Thời kỳ mạt pháp phải nên hộ trì người xuất gia tu hành như thế nào... Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi | Xem: 891


Câu Hỏi

Kính bạch Hòa thượng! Thời kỳ mạt pháp phải nên hộ trì người xuất gia tu hành như thế nào cho đúng pháp? Những Hòan cảnh nào thì có thể cúng dường, Hòan cảnh nào không thể cúng dường? Kính xin Hòa thượng chỉ dạy cho đệ tử rõ.

Trả Lời

Việc này rất khó nói, nói thì sẽ đắc tội với người ta. Phải nhờ vào trí tuệ và sự quan sát kỹ luỡng của Phật tử. Người xuất gia có chân chánh tu hành đúng pháp hay không? Nếu tu hành chân chánh thì sự hộ trì cúng dường là đại phước báo. Điều này là sự thật. Nếu như họ chẳng hết lòng tu hành sửa đổi hành vi sai trái của mình thì Phật tử phải xem lại. Mấy ngày nay quí vị đã nghe một qua một vài đoạn Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, tuy chưa Hòan toàn nghe hết, nhưng chúng tôi giảng xong, đều có ra đĩa VCD. Quí vị có thể xem hết bộ Kinh này, hy vọng quý vị xa lìa được thập ác, nhất tâm hướng thiện. Thân khẩu ý tam nghiệp đều có thể y theo Kinh “Thập thiện nghiệp đạo” mà tu hành. Đây là người tu hành chân chánh. Nếu như không đúng theo như trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo thì họ chẳng phải người tu hành chân chánh. Chẳng những chúng ta nhìn kẻ khác, quan trọng nhất là chính mình phải chịu tu. Chính mình không hết lòng thật sự tu tập, cũng đừng đi quan sát người khác có phải chơn tu hay không? Còn về trong Hòan cảnh nào có thể cúng dường được? Đó là lúc họ đang thiếu thốn, nhất định phải cúng dường. Lúc họ gặp phải khó khăn phải cần giúp đỡ, không cần thiết phải trên gấm thêu hoa. Cuộc sống của họ đã sống rất thoải mái rồi, mình lại đi cúng dường thêm cho họ thì thường thường hay có lỗi lầm. Nên biết rằng con người trong Hòan cảnh thanh bần, tu hành thường còn một tí đạo tâm. Sau khi danh văn, lợi dưỡng đưa đến thì đạo tâm không còn nữa, tâm tham sẽ nổi dậy. Như vậy, chúng ta đã hại nhóm người tu hành này rồi.

Cho nên Phật dạy đệ tử tại gia đối với việc cúng dường cho người xuất gia chỉ hạn chế trong bốn việc gọi là tứ sự cúng dường. Cái thứ nhất là ẩm thực. Họ không có thức ăn, mang cho họ một ít thức ăn. Đây là chính xác. Cái thứ nhì là y phục. Họ không có áo quần để mặc. Chúng ta cúng dường một bộ y phục, không cần phải cúng nhiều. Có nhiều thì dễ khơi dậy tâm tham. Cái thứ ba là ngọa cụ: đồ để ngủ. Ban đêm không thể không ngủ. Ngủ thì phải cúng dường họ ngọa cụ. Cái thứ tư là y dược. Khi họ bị bệnh, cúng dường họ thuốc men. Đây là tứ sự cúng dường như Pháp. Tuy nhiên hiện nay, ít người theo tứ sự cúng dường này, mà rất nhiều người đều cúng dường tiền tài. Cúng dường tiền tài là rất đáng sợ, tiền càng nhiều thì tâm tham càng nặng, sẽ đánh mất đạo tâm, vì tiền là thứ nhơ bẩn nhất, dễ đưa con người vào các đường tội lỗi, ác nghiệp. Phật có nói trong Kinh: “Tích tài, tán đạo”. Cách cúng dường này, là đẩy họ vào trong tam đồ mất. Đây là chúng ta đã làm sai việc. Tuy nhiên người xuất gia đối với tất cả phẩm vật cúng dường lại không thể không nhận. Phật nói phải nên có lòng từ bi vì tất cả chúng sanh gieo tạo phước điền, nhưng chúng ta phải tự nghĩ xem chính chúng ta có phải thật sự đoạn ác, tu thiện chưa? Thật sự có tư cách xứng đáng là ruộng phước điền cho tất cả chúng sanh chưa? Người xuất gia phải suy nghĩ như vậy, trước khi thọ nhận của cúng dường. Nếu như chẳng phải mãnh ruộng phước điền của chúng sanh, họ đến cúng dường cho chúng ta, chúng ta nhận thì phải mang nợ.

Người xưa nói rất hay: “Một hạt gạo của thí chủ lớn như núi Tu Di. Đời này không liễu đạo, thì đời sau mang lông đội sừng để đền trả”. Lời nói này sự thật vô cùng chính xác. Chúng ta ngày nay chọn lấy pháp môn niệm Tịnh độ; nói một cách khác, chúng ta đời này không vãng sanh Tây phương Cực lạc Thế giới thì tất cả phẩm vật cúng dường của thí chủ mà mình tiếp nhận đó, đều trở thành là nợ nần ở đời sau kiếp sau, đời đời kiếp kiếp khi gặp phải duyên, nhất định phải Hòan trả. Những đạo lý này, cùng chân tướng sự thật bên trong chúng ta đều phải rõ biết, có như thế thì mới biết được phải nên tu tập, cúng dường, hộ trì như thế nào? Người xuất gia phải tiếp nhận cách nào? Tôi biết được đạo lý này, tôi cũng rất âu lo, rất lo sợ. Nên khi Phật tử cúng dường tôi, có bao nhiêu tôi chuyển hết qua cho “Tịnh tông học hội” để in ấn Kinh sách, hoặc chuyển qua cúng dường hội “cư sĩ Lâm”, tôi chẳng biết trong phong bì đó có bao nhiêu tiền. Tại sao vậy? Vì tôi sợ mình ngày sau mắc nợ của thí chủ, nhất là việc tu hành của mình không bằng các bậc tiền xưa, nên chỉ nhận rồi cúng lại, chứ không dám giử tiền bạc.
 

Trích từ: Tịnh Độ Vấn Đáp