từ:  Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp.

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Thẻ
Bất Niệm       

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật