Phật tử tới đạo tràng xài điện nước hoang phí. Con muốn đạo tràng giải... Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi | Xem: 736


Câu Hỏi

Kính bạch Hòa thượng! Con muốn trên toàn thế giới, ở đâu cũng có người tham gia tu học, mong mọi người thấm nhuần được đạo lý của đức Phật. Nhưng khi đến các đạo tràng tu học Phật pháp ở Singapore, phần nhiều mọi người chẳng có ý thức, xử dụng điện nước rất lãng phí, con khuyên họ nên cúng dường lại cho chùa, để bù lại sự hao hụt đó. Thấy đạo tràng như thế, con muốn đạo tràng giải tán để khỏi mang tội. Con xin hỏi Hòa thượng theo cách nhìn của con như thế có đúng không? Xin Hòa thượng chỉ dạy cho con hiểu.

Trả Lời

Quan niệm này chẳng đúng, nhưng có tâm tiết kiệm như thế rất là tốt. Khi cầm nắm tiền bạc của tập thể, nhất định không được tuỳ ý sử dụng cho riêng mình. Nói tóm lại tu chính là sửa đổi những hành vi, quan niệm sai trái của chính mình. Phật dạy chúng ta tu hành, đạo tràng là nơi cung cấp tạo điều kiện cho chúng ta đến để cải đổi tập khí, thành tựu công đức, hiểu được ý nghĩa này, tự mình biết tiết kiệm tiết phước, còn mình là người Phật tử phải có tâm lượng rộng lớn, một người biết đi chùa lễ Phật là một duyên lành rất lớn, vì mới mẻ họ chưa quen những thanh quy, quy củ trong chùa thì mình từ từ hướng dẫn họ. Không nên đặt điều kiện quá khắt khe với những người sơ tâm, phải uyển chuyển, tùy duyên hướng dẫn họ thâm nhập đạo.

Đời nhà Đường “Mã Tổ kiến tạo tòng lâm, Bách Trượng lập thanh quy” khởi xướng cho mọi người cùng tu. Trước thời các Ngài, phần đông người tu hành ý thức tu tập rất cao, giữ gìn giới luật, oai nghi tinh tấn tu hành. Về sau, có một số ngươi tu hành, tinh thần giải đãi, lười biếng. Trước tình trạng như thế, các ngài xót thượng, đề xướng mọi người tập trung một chỗ để sách tấn nhau tu hành, mới dễ dàng chuyển hoá, khắc phục những tập khí của mình. Do đó, khi ở tập thể phải có nội quy trong sinh hoạt để mỗi người ý thức chấp hành chung mà thúc liễm thân tâm của mình. Cho nên người tu hành, nên dựa vào tập thể để tu tập thì rất nhanh tiến bộ. Một mình thì chẳng đủ năng lực để khắc phục, cần phải nương dựa vào năng lực của đại chúng, đây là một việc rất tốt. Thời đó kiến lập tòng lâm, chế thanh quy, dụng ý là như thế.

Do đó chúng ta đến đạo tràng tham học, cùng với mọi người tập tu, để tạo thành một tập thể cùng nhau tu học, thì mọi vật dụng đều dùng chung cho sinh hoạt tập thể. Nếu như chúng ta đến đạo tràng, tự mình sống riêng biệt, chẳng có hòa chung với đại chúng, chẳng cùng với đại chúng học tập, đó là sai rồi. Phật tử chẳng tuỳ thuận đại chúng, lỗi này trong “Giới Kinh” kết thành tội rất là nặng. Đây là biểu hiện sự phá hoại Tăng đoàn, thuộc về phá hòa hợp tăng, quả báo là đọa vào A tỳ địa ngục. Tôi thường khuyên nhắc các Phật tử, đạo tràng là chánh pháp, mỗi ngày niệm Phật giảng Kinh, tất cả đều theo quy củ, chúng ta sống trong đạo tràng có đại chúng tu tập, không theo nếp sanh hoạt, không hòa với mọi người, thì người đó khó tiến đạo. Tốt nhất nên rời khỏi đạo tràng này, đến hộ trì đạo tràng khác, tuyệt đối chẳng phá hoại sự tu tập đạo tràng đó, thì công đức Phật tử vô lượng, Phật tử đã làm một việc rất tốt. Còn mình không rời nơi đây, chẳng chịu tùy chúng, phá hoại sự tu tập, thì tội đó rất lớn, cuối cùng thì quả báo sẽ vào a tỳ địa ngục.

Trong tam quy y, có câu; “Quy y tăng chúng trung tôn.” Chúng tức là đoàn thể thanh tịnh và hòa hợp. Trong một xã hội có rất nhiều đoàn thể, tập thể. Nhà Phật cũng là một đoàn thể. Bốn người trở lên là một đoàn thể, còn gọi là “chúng”, chúng rất được tôn quý, mọi người đều tôn kính. Sao được mọi người tôn kính? Đó là Tăng chúng có sự hòa hợp, thanh tịnh thì được mọi người tôn kính. Trong Tăng chúng không tranh cãi, mọi người tuân thủ theo sáu pháp lục hòa, là đem lại sự hòa hợp của Tăng chúng, đây là nguyên tắc sống chung của tất cả đoàn thể trong xã hội. Nếu mình phá hoại quy củ của đoàn thể, thì tội này như thế nào? Nhất định vào đọa vào tam đồ ác đạo, điều này chúng ta cần phải chú ý.
 

Trích từ: Tịnh Độ Vấn Đáp