Phật Học Vấn Đáp


Con theo thời khoá tu hành nhưng không biết đến lúc lâm chung có được sáng suốt tỉnh táo vãng sinh không?
Kính bạch Hòa thượng! Trong gia đình, chỉ có mình con tu hành. Hiện tại, con theo thời khoá tu hành nhưng không biết đến lúc lâm chung có được sáng suốt tỉnh táo vãng sinh không? Xin Hòa thượng có mấy lời khai thị cho đệ tử rõ.

8/16/2022 11:16:57 AM
Câu hỏi này rất hay. Người tu hành phải có ý hướng như vậy! Chúng ta thấy trong quá khứ cũng như hiện tại bây giờ, có nhiều người công phu đắc lực, niệm Phật, đến lúc lâm chung biết trước giờ chết, tự tại vãng sinh. Qua đó, chúng ta thấy rằng, pháp môn niệm Phật thật là thù thắng. Chúng ta phải tu như thế nào? Quý Phật tử chúng ta nên quan sát học hỏi cách thức tu hành của những người thành tựu kia, họ tu cách gì, hành trì như thế nào mà thành tựu như thế? Điều này rất đáng cho chúng ta tham khảo học tập. Trong cuộc đời tu hành của mình, tôi đã gặp nhiều vị niệm Phật, đến khi ra đi biết trước ngày giờ. Điều này để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc. Trong những vị đó, tôi gặp một vị đệ tử của Pháp Sư Đế Nhàn: Niệm Phật được ba năm, khi lâm chung biết trước ngày giờ và Ngài đứng mà vãng sinh. Đặc biệt, vị này khi chưa xuất gia là bạn của Pháp sư Đế Nhàn. Sau này, được ngài Đế Nhàn giáo hoá nên giác ngộ đi tu và tôn ngài Đế Nhàn làm thầy bổn sư. Vì Hòan cảnh cuộc sống, trước đó ông làm nghề hàn vá soong nồi để kiếm sống qua ngày nên không biết chữ. Khi vào xuất gia có hai thời công phu sáng và tối mà ông học Hòai không thuộc. Ngài Đế Nhàn sợ nếu để ông ở đây thì khó Hòa với chúng, nên dễ sinh ra phiền não làm thối thất bồ đề tâm. Pháp Sư bèn đưa ông về một ngôi chùa ở miền quê, thuộc huyện Ninh Ba tu học tại đó. Pháp sư bảo ông đừng đi thọ giới, khỏi học nghi thức, nghi lễ gì cả, chỉ học một câu: “Nam Mô A Di Đà Phật”, cứ như thế mà trì niệm. Ngài nói: “Ông phải thành tâm mà niệm, niệm mệt rồi nghỉ, nghỉ xong lại tiếp tục niệm. Tương lai chắc chắn có lợi lạc lớn”. Ông ta chẳng biết có lợi lạc gì mà chỉ biết vâng lời thầy mà tu tập. Khi về ở ngôi chùa nhỏ, lão Pháp Sư Đế Nhàn đã nhờ vài Phật tử hộ trì và chu cấp thực phẩm cần thiết cho ông. Còn ông từ sáng đến tối cứ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, niệm mệt rồi nghỉ, nghỉ rồi lại niệm. Niệm được ba năm thì ông đã thành tựu, biết trước giờ chết. Hôm đó, ông nói với người nấu ăn trong chùa rằng: “Tôi lên thành phố để thăm mấy người bạn”. Khi trở về ông dặn tiếp bà rằng: “Ngày mai, bà đừng nấu cơm cho tôi”. Bà lão trong lòng nghi ngờ: Sư phụ thường ít ra ngoài, hôm qua chỉ đi ra ngoài một lần, có lẽ bạn bè mời ông ăn cơm nên ngày mai không cần mình nấu cơm. Ngày hôm sau, sắp đến giữa trưa, bà không an tâm nên vẫn đến chùa xem thử. Bà thấy Sư phụ đứng tần ngần trước sân, gọi ông, ông không trả lời. Bà chạy đến để nhìn kỹ, thì ra là ông đã chết! Đứng mà chết. Bà vội vàng tìm các Phật tử báo tin cho lão Pháp Sư Đế Nhàn ở chùa Quang Tông.

Lúc bấy giờ, không có phương tiện giao thông, thế là phải đi bộ mất hết ba ngày. Ông ta vẫn đứng đó ba ngày. Có người hỏi ông ta tu tập tu tập thế nào mà thành tựu như vậy? Đó là nhờ không có vọng niệm, tạp niệm, ông chỉ chuyên tâm niệm A Di Đà Phật. Trải qua ba năm thì nghiệp chướng tiêu trừ, thành tựu viên mãn. Quả thật đây là người có bản lãnh công phu tu tập, chẳng có nguyên nhân nào khác, chỉ cần buông bỏ các duyên, tín tâm niệm Phật. Nếu còn một tơ tưởng vấn vương, lo lắng thì bạn chẳng được thành tựu vì chính bạn không được tự tại. Chỉ đơn giản như vậy thôi, liệu chúng ta có làm được hay không? Và người thứ hai mà tôi gặp đã để lại một ấn tượng sâu sắc là Pháp Sư Tu Vô ở chùa Cực lạc, Cáp Nhĩ Tân. Bạn xem quyển Ảnh Trần Hồi Ký Lục trong đó có kể: Lúc chưa xuất gia, Ngài làm nghề thợ hồ, cũng xuất thân từ thành phần lao động nên không biết chữ. Sau khi xuất gia, Ngài làm công quả trong chùa, phục vụ đại chúng. Khi làm việc, Ngài không bao giờ buông bỏ câu A Di Đà Phật. Năm đó, ở chùa Cực lạc, lão Pháp Sư Đàm Hư mở một pháp hội truyền giới. Đây là pháp hội lớn nhất trong Phật môn, có thỉnh Hòa thượng Đế Nhàn làm đàn đầu truyền giới. Lễ truyền giới rất cần người phụ giúp nên pháp sư Đàm Hư đi khắp nơi để tìm người. Lúc đó có Pháp Sư Tu Vô, Pháp Sư Định Tây hộ giúp đàn giới. Pháp Sư Định Tây hỏi Ngài: “Thầy làm được việc gì?” Ngài nói: “Tôi phát tâm chăm sóc bệnh nhân tại giới tràng. Việc này rất quan trọng vì trong giới tràng có người đau ốm, cảm mạo, bệnh tật cần có người chăm sóc”. Ngài phát tâm đến phục vụ được 2 tuần thì một hôm, Ngài đến tìm lão Hòa Thượng Đàm Hư và Pháp Sư Định Tây đảnh lễ hai Ngài xin vắng mặt vài hôm. Ngài nói Ngài phải đi. Đàm Hư Hòa thượng rất từ, bi không quở trách gì cả, lại nói: “Thầy có việc cần thì cứ đi”. Pháp Sư Định Tây ngồi bên cạnh nghe thấy không chịu được nên nói: “Thầy phát tâm đến đây chăm sóc bệnh nhân, chỉ phục vụ có 2 tuần, truyền giới phải mất 2 tháng. Ít nhất thầy phải chờ đến khi giới đàn viên mãn rồi mới đi! Sao Thầy không có tí nhẫn nại nào cả?” Mặc dù bị trách móc nhưng Ngài chỉ nói: “Tôi không phải đi nơi khác mà là vãng sinh đến Cực lạc Thế giới”. Hai vị lão Hòa thượng thấy vậy, cho đây không phải chuyện bình thường, bèn hỏi Ngài: “Ngày nào đi vậy?” Ngài nói: “Có lẽ không ngoài nửa tháng, nên đến xin các Ngài nghỉ trước” Ngài còn thỉnh cầu Pháp Sư Định Tây chuẩn bị cho Ngài 200 cân củi nhóm lửa để chuẩn bị sau khi Ngài vãng sinh dùng cho việc hỏa thiêu. Hai vị Pháp Sư đồng ý chuẩn bị cho Ngài. Đến hôm sau Ngài lại tìm đến lão Hòa thượng, Lão Hòa thượng hỏi: “Việc gì vậy?” Ngài nói: “Thưa lão Hòa thượng!

Hôm nay con phải đi đây” Lập tức mọi người ra phía sau chùa tìm một căn phòng kê tạm một chiếc giường. Ngài ngồi xếp bằng trên đó và nói với Pháp Sư Định Tây rằng: “Nhờ thầy tìm cho tôi vài pháp sư trợ niệm để tiễn tôi đi”. Mọi người rất vui lòng, họ đến rất đông để trợ niệm giúp Ngài. Lúc trợ niệm những người này nói với Ngài rằng: “Thường những người trước khi vãng sinh đều làm thơ hoặc kệ để lưu lại đời sau. Thầy Tu Vô, Ngài cũng nên để lại cho chúng tôi một bài kệ chứ!” Ngài Tu Vô nói: “Tôi không bằng họ vì tôi không biết chữ nên không biết làm thơ, cũng không biết làm kệ” Tuy nhiên, cuối cùng Ngài đã nói một câu rất sâu sắc là: “Tu hành nhất định phải chân thật. Việc này quyết định không thể làm giả được!” Lời khai thị này tuy ngôn ngữ đơn giản nhưng mọi người nghe cảm thấy như một lời sách tấn, rồi tiếp tục niệm Phật. Niệm chưa đầy một khắc thì Ngài đi. Đây là chuyện vãng sinh xảy ra trong thời này. Gần đây nữa là ở Đài Loan, chúng tôi nghe có mấy vị cư sĩ tại gia niệm Phật biết trước giờ chết, tự tại vãng sinh. Khoảng ba năm về trước, có lần tôi ở tại Phật Quang Sơn tham dự buổi giảng ở trường Đại Học Phật Học. Ban đêm trăng rất đẹp, chúng tôi thả bộ đi quanh khuôn viên chùa, rồi đến ngồi bên bờ hồ phóng sanh ngắm trăng.

Chúng tôi ngồi ở đó thảo luận Phật pháp, liền đó có một công nhân đến chỗ chúng tôi kể rằng: Ở quê ông, tại thôn Tướng Quân, có một bà lão tánh tình hiền lương, từ bi hay thích giúp người. Khi còn sống, bà cũng không phân biệt rõ ràng cái gì gọi là Phật, cái gì gọi là thần. Phàm chỗ nào có chùa bà đều đến lễ bái, thắp hương lạy Phật, lạy thần. Sau thời gian cưới vợ cho con trai, cô con dâu biết Phật pháp khuyên bà đừng đi lễ lạy lung tung nữa. Trong nhà có bàn thờ Phật, khuyên bà nên ở nhà niệm A Di Đà Phật cầu sinh Tịnh độ. Bà lão rất có thiện căn, nghe theo lời của nàng dâu nên không đi lễ lạy lung tung nữa, một lòng tinh tấn niệm A Di Đà Phật. Ba năm sau, một hôm, trong lúc ăn cơm tối, bà lão nói với con trai và con dâu: “Các con cứ ăn đi, đừng chờ mẹ! Mẹ đi tắm một chút” Người nhà vẫn chờ bà để cùng ăn cơm. Chờ quá lâu, người nhà thắc mắc: “Lạ lùng thay, sao mẹ tắm lâu như vậy? Chúng ta đi xem thử!” Mọi người tìm trong phòng tắm không thấy bà, bà đã tắm xong từ lâu rồi, vào phòng ngủ cũng không có. Sau cùng, họ thấy bà đang đứng trước bàn Phật, mặc áo tràng rất ngay thẳng, chỉnh tề, trên tay cầm xâu chuỗi, mặt hướng về tượng Phật, đứng yên không cử động, gọi bà cũng không trả lời. Nhìn kỹ lại thì biết bà đã vãng sinh. Bà đứng mà vãng sinh. Chỉ là một bà lão tại gia niệm Phật trong vòng ba năm mà thành tựu công phu như vậy. Ông ta kể rằng dưới quê ông mọi người đều biết chuyện này. Câu chuyện ông ta kể đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng rất sâu. Cho nên làm thế nào niệm Phật để biết trước giờ chết, tự tại vãng sinh, đứng mà ra đi, ngồi mà ra đi. Chẳng có gì khác là muôn duyên buông xuống, nhất tâm hướng Phật thì bạn sẽ thành tựu. Nếu bạn còn dính mắc một tơ hào không buông được thì đó là ma chướng, làm chướng ngại việc vãng sinh, thậm chí còn làm chướng ngại công phu niệm Phật của bạn. Những việc này, chính mắt chúng tôi thấy và nghe được, có đến mười mấy vị. 
 
Trích từ:  Tịnh Độ Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi


Thẻ
Lâm Chung        Khai Thị        Tu Hành       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật